Toàn cầu hóa là chủ đề vốn phức tạp và thu hút sự quan tâm của dư luận với không ít những ý kiến trái ngược nhau, được Thomas L.Friedman phân tích một cách độc đáo, với lập luận trung tâm về quá trình “trở nên phẳng” của thế giới. Khái niệm “phẳng” ở đây đồng nghĩa với “sự kết nối”. Những dở bỏ rào cản về chính trị cùng với những tiến bộ vượt bậc của cách mạng số đang làm cho thế giới “phẳng ra” và không còn nhiều trở ngại về địa lý như trước. Điều này mở ra cho các nước những phương thức sản xuất kinh doanh, những tình thế địa chính trị và địa kinh tế hoàn toàn mới.
Thông điệp Friedman chuyển tải không xa lạ đối với nhiều bạn độc giả. Toàn cầu hoá là hiện tượng khách quan, từng được biểu hiện lẻ tẻ có khi như một trạng huống, một tiến trình, nhưng giờ đây được nhìn nhận rõ nét và khái quát hơn, khi nó trỗi dậy trở thành một hệ thống quốc tế. Điểm mấu chốt ở đây là, đôi lúc dư luận có dấu hiệu sao nhãng đối với các đòi hỏi mang tính tất yếu để thúc đẩy toàn cầu hoá (do sự kiện 11/9, cuộc chiến tranh Irag hoặc các lý do tương tự), Friedman đã giống lên hồi chuông cảnh báo rằng: Toàn cầu hoá 3.0 thực chất đang ở vào giai đoạn tăng tốc, nó làm cho thế giới chuyển từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ và đồng thời san phẳng thế giới. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng! Trong thế giới này, không chỉ các quốc gia, những tập đoàn kinh tế lớn như Dell, IBM, Wal-Mart, mà là các cá nhân ở khắp mọi nơi trên hành tinh này (chỉ cần kết nối internet và tiếp cận các công cụ của thế giới mới) có thể cộng với nhau trong những chuỗi cung toàn cầu để tạo ra những giá trị gia tăng lớn hơn. Chiếc “bánh” toàn cầu ngày càng trở nên to hơn nhưng đồng thời cũng khó chia hơn….
Xu thế toàn cầu hóa đang là đặc điểm chi phối thời đại, như chính Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ X đã khẳng định. Quá trình chúng ta chủ động hội nhập quốc tế, mà việc gia nhập WTO là một biểu hiện, có cả cơ hội lẫn thách thức. Chính vì thế, việc tiếp cận và tham khảo những tri thức đương đại từ những nước đã phát triển về sự chuyển động của thế giới (đang ở bước ngoặt từ “tròn” sang “phẳng”, như cách nói của tác giả) có lẽ sẽ giúp chúng ta có thêm những thông tin bổ ích để có sự chủ động trong quá trình hội nhập.
Thomas Loren Friedman (sinh ngày 20 tháng 6 năm 1953) là 1 nhà báo, nhà bình luận người Mỹ về quan hệ chính trị giữa các nước, bao gồm việc mậu dịch quốc tế, các vấn đề Trung Đông, toàn cầu hóa và các vấn đề môi trường không khí. Ông là chủ 1 chuyên mục xuất hiện trên báo The New York Times 2 lần 1 tuần. Ông chủ yếu viết về đề tài đối ngoại bao gồm thương mại toàn cầu, Trung Đông và các vấn đề môi trường. Ông đã 3 lần đoạt giải Pulitzer, 2 lần cho mảng Phóng Sự quốc tế “International Reporting” (1983,1988) và 1 lần cho mảng Bình luận “Commentary”(2002). Kể từ năm 2004, ông là 1 thành viên của Hội Đồng Giải Thưởng Pulitzer. Đồng thời, ông là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ôliu, Nóng, phẳng, chật…
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ mười ba* của tủ sách SOS2, cuốn Thế giới Phẳng của Thomas L. Freedman. Cuốn sách được in và phát hành lần đầu vào tháng 4-2005. Đây là cuốn sách thứ tư của Freedman, cuốn thứ hai, Xe Lexus và Cây Ôliu, vừa được Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội xuất bản bằng tiếng Việt. T. L. Freedman là nhà báo nổi tiếng của tờ New York Times, đi nhiều, gặp gỡ với rất nhiều nhân vật nổi tiếng, với con mắt hết sức sắc sảo, ông trình bày những vấn đề toàn cầu hoá rất súc tích và sinh động, ông trình bày những vấn đề khô khan, khó hiểu một cách sáng sủa, dí dỏm, dùng nhiều ẩn dụ giúp bạn đọc lĩnh hội vấn đề một cách dễ dàng.
Tôi nghĩ cuốn sách rất bổ ích cho các nhà chính trị, các nhà hoạch định chính sách, vì nó trình bày những thách thức của thế giới phẳng đối với Mĩ, với thế giới đang phát triển, với các công ty, nên các loại độc giả này sẽ có thể thấy thông tin và ý tưởng của Freedman gây kích thích. Các học giả chắc sẽ học được cách trình bày đơn giản nhiều vấn đề phức tạp. Tôi nhiệt thành khuyên giới trẻ và các doanh nhân hãy đọc cuốn sách này, vì nó sẽ bổ ích cho họ để xác định lại mình trong học tập, khởi nghiệp, học và làm việc suốt đời. Tất nhiên cuốn sách cũng bổ ích cho tất cả những ai quan tâm đến tương lai, việc làm, công nghệ, khoa học, và sáng tạo.
Người dịch đã cố hết sức để làm cho bản dịch được chính xác và dễ đọc, song do hiểu biết có hạn nên khó thể tránh khỏi sai sót. Phần chỉ mục nội dung, ở mỗi mục chính (và cả ở mục phụ nếu chúng tôi thấy thuật ngữ có thể là lạ), có kèm theo thuật ngữ tiếng Anh để bạn đọc tiện tham khảo; tác giả dùng nhiều từ mới, một số từ được để nguyên bằng tiếng Anh, phần giải thích nghĩa có thể tìm thấy ở Chỉ mục.
Những người dịch cuốn sách này gồm: Cao Việt Dũng (các Chương 9, 10, 11, 12) và Nguyễn Tiên Phong (Chương 13), phần còn lại tôi dịch và đảm đương việc hiệu đính chung. Tôi thành thật xin lỗi các cộng sự vì đã soát lại và sửa từng câu của các chương đó. Làm vậy có thể mất cái hay của bản dịch ban đầu, kể cả cách viết chính tả nhưng để cho bản dịch được nhất quán tôi đã sửa rất nhiều, phần hay là của họ, các lỗi và thiếu sót là của tôi. Tôi chịu trách nhiệm về mọi lỗi và sai sót của toàn bộ bản dịch.
Mọi chú thích của tác giả được đánh bằng số. Tất cả các chú thích đánh dấu sao (*) ở cuối trang là của người dịch. Trong văn bản đôi khi người dịch có đưa thêm từ hay cụm từ để cho câu được rõ nghĩa, phần đó được đặt trong dấu [như thế này]. Bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ, và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ Tạp chí Tin học và Đời sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội.
Mời các bạn đón đọc Thế Giới Phẳng: Tóm Lược Lịch Sử Thế Giới Thế Kỷ 21 của tác giả Thomas L. Friedman.
Chia sẻ ý kiến của bạn