Demian (Tuổi Trẻ Cô Đơn, Vũ Đình Lưu dịch tiếng Việt năm 1968) là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Hermann Hesse (cùng với Siddartha, Narcissus and Goldmund, Steppenwolf, v.v.) Tác phẩm khắc họa một chân dung tâm lý (psychoanalysis portrait) (*) sống động nỗ lực thoát ly khỏi cái ước lệ của cuộc sống, vật lộn với tính nhị nguyên(**) thuộc bản chất con người, khai mở ý thức “sống” bên trong và cuộc hành trình tìm kiếm bản ngã và sự an bình nội tại.

Người đọc sẽ luôn day dứt với nhân vật bí ẩn Max Demian (và mẹ anh ta, Frau Eva): đó là một con người bằng xương, bằng thịt (bạn/mentor của chàng thanh niên Emil Sinclair ngơ ngác) trong truyện hay là ẩn dụ của Hermann Hesse chỉ “cái bóng/cái siêu ngã” của mỗi con người chúng ta dẫn dắt chúng ta đi vào thế giới tội lỗi (**) để tự khám phá ra cái khả thể vô cùng?

Ghi chú:
(*) Tác giả đã từng qua trị liệu phân tâm học với môn đệ của Carl Jung và sử dụng nguyên mẫu cùng hình tượng của Jung trong tác phẩm này.
(**) cái “thiện” và cái “ác”, chỉ xã hội nước Đức sau Thế Chiến thứ I.




***
Hermann Hesse đã từng viết: “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”. Cuộc đời ông đã trải qua vô vàn những thăng trầm đau đớn, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học.

Hermann Hesse là tác gia hiện đại nổi tiếng của Đức, ông sinh ngày 2/7/1877 ở Calw vùng Wũrttemberg (Đức) và mất ngày 9/8/1962 ở Montagnola (Thụy Sĩ).

Cha của ông đã sống ba năm ở Ấn Độ với tư cách là nhà truyền giáo, mẹ ông là con gái của nhà truyền giáo, nhà Ấn Độ học, tiến sĩ Hermann Gundert – một người có học vấn uyên thâm về Ấn Độ và có riêng một thư viện lớn.
Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse. Tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông – Tây để đi tìm một nhân loại thuần khiết, một nhân lọai sống trong cảnh bình yên.

Hermann Hesse là một trong những nhà văn hiện đại viết tiếng Đức được đọc nhiều nhất trên thế giới. Ông được tặng giải Nobel vì những tác phẩm mang đậm truyền thống nhân đạo cổ điển, thể hiện bằng một văn phong sáng tỏ. Nhiều tác phẩm của ông được cả bạn đọc Phương Tây lẫn Phương Đông yêu thích.
 
Cha Hermann Hess là mục sư – nhà truyền giáo người Đức gốc Estonia, mẹ là con gái nhà truyền giáo gốc Schwaben (Thụy Sĩ); ông lớn lên ở Đông Ấn. Nền giáo dục tôn giáo và tính di truyền đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân sinh quan của nhà văn tương lai. Nhưng H. Hesse không theo nghiệp thần học, trốn khỏi chủng viện Maulbronn (1892); sau nhiều đợt khủng hoảng thần kinh lặp đi lặp lại, sau một lần toan tự tử và trải qua điều trị trong các bệnh viện, ông học nghề thợ cơ khí một thời gian ngắn, rồi buôn sách ở Kalva và Basel.
 
Năm 1899, H. Hesse phát hành tập thơ đầu tiên Những bài ca lãng mạn và viết nhiều bài phê bình, nhưng ít được chú ý. Tiểu thuyết tân lãng mạn giáo huấn Peter Camenzind (1904) là sự thành công mang tính nghề nghiệp đầu tiên; từ đó H. Hesse hoàn toàn cống hiến cho sự nghiệp sáng tác văn học, chủ yếu viết truyện vừa và truyện ngắn với những yếu tố mang tính tự thuật. Cũng trong năm 1904 H. Hesse kết hôn với cô Mari Bernoulli người Thụy Sĩ (có ba con trai) và chuyển đến Gaienhofen, một vùng hẻo lánh ở Bodensee.
 
Năm 1924, ông trở thành công dân Thụy Sĩ. Sau khi kết hôn lần thứ hai với ca sĩ Ruth Wenger người Thụy Sĩ, và sau một khóa tâm lí trị liệu, ông xuất bản tiểu thuyết Sói đồng hoang (1927), một cuốn sách thuộc hàng best-seller.
 
Tiểu thuyết Trò chơi với chuỗi hạt cườm (xuất bản năm 1943) như một bản tổng hợp toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông và nâng lên một tầm cao chưa từng thấy vấn đề sự dung hòa đời sống tinh thần và thế tục. Trong thời kì đảng Quốc xã cầm quyền ở Đức, nhà văn sống “lưu vong” ngay trên đất nước mình. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1946.
 
Kể từ sau khi nhận giải ông không viết thêm được tác phẩm nào lớn, ngoài các tiểu luận, thư từ. Năm 85 tuổi ông mất khi đang ngủ vì xuất huyết não. Nhiều tác phẩm của H. Hesse đã được dịch sang tiếng Việt; có cuốn có đến hai ba bản dịch khác nhau; có cuốn được tái bản đến năm sáu lần.
 
 
* Tác phẩm:
 
 
– Peter Camenzind (1904), tiểu thuyết.
 
– Dưới bánh xe lăn (Unterm Rad, 1906), tiểu thuyết.
 
– Gertrud (1910), tiểu thuyết.
 
– Rosshalde (1914), tiểu thuyết.
 
– Knulp (1915), truyện vừa.
 
– Demian (1917), tiểu thuyết.
 
– Mùa hạ cuối cùng của Klingsors (Klingsors letzter Sommer, 1918), truyện vừa [Klingsor’s last summer].
 
– Siddhartha. Bản trường ca Ấn Độ (Siddhartha. Eine Indische Dichtung, 1920), tiểu thuyết.
 
– Thơ (Gedichte, 1922), tập thơ.
 
– Từ Ấn Độ (Aus Indien, 1923), kí, thơ.
 
– Sói đồng hoang (Der Steppenwolf, 1927), tiểu thuyết.
 
– Narziss và Goldmund (Narziss und Goldmund, 1929), tiểu thuyết.
 
– Đêm an ủi (Trost der Nacht, 1929), thơ.
 
– Hành trình về Phương Đông (Die Morgenlandfahrt, 1932), tiểu thuyết [The journey to the East].
 
– Trò chơi với chuỗi hạt cườm (Das Glasperlenspiel, 1943), tiểu thuyết.
 
– Chiến tranh và hòa bình (Krieg und Frieden, 1946), kí [War and peace].
 
 
* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
 
 
– Một kiếp giang hồ, Võ Toàn dịch, tập san Văn, 1966.
 
– Đôi bạn chân tình (nguyên tác: Narziss und Goldmund, tiểu thuyết), Vũ Đình Lưu dịch, NXB Ca Dao, 1967; NXB Hội Nhà văn, 2001.
 
– Tuổi trẻ và cô đơn (nguyên tác: Peter Camenzind, tiểu thuyết), Vũ Đình Lưu dịch, NXB Ca Dao, 1968; 1972.
 
– Sói đồng hoang (truyện vừa), Chơn Hạnh – Phùng Thăng dịch từ bản tiếng Pháp Le loup des steppes, NXB Ca Dao, 1969.
 
– Tuổi trẻ thần tiên (nguyên tác: Schön ist die Jugend), Bùi Quang Đông dịch, NXB Bông Hồng, 1972.
 
– Tuồng ảo hóa (nguyên tác: Das Glasperlenspiel), Nguyễn Ngọc Minh dịch, NXB Nguồn Sáng, 1972.
 
– Nhà khổ hạnh và gã lang thang (nguyên tác: Narziss und Goldmund, tiểu thuyết), Phùng Khánh dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1994; 1998 và 2001.
 
– Narcisse và Goldmuld (tiểu thuyết), Viễn Nguyên dịch, NXB Lao Động, 2001.
 
– Câu chuyện của dòng sông (nguyên tác: Siddhartha, tiểu thuyết), Phùng Khánh – Phùng Thăng dịch, NXB An Tiêm, 1967; NXB Lá Bối, 1965-1966; NXB Hội Nhà Văn, 1988-1996-1998-2001.
 
– Huệ tím và những chuyện khác (nguyên tác: Iris und andere Märchen), Thái Kim Lan tuyển dịch, NXB Đà Nẵng, 1998.
 
– Tuổi trẻ băn khoăn (nguyên tác: Demian, tiểu thuyết), Hoài Khanh dịch, NXB Ca Dao, 1968-1971-1974; NXB Hội Nhà Văn, 1998.
 
– Hành trình sang Đông Phương (nguyên tác: Die Morgenlandfahrt, bút kí), Hoài Khanh dịch, NXB Ca Dao, 1967; NXB Hội Nhà Văn, 2001.
 
– Mối tình của chàng nhạc sĩ (nguyên tác: Gertrud, tiểu thuyết), Vũ Đằng dịch, NXB Ca dao, 1972; NXB Hội Nhà Văn, 2001.
 
– Tuổi trẻ, tuổi trẻ vàng son, Trần Phong Giao – Hoàng Ưng dịch, in trong Truyện ngắn Đức, NXB Lao Động, 2002.
 
– Bài học tình yêu hay chuyện chàng Augustus, Iris – Huệ tím, Chuyện hóa thân của Bích Thảo (3 truyện cổ tích viết theo lối mới), Thái Kim Lan dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3 năm 1998.
 

Mời các bạn đón đọc Tuổi Trẻ Và Cô Đơn của tác giả Hermann Hesse.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.