Cuốn sách là sự kết hợp một cách tuyệt vời kiến thức của các ngành khoa học chuyên biệt – từ sinh học đến xã hội học, từ nhân học đến địa chất học để khám phá mối liên hệ phức tạp giữa chúng ta và môi trường của sử gia Cynthia Stokes Brown.

Là tác phẩm phổ thông đầu tiên khám phá môn khoa học đa ngành hấp dẫn này, Đại sử pha trộn kiến thức lịch sử truyền thống với những ý tưởng khoa học mới nhất để viết nên câu chuyện đa diện mà vẫn cho phép tiếp cận một cách đơn giản về lịch sử thế giới. Là một câu chuyện về sự hình thành thế giới với cái nhìn hiện đại, tác phẩm thể hiện tiến trình lịch sử dẫn đến một thời đại mà sự hiểu biết về nguồn gốc vũ trụ phải song hành với thông tin về sự nóng lên của trái đất và các thách thức về mặt sinh thái, mà nguyên nhân trực tiếp bao gồm cả sự có mặt của chúng ta trên hành tinh này. Trong tác phẩm tuyệt đẹp một cách đơn giản này, Brown đã nắm bắt được tính phức tạp đáng ngạc nhiên của tiến trình lịch sử đó.

Đó là dung mạo của của thế giới chúng ta, bắt đầu từ sự ra đời của vũ trụ xuất phát từ một điểm duy nhất với kích cỡ của một nguyên tử tới đời sống trên hành tinh 6,1 tỉ người của thế kỷ 21. Đại sử là một câu chuyện hấp dẫn, đôi khi gây âu lo, về loài người – một nhấn tố dường như tầm thường nhưng lại có tác động vô cùng mạnh mẽ trong vũ trụ.




***
Thật là một ý định táo bạo khi tác giả Cynthia S Brown kể lại cho chúng ta toàn bộ lịch sử thế giới từ khi vũ trụ hình thành tới nay! Và bà đã làm được điều đó chỉ trong một cuốn sách hơn 300 trang.

Lâu nay trên thế giới, vẫn có một dòng sách tóm lược kiến thức của những môn khoa học phức tạp theo hướng đơn giản, dễ hiểu để quần chúng có thể tiếp thu một cách nhanh chóng nhất. Nhiều cuốn đã trở thành best-seller, thành sách kinh điển, như Economics in One Lesson của Henry Hazlitt (đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, Hiểu kinh tế qua một bài học), hay A Brief History of Time (lược sử thời gian) của Stephen Hawking.

Nhưng kể lại toàn bộ lịch sử thế giới – hay nói chính xác hơn, của vũ trụ và trong đó có hành tinh của chúng ta – trong một cuốn sách “quần chúng” thì thật là tham vọng.




Tuy nhiên, cũng như vũ trụ đã bùng phát từ một điểm nhỏ như nguyên tử, “trong đó tất cả vật chất, năng lượng, không gian và thời gian được dồn nén đậm đặc ngoài sức tưởng tượng”, lịch sử của từ vụ nổ lớn tới hiện tại (mà tác giả gọi là “đại sử” – big history) cũng được Cynthia S.Brown dồn nén lại trong một cuốn sách mỏng.

Vũ trụ thích những điều “cực đoan”, và có lẽ vị giáo sư của ĐH Dominican, California (Mỹ) cũng vậy. Cái thú vị là bà đã rất thành công trong việc mang lại cho độc giả một cuốn Đại Sử tuyệt vời.

Cuốn sách lịch sử này cũng có cả tính thời sự, ở khía cạnh nó cung cấp cho người đọc một phần gọi là “Những câu hỏi còn chưa được giải đáp” ở sau mỗi mục kiến thức. Đó là phần nêu rõ những vấn đề mà khoa học còn chưa có lời giải thích hay câu trả lời hợp lý cuối cùng, ví dụ như trước vụ nổ lớn là cái gì, hay tại sao Trung Quốc không duy trì được vai trò dẫn đầu thế giới sau những giai đoạn phát triển cực thịnh trong thời phong kiến?




Những câu hỏi ấy hiện vẫn còn là đề tài nghiên cứu của giới khoa học, và chúng cũng được bỏ ngỏ để một độc giả nào đó của Đại Sử trả lời. Bởi vì cuốn sách hoàn toàn có thể khuyến khích những độc giả trẻ yêu thích nó trở thành nhà khoa học tiềm năng.

Để kết luận, xin mượn lời David Christian, GS Lịch sử thế giới, ĐH San Diego, nói về Đại Sử: Đó là cuốn sách “liên kết những câu chuyện của vũ trụ, trái đất và loài người với nhau một cách thông minh, đơn giản và thanh thoát”. Trong thời buổi mà ai cũng bận rộn, thiếu thì giờ như hiện nay, Đại Sử là một cuốn sách mà bạn rất nên đọc nếu muốn nhanh chóng có những hiểu biết căn bản về lịch sử vũ trụ và thế giới. Bạn sẽ không cảm thấy phí thời gian.

Hoàng Thư

(Nguồn: Báo Tuần Việt Nam)

***
Đại sử kể lại câu chuyện hình thành Trái đất, từ vụ nổ lớn cho tới thế giới ngày nay, một cách khoa học, cô đọng và dễ hiểu. Trong quyển sách này, tôi sẽ tổng hợp nhiều nhánh kiến thức của loài người vào trong một câu chuyện liền mạch duy nhất.
    Nếu theo nguyên tắc truyền thống, lịch sử thế giới sẽ bắt đầu bằng những sự kiện được ghi lại xảy ra cách đây khoảng 5.500 năm. Ở đây, tôi mở rộng khái niệm “lịch sử” đến tận cùng giới hạn những hiểu biết hiện nay của con người bằng các phương pháp khoa học, sử dụng tất cả mọi dữ liệu và bằng chứng hiện có, không chỉ giới hạn trong các tài liệu dưới dạng văn bản. Nghiên cứu lịch sử là một phần của nghiên cứu khoa học và không có lý do gì để phân chia những câu chuyện chưa được khám phá thành hai loại, một là “khoa học” và một là “lịch sử”.
    Chúng ta cần mở rộng lịch sử xa hơn về quá khứ, bởi những sự kiện được ghi chép lại trong năm ngàn năm gần nhất chỉ là một phần triệu của câu chuyện Trái đất. Để hiểu rõ Trái đất nơi ta sống và bản chất loài người, chúng ta phải nhìn xa hơn những sự kiện đã được ghi chép.
    Tôi cũng không tin rằng có một cơ sở nào đó để phân biệt giữa “tín ngưỡng” và “khoa học”. Trong vòng năm mươi năm qua, giới khoa học đã đưa ra cách giải thích có thể kiểm chứng được về nguồn gốc của vũ trụ, và phần lớn chúng đã được kiểm chứng – chúng ta từ đâu tới, chúng ta tới đây thế nào, và chúng ta sẽ đi đến đâu. Đây là sáng thế ký của thời đại chúng ta, về một thế giới được xây dựng trên những khám phá của khoa học hiện đại, một thế giới di chuyển bằng máy bay phản lực, làm phẫu thuật ghép tim, và tận hưởng kết nối Internet. Thế giới này sẽ chẳng thể tồn tại mãi mãi, nhưng cho đến khi nó còn tồn tại, thì đây là câu chuyện của chúng ta.
    Hiện tại chúng ta có thể đặt giả thiết khoa học rằng mình đang ở vào giai đoạn nào của lịch sử vũ trụ – giai đoạn đầu, giữa, hay cuối – và từ đó, theo tư duy hiện nay chúng ta có thể đặt lịch sử của hành tinh này trong bối cảnh rộng hơn. Nhiều người vẫn còn tự ti về sức mạnh của tư duy và trí tưởng tượng của con người trong tương quan với vũ trụ. Đối với số khác, trong đó có tôi, chúng ta với tư cách con người càng quan trọng hơn trong tương quan với vũ trụ. Tôi cố gắng thuật lại những sự kiện, như chúng đang được biết hiện nay, mà không cố gắng bình luận hay kết luận về những phản ứng trái ngược của loài người đối với chúng, vì nhận thức rằng những sự kiện này còn luôn thay đổi [dưới ánh sáng của những phát hiện mới của loài người].
    Bạn có thể thắc mắc tôi sẽ kể câu chuyện này bằng cách nào? Một câu chuyện phải được kể dựa trên một cốt truyện, một chủ đề nào đó. Mỗi một tác giả viết về lịch sử thế giới đều có điểm nhấn riêng, giọng điệu riêng.
    Tôi cố gắng bám vào những thông tin và lý thuyết đã được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng khoa học, giữ cho mình khách quan nhất trong khả năng của một con người. Tôi sẽ kể một câu chuyện chứ không phải tranh luận. Là một người nghiên cứu lịch sử, tôi nghiêng về lịch sử loài người nhiều hơn một nhà địa chất hay sinh vật học cùng viết về đề tài này. Tôi cố giữ cho câu chuyện thật đơn giản, không xâm phạm quá nhiều đến tính phức tạp cũng như mâu thuẫn bất tận của lịch sử. Tôi đưa vào thật nhiều những điều tôi coi là căn bản: khí hậu, thực phẩm, tình dục, thương mại, tôn giáo, các ý tưởng khác, và các đế chế, các nền văn hoá.
    Tất nhiên, sẽ có vài điểm nhấn phảng phất để làm cho bất cứ một câu chuyện nào khỏi lẫn vào hằng hà sa số những câu chuyện khác. Trong quyển sách này, cái nền chung đó là ảnh hưởng của hoạt động của con người đối với quả đất, cũng như ảnh hưởng của hành tinh này đối với con người. Khi tôi kết hợp câu chuyện của Trái đất và con người sống trên đó, tôi thấy rằng những hành động mà con người thực hiện để các thế hệ về sau sinh sôi nảy nở đã đẩy môi trường Trái đất và những dạng sống trên đó vào mối đe dọa nặng nề. Có thể nói vắn tắt, quyển sách này mô tả sự tăng trưởng về mặt số lượng chứ không phải sự tiến hóa của loài người.
    Chủ đề này xuất hiện khi tôi viết nó như thể một câu chuyện thay vì theo cách khác. Rõ ràng, tâm trí tôi tập trung vào kể chuyện nên có thể nói chính xác hơn rằng tôi nhận thấy chủ đề này lặp đi lặp lại trong khi tôi cố gắng thuật lại toàn bộ câu chuyện của loài người một cách gọn gàng nhất mà không phải cắt ngắn nó để bắt đầu từ lúc con người biết trồng trọt. Chỉ với khung cảnh thời gian rộng hơn mới cho thấy loài người đã làm những gì; tôi chỉ biết một phần chứ không phải toàn bộ cho đến khi kể câu chuyện này.
    Người khuyến khích tôi kể lại toàn bộ câu chuyện nhiều nhất là David Christian, hiện là giáo sư lịch sử của trường Đại học San Diego, California. Từ 1975 đến 2000, Christian dạy tiếng Nga và lịch sử châu Âu tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia. Năm 1989, ông mở một môn mới ở trường đó và gọi đùa là “đại sử”, theo như cách mà ông muốn đồng nghiệp hiểu quan niệm của mình về môn lịch sử đại cương. Môn học kéo dài một học kỳ này bắt đầu từ đầu – tức là từ khởi điểm của vũ trụ. Christian khởi đầu với các bài giảng về thời gian và những huyền thoại về tạo hoá, rồi giảng viên từ các khoa khác được mời tiếp nối bằng các bài giảng chuyên ngành của họ. Trong một bài báo trên tờ Journal of World History, Christian đã mô tả lại kinh nghiệm của ông với môn học này. Bài báo đó đã chuyển hướng tư duy của tôi. “Đại sử” đã trở thành một khái niệm hiện đại cho hướng đi này, và vào năm 2004 Christian xuất bản tác phẩm quan trọng Bản đồ thời gian: Giới thiệu về Đại sử nêu lên tổng quan và các vấn đề chuyên môn của đại sử. Tôi đã nhất quyết không đọc quyển sách đó cho đến khi hoàn thành bản thảo đầu tiên của quyển sách này.
    Một người tiên phong đối với đại sử, trước cả khi khái niệm này ra đời, là Clive Ponting ở trường Đại học Swansea, Wales, Vương quốc Anh. Ông đã diễn giải về đại sử trong tác phẩm Lịch sử xanh của thế giới: Môi trường và sự sụp đổ của các nền văn minh, là quyển sách mà tôi yêu thích. Ponting không khởi đầu với vụ nổ lớn mà dành một chương với tên gọi “Nền tảng của Lịch sử” trong đó ông mô tả ảnh hưởng của những lực trong lòng đất và giữa các hành tinh qua những thời kỳ dài.
Tôi đã bắt tay vào cuốn sách này rất vui vẻ nên tôi phải tri ân hai tác giả khác trong thời kỳ đầu của đại sử: Larry Gonick, tác giả Lịch sử vũ trụ bằng truyện tranh: từ vụ nổ lớn đến Alexander Đại đế, và Eric Schulman, với cuốn Lược sử thời gian tóm tắt: từ Big Bang đến Big Mac.
    Đại sử, được định nghĩa như là lịch sử từ vụ nổ lớn cho tới ngày nay, vẫn chỉ là một phân nhánh tí hon của một chuyên ngành thuộc về lịch sử thế giới, mà môn lịch sử thế giới cũng chỉ bắt đầu hành trình của riêng mình kể từ mùa xuân 1990. Đại sử vẫn chưa có lối đi riêng và cũng mới có một số ít nhà nghiên cứu trên toàn thế giới chính thức dạy đại sử trong các trường đại học. Những giáo sư khác có lẽ còn đang nghiền ngẫm lịch sử vũ trụ và các hành tinh như một phần giới thiệu về lịch sử thế giới hoặc các tín ngưỡng trên thế giới. Thế thì tôi, một trong những người nghiên cứu tiên phong về đại sử, làm cách nào có thể vượt qua những trở ngại và giáo điều học thuật để giảng về nó và viết quyển sách này?
    Để trả lời câu hỏi đó, tôi phải bắt đầu từ mẹ mình, Louise Bast Stokes, người hướng tôi vào con đường nghiên cứu của mình bằng những mối quan tâm đa dạng của bà: từ thiên văn học đến địa chất, và từ sinh vật học đến những tín ngưỡng của thế giới. Là một giáo viên trung học dạy môn sinh vật từ những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước, bà đã chấp nhận tiến hoá như là nguyên tắc căn bản của cuộc sống và chỉ cho tôi thấy thế giới xung quanh qua lăng kính đó. Do đó, “đại sử” đối với tôi là một cách thức tư duy tự nhiên, một món quà từ mẹ tôi.
    Lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở phía tây Kentucky, tôi đã có cơ hội trải nghiệm hai nền văn hoá song song ngay trong lòng nước Mỹ. Cha mẹ tôi lớn lên phía nam Wisconsin, nhưng sau khi kết hôn vào năm 1935, họ đã về sống ở phía đông Kentucky, nơi cha tôi làm những con đường xuyên qua núi. Khi tôi sắp ra đời (năm 1938), cha mẹ tôi đã định cư ở phía tây Kentucky, thị trấn Madisonville, nơi cha tôi và các cộng sự của ông mua lại và khai thác một mỏ than lộ thiên nhỏ. Cha mẹ tôi là di dân, đến một nơi có nền văn hoá phương Nam xa lạ, và cha tôi đã hòa nhập một cách trọn vẹn nhất có thể trong khi mẹ tôi vẫn trung thành với những giá trị và phong tục của Wisconsin, nơi bà sinh ra. Do đó, cách nhìn đa chiều đã hình thành trong tôi, cùng với tình yêu đối với nghệ thuật kể chuyện, một món quà từ cha tôi.
    Đồng cảm với người mẹ của mình, tôi chưa bao giờ cảm thấy là một phần của miền Nam, nhưng tôi vẫn ở đó suốt các năm học đại học tại trường Duke ở Durham, Nam Carolina. Tôi nhận bằng thạc sĩ về giáo dục tại Đại học John Hopkins và bắt đầu giảng lịch sử thế giới cho học sinh trung học ở Baltimore, bang Maryland. Nhờ sự khuyến khích của các giáo sư Đại học John Hopkins, và học bổng của quỹ Woodrow Wilson và Hiệp hội Phụ nữ trong các trường đại học Hoa Kỳ, tôi hoàn tất bậc tiến sĩ ngành lịch sử giáo dục tại trường Hopkins năm 1964 với luận văn về bốn người Mỹ đầu tiên theo học tại một trường đại học của Đức vào đầu thế kỷ 19.
    Con trai đầu lòng của tôi ra đời ba tháng sau khi tôi lấy bằng tiến sĩ và tôi sinh con trai thứ hai của mình hai năm sau đó tại thành phố Fortaleza, Brazil, nơi người chồng đầu tiên của tôi làm bác sĩ cho Tổ chức Hòa bình Mỹ. Thời gian hai năm sống ở Brazil đã làm tiêu tan những giả định về văn hoá của tôi và mở mắt cho tôi về lịch sử thế giới. Tác phẩm đầu tiên được xuất bản của tôi là về Paulo Freire, nhà giáo dục vĩ đại của Brazil, người đã đi khỏi Recife năm 1964, chỉ một năm trước khi chúng tôi bắt đầu sống ở đó.
    Sau Brazil, tôi sống ở Baltimore với các con, và vào năm 1969 chúng tôi chuyển đến Berkeley để bắt đầu một cuộc sống mới trong một nền văn hoá mở hơn bất kỳ nơi nào trước đó – nền văn hóa hướng về Thái Bình Dương lẫn New York và châu Âu. Thời gian đó, những chuyển đổi quan trọng đang diễn ra – thuyết đa văn hoá, dự án Whole Earth Catalog do Stuart Brand khởi xướng năm 1968, và cùng năm đó những bức ảnh quý giá chụp Trái đất mong manh của chúng ta đang trôi trong không gian.
    Khi tôi đã sẵn sàng cho một công việc nghiêm chỉnh có tính học thuật (năm 1981), tôi vào trường sư phạm thuộc Đại học Dominican bang California, lúc đó còn là Dominican College, chỉ đạo một chương trình đào tạo chỉ có độc một môn. Tôi đặt số đầu và toàn bộ các số sau đó của tạp chí Journal of World History và hỗ trợ thiết lập một chương trình tại chức dành cho giáo viên với tên gọi Global Education Marin, giúp họ phổ biến giáo trình của họ ra toàn cầu. Chương trình đó sau này trở thành một phần trong sáng kiến toàn tiểu bang mang tên Chương trình học tập quốc tế nhờ nỗ lực của Đại học Stanford. Theo cách này, tôi cập nhật thông tin về những phát triển của lịch sử thế giới và tìm thấy bài báo của Christian.
    Với định hướng mới nghiên cứu về đại sử, tôi tìm cách bộc lộ ý tưởng của mình. Mùa xuân năm 1992, tôi dạy một khóa với chủ đề “Columbus và thế giới quanh ông” cho khoa Sử, và năm 1993 tôi dạy một lớp sử thế giới cho những giáo viên tiểu học tương lai. Tôi khởi đầu lớp này với cách giải thích của riêng mình về vụ nổ lớn và quá trình tiến hóa của sự sống, dùng sách của Ponting làm giáo trình và đề nghị sinh viên xây dựng niên biểu từ vụ nổ lớn cho tới ngày nay. Sinh viên đã tiếp thu một cách vô cùng hứng thú; nếu có lúc nào đó họ nản thì là tại tôi chứ không phải tại môn học.
    Tôi trở về trường sư phạm với công việc chính thức, và khi có cơ hội nghỉ một thời gian để làm nghiên cứu, tôi đã đề xuất viết lịch sử thế giới. Một nửa hội đồng xét duyệt cho rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời trong khi nửa còn lại cười ngả nghiêng. Do đó, để vẫn được nghiên cứu, tôi tạm thời bỏ qua ý tưởng về sử thế giới và thay vào đó thì viết đề tài Chống phân biệt chủng tộc: Liên minh da trắng và cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da den.
    Sau khi nghỉ dạy chính thức, tôi đã nghỉ ngơi một thời gian ngắn, rồi tất cả những gì tôi muốn làm là viết quyển sách này. Tôi bắt đầu viết từ cuối tháng 9 năm 2002, sau cái chết của mẹ tôi, và hoàn thành bản thảo đầu tiên vào tháng 12 năm 2004. Tôi sử dụng các bài báo từ tạp chí New York Review of Books mà tôi đã lưu trữ trong suốt hai mươi năm; xin cảm ơn Bob Silvers và Barbara Epstein. Tôi đã đọc những tác phẩm tuyệt vời của những học giả đương đại, xin cảm ơn Timothy Ferris, Lyn Margulis, Stephen Pinker, Jared Diamond,
J.R. and William H. McNeill, và David Christian.
    Để thử những ý tưởng của mình với sinh viên, tôi quay lại giảng dạy bán thời gian cho khoa Sử. Tôi tiếp tục giảng bài cho các giáo viên tiểu học tương lai, và biên soạn một chương trình ba môn với sự đóng góp của nhiều khoa khác nhau về một chủ đề liên kết đa ngành, mà chúng tôi gọi là “Câu chuyện về vũ trụ”. Tôi rất biết ơn truyền thống của trường Dominican luôn giới thiệu các môn liên ngành như vậy. Chương trình của chúng tôi bao gồm môn của tôi, “Tổng sử Trái đất”; môn của Jim Cunningham từ khoa Khoa học tự nhiên với tên gọi “Sự sống trên Trái đất”; và môn của Phil Novak từ khoa Triết/Tôn giáo, “Tín ngưỡng của thế giới”. Một lần nữa, sinh viên có phản ứng rất nhiệt tình, hầu như không nhận ra rằng chúng tôi đã làm điều gì đó bất thường. Tôi hết sức tri ân lòng can đảm và tự tin của những đồng nghiệp đó khi tham gia vào chương trình này, họ đã không ngần ngại vượt qua mọi biên giới học thuật.
    Đồng nghiệp, gia đình và bạn bè đã đóng góp cho quyển sách này nhiều hơn khi so sánh với bất kỳ tác phẩm nào trước đây của tôi. Lãnh đạo trường Sư phạm, Barry Kaufman, và các đồng nghiệp ở khoa Sử, đặc biệt là xơ Patricia Dougherty, dòng Đa minh, và Martin Anderson, đã thường xuyên giúp đỡ tôi. Đồng nghiệp của tôi ở chương trình Global Education Marin – Nancy van Ravenswaay, Alice Bartholomew, và Ron Herring – đã chỉ lối cho tôi trong nhiều năm qua. Chị tôi, Susan Hill, và con trai Ian Hill đã háo hức đòi tôi từng chương mới của quyển sách như thể họ vô cùng nôn nóng chờ quyển sách ra đời. Con riêng của chồng tôi, Deborah Robbins, giảng dạy Lịch sử thế giới tại Đại học High, Los Angeles đã thảo luận với tôi từng vấn đề một và dẫn tôi đến với những ý tưởng mới. Con trai Ivor của tôi chỉ dẫn cho tôi về sách và tạp chí trong khi con trai Erik chăm sóc tôi suốt thời gian đó với nhiều món ăn ngon. Cô Jean của tôi và chồng là chú Jorge Bustamante ở El Salvador luôn là nguồn cảm hứng cho tôi. Các bạn tôi trên khắp thế giới đều đã góp phần làm giàu cho hiểu biết của tôi.
    Tôi biết ơn rất nhiều độc giả ban đầu của quyển sách này. Amit Sengupta, giáo sư toán lý của trường Dominican, đã giúp kiểm tra lại chương đầu, và Jim Cunningham, giáo sư Sinh vật, đọc lại giúp tôi chương thứ hai. Đồng nghiệp dạy sử, Martin Anderson, giúp tôi tránh được rất nhiều lỗi. Đồng nghiệp dạy triết/tôn giáo, Phil Novak, nhìn tổng thể vấn đề của tôi rất nhanh và giúp tôi tự tin dù cho tác phẩm dựa vào những giả thuyết duy vật. Những nhà sử học thế giới John Mears và Kevin Reilly đưa ra những lời khuyên rất bổ ích. David Christian đã giúp tôi rất nhiều. Những độc giả đã có đóng góp quan trọng: Jim Ream, Chester Bowles, Margo Galt, Katie Berry, Marlene Griffith, Joan Lindop, Philip Robbins, Susan Rounds, và Bill Varner. Chồng tôi, Jack Robbins, đọc từng bản thảo một, tình yêu và sự hỗ trợ của ông đã giúp cho quyển sách ra đời.
    Tôi hết sức biết ơn đội ngũ nhân viên của Nhà xuất bản New Press, đặc biệt là Marc Favreau, Melissa Richards, và Maury Botton, vì đã thực hiện dự án này với lòng nhiệt thành và tính chuyên nghiệp tuyệt vời.
    Những sai sót còn lại trong quyển sách thuộc trách nhiệm của riêng tôi.
 

Mời các bạn đón đọc Đại Sử: Từ Vụ Nổ Lớn Đến Hiện Tại của tác giả Cynthia Stokes Brown.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.