Lời nói đầu
Các thông tin thực tế, thiết thực có thể hỗ trợ những người có tiềm năng khởi nghiệp bằng cách nào? Tôi đã mở nhiều công ty, quản lý các cơ quan lớn nhỏ khác nhau, là một nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện công việc tư vấn cho các công ty lớn, các chính phủ về đổi mới sáng tạo, đồng thời tôi cũng là một giáo sư. Trong 10 năm, tôi rất vinh dự khi là người đứng đầu Tổ chức Kauffman, “Tổ chức dành cho Khởi nghiệp” tại thành phố Kansas. Trong suốt quãng thời gian đó, tôi thấy mình thật may mắn khi được tiếp xúc với các doanh nhân thành đạt, những người khởi nghiệp mang trong mình khát vọng lớn, các nhà đầu tư và những người mang tầm nhìn kinh doanh.
Những trải nghiệm này đã giúp tôi đúc kết ra một điều là mọi ý nghĩ về cách thức, thời gian và lý do thành lập công ty mà chúng ta hay nghĩ tới có lẽ sai mất rồi. Là một người làm kinh tế, tôi bắt đầu đặt cái nhìn nghi ngờ của mình vào những quan niệm ẩn sâu nhưng lại có một sức ảnh hưởng to lớn, đặc biệt là các quan niệm áp dụng vào mô hình thành công mới trong kinh doanh. Các quan niệm trong kinh doanh dường như được đúc kết nên từ chính những câu chuyện và những tình huống đã xảy ra trong thế giới kinh doanh trước đó.
Đó là lý do vì sao trong năm 2002, tôi đã phải nắm lấy cơ hội điều hành Tổ chức Kauffman. Với nguồn vốn 2 tỷ đô, Ewing Marion Kauffman, nhà sáng lập của một công ty dược phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo tại thành phố Kansas, đã thành lập nên tổ chức này. Tổ chức Kauffman là tổ chức phúc thiện lớn nhất thế giới, được thành lập với mục đích tăng cường thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Đây là một thách thức mà chắc chắn tôi phải đối mặt: tôi biết khi các doanh nghiệp mới liên tiếp ra đời, xã hội của chúng ta sẽ phát triển và đi lên. Tôi cũng hiểu rằng những gì mà người khởi nghiệp đã làm là quá lớn và quan trọng, vậy nên chỉ bằng những đoạn văn nhỏ lẻ, không có dẫn chứng thì làm sao có thể miêu tả hết được cái lớn và cái quan trọng đó? Và sau cùng, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mang đến cho chúng ta những sản phẩm và dịch vụ vượt ngoài sức tưởng tượng, tạo ra nhiều công việc mới cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra các phúc lợi tốt hơn. Người khởi nghiệp chính là nguồn lực quốc gia, một nguồn lực vô cùng giá trị và họ không nên trở thành đề tài của những cách ngôn không được chứng minh và khoác lên mình cái vẻ giống như lời khuyên kinh doanh.
Tổ chức Kauffman cung cấp một nền tảng nhằm chiêu mộ một đội ngũ những người làm kinh tế. Những người này đóng vai trò là những người khởi tạo nghiên cứu chuyên sâu, giải quyết câu hỏi: Làm thế nào để các doanh nghiệp mới thực sự được tạo dựng và phát triển? Đội ngũ nghiên cứu tiến hành tìm hiểu rộng hơn về những công trình để lại của hai nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn là Joseph Schumpeter và William Baumol. Họ chính là những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khởi nghiệp, trước cả khi mọi người biết đánh vần hai chữ “khởi nghiệp”, chứ chưa nói đến ý nghĩa thực sự của hai chữ này. Dựa vào hoạt động nghiên cứu trong Tổ chức Kauffman và các suất học bổng được Kauffman tài trợ, hàng loạt các nghiên cứu thực nghiệm về những người khởi nghiệp đã ra đời, từ đó dẫn đến những “sự thật ngầm hiểu” mà mọi người giờ đây ai cũng nắm rõ. Ví dụ như trước đây, chúng ta không thể hiểu rõ lý do vì sao các công ty trẻ lại tạo ra được 80% các công việc mới trong nền kinh tế; hoặc lý do vì sao các doanh nghiệp mới đó lại đóng một vai trò quan trọng trong quá trình mở rộng nền kinh tế. Ngày nay, chúng ta phải lấy làm vui mừng khi chủ đề khởi nghiệp được nhắc đến trong mọi cuộc thảo luận về tăng trưởng kinh tế. Kauffman là nơi có những con người đầu tiên dùng hết chất xám cũng như kinh nghiệm của mình để nghiên cứu về cách thức khởi nghiệp mới. Nhờ vào đó nên chúng tôi hiểu rất rõ về cách các doanh nghiệp hình thành, phát triển và cần phải làm gì để cải tiến những cơ hội thành công.
Cuốn sách này sẽ hé lộ cho bạn những gì mà các nghiên cứu đã tìm ra; đi cùng với đó là những kinh nghiệm của những người khởi nghiệp mà tôi đã gặp, tập trung chủ yếu vào hướng dẫn thực tiễn và các bài học rút ra. Cuốn sách cũng giúp bạn thấy được cách thức hình thành một công ty thực sự là gì, và làm thế nào để công ty phát triển và đạt được sự thịnh vượng. Bốn chương đầu tiên sẽ nói về mọi thứ liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp. Bốn chương tiếp theo sẽ là những bài học rút ra từ các bậc tiền bối đi trước. Phần cuối cùng sẽ dành cho những sự việc xảy ra trong thực tế, có dữ liệu chứng minh đi kèm, không phải là các câu chuyện đồn thổi. Ngoài ra trong phần cuối này tôi cũng sẽ đề cập đến những hướng dẫn thực tế từ những người khởi nghiệp thành công.
Một doanh nhân vĩ đại người Mỹ, người đã sáng lập nên công ty riêng khi trong tay không có một tấm bằng đại học, một bản kế hoạch kinh doanh, một vườn ươm khởi nghiệp, một nhà cố vấn dày dạn kinh nghiệm hay một nhà đầu tư mạo hiểm. Ông luôn đi theo phương châm mà nhiều người nên đi theo ngày nay: “Tạo việc chứ không nhận việc”. Ông đã dùng cơ đồ của mình để giúp người khác thấy rằng khởi nghiệp là một lựa chọn ai cũng có thể có. Giống như nhiều nhân vật có tiếng tại Mỹ, Ewing Kauffman tự nhìn nhận cuộc đời của mình là một cuộc đời bình thường của một người Mỹ bình thường, xuất thân từ tầng lớp thấp, đạt được thành công nhờ vào sáng kiến cá nhân và chăm chỉ làm việc trong một đất nước tự do, luôn tạo động lực cho biết bao con người đi tìm kiếm, phát triển và áp dụng tài năng của mình vào trong kinh doanh. Tổ chức Kauffman chính là hiện thân cho chọn lựa vĩ đại của Kauffman khi ông muốn trả ơn cộng đồng bằng cách thắp sáng con đường cho những ai sẵn sàng đương đầu với những rủi ro cá nhân để tạo dựng nên các doanh nghiệp nhằm tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người khác. Chân thành cảm ơn, ngài Kauffman.
Tôi mong được gửi những lời cảm ơn chân thành nhất đến những người thầy đã đi qua trong cuộc đời tôi, những người đã dạy tôi cách liên kết những sự việc có được thông qua những trải nghiệm để đưa ra các quyết định hành động. Đó là Giáo sư John P. White; W. Lee Hansen; Rogers C. B. Hollingsworth; cố bác sĩ Robert M. Heyssel, Chủ tịch Bệnh viện John Hopkins; và Michael Novak tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới các đồng nghiệp mà tôi đã có vinh dự được cùng làm việc trong khoa cùng các sinh viên mà tôi giảng dạy tại trường Đại học Syracuse. Elizabeth Liddy, Hiệu trưởng Trường Khoa học Thông tin, là người đi đầu trong đào tạo khởi nghiệp và là một người bạn thân thiết của tôi trong trường. Jake Smarr, người đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong nghiên cứu và Lois Elmore, người luôn đưa ra những dự đoán chính xác giúp tôi.
Lời cảm ơn tiếp theo tôi xin dành cho AJ Sidhu, người giúp tôi quản lý bản thảo và cổ vũ tôi trong suốt quá trình viết cuốn sách này. Alice Martell, người nhân viên tốt nhất, luôn kiên nhẫn và hòa nhã, cho tôi những lời động viên, khích lệ khi cần.
Mọi tác giả đều có những lời cảm ơn gửi đến gia đình. Tôi cũng vậy, tôi cần gửi một lời cảm ơn sâu sắc đến người vợ của mình, Ellyn Brown khi luôn là nguồn động lực cũng như nguồn ý tưởng cho tôi.
Cuối cùng, tôi xin nhớ về một người đã giúp tôi hình thành nên quan điểm về khởi nghiệp. Ông là Paul Magelli, một nhà kinh tế học giảng dạy tại khoa Kinh tế thuộc trường Đại học Illinois trong hơn 40 năm. Ông mất vào thời điểm tôi vừa hoàn thành xong bản thảo cho cuốn sách này. Ông là một hình mẫu tuyệt đẹp về một người giáo sư tài trí, sâu sắc, luôn hào phóng với sinh viên của mình. Ông biến tất cả những sinh viên trở thành bạn của mình. Tôi thật may mắn khi nằm trong số những người được ông thắp sáng cuộc đời.
Mời các ban đón đọc Burn The Business Plan – Câu Chuyện Khởi Nghiệp Từ Những Gã Khổng Lồ Công Nghệ của tác giả Carl J. Schramm.
Chia sẻ ý kiến của bạn