“Toàn cầu hóa có thể tiếp sức vô hạn nhưng cũng có thể chèn ép con người vô cùng. Toàn cầu hóa có thể phân bổ các cơ hội nhưng cũng khiến tràn lan sự hoang mang”.

Chiếc Lexus Và Cây Ôliu là cuốn sách kinh tế đặc sắc về Toàn cầu hoá, nhưng xa hơn, nó còn là những mô tả cặn kẽ với đầy đủ ưu, khuyết điểm, được, mất của một quá trình tất yếu trong quy luật phát triển.

Sau chiến tranh lạnh, Toàn cầu hoá bắt đầu. Và suy cho cùng, Toàn cầu hoá là xung đột giữa “nhiều điều mới mẻ” với “những thứ cũ xưa”. Thomas L.Friedman đã dùng hình tượng “chiếc Lexus” hiện đại của hãng Toyota – nằm ở phía nam Tokyo và “cây Ôliu” già cỗi bên bờ sông Jordan để ẩn dụ.




Thomas L.Friedman đã viết với sự tỉnh táo của một nhà báo về vấn đề mà bất cứ quốc gia nào cũng đang phải đối mặt khi thế giới đang dần trở nên phẳng. Toàn cầu hoá biến thành một trò chơi mà những ai không tham gia sẽ bị dẫm nát dưới chân “bầy thú điện tử”, những người tham gia buộc phải tuân thủ luật chơi khắc nghiệt lấy cạnh tranh làm trung tâm. Rào cản chính trị, địa lý, tài chính, thông tin… được tháo gỡ, thay vào đó là những định chế quốc tế và những tiến bộ thần tốc về công nghệ thông tin và viễn thông, để đạt đến sự hoàn hảo của một hệ thống quốc tế lý tưởng.

Nền kinh tế toàn cầu luôn luôn vận động theo vòng xoáy “mới, mới nhất và mới hơn”, sẽ không có chỗ cho ai “Chân muốn đặt lên chiếc Lexus nhưng tay vẫn khư khư ôm cây Ôliu bản ngã”.

Chiếc Lexus Và Cây Ôliu đặt ra vấn đề về phát triển trong thời đại “phẳng” được thể hiện qua những mẩu chuyện minh hoạ cụ thể. Thomas L.Friedman đã đặt ra những câu hỏi và tự mình giải đáp chúng bằng chứng cứ và luận điểm vững chắc thay vì chấp nhận những đáp án hiển nhiên sơ sài. Chính điều đó đã khiến Chiếc Lexus Và Cây Ôliu – một cuốn sách kinh doanh đầy chất học thuật, trở nên gần gũi và dễ hiểu với người đọc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *