Từng Là Bá Chủ – Thomas L. Friedman & Michael Mandelbaum
Tác giả mở đầu cuốn sách bằng bối cảnh Thiên Tân, Trung Quốc và bắt đầu so sánh với nước Mỹ. Friedman và Mandelbaum vẽ ra một hình ảnh Trung Quốc phát triển vượt bậc, trở thành một đối thủ đe dọa nghiêm trọng vị thế của nước Mỹ, trong khi đó, nước Mỹ ngày càng lạc hậu, thụt lùi nhưng vẫn dương dương tự đắc về vị trí số một của mình.
Quyển sách là một phiên bản đen tối hơn nhiều của Thế giới phẳng. Nước Mỹ đang thất thế, bởi nó không còn đánh giá cao giáo dục đúng mức, bởi các phương tiện truyền thông không còn muốn đối mặt với những sự thật tàn nhẫn, bởi quá nhiều công nhân, nhà quản lý và tổng giám đốc điều hành coi công việc và những gì họ được hưởng là mặc nhiên, bởi giới chính trị thiển cận, và còn nhiều lý do khác.
Tuy nhiên, hai tác giả cũng tự mô tả mình là “những người lạc quan nản chí” và đưa ra nhiều ví dụ về những trường học xoay xở để lật ngược tình thế, những nhà chính trị nhận thức được sự điên rồ của nền chính trị Mỹ. Các tác giả cố gắng tự lạc quan và làm cho độc giả lạc quan về tương lai của nước Mỹ. Họ hy vọng cuốn sách như một sự cảnh báo, một lời hiệu triệu người Mỹ đoàn kết, hy sinh cá nhân để giúp nước Mỹ tìm lại vị thế cũ.
Sách vẫn giữ được văn phong đơn giản, dễ hiểu, dễ đọc của Thomas Friedman; nhiều ví dụ sinh động tạo sự hấp dẫn; cách dẫn dắt logic làm tăng sức thuyết phục.
***
Giờ nghỉ của nước Mỹ
Giống như nhiều người mê phim ảnh, cả hai chúng tôi đều hâm mộ Clint Eastwood. Và chưa bao giờ hâm mộ hơn vào giờ giải lao giữa trận bóng bầu dục thuộc giải vô địch quốc gia năm 2012 ở Indianapolis, khi quảng cáo ô tô của hãng Chrysler xuất hiện với giọng nói của Eastwood trước hơn 100 triệu người xem: “Đây là giờ giải lao giữa hai hiệp của nước Mỹ”.
Trong hai phút, Eastwood đã tóm tắt xong chủ đề chính của cuốn sách này: Cả đất nước chúng ta đã mắc sai lầm – một hiệp đấu thứ nhất tệ hại. Nhưng chúng ta lại có mọi nguồn lực và khả năng để quay lại vào hiệp hai. Chúng ta đã từng làm được như vậy trước đây và có thể lặp lại, nhưng chỉ khi chúng ta cùng cố gắng thực hiện những nhiệm vụ vừa đúng đắn vừa khó khăn. Eastwood tường thuật: Đang là giờ nghỉ giữa hai hiệp. Cả hai đội đều đã vào phòng thay quần áo để bàn cách giành chiến thắng trong hiệp hai. Nước Mỹ cũng đang nghỉ giữa hai hiệp. Mọi người đang bị thất nghiệp và họ thấy mệt mỏi. Tất cả họ đang tự hỏi mình phải làm gì để quay trở lại. Và tất cả chúng ta đều đang sợ hãi vì đây không phải là trò chơi. Người dân Detroit hiểu chút ít về điều này. Họ gần như đã mất tất cả. Nhưng chúng ta đang xích lại gần nhau. Thành phố Motor (tức Detroit) đã quay lại cuộc chiến. Trong đời tôi đã chứng kiến rất nhiều thời kỳ gian khó, nhiều giai đoạn xuống dốc mỗi khi chúng ta không hiểu nhau. Có vẻ như đôi khi chúng ta đã đánh mất dũng khí khi màn sương mù của sự chia rẽ, bất hòa và đổ lỗi bao phủ khiến chúng ta không nhìn thấy điều gì ở phía trước. Nhưng sau những lần đó, chúng ta đều tập trung lại quanh những giá trị đúng đắn và hành động như một quốc gia thống nhất vì chúng ta là như thế. Chúng ta luôn tìm ra con đường thoát khỏi khó khăn, còn nếu không có đường thì chúng ta sẽ tự tạo ra nó. Vấn đề giờ đây là cái gì đang ở phía trước. Làm thế nào để vượt lên? Làm thế nào để đi cùng nhau? Làm thế nào để giành chiến thắng? Detroit đang cho thấy là chúng ta có thể làm được. Và cái gì đúng với họ thì cũng sẽ đúng với tất cả chúng ta. Đất nước này không thể gục ngã chỉ vì một cú đấm. Chúng ta sẽ quay lại, và khi ấy, cả thế giới sẽ phải nghe thấy tiếng động cơ của chúng ta gầm rú. Phải, đây là lúc nước Mỹ đang nghỉ giữa hiệp. Và hiệp hai sắp bắt đầu.
Chúng tôi đồng ý với Eastwood, và chúng tôi muốn cuốn sách này sẽ là kế hoạch thi đấu cho hiệp hai của nước Mỹ, là lộ trình hành động trước những thách thức và cơ hội sẽ quyết định liệu chúng ta có còn là một đất nước có khả năng truyền sự thịnh vượng từ thế hệ này sang thế hệ khác – như chúng ta luôn luôn làm được trước đây, và tiếp tục đóng vai trò là người giữ ổn định cho toàn thế giới – điều chúng ta phải làm được – hay không. Các thách thức đang sờ sờ trước mắt, và chúng vẫn y nguyên, chưa được giải quyết, từ khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào năm 2011. Giải pháp cũng chưa hề thay đổi: Nếu không cùng nhau hành động, chúng ta sẽ không thể sửa chữa những gì cần thiết. Nước Mỹ đang hết sức cần một loạt những cuộc Mặc cả Vĩ đại giữa hai đảng chính và những đối tượng có liên quan đến các lĩnh vực tài chính, năng lượng và giáo dục.
Ban đầu, chúng ta cần một kế hoạch ngắn hạn để tạo ra tăng trưởng việc làm thông qua những khoản đầu tư nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng của Mỹ: đường sá, cầu cống, trường học, băng thông đường truyền và giao thông công cộng. Nhưng để kế hoạch ngắn hạn được Quốc hội thông qua và đảm bảo không làm tăng thâm hụt ngân sách, nó phải được đi kèm với một kế hoạch dài hạn nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối ngân sách ở quy mô đúng với thực tế. Để làm được thì đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cần có một cuộc Mặc cả Vĩ đại về cải cách phúc lợi xã hội, cải cách thuế và tăng thu cho chính phủ.
Mời các bạn đón đọc Từng Là Bá Chủ của tác giả Thomas L. Friedman & Michael Mandelbaum.
Chia sẻ ý kiến của bạn