Đài Hoa Tím kể chuyện mười cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi đảm bảo huyết mạch giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Tác giả là một công nhân luyện gang, luyện thép ở Khu Gang thép Thái Nguyên, đồng thời là một bạn văn chương. Tôi đã đọc Đài Hoa Tím từ khi sách mới “ra lò”, nói theo cách của công nhân gang thép, mùi giấy còn thơm. Nhưng đến lần tái bản này, vẫn một Đài Hoa Tím năm nào, tôi đọc với một cảm giác khác hẳn.
Tác phẩm được bổ sung them phần hai gồm hai chương Đêm và Ngày và hay hơn hẳn. Đêm không kể chuyện các cô gái Tiểu đội Đồng Lộc nữa, mà kể chuyện chính tác giả đi tìm lại cuộc đời các cô ra sao, lặn lội bao nhiêu lần, vất vả ra sao, đã hoàn thành tác phẩm như thế nào. Không phải để khoe công mà trái lại, để thú nhận sự bất cập của tài văn trước một thực tế chiến trường vĩ đại, trước những tấm gương anh hùng còn tiềm ẩn những triết lý sâu xa của những đời thường của một dân tộc đang đứng lên tìm lại mình. Hóa ra, sự thú nhận của tác giả lại chính là một nét tiêu biểu của giới văn chương hôm nay trước đề tài chiến tranh còn nguyên vẹn những đòi hỏi, những khát vọng được tìm hiểu và tái hiện với một tầm cao tương xứng. Tác phẩm toát lên một tấm lòng biết ơn không bờ bến của nhân dân ta với những người ngã xuống trên chiến trường. Ngày kể chuyện viễn tưởng vào năm 2018, nhân vật Tôi (tác giả) cùng bầu đoàn con cháu của mình trở lại Đồng Lộc và thấy lòng biết ơn đó được nâng lên một tầm cao như thế nào. Thật thú vị.
Từ lâu tôi đã làm bài Hà Lạc cho Nghiêm Văn Tân, khi ấy bạn bè còn gọi anh bằng cái tên quen thuộc là Đồng Tâm (chính cái tên này mới nói lên cái mệnh của anh). Có lẽ vì cái mệnh như thế nên giời đất xui khiến anh bỏ quê Hà Nội lên Thái Nguyên làm công nhân gang thép. Và khi mơ mộng làm văn chương thì chọn cái đề tài vô cùng khó khăn đối với chàng trai Hà Nội – Thái Nguyên miêu tả hành động anh hùng (có sức kêu gọi và quy tụ lòng người) của mười cô gái trên đất lửa Đồng Lộc. Trong thực tế Nghiêm Văn Tân đã thấy đây là một công việc lớn đối với anh nên anh đã bỏ một phần đời của mình, mười năm chứ không ít, để có được gần 200 trang, và nay là gần 300 trang 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc.
Đọc cuốn sách này ta sẽ thấy anh biến thành một người của Hà Tĩnh. Câu sau đây ta biết anh “thuộc” Hà Tĩnh thế nào: Qua cầu Phố Châu đến cầu Kè, cầu Tấn, cầu Sến, cầu Hà Tân. Qua cầu Nan Nhe, đến cầu Sài Phố, rồi đến cầu Mãn Châu là đến xã Sơn Hồng.
Có thể nói đây là tác phẩm “mệnh” của Nghiêm Văn Tân, anh đã viết với tất cả tinh hoa của đời mình, mà anh vẫn chưa cho thế là đủ.
Ngày 8 tháng 12 năm Giáp Thân
(17 tháng 01 năm 2005)
Xuân Cang
Leave a Reply