Tám-mươi năm Pháp-thuộc là một đại quốc-sỉ còn ghi chép trên lịch-sử nước nhà, mặc dầu trên thực-tế cơn ác-mộng ấy đã trôi qua một cách nặng-nề ảo-não. Ngày nay ngọn Quốc-kỳ Việt-Nam độc-lập rực-rỡ cao phất từng không đã xóa tan những đám mây đen đòi phen gieo-rắc cảnh u-ám trên non sông Hồng-Lạc ; cả quốc-dân đang vui mừng rũ bỏ xiềng-xích nô-lệ đã đặt lên cổ chúng ta, đang nô-nức vươn mình tiến bước trên con đường dân-tộc tự-chủ.

Vinh-diệu thay ! Thiêng-liêng thay ! giờ phút mọi người cùng trang-nghiêm tự-hào xứng-đáng là kẻ thừa-kế tổ-tiên đã gìn-giữ bờ cõi trong muôn thủa. Trong giờ phút ấy, nếu chúng ta trầm-mặc truy-niệm quá-khứ, hẳn không ai quên được nỗi đau-thương của chín năm binh-lửa (1945-1954) và phải liên tưởng đến cuộc đấu-tranh giành chủ-quyền, âm-thầm nhưng mãnh liệt, kín-đáo nhưng sâu-xa, mà dân-tộc theo đuổi trong suốt thời-kỳ đô-hộ Tây-phương.

Bao hy-sinh ! Bao xương-máu ! Bao thế hệ xử-dụng vào cuộc đấu-tranh đáp lời kêu gọi của non sông, khảng-khái dâng mình cho Tổ-quốc !




Chúng ta khao-khát những điều ấy, vì chúng ta biết rằng không phải trong một ngày mà nền độc-lập hiện-hữu của nước nhà xây dựng nổi ! chúng ta mang ơn nặng ở quá khứ nặng-nề kia, trong đó dù muốn dù không, cuộc đấu-tranh dân-tộc còn rành rành in dấu.

Trong hồi gần đây, các sách chép cận-đại có nhắc đến cuộc chống Pháp từ Phong-trào Cần-vương đến Việt-Nam Quốc-dân-Đảng ; việc biên-soạn hoặc vì tính-cách tác-phẩm, hoặc vì dụng-ý của tác-giả, hoặc vì thiếu chứng-liệu không cung-ứng cho trí hiếu học đủ các tình-tiết. Vì lẽ đó một phần không nhỏ, những sự đau-khổ hay kỳ-thú của lớp chiến-sĩ đồng thời với chúng ta chưa được viết ra đầy đủ. Điền bổ sự thiếu sót đó là việc có nhiều văn hữu muốn làm, sở dĩ đến nay chưa thành chỉ vì không có minh-chứng và tài liệu về các sự-kiện xác-thực. Đại khái chúng ta thường biết rằng, sau sự tan vỡ của mấy phong-trào đấu-tranh gần nhất có hàng vạn chiến-sĩ bị người Pháp đầy ra Côn-Nôn (nay gọi là Côn-Sơn) hoặc lưu đầy tới một nơi ở phía bên kia trái đất, nhưng rồi chẳng ai hiểu rõ số phận họ ra sao ; ôm một khối hùng tâm tráng-chí chết mòn-mỏi ở đó rồi chăng, hoặc còn sống cũng thở hút chung bầu không-khí với chúng ta, nhưng « hình thì còn mà bụng chết đòi nau » rồi chăng !

Nghi-vấn đó đã làm cho bao tâm-hồn khắc-khoải ! Những đêm trường canh vắng, gió lạnh lọt màn thưa, bao từ-mẫu hiền-thê đã gạt giòng lệ khi nghĩ tới người chiến-sĩ tắm gió nằm mưa trong cảnh lao-tù, bấm đốt tay mấy độ : năm đã chầy, tháng đã lụn, mà kẻ ở nơi chân trời góc biển nào thấy vân-mòng gì đâu ? Đến những bạn đồng-tâm đồng chí của họ, vì lẽ này hay lẽ khác còn lọt lưới quân thù, sống trong nguy-hiểm nhưng vẫn không sao quên được những ai đương phải thu mình, vì cùng một lý-tưởng với mình : Xa hơn thế, trong quốc-dân trừ những kẻ cam phận làm tâu-cẩu cho cừu-nhân, ai không có lúc nhắc tới bọn người đang quằn-quại trong gông cùm vì số phận của giống nòi.




May mắn thay ! Tháng giêng năm 1955 một số chiến-sĩ Yên-Bái bị lưu-đầy từ năm 1930 tại Guy-An (Guyane Française) được trở về nước nhà, tôi hân-hạnh được gặp, các bạn ấy đã vui lòng cung cấp thêm tài-liệu để tôi viết nên tập : « TỪ YÊN-BÁI ĐẾN CÁC NGỤC-THẤT HÀ-NỘI, CÔN-NÔN VÀ GUY-AN » này, nhằm mục-đích cung cấp thêm tài-liệu bổ-khuyết các văn-phẩm cùng loại này đã xuất-bản từ trước.

Chúng tôi luôn-luôn tôn-trọng sự thật trong khuôn-khổ văn-nghệ.

Viết tại Sài-gòn tháng 10 năm 1957
HOÀNG-VĂN-ĐÀO

Mời các bạn đón đọc Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An của tác giả Hoàng Văn Đào.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.