Pie đệ Nhất là một tiểu thuyết lịch sử tương đối đồ sộ một cách rất Nga, theo dự kiến có ba tập, tập I hoàn thành năm 1930, tập II năm 1934 và tập III, quan trọng nhất, đã phải dừng lại đột ngột năm 1945 vì cái chết của tác giả. Tiểu thuyết có nhân vật chính là Pie Đại đế (Pierre/Pyotr/Peter) – Sa hoàng lừng lẫy nhất trong lịch sử đế quốc Nga, cai trị từ năm 1682 đến năm 1725. Pie Đại đế là một Sa hoàng vô tiền khoáng hậu thuộc dòng họ Romanov, lịch sử đã ghi nhận ở ông một nhà cải cách kiệt xuất đã đưa nước Nga từ đêm đen u tối trở thành một trong năm cường quốc châu Âu lúc ấy giờ. Ông cũng chính là người đã cho xây dựng thành phố Sankt-Peterburg.

Như vậy, Aleksey Tolstoy đã có một cái lõi vững chắc để phát triển tác phẩm. Nhưng viết tiểu thuyết lịch sử không phải là kể lại lịch sử đơn thuần. Trước một tượng đài có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Sa hoàng Pie thì quả thực không dễ để viết mà không để tác phẩm của mình biến thành một thứ “sách sử trá hình“, điều đó yêu cầu nhà văn phải có bản lĩnh và bút lực dồi dào. Aleksey Tolstoy đã chứng minh mình có đủ các phẩm chất ấy.

Chúng ta sẽ thấy Pie đệ Nhất là một tiểu thuyết sống động như thể các nhân vật đều do chính tác giả tạo ra từ tâm não mình nên ông hiểu rõ tâm lý cách cư xử của tất cả chứ không phải là dựa trên bất kì hình mẫu có thật nào. Aleksey Tolstoy đã cho tác phẩm một không gian, thời gian khá lớn, bắt đầu từ thời điểm Sa hoàng tiền nhiệm  Fyodor III qua đời vì bệnh phù thũng và kết thúc khi Sa hoàng giành được chiến thắng quan trọng tại Navar. Do sự mở rộng về không gian, khi bắt đầu đọc tác phẩm, người đọc dễ cảm thấy mọi thứ rời rạc, rối rắm. Cuốn sách này yêu cầu một sự chú tâm nhất định mới có thể theo kịp dòng văn của người viết. Và sự kiên trì sẽ được đền đáp xứng đáng khi dần dà chúng ta nhận ra các mảnh ghép tưởng chừng vô nghĩa kia khớp lại với nhau, cấu thành một bức tranh hoàn chỉnh và sắc nét trong từng chi tiết.




Về mặt tiểu thuyết, Pie đệ Nhất có một hệ thống nhân vật khá đồ sộ và hầu hết các nhân vật trọng yếu đều được nhà văn đi sâu miêu tả từ thuở hàn vi, ví dụ như Aleksandr Danilovich Menshikov – bạn và cận thần thân tín nhất, Anna Mons – người tình Đức của Pie, Ekaterina – hoàng hậu thứ hai, sau này trở thành nữ hoàng Ekaterina I, v.v… Chính điều này đã giúp cho độc giả có cái nhìn xuyên suốt tác phẩm, cảm thấy được sự phát triển trong diễn biến truyện và hình tượng nhân vật. Rải rác trong sách cũng có một số mối quan hệ thú vị gây hứng thú cho người xem, ví dụ Aleksandr Menshikov từ một đứa trẻ bỏ nhà ra đi sống lang thang sau lại thành đại thần bậc nhất bên cạnh Sa hoàng hay tình vợ chồng của lãnh chúa Vasili Volkov và nàng Alexandra, con gái một nông nô… Tuy tác phẩm mang tên Pie đệ Nhất và quả thực nhà văn đã bỏ rất nhiều tâm sức xây dựng hình tượng vị Sa hoàng đặc biệt này, nhưng đây không phải là cuốn sách chỉ để nói về một con người riêng lẻ. Cả xã hội Nga hiện lên trên giấy, từ điện Kremlin lộng lẫy cho đến túp lều khốn khổ của một gia đình nông dân bị bóc lột kiệt cùng, từ những người dân Nga hiền lành hèn mọn đến những tên lãnh chúa mất hết nhân tính… Dù là nhân vật nào cũng hiện lên dưới cái nhìn đa chiều sâu sắc.

Trên phương diện lịch sử, Aleksey Tolstoy đã thể hiện sự nghiêm cẩn rất cao trong việc nghiên cứu các tư lệu, không chỉ về lịch sử mà còn về các phong tục tập quán thời bấy giờ của Nga và các dân tộc liên quan. Tài năng của ông đã biến những thứ tư liệu khô khan ấy trở nên rất hấp dẫn dưới hình thức tiểu thuyết mà vẫn đảm bảo được tính chính xác của các sự kiện. Quá khứ và trí tưởng tượng của nhà văn đã hòa quyện vào nhau thành một thể độc lập.

Nói tóm lại, một tác phẩm đồ sộ như vầy thật khó có thể phân tích trong một bài viết nhỏ, thế nên chỉ có thể kết luận rằng, Pie đệ Nhất thực sự là một tiểu thuyết lịch sử xuất sắc và mẫu mực trong nền văn học thế giới, hoàn toàn xứng đáng với nguồn cảm hứng mà từ đó nó được tạo thành : Pie Đại đế, vị Sa hoàng đã được nhân dân Nga bình chọn là nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của nước Nga.




***

Aleksey Nicolaievich Tolstoy  (tiếng Nga: Алексей Николаевич Толстой) là một nhà văn nổi tiếng Liên Xô. Thường được gọi vui là Đồng chí Bá tước, ông là một trong những nhân vật tiêu biểu của dòng văn học Liên Xô giai đoạn trước và trong Thế chiến II. Ông sinh ngày 10-1-1883 tại thành phố Nikolaievsk, tỉnh Samara miền hạ lưu sông Volga, trong một gia đình quý tộc nhỏ có truyền thống văn học. Năm 1901, ông lên Petersburg theo học trường kỹ thuật, năm 1907 xuất bản tập thơ đầu tiên, nhưng ít lâu sau chuyển sang viết văn xuôi. Năm 1914-1916, ông làm phóng viên chiến tranh. Từ 1918 ông sống lưu vong ở Pháp. Năm 1923 ông trở về nước Nga, tình nguyện đứng vào hàng ngũ những trí thức tham gia công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông mất ngày 23-2-1945 tại nhà an dưỡng Barkhivinsky, ngoại ô Moskva, thọ 63 tuổi.

***

Xanka nhảy từ ổ nằm trên bếp lò(1) xuống đất, lấy người đẩy cánh cửa ẩm sũng. Sau Xanka đến Laska, Gavrinka và Artamoska cũng tụt nhanh xuống đất, bỗng cả bọn đều thấy khát; chúng nhảy ùa vào lối cửa đi tối om, theo làn hơi và khói từ ngôi nhà gỗ thum thủm mùi chua bay ra mù mịt. Ánh sáng xanh mờ xuyên qua làn tuyết phủ kín khuôn cửa sổ nhỏ lọt vào nhà. Trời rét như cắt. Chậu nước và chiếc gáo gỗ đã bị băng phủ kín.

Mấy đứa trẻ chân không nhảy choi choi; đầu Xanka choàng khăn vuông; Gavrinka và Artamoska phong phanh chiếc áo lót cũn cỡn đến ngang rốn.




Từ trong ngôi nhà gỗ, bà mẹ tru tréo:

– Đóng cứa lại, đồ quỷ sứ!

Bà ta đang đứng trước lò. Trong lò, những thanh củi nhỏ bắt lửa, hắt ánh sáng rực lên khuôn mặt nhăn nheo. Dưới chiếc khăn vuông rách, đôi mắt mờ đi vì khóc nhiều, lúc nầy sáng ngời, khủng khiếp y như mắt tượng thánh. Xanka, đột nhiên thấy rờn rợn, chẳng hiểu tại sao, liền ráng hết sức đóng sầm cánh cửa lại, sau đó, cô múc nước thơm uống một hớp, nhấm nhấm một cục nước đá rồi cho các em uống. Cô thì thầm:




– Chúng mầy có rét lắm không? Nếu không đi ra sân mà xem, bố đang đóng ngựa đấy…

Ngoài sân, ông bố đang đóng ngựa vào xe trượt tuyết. Từ vòm trời nặng trĩu, những bông tuyết nhỏ lặng lẽ rơi; những con quạ khoang đậu trên hàng rào cao; ở đây đỡ giá hơn lối vào ngôi nhà gỗ. ông bố là Ivan Artemist – bà mẹ thường gọi như vậy, còn mọi người thì gọi bác ta là Ivaska và chính bác cũng tự xưng như thế ở nơi công chúng – biệt hiệu là Brovkin, đầu đội chiếc mũ lông cao, nhọn hoắc, ấn sụp xuống tận cặp lông mày cau có. Bộ râu hung hung đỏ chưa được nhát lược nào kể từ ngày lễ Kháng cáo… Đôi bao tay thò ra ở chỗ hở của chiếc áo dài bằng len thô, thắt trễ ngang lưng một sợi dây thừng; đôi giầy bện bằng vỏ gai của bác bực dọc bước lạo xạo trên tuyết trộn lẫn phân: bác không làm sao gỡ nổi bộ yên cương. Bộ yên cương nát quá, chỗ nào cũng chắp nối. Bác bực mình, mắng con ngựa nhỏ đen nhẫy, chân ngắn cũng như chân chủ, bụng to tướng.

– Rồi tao sẽ cho mầy giỡn, đồ chết tiệt?




Mấy đứa trẻ ra ngay chân thềm nhà tè một bãi và co ro nép vào nhau ở trên thềm nhà đóng băng mặc dầu chúng rét căm căm. Artamoska, đứa nhỏ nhất lắp bắp:

– Không sao cả, lát nữa chúng mình lại vào sưởi ở bếp lò!

Đóng ngựa xong, Ivan Artemist cho ngựa uống nước chứa trong một cái thùng. Con ngựa uống một hơi dài, đôi sườn lông lá căng lên như muốn bảo chủ: “Ông đã không cho tôi ăn no thì ít ra tôi cũng phải được uống thoả thuê…”. Ivan xỏ bao tay vào, rút lấy chiếc roi để trong xe, dưới lớp rơm. Bác quát bọn trẻ:




– Muốn sống vào trong nhà ngay lập tức! – Bác nghiêng mình ngồi phịch xuống xe, cho xe đi qua cổng rồi cho ngựa chạy nước kiệu theo dọc hàng tùng cao vút lốm đốm tuyết phủ, về phía dinh cơ của lãnh chúa trẻ Volkov.

– Chà, sao mà rét thế nầy, thật buốt thấu xương! – Xanka nói.

Mấy đứa trẻ ùa vào ngôi nhà gỗ tối mò và leo lên ổ trên bếp lò, hai hàm răng lập cập. Dưới trần nhà đen kịt, làn khói ấm, hanh hanh, bốc lên cuồn cuộn, rồi thoát qua cửa sổ lùa khoét ở trên phía cửa ra vào: cái bếp lò không có ống khói. Bà mẹ đang nhào bột.




Dẫu sao thì gia đình cũng đủ ăn: họ có một ngựa, một bò cái và bốn gà mái. Mọi người vẫn bảo Ivaska Brovkin là một bác nông dân khá giả. Khi những thanh củi trên giá đèn(2) cháy lụi, tàn rơi lả tả xuống chiếc cóng nhỏ đựng nước kêu xèo xèo, Xanka kéo chiếc áo lông cừu đắp lên người mình và cho các em, rồi lại thì thào kể tiếp đủ mọi thứ chuyện khủng khiếp: cô kể cho các em nghe về những cái giống, – lạy Chúa, ai mà dám gọi đến tên thật của chúng – cứ lào xào dưới sàn nhà lúc đêm khuya…

– Thì mới đây thôi, tao mà nói dối thì tao mù mắt, tao đã bị một mẻ sợ hết hồn?… Cạnh bậu cửa, có một đống rác và trên đống rác, có một cái chổi bện bằng cành bạch dương. Tao nhìn thì, ôi lạy Chúa tôi! Tao thấy cái thằng lông lá ấy từ dưới cái chổi lù lù hiện ra, râu như râu mèo.

– Ối ối, ối! – bọn trẻ hoảng sợ chúi đầu vào trong cái áo lông cừu kêu ầm lên.





Chú thích:

(1) Bếp lò ở Nga thường xây cao, bằng gạch hoặc bằng đá, để sưởi ấm nhà và để nấu ăn. Mặt bếp lò phẳng. người Nga hay kê ván làm giường nằm lên trên cho ấm.

(2) Nông dân Nga thời xưa thắp những thanh củi nhỏ(thường bằng gỗ thông) để thay đèn.
Mời các bạn đón đọc Pie Đệ Nhất của tác giả Aleksey Nicolaievich Tolstoy.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.