Ebook Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp Lần 3
Nền văn minh công nghiệp của chúng ta đang đứng giữa ngã ba đường. Những nguồn năng lượng từ dầu mỏ và năng lượng hóa thạch khác − những thứ tạo nên các ngành công nghiệp đang dần cạn kiệt, và những công nghệ dựa trên nguồn năng lượng này đã trở nên lỗi thời. Các cơ sở hạ tầng công nghiệp có nền tảng từ nhiên liệu hóa thạch đang trở nên cũ kỹ và hư hỏng. Kết quả là nạn thất nghiệp gia tăng đến mức đáng báo động trên toàn thế giới. Các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng đang sống ngập trong nợ nần và mức sống giảm mạnh. Con số kỷ lục là 1 tỷ người – gần 1/7 dân số toàn nhân loại, đang phải đối mặt với nạn đói và thiếu ăn.
Điều tồi tệ hơn, biến đổi khí hậu do các hoạt động công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra đang chực chờ đe dọa. Các nhà khoa học cảnh báo rằng chúng ta đang phải đối mặt với sự thay đổi nguy hiểm về nhiệt độ và cấu tạo của hành tinh, đe dọa phá vỡ cân bằng các hệ sinh thái trên khắp thế giới. Các nhà khoa học lo ngại rằng chúng ta có thể đang ở bên bờ một sự tuyệt chủng hàng loạt động thực vật vào cuối thế kỷ này, khiến cho sự sinh tồn của chính con người bị lâm nguy. Sự cần thiết phải có một kế hoạch kinh tế đưa con người đến một tương lai công bằng và bền vững hơn ngày càng trở nên rõ ràng.
Từ những năm 1980, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp dựa vào nhiên liệu hóa thạch đã lên đến đỉnh cao và sự biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tạo nên một cuộc khủng hoảng lan rộng khắp hành tinh với quy mô chưa từng có. Trong 30 năm qua, tôi đã tìm kiếm một mô hình mới có thể mở đầu cho kỷ nguyên hậu carbon. Với những phát hiện của mình, tôi nhận ra rằng những cuộc cách mạng về kinh tế vĩ đại trong lịch sử xảy ra khi các công nghệ truyền thông kết hợp với các hệ thống năng lượng mới.
Các hệ thống năng lượng mới cho phép tạo nên nhiều hoạt động kinh tế phụ thuộc lẫn nhau hơn và trao đổi thương mại mở rộng hơn cũng như thúc đẩy các mối quan hệ xã hội sâu rộng hơn. Những sự cải cách về truyền thông đi kèm trở thành phương tiện để tổ chức và quản lý những động lực không gian và thời gian mới nảy sinh từ những hệ thống năng lượng mới.
Vào giữa thập niên 1990, tôi nhận ra rằng một sự hội tụ mới của truyền thông và năng lượng đang dần hình thành. Công nghệ Internet và những nguồn năng lượng tái tạo chuẩn bị kết hợp lại để tạo nên một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ mới cho một cuộc Cách mạng Công nghiệp lần 3 (TIR) sẽ làm thay đổi thế giới. Trong kỷ nguyên đang tới, hàng trăm triệu người sẽ tự sản xuất năng lượng xanh tại nhà, văn phòng và nhà máy của họ đồng thời chia sẻ với nhau thông qua một “mạng Internet năng lượng”, cũng như cách chúng ta tạo ra và chia sẻ thông tin trực tuyến hiện nay. Sự dân chủ hóa về năng lượng sẽ tái sắp xếp về cơ bản các mối quan hệ giữa con người với nhau, tác động đến cách thức chúng ta kinh doanh, quản lý xã hội, giáo dục con em mình và tham gia vào đời sống dân sự.
Tôi đã giới thiệu về tầm nhìn cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 trong chương trình quản trị cao cấp (AMP) của trường kinh doanh Wharton – đại học Pennsylvania, nơi tôi là giảng viên cao cấp trong 16 năm qua về những xu hướng mới trong khoa học công nghệ, nền kinh tế và xã hội. Chương trình kéo dài 5 tuần giúp các CEO và lãnh đạo kinh doanh trên khắp thế giới tiếp cận với các vấn đề đang nổi cộm và những thách thức họ sẽ gặp phải trong thế kỷ XXI. Ý tưởng này nhanh chóng được lan truyền trong giới kinh doanh và trở thành một thuật ngữ chính trị được các nguyên thủ quốc gia trong Liên minh châu Âu sử dụng.
Từ trước năm 2000, Liên minh châu Âu đang ráo riết theo đuổi những chính sách nhằm cắt giảm mạnh lượng tiêu thụ carbon và chuyển sang một kỷ nguyên kinh tế bền vững. Người dân châu Âu chuẩn bị cho các mục tiêu và cột mốc, sắp xếp lại các ưu tiên về nghiên cứu và phát triển, đặt ra các bộ luật, quy định và tiêu chuẩn cho một chặng đường kinh tế mới. Ngược lại, nước Mỹ lại đang bận rộn với những công cụ và “ứng dụng hàng đầu” mới nhất đến từ thung lũng Silicon, và những người sở hữu nhà đầy hứng khởi về một thị trường bất động sản đang tăng trưởng từ những khoản vay thế chấp dưới chuẩn.
Rất ít người Mỹ quan tâm đến những dự báo về giá dầu mỏ leo thang hay cảnh báo về biến đổi khí hậu đáng lo ngại, và những dấu hiệu ngày càng rõ rệt rằng bên dưới bề mặt, nền kinh tế đang bất ổn. Có một không khí hài lòng, thậm chí tự mãn trên cả nước, một lần nữa xác nhận niềm tin rằng sự thịnh vượng của nước Mỹ thể hiện sự ưu việt hơn các nước khác.
Nhưng ngay cả nước Mỹ hay các chính phủ khác cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích. Và trước khi những người Mỹ tự mãn về tầm quan trọng của mình, chúng ta nên để ý rằng liên minh châu Âu là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chứ không phải Mỹ hay Trung Quốc. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của 27 quốc gia EU lớn hơn GDP của nước Mỹ. Trong khi EU không có nhiều hiện diện quân sự trên toàn cầu, đây là một thế lực hùng mạnh trên đấu trường quốc tế. Hơn nữa, EU gần như là chính phủ duy nhất đang đặt ra những câu hỏi lớn về khả năng tồn tại của chúng ta trên trái đất trong tương lai.
Trong 10 năm qua, tôi đã dành hơn 40% thời gian ở châu Âu, nhiều khi đi đi về về hàng tuần qua Đại Tây Dương, làm việc với các chính phủ, giới doanh nhân và các tổ chức xã hội dân sự để đẩy nhanh cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3.
Vào năm 2006, tôi bắt đầu làm việc với các lãnh đạo của Nghị viện châu Âu để soạn thảo một kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng Cách mạng công nghiệp lần III. Sau đó vào tháng 5/2007, Nghị viện châu Âu đưa ra một tuyên bố chính thức bằng văn bản ủng hộ Cách mạng công nghiệp lần III làm tầm nhìn và lộ trình kinh tế dài hạn cho Liên minh châu Âu. Kế hoạch này hiện đang được tiến hành bởi nhiều tổ chức thuộc Ủy ban châu Âu cũng như tại các nước thành viên.
Một năm sau, vào tháng 10/2008, chỉ vài tuần sau sự sụp đổ của kinh tế toàn cầu, văn phòng của tôi nhanh chóng tổ chức một cuộc họp tại Washington gồm 80 CEO và viên chức cấp cao từ các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng, kiến trúc, bất động sản, CNTT, điện lực, vận tải và giao nhận để thảo luận cách thức biến khủng hoảng thành cơ hội. Các lãnh đạo kinh doanh và hiệp hội thương mại tham dự cuộc họp đều đồng ý rằng họ không thể độc hành nữa và cam kết tham gia xây dựng một mạng lưới Cách mạng công nghiệp lần III để làm việc với các chính phủ, doanh nghiệp địa phương và các tổ chức xã hội dân sự nhằm hướng đến mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu sang kỷ nguyên hậu carbon toàn diện. Nhóm phát triển kinh tế, gồm có các công ty Philips, Schneider Electric, IBM, Cisco Systems, Acciona, CH2M Hill, Arup, Adrian Smith + Gordon Gill Architecture, Q-Cells và một số công ty khác đều là những công ty có quy mô đầu ngành trên thế giới và hiện đang làm việc với các thành phố, khu vực và các chính phủ để phát triển các bản quy hoạch tổng thể nhằm chuyển đổi nền kinh tế của họ sang các cơ sở hạ tầng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3.
Tầm nhìn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 đang lan truyền nhanh chóng sang các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Vào ngày 24/5/2011, tôi đã trình bày về kế hoạch kinh tế Cách mạng công nghiệp lần III với 5 trụ cột tại Hội nghị kỷ niệm 15 năm Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) tại Paris, với sự tham gia của các nguyên thủ và bộ trưởng của 34 quốc gia thành viên. Bài phát biểu này diễn ra cùng với sự ra mắt kế hoạch kinh tế tăng trưởng xanh của OECD – một tiền đề để chuẩn bị cho các quốc gia trước một tương lai công nghiệp hậu carbon.
Cuốn sách này là một diễn giải của người trong cuộc về tầm nhìn và mô hình phát triển kinh tế theo cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 đang đến, gồm cả quan sát về các đặc điểm và nhân tố là các nguyên thủ, CEO toàn cầu, doanh nhân xã hội và các tổ chức phi chính phủ − những người đang tiên phong trong việc thực hiện tầm nhìn này.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch của EU cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 , tôi đã may mắn được làm việc với các nguyên thủ hàng đầu của châu Âu, gồm có thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Ý Romano Prodi, thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodríguez Zapatero, chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso và 5 vị chủ tịch của Hội đồng châu Âu.
Người Mỹ có thể học hỏi gì từ châu Âu? Tôi tin là có. Chúng ta cần bắt đầu bằng việc quan sát thật kỹ những gì bạn bè châu Âu đang nói và nỗ lực thực hiện. Dù có thiếu sót, cộng đồng châu Âu ít nhất cũng đang nỗ lực tìm hiểu và đối mặt với thực tế là kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch đang suy tàn, và họ đang bắt đầu lên kế hoạch cho một tương lai xanh. Không may là hầu hết người Mỹ vẫn không muốn thừa nhận cơ chế kinh tế đã hỗ trợ đắc lực cho chúng ta trong quá khứ hiện đang thoi thóp. Giống như châu Âu, chúng ta cần phải thừa nhận và sửa chữa sai lầm.
Nhưng chúng ta có thể đóng góp điều gì? Trong khi châu Âu đã tìm ra một diễn giải hấp dẫn, không ai có thể kể câu chuyện này hay hơn nước Mỹ. Đại lộ Madison, Hollywood và thung lũng Silicon đều xuất sắc trong việc này. Điều khiến nước Mỹ khác biệt không đơn thuần là trình độ sản xuất hay sức mạnh quân sự của chúng ta, mà nằm ở khả năng phi thường trong việc hình dung ra một tương lai rõ ràng và sống động khiến người ta tưởng như họ đã đi đến đích mặc dù còn chưa rời nhà ga. Khi người Mỹ thực sự nắm được diễn giải về cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3, chúng ta sẽ có khả năng cao nhất để tiến nhanh tới việc biến giấc mơ đó thành hiện thực.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 là cuộc cách mạng cuối cùng trong các cuộc Cách mạng công nghiệp vĩ đại và sẽ tạo nền tảng cho một kỷ nguyên hợp tác đang hình thành. Kế hoạch xây dựng hạ tầng cho TIR trong 40 năm sẽ tạo ra hàng trăm nghìn doanh nghiệp mới và hàng trăm triệu việc làm. Sự chuẩn bị này hoàn tất sẽ đặt dấu chấm hết cho quá trình thương mại kéo dài 200 năm với đặc điểm lối tư duy công nghiệp, các thị trường kinh doanh, lực lượng lao động hàng loạt và sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của hành vi hợp tác, các mạng xã hội và những lực lượng lao động quy mô nhỏ có tính chuyên nghiệp và kỹ thuật cao. Trong nửa thế kỷ tiếp theo, cách thức điều hành kinh doanh tập trung hóa truyền thống của các cuộc Cách mạng công nghiệp lần I và lần II sẽ ngày càng được thay thế bởi các tập quán kinh doanh phân tán của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3, và việc tổ chức kinh tế và quyền lực chính trị theo cấp bậc truyền thống sẽ mở đường cho quyền lực ngang hàng được tổ chức theo các nút trong xã hội.
Thoạt tiên, khái niệm quyền lực ngang hàng có vẻ vô cùng mâu thuẫn với cách chúng ta từng biết về các mối quan hệ quyền lực trong lịch sử. Quyền lực trước nay vẫn được tổ chức theo mô hình kim tự tháp từ cao xuống thấp. Tuy nhiên ngày nay, sức mạnh tập thể tạo nên từ sự kết hợp của công nghệ Internet và các nguồn năng lượng tái tạo đang thay đổi lại một cách căn bản các mối quan hệ giữa con người, chuyển từ tác động từ trên xuống sang tác động ngang hàng với những hệ quả lớn tới tương lai của xã hội.
Khi chúng ta gần tiến tới giữa thế kỷ, sẽ có ngày càng nhiều hoạt động thương mại được giám sát bởi các tiến bộ kỹ thuật thông minh, tạo điều kiện cho con người tạo nên vốn xã hội trong một xã hội dân sự phi lợi nhuận, khiến nó trở thành lĩnh vực chủ đạo trong nửa cuối của thế kỷ. Trong khi thương mại vẫn là điều cần thiết cho sự tồn tại của con người, nó sẽ không thể đáp ứng mọi mong muốn của con người nữa. Nếu chúng ta có thể đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con người trong nửa thế kỷ tiếp theo – một giả định lớn – những mối quan tâm phi vật chất nhiều khả năng sẽ trở thành một yếu tố quan trọng hơn trong thời kỳ tiếp theo của lịch sử loài người.
Trong những trang tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá những đặc tính và nguyên tắc vận hành đằng sau nền kinh tế và hạ tầng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3, theo dõi hướng đi khả dĩ của nó trong 4 thập kỷ tiếp theo, và tìm hiểu những rào cản và cơ hội trong quá trình hiện thực hóa nó ở các cộng đồng và quốc gia trên toàn thế giới.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 mang tới hy vọng tiến tới một kỷ nguyên hậu carbon bền vững vào giữa thế kỷ XXI và tránh được biến đổi khí hậu gây ra thảm họa. Chúng ta có khoa học, công nghệ và lộ trình để làm được điều đó. Câu hỏi hiện nay đặt ra là liệu chúng ta có thể nhận ra những cơ hội kinh tế ở trước mặt và tập trung ý chí để đến đó kịp lúc.
Mời các bạn đón đọc Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp Lần 3 của tác giả Jeremy Rifkin.
Leave a Reply