“Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ.” (Victor Hugo). Với tôi, đơn giản hơn, lịch sử như một tấm màn nhung sân khấu màu đỏ khép lại, ghi dấu một giai thoại chính trị đầy chiến công và biến động, mọi người sẽ mãi nhớ về mọi tích tuồng đã diễn ra sau tấm màn nhung rực rỡ ấy, nhưng đôi khi lại mù mờ về công sức và những mảng tối trong hậu trường, nơi hình thành nên những tích tuồng ấy.
Những Chiến Dịch Đặc Biệt (NCDĐB) – hồi ký của tướng tình báo Liên Xô Pavel Xudoplatov – là những ghi chép lại thật chi tiết, và tường tận về cái góc khuất sau hậu trường của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đầy tự hào của nhân dân Xô viết. Pavel Xudoplatov đã trốn nhà gia nhập Hồng quân năm 12 tuổi, ông đã cống hiến cả đời cho ngành tình báo Xô viết, đã cùng đồng đội thực hiện biết bao nhiêu những chiến dịch đặc biệt dưới thời Stalin, cả trước và sau cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945, hay trong Chiến tranh lạnh – nắm quyền kiểm soát ở các nước Đông Âu, lẫn trong cuộc chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân.
NCDĐB như một thước phim tài liệu, đầy ắp những thông tin và tên tuổi của các vị tướng, tư lệnh, điệp viên, nhà ngoại giao… những lệnh thủ tiêu, những cuộc bắt bớ, thanh trừng thảm khốc… tất cả có thể sẽ làm bạn đọc choáng ngợp. Nhưng NCDĐB giúp chúng ta nhìn rõ hơn về lịch sử Liên Xô và chính quyền Xô viết.
Lịch sử đã ghi nhận Joseph Stalin là một nhân vật vĩ đại nhưng vô cùng cực đoan, mà càng vĩ đại và cực đoan thì càng nghi ngờ khi chiếc ghế quyền lực có dấu hiệu bị lung lay. Thực tế “cuộc sống chỉ ra rằng, sự nghi ngờ và lòng thù địch của Stalin và ĐCS Liên Xô đối với những kẻ xét lại và đối thủ chính trị trong cuộc đấu tranh vì quyền lực là có cơ sở hiện thực. Mối đe dọa chết người đối với sự giữ vững thể chế chính quyền Xô viết luôn luôn ẩn trong lòng hiểm hoạ chia rẽ của đảng cầm quyền. Nhưng, bất chấp những sai lầm của mình, Beria, Stalin, Molotov đã cải tạo được một đất nước nông nghiệp lạc hậu thành một siêu cường quốc có vũ khí hạt nhân. Gây ra những sai lầm cũng kinh khủng như thế, Khrusev, Bulganin và Malenkov thì ở mức độ ít hơn, thúc đẩy xây dựng tiềm năng hùng hậu của Liên Xô. Khác với Stalin, họ làm suy yếu nhà nước vì tranh giành quyền lực. Gorbachov và các trợ thủ của ông ta bị chi phối bởi những tham vọng không nhỏ hơn, đưa một cường quốc vĩ đại đến sự đổ vỡ trọn vẹn. Gorbachov và A. Iakovlev xử sự như những thủ lĩnh đảng điển hình, khi ẩn dưới các khẩu hiệu dân chủ để củng cố quyền lực của mình.”
Và “Chính nhóm cựu lãnh đạo của Đảng đã giáng đòn quyết định vào ĐCS Liên Xô và đất nước Liên Xô vào những năm 1990-1991.”
Cả một đời cống hiến tận tụy, để đến cuối đời – vì sự đổi thay của thời cuộc – Pavel Xudoplatov đã phải mang ô danh là “kẻ thù ác ôn của ĐCS và nhân dân Xô viết”, phải trải qua những năm tháng giam cầm, ép cung, tra khảo đến suýt chết, nhưng ông vẫn kiên trì đấu tranh để được minh oan. Lời cuối sách ông đã viết: “Tôi hi vọng câu chuyện của tôi sẽ giúp thế hệ hiện thời có được sự tự do khi đánh giá quá khứ hào hùng và bi thương của chúng ta. Giờ đây nhớ lại, tôi cảm thấy hối tiếc. Nhưng lúc ấy, trong những năm “Chiến tranh lạnh” cả chúng ta lẫn người Mỹ đều không có khái niệm đạo đức khi thủ tiêu những đối thủ nguy hiểm, những điệp viên hai mang. Liên Xô mà tôi trung thành hết lòng và vì nó tôi sẵn sàng hiến cả cuộc đời, vì nó tôi cố không nhận thấy những sự tàn nhẫn được tạo ra, khi biện minh chúng bằng khát vọng biến đất nước lạc hậu thành một nước tiên tiến, vì hạnh phúc của nó tôi đã trải qua những tháng dài ở xa Tổ quốc, nhà cửa, vợ con – thậm chí cả 15 năm ngồi tù cũng không giết chết được lòng trung thành của tôi – Liên Xô này đã chấm dứt sự tồn tại của mình”.
Bằng ngòi bút của một người lính tình báo, Pavel Xudoplatov đã viết NCDĐB như một bản báo cáo tình hình thời sự, xen lẫn những suy ngẫm, nhận định của bản thân khi hồi tưởng lại từng sự kiện lịch sử đã trải qua cùng đồng đội. Đối với ông, cũng như mọi người dân Xô viết, Liên Xô là tình yêu, niềm đau và nỗi nhớ – Một Liên Xô đã được xây lên bởi khát vọng và trí tuệ, bởi mồ hôi cùng công sức, và còn bởi máu và nước mắt. Khởi đầu từ tro tàn của nước Nga Sa hoàng, Liên Xô đã vươn mình thành một siêu cường quốc, tạo nên một đế chế đầy quyền lực chi phối cả lịch sử dân tộc, lẫn lịch sử thế giới, để rồi trong chính ánh hào quang ngày đó đã tự xâu xé, tự làm suy yếu và xoá sổ chính mình, trả lại tên và sự thay đổi cho nước Nga. Liên Xô hùng mạnh một thời, chỉ còn là nỗi nhớ.
Và dù chỉ tồn tại trong một giai đoạn ngắn ngủi, nhưng Liên Xô đã để lại một dấu đỏ trong lịch sử. Dấu đỏ là điểm son được khắc từ máu của cuộc chiến tranh chính nghĩa chống phát xít, nhưng dấu đỏ cũng là nỗi đau từ sự đổ máu oan khuất trong những cuộc thanh trừng thảm khốc.
Liên Xô đã chính thức khép lại tấm màn nhung đỏ rực của mình.
Lại bắt đầu những cuộc hỏi cung. Lần này đã không còn Tsaregradxky tiến hành vụ án của tôi (muộn hơn tôi nghe nói ông ta bị sa thải khỏi viện công tố vì ăn hối lộ). Thay ông ta là Preobrajenxky, trợ lý đặc biệt của Rudenko, làm việc cùng cặp với điều tra viên chính Andreev. Preobrajenxky đã ngoài 50, ông ta đi chân giả, điều ảnh hưởng đến tính cách của ông – cau có và kín đáo. Tiện thể nói thêm, ông ta đi vào lịch sử đấu tranh của chính quyền với giới trí thức, khi chuẩn bị cho Rudenko thư gửi BCHTƯ, rằng Borix Paxternak xử sự hèn nhát tại những cuộc hỏi cung. Sự cau có của Preobrajenxky là đối lập kinh khủng với phong cách của Andreev. Andreev trẻ hơn, luôn luôn ăn mặc cẩn thận, hài hước và thường cho phép có những câu đùa nhân đưa ra các cáo buộc đối với tôi. Ông ta ghi biên bản, không xuyên tạc các lời đáp của tôi, và tôi cảm thấy rằng ông ta bắt đầu có cảm tình với tôi sau khi làm rõ là tôi không liên đới đến vụ sát hại Mikhoels, cũng như đến những thử nghiệm trên những người bị tuyên án tử hình do cán bộ phòng thí nghiệm chất độc tiến hành. Bản chất vụ án của tôi đã rõ, theo lời Andreev, nhưng tôi vẫn không thể thoát thời hạn tù giam dài, lưu ý đến thái độ của ban lãnh đạo cao nhất đối với những người đã làm việc với Beria. Ông ta dự đoán người ta sẽ cho tôi 15 năm.
Trong khi đó Preobrajenxky chuẩn bị những biên bản ngụy tạo các cuộc hỏi cung, nhưng tôi từ chối ký chúng và gạch bỏ tất cả những lời buộc tội giả dối mà ông buộc cho tôi. Sau đó Preobrajenxky định tống tiền tôi, tuyên bố rằng sẽ thêm một buộc tội mới – giả vờ điên, tôi đáp lại một cách bình tĩnh:
– Hẳn ông cũng phải vô hiệu hoá hai kết luận của Ủy ban y tế khẳng định rằng tôi nằm trong tình trạng trầm uất và hoàn toàn không phù hợp để hỏi cung.
Về phần mình, tôi buộc tội Tsaregradxky và Rudenko là họ đánh gục tôi khi làm tôi không được ngủ suốt hơn ba tháng, và nhốt tôi vào xà lim không cửa sổ, dẫn đến trạng thái mà không thể thoát ra nổi sau sự chạy chữa lâu dài. Preobrajenxky suốt thời gian chỉ muốn lấy được lời thú nhận từ tôi, nhưng tôi không khuất phục. Cuối cùng ông ta tuyên bố: “Việc điều tra vụ án của anh đã kết thúc”. Và đó là lần đầu – cũng là lần duy nhất! – người ta đưa cho tôi cả bốn tập hồ sơ về vụ án của tôi. Kết luận buộc tội chiếm hai trang. Đọc nó, tôi tin chắc rằng Andreev đã giữ lời của mình – do thiếu các chứng cứ buộc tôi tội tham gia âm mưu của Beria có ý đồ cướp chính quyền, đã bị hủy. Các buộc tội tôi làm đổ vỡ chiến dịch chống Tito cũng bị bỏ. Trong hồ sơ của tôi cũng không còn những kế hoạch huyễn hoặc về sự chạy trốn của Beria sang phương Tây. Không còn nhắc tới Mairanovxky là họ hàng của tôi. Thế nhưng bản cáo trạng vẫn coi tôi là kẻ ác độc thâm căn cố đế, từ năm 1938 đã câu kết với những kẻ thù của nhân dân và luôn chống đảng và chính phủ. Để chứng minh, người ta dùng những lời khai chống các cán bộ tình báo đầu chiến tranh được tha khỏi nhà tù theo yêu cầu của tôi, và các liên hệ của tôi với “kẻ thù của nhân dân” – Spigelglaz, Xerebrianxky, Maly và những người khác, dù tất cả họ, ngoài Xerebrianxky, đến thời gian ấy đã được minh oan sau khi chết. Từ quan điểm luật pháp những buộc tội này đã mất đi hiệu lực pháp lý, nhưng tình huống này chẳng làm ai xúc động.
Mời các bạn đón đọc Những Chiến Dịch Đặc Biệt của tác giả Pavel Xudoplatov.
Chia sẻ ý kiến của bạn