Nhà văn Uyên Thao tên thật là Vũ Quốc Châu, sinh năm 1933 tại Hà Nội, bắt đầu viết văn từ năm 1952. Vào Saigon năm 1953, ông cộng tác với nhiều tờ báo cũng như những tập san văn học nghệ thuật. Sở trường của ông là sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật. Tác phẩm của nhà văn Uyên Thao gồm đủ thể loại trong đó có những tác phẩm đã in trên báo và xuất bản như hai cuốn tiểu thuyết “Những Con Cọp Cháy Móng” đăng trên Tạp chí Sinh Lực-Sài Gòn từ năm 1959 đến 1961, “Trống Trận” đăng trên Nhật báo Tin Sáng vào năm 1964 và cuốn dã sử tiểu thuyết “Trong Ánh Lửa Thù” đăng trên Nhật báo Người Việt California từ năm 1996 đến 1997, và tập thơ viết trong tù “Không Tên” 1992. Ông cũng là nhà phê bình văn học với hai tác phẩm “Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960” gồm 6 tập do Nhà Xuất Bản Hồng Lĩnh ấn hành tại Sài Gòn năm 1970 và “Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1900-1970” do Nhà Xuất Bản Nhân Chủ ấn hành tại Saigon năm 1973. Ông cũng sáng lập và điều hành nhật báo Sóng Thần từ năm 1970 đến 1974. Ngay từ khi đặt chân lên đất Mỹ vào cuối năm 1999, nhà văn Uyên Thao đã nghĩ đến chuyện thành lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Nhà văn Uyên Thao cho biết thêm là Tủ Sách Tiếng Quê Hương nhận được sự cộng tác của rất nhiều bạn bè ngay từ khi ông khởi xướng việc này.

“Tôi sang đây hơi trễ nhưng ngay khi mình nghĩ tới tủ sách này thì tôi viết thư cho tất cả những người bạn cũ tôi có được địa chỉ thì hầu như ai cũng sẵn sàng tiếp tay, ai cũng sẵn sàng ủng hộ. Chính vì vậy mình mới có thể thành lập được tủ sách.”

Tủ Sách Tiếng Quê Hương được thành hình vào đầu năm 2000 vài tháng sau khi nhà văn Uyên Thao đặt chân lên nước Mỹ và tác phẩm đầu tiên được phát hành vào tháng 9 cùng năm là tập truyện ngắn “Thân Phận Ma Trơi” của Nguyễn Thụy Long.




***

Sáu năm sau đêm Trung Chính đẫm nước mắt cầm kiếm lệnh phóng ngựa như điên rời Thăng Long, đại quân Thát Đát tràn qua bắc thùy.

Giữa mùa đông năm Tỵ, Ngột Lương xua quân từ Quí Châu, Vân Nam tiến vào đất Đại Việt. Kỵ binh Thát Đát xoài vó dọc dẫy Tượng Sơn theo tả ngạn sông Thao ào ạt tiến về xuôi. Các cứ điểm phòng thủ của quân Đại Việt từ Ngã Ba Hạc tới Phù Lỗ bị tràn ngập mau chóng trước sức tấn cônc) như vũ bão. Cuộc chiến đấu giữ nước được chuẩn bị gần mười năm vẫn không ngăn nổi quân Thát Đát tiến thẳng về Thăng Long. Triều đình bỏ kinh thành cho Thát Đát chiếm đóng. Thế nước chông chênh như bánh xe đang lăn trên bờ vực. Nhà vua băn khoăn hỏi Quốc Sư Thủ Độ:

– Tình thế này liệu còn cách nào vượt khỏi nguy vong chăng?




Vị lão thần nghiêng mái đầu bạc trắng về phía nhà vua. Cặp mắt trĩu ưu tư của ông quắc lên. Giọng ông trầm trầm nhưng quyết liệt, nhấn rõ từng lời:

– Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ đừng lo!

Hơn một tháng sau, quân Đại Việt từ các lộ Hông, Khoái, Trường An, Thiên Trường dồn về phản công địch tại Đông Bộ Đầu, khôi phục kinh thành.




Ngột Lương chuyển quân qua hữu ngạn sông Thao, gom lực lượng tại Qui Hoá, chuẩn bị mở đợt tấn công thử nhì về Thăng Long. Các thám tử Thát Đát trong vùng được lệnh cấp tốc về gặp chủ tướng Ngột Lương để tường trình về địa thế và quân tình Đại Việt.

Cùng lúc Ngột Lương cho dựng trại chờ hội quân, chủ quán Quốc Oai khách điếm một mình một ngựa băng rừng tiến sâu vào miền tây bắc Qui Hoá, hướng về căn cứ Khau Pho.

Hai ngày sau đó, kỵ binh Thát Đát nhận chịu một cuộc tấn công chưa hề gặp trên khắp các chiến trường từng in dấu chân ngựa của họ. Trong lúc cánh quân triều đình của viên tướng trẻ Trần Quốc Tuấn từ lộ Quốc Oai vượt Trung Ha tiến lên, nghĩa binh lộ Qui Hoá dưới sự dắt dẫn của thủ lãnh Lý Trung Chính xuất hiện như tiếng sét bất ngờ nổ giữa trời trong, cắt nát kỵ binh Thát Đát thành từng toán nhỏ. Cuộc phối hợp giữa quân triều đình và nghĩa binh Qui Hoá dồn lực lượng Thát Đát vào thế bị động hoàn toàn từ phút khởi đầu trận đánh. Lần đầu tiên đoàn kỵ binh bách thắng khắp hoang mạc Bắc Á vừa xéo nát đế quốc Ba Tư và chinh phục Đại Lý lâm cảnh tan vỡ kinh hoàng. Những chiến sĩ áo chàm chập chờn biến hiện như những bóng ma và dũng mạnh như một bầy sư tử.




Ngột Lương phải ra lệnh mở đường máu thoát thân, cuốn vó chạy dài về phương bắc dưới sự truy sát bén gót của quân Đại Việt. Những ngày cuối cùng của mùa đông năm Tỵ cũng là những ngày cuối cùng của ba vạn chiến binh Thát Đát vừa hung hăng vượt bắc thùy Đại Việt ít ngày trước đó. Ngột Lương chỉ còn vài chục thân tùy cắm đầu chạy không kịp thở, cố tránh thật xa đoàn quân áo chàm của chàng trai có cặp mắt như bốc lửa và cánh tay gươm không hề mệt mỏi.

Vào lúc chờ nghĩa binh thu dọn chiến trường để tập hợp về xuôi, Lý Trung Chính trầm ngâm trên yên ngựa nhớ lại những người từng sát cánh bên chàng. Chàng nhớ tới người chú họ Lý Bảo Tuấn hầu như không lúc nào rời chàng nửa bước. Với tuổi già bảy chục, ông vẫn giữ nguyên khí phách của viên tướng trẻ lừng danh Trung Dũng Hầu thuở trước. Luôn luôn xông xáo trên đầu các hàng quân, ông chỉ chịu ngưng khi nhận một mũi tên Thát Đát cắm suốt qua tim. Trung Chính thở dài nhủ thầm:

– Dù sao thì chú cũng hài lòng vì đã dự phần làm sống lại trận Như Nguyệt ngày xưa.

Mời các bạn đón đọc Trong Ánh Lửa Thù của tác giả Uyên Thao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *