Cuốn sách là câu chuyện kỳ diệu nhất về kinh doanh trong nhiều thập kỷ qua của một cửa hàng cà phê nhỏ ven sông, giờ thành một trong những công ty khổng lồ.
Starbucks chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam vào ngày 1/2. Một thương hiệu nổi tiếng thế giới và thành công rực rỡ trên nhiều quốc gia khác như Starbucks liệu có chinh phục được thị trường người dùng vốn rất khắt khe với cà phê và coi cà phê như một trong những nét văn hóa hàng ngày này? Đằng sau thành công của Starbucks là những bí mật gì?
Hãy cùng nghiên cứu cuốn sách mang tên Dốc hết trái tim – tựa gốc Pour your heart into it do chính Howard Schultz – người sáng lập ra Starbucks, viết cùng vị tác giả nổi tiếng Dori Jones Yang.
Cuốn sách dày 488 trang hoàn toàn không có mục đích kể về cuộc đời ông chủ của Starbucks hay những tư liệu kinh doanh xuyên suốt chiều dài lịch sử thành lập và hoạt động của công ty. Nó đơn thuần nói về niềm đam mê gắn kết những con người thành một đội ngũ vững chắc nhất, liên kết với nhau trong một mạch nối liền của cảm hứng sáng tạo bất tận và những nỗ lực không mệt mỏi vì một mục tiêu và ước mơ chung: dốc hết trái tim vào những gì mình cung cấp cho khách hàng để đem lại cho họ những trải nghiệm tuyệt vời và đặc biệt nhất.
Từ một quán cà phê nhỏ ven sông ở Seattle, giờ đây, Starbucks trở thành chuỗi cà phê nổi tiếng thế giới, vượt mặt nhiều đối thủ đình đám và ngày càng có thêm nhiều những cửa hàng và chi nhánh mới mọc lên.
Tuy nhiên, sự gia tăng của độ phủ sóng từ các cửa hàng không tỷ lệ nghịch với chất lượng cà phê mà Starbucks cam kết mang đến cho những khách hàng của họ. Điều gì đã khiến cho Starbucks luôn giữ vững được cam kết ấy? Đó, không gì khác chính là đam mê. Chính đam mê đã khiến cho Howard Schultz từ bỏ công việc với khoản lương cực lớn để dấn thân cho đam mê của riêng mình, yêu và truyền cảm hứng tình yêu café Ý cho toàn nước Mỹ…
Dốc hết trái tim là một quyển sách truyền cảm hứng, nâng tinh thần cho những ai có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và đang theo đuổi những ước mơ của mình. Quyển sách không nói về cà phê mà về lãnh đạo, niềm đam mê, sự kiên nhẫn, cam kết và tình yêu đối với mọi thứ mà chúng ta làm trong khi những người khác đã từng nghĩ là không thể.
“Nếu bạn dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, hoặc vào bất cứ một doanh nghiệp nào thích đáng, bạn có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Đó là điều viết nên câu chuyện cuộc sống với một kết thúc có hậu.
Bất cứ ai, dù đang chuẩn bị khởi nghiệp hay đã là những chủ doanh nghiệp, cũng sẽ tìm thấy trong quyển sách này những bài học tuyệt vời về kinh doanh và nghệ thuật lãnh đạo được gói trong một câu chuyện lôi cuốn như một cuốn tiểu thuyết. Đó là bài học về xây dựng một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đúng nghĩa” – NXB Trẻ.
Chỉ bằng trái tim ta mới nhìn đúng được vạn vật.
Những thứ cốt lõi đều không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Starbuck ngày hôm qua là thành quả của hai nhân tố quan trọng. Nhân tố thứ nhất là Starbucks thời kỳ đầu, thành lập năm 1971, một công ty tràn đầy nhiệt huyết với quyết tâm mang lại cho khách hàng loại cà phê đẳng cấp thế giới và mong muốn chứng tỏ cho khách hàng thấy rằng cà phê có thể trở nên tuyệt vời đến thế nào.
Nhân tố thứ hai là tầm nhìn và những giá trị mà tôi mang đến cho công ty: sự kết hợp giữa định hướng cạnh tranh và khao khát muốn tất cả mọi người trong tổ chức đều có thể sánh bước cùng nhau đi đến chiến thắng. Tôi muốn pha cả sự lãng mạn vào từng tách cà phê, muốn can đảm nỗ lực để đạt được điều mà người khác cho rằng không thể, muốn thách thức nghịch cảnh bằng những ý tưởng sáng tạo, và muốn làm tất cả những điều này bằng sự tinh tế và bằng phong cách của riêng mình.
Trên thực tế Starbucks sẽ khó lòng đến vị trí ngày hôm nay nếu không có tác động của cả hai nhân tố đó.
Vào thời điểm tôi khám phá ra Starbucks, thương hiệu này đã phát triển được mười năm. Tôi biết được lịch sử hình thành ban đầu của nó qua lời kể của những thành viên sáng lập và tôi sẽ thuật lại cho các bạn nghe câu chuyện đó ở Chương Hai. Trong cuốn sách này, tôi sẽ kể lại câu chuyện theo đúng cái cách mà tôi kinh qua nó, bắt đầu những năm tháng đầu tiên của đời tôi, bởi lẽ đa số các giá trị hình thành nên sự lớn mạnh của Starbucks ngày hôm này bắt nguồn từ một căn hộ chung cư chật chội ở Brooklyn, New York.
XUẤT THÂN HÈN KÉM CÓ THỂ KHƠI DẬY TRONG BẠN CẢ NGHỊ LỰC LẪN TÌNH YÊU
Có một điều tôi nhận thấy ở những người theo chủ nghĩa lãng mạn: Họ cố gắng tạo ra một thế giới tươi mới và tố đẹp hơn sự buồn tẻ của cuộc sống thường nhật. Đó cũng chính là cái đích mà Starbucks nhắm tới. Chúng tôi cố gắng biến những cửa hiệu của mình thành một ốc đảo, nơi bạn có thể nghĩ ngơi sau một ngày mệt nhọc, thưởng thức một bản jazz và suy nghĩ vẫn vơ về cuộc sống bên tách cà phê.
Những kiểu người nào thường mơ về một nơi như thể?
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi tin rằng khi xuất thanh của bạn càng tầm thường, bạn lại càng có xu hướng muốn dùng trí tưởng tượng của mình để khám phá những thế giới nơi mọi thứ dường như đều có thể xảy ra.
Điều này tất nhiên hoàn toàn đúng trong trường hợp của tôi.
Khi tôi mới ba tuổi, gia đình tôi chuyển khỏi căn hộ của bà nội để sống ở Khu Quy Hoạch Bayview vào năm 1956. Khu này nằm ngay trung tâm Canarsie, trên vịnh Jamaica, cách sân bay và đảo Coney khoảng 15 phút chạy xe. Thời đó, Khu Quy Hoạch chẳng tệ chút nào, nó trông khá thân thiện, lại bề thế và sum suê cây cối với khoảng một tá khu nhà xây gạch cao tám tầng, tất cả đều mới toanh. Trường tiểu học P.S. 272 nằm ngay bãi đất quanh Khu Quy Hoạch, có cả sân chơi, sân bóng rổ, và sân trường thì được lát gạch tinh tươm. Thế nhưng, chẳng ai tự hào khi được sống ở Khu Quy Hoạch cả, bố mẹ chúng tôi đều là những người mà ngày nay gọi là “dân lao động nghèo”.
Tuy vậy, tôi vẫn có rất nhiều ký ức hạnh phúc trong suốt thời thơ ấu của mình. Lớn lên ở Khu Quy Hoạch góp phần hình thành trong tôi một hệ thống giá trị cân bằng vì nó buộc tôi phải sống hòa đồng với rất nhiều kiểu người khác nhau. Riêng khu chúng tôi đã có tới 150 gia đình, và chúng tôi dùng chung một cái thang máy bé tẹo. Căn hộ nào cũng nhỏ xíu, và gia đình tôi lúc đầu phải nhồi nhét nhau trong một căn chật nêm chỉ có hai phòng ngủ.
Bố và mẹ tôi đều xuất thân từ tầng lớp lao động, đã hai đời sinh sống ở nhánh Tây New York thuộc Brooklyn. Ông nội tôi mất sớm nên bố tôi phải thôi học và làm việc khi mới thanh niên. Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, ông làm quân y cho Quân đội tại Nam Thái Bình Dương, New Caledonia và Saipan, nơi ông mắc bệnh số vàng da và sốt rét. Hậu quả là phổi ông rất yếu, và thường xuyên bị cảm hàn. Chiến tranh kết thúc, ông làm một loạt các công việc tay chân khác nhau nhưng không tìm được việc đúng với ước mơ của mình, bố tôi chưa bao giờ vạch ra được một hướng đi nào cho cuộc đời mình.
…
Mời các bạn đón đọc Dốc Hết Trái Tim của tác giả Howard Schultz.
Chia sẻ ý kiến của bạn