Vladimir Ilyich Lenin (tiếng Nga: Влади́мир Ильи́ч Ле́нин, phiên âm tiếng Việt: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin), tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov (tiếng Nga: Влади́мир Ильи́ч Улья́нов), còn thường được gọi với tên V. I. Lenin hay N. Lenin, có các bí danh: V.Ilin, K.Tulin, Karpov…; sinh ngày 22 tháng 4 năm 1870, mất ngày 21 tháng 1 năm 1924; là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx (1818 – 1883) và Friedrich Engels.

Ông được tạp chí Time coi là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất đến lịch sử thế giới.

Ông mất tháng 1 năm 1924, thi hài được lưu giữ trong lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ, Moskva.

Lenin sinh tại Simbirsk, Nga (hiện là Ulyanovsk), là con trai thứ ba trong gia đình tương đối đầm ấm của vợ chồng Ilya Nikolaevich Ulyanov (1831 – 1886), một viên chức dân sự Nga làm việc để mở rộng dân chủ và giáo dục đại chúng miễn phí ở Nga, và Maria Alexandrovna Ulyanova (1835 – 1916), một người theo chủ nghĩa tự do. Lênin là người có dòng máu lai từ thời tổ tiên. Là người Nga nhưng ông có dòng máu của người Kalmyk qua ông nội, của người Đức Volga qua bà ngoại (là một người theo thuyết Luther), và của người Do Thái qua ông ngoại (người đã cải theo Ki-tô giáo). Lênin được rửa tội trong Nhà thờ Chính Thống giáo Nga.

Lenin nổi tiếng học giỏi tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp. Hai bi kịch đã xảy ra trong thời niên thiếu của ông. Lần đầu khi cha ông qua đời vì xuất huyết não năm 1886. Tháng 5 năm 1887 anh cả của ông là Aleksandr Ilyich Ulyanov – một người theo phái “Dân ý” – bị treo cổ vì tham gia vào một âm mưu ám sát Nga hoàng Aleksandr III. Sự kiện này đã làm Lenin trở thành người cấp tiến. Tiểu sử chính thức của ông thời Xô Viết coi sự kiện này có ảnh hưởng lớn tới các quá trình cách mạng của ông. Một bức tranh nổi tiếng của Belousov, Chúng ta sẽ đi theo một con đường khác, được in lại hàng triệu bản trong những cuốn sách thời Xô Viết, mô tả cậu bé Lenin và mẹ đang buồn bã khi mất người anh trai. Câu nói “Chúng ta sẽ theo một con đường khác” có nghĩa là Lenin đã lựa chọn chủ nghĩa Marx để tiếp cận tới cách mạng nhân dân, thay vì những phương pháp vô chính phủ cá nhân. Khi Lênin bắt đầu quan tâm tới chủ nghĩa Marx, ông tham gia vào các cuộc phản kháng của sinh viên và cuối năm đó bị bắt. Sau đó ông bị đuổi khỏi Đại học Kazan. Ông tiếp tục học tập một mình và tới năm 1891 đã có giấy phép hành nghề luật.

Ngay khi tốt nghiệp, Lênin vào làm trợ lý cho một luật sư. Ông làm việc nhiều năm tại Samara, Nga, sau đó vào năm 1893 chuyển tới kinh đô Sankt-Peterburg. Thay vì tìm kiếm một công việc hợp pháp ổn định, ông ngày càng tham gia sâu vào các hoạt động tuyên truyền cách mạng và nghiên cứu chủ nghĩa Marx. Ngày 7 tháng 12 năm 1895, ông bị nhà chức trách bắt giam 14 tháng sau đó trục xuất tới một làng tại Shushenskoye ở Xibia.

Tháng 4 năm 1899, ông xuất bản cuốn sách Sự phát triển của Chủ nghĩa Tư bản tại Nga, một cuốn sách khá đồ sộ. Năm 1900, thời kỳ đi đày chấm dứt. Ông đi du lịch nước Nga và những nơi khác ở châu Âu. Lenin đã sống tại Zürich, Genève, München, Praha, Viên và Luân Đôn và trong khi bị đi đày ông đã sáng lập tờ báo Iskra. Ông cũng viết một số bài báo và cuốn sách về phong trào cách mạng. Trong giai đoạn này, ông đã bắt đầu sử dụng nhiều bí danh, cuối cùng lấy tên Lenin.

Ông hoạt động trong Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga (RSDLP; РСДРП trong tiếng Nga), và vào năm 1903 ông lãnh đạo phái Bolshevik sau một sự chia rẽ với những người Menshevik, điều này xảy ra một phần từ cuốn sách nhỏ của ông Điều cần làm? Năm 1906 ông được bầu làm Chủ tịch RSDLP. Năm 1907 ông tới Phần Lan vì những lý do an ninh. Ông tiếp tục đi du lịch châu Âu và tham gia vào nhiều cuộc gặp gỡ cũng như các hoạt động xã hội, gồm cả Hội thảo Đảng Praha năm 1912 và Hội thảo Zimmerwald năm 1915.

Richard Pipes cho rằng Lenin đã phân tích Công xã Paris và kết luận phong trào này thất bại vì “sự khoan hồng quá mức – đúng ra Công xã phải tiêu diệt những kẻ thù của mình”. Tuy nhiên, cả câu trích dẫn, như Lenin đã nói trong một bài phát biểu đã được chuyển tới một cuộc gặp gỡ quốc tế tại Genève ngày 18 tháng 3 năm 1908, nhân ngày lễ kỷ niệm Công xã như sau: “Dù giai cấp vô sản xã hội đã bị chia rẽ thành nhiều phe, Công xã là một ví dụ cụ thể về sự đoàn kết để khi có nó giai cấp vô sản có thể hoàn thành các nhiệm vụ dân chủ mà giai cấp tư sản chỉ có thể tuyên bố ra. Không cần có một điều luật phức tạp đặc thù nào cả, một cách đơn giản, rõ ràng, giai cấp vô sản, khi đã nắm quyền lực, sẽ tiến hành dân chủ hóa hệ thống xã hội, xóa bỏ quan liêu và khiến cho mọi chức vụ nhà nước đều thông qua bầu cử. Hai sai lầm đã tiêu diệt thành quả của một chiến thắng vẻ vang.

Giai cấp vô sản đã dừng lại nửa chừng; thay vì tiếp tục “chiếm đoạt của những kẻ chiếm đoạt”, họ đã cho phép mình đi chệch hướng bởi những mơ ước về một sự công bằng tuyệt đối trong một đất nước thống nhất bởi một mục tiêu quốc gia; những định chế, như ngân hàng, đã không bị nắm giữ…. Sai lầm thứ hai là sự khoan dung quá đáng của giai cấp vô sản: đúng ra họ phải tiêu diệt các kẻ thù, nhưng thay vào đó họ lại gắng sức dùng đạo đức để gây ảnh hưởng tới chúng; họ đã bỏ qua tầm quan trọng của hoạt động quân sự thuần túy trong một cuộc nội chiến và thay vì tiếp tục tiến bước mạnh mẽ tới Versailles và giành lấy chiến thắng ở Paris, họ đã trì hoãn và do vậy cho phép chính phủ Versailles tập hợp các lực lượng của mình, chuẩn bị trước cho những sự kiện đẫm máu trong tuần lễ tháng 5.”

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ năm 1914, và các đảng Dân chủ Xã hội lớn tại châu Âu (khi đó họ tự coi họ là theo chủ nghĩa Mác), gồm cả những người có uy tín như Karl Kautsky, ủng hộ những nỗ lực chiến tranh của chính quyền nước mình, Lenin đã rất sửng sốt, đầu tiên từ chối tin rằng những người của Đảng Dân chủ Xã hội Đức đã bỏ phiếu ủng hộ chiến tranh. Điều này khiến ông bị chia rẽ lần cuối cùng với Đệ Nhị Quốc tế, gồm các đảng đó.

Khác với quan điểm chung của người Mác-xít coi cách mạng ở Đức là quan trọng hơn ở Nga, ngày 17 tháng 10 năm 1914, Lenin viết: “Chủ nghĩa Nga Hoàng còn trăm lần xấu hơn chủ nghĩa Đức Hoàng.” Ông lên án chủ nghĩa tư bản cả hai bên đã gây ra cuộc chiến, nhất là chủ nghĩa đế quốc Anh – Pháp.

• Sau Cách mạng Tháng Hai (1917)

Sau khi Cách mạng Tháng Hai năm 1917 giành thắng lợi tại Nga và Nga hoàng Nikolai II thoái vị, Lênin biết rằng ông cần sớm trở lại nước Nga. Nhưng ông đã bị cô lập tại Thụy Sĩ trung lập khi Chiến tranh thế giới thứ nhất đang ở giai đoạn cao trào và không thể dễ dàng đi qua châu Âu. Tuy nhiên, Fritz Platten, một người cộng sản Thụy Sĩ đã tìm cách đàm phán với Chính phủ Đế quốc Đức để Lenin và những người của ông có thể đi bằng tàu hỏa kín qua nước Đức. Mọi người tin rằng chính Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II của Đức đã hy vọng Lenin sẽ gây ra tình trạng bất ổn chính trị ở Nga giúp ông chấm dứt chiến tranh tại Mặt trận phía Đông. Khi còn ở trên lãnh thổ Đức, Lenin không được phép ra khỏi đoàn tàu. Khi đã qua Đức, Lenin tiếp tục đi phà tới Thụy Điển và chặng đường xuyên Scandinavia còn lại đã được những người cộng sản Thụy Sĩ là Otto Grimlund và Ture Nerman thu xếp.

Theo báo Công an Nhân dân, có người cho rằng sự nghiệp cách mạng của ông đã nhận được sự giúp đỡ về tài chính từ đế quốc Đức. Họ cho rằng Lenin đã nhận được tiền bạc từ tay một nhà tư sản Đức tên là Parvus. Thậm chí, sách The Return of the Kings của tác giả Thomas Purcell còn khẳng định Đức hoàng mong muốn tiêu diệt các Nga hoàng hùng mạnh và ủng hộ Lenin vì nhiều lý do, chẳng hạn Đức hoàng hy vọng Lenin sẽ hỗ trợ cho Đức trong cuộc chiến trên Mặt trận phía Tây sau khi Cách mạng thắng lợi và Mặt trận phía Đông chấm dứt. Cũng theo đó, nếu Đức hoàng không hỗ trợ Lenin thì có lẽ cuộc cách mạng vô sản sẽ thất bại. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhà sử học nổi tiếng người Nga Vladlen Loginov không có những tình tiết này. Theo ghi nhận trên giấy tờ, trong các năm 1915 – 1917, có đến ba lần Parvus tìm cách bắt liên lạc với Lenin, với mong muốn đưa tiền cho nhà cách mạng này. Thế nhưng, Parvus đã không thành công trong cả ba lần tìm cách bắt liên lạc nêu trên. Lenin đã phản hồi: “Cách mạng cần được thực hiện bằng những bàn tay trong sạch.”

Ngày 16 tháng 4 năm 1917, Lênin quay trở về thủ đô Petrograd và nhận vai trò lãnh đạo bên trong phong trào Bolshevik, xuất bản Luận cương tháng 4. Luận cương tháng 4 kêu gọi kiên quyết phản đối chính phủ lâm thời. Ban đầu vì có sự không rõ ràng trong cánh tả Lenin giữ khoảng cách với đảng của ông. Tuy nhiên, lập trường kiên quyết này có nghĩa rằng những người Bolshevik đã trở thành lãnh đạo của quần chúng bởi vì họ không còn ảo tưởng ở chính phủ lâm thời, và nhờ sự xa hoa của phe đối lập những người Bolshevik đã không còn phải chịu trách nhiệm về bất cứ hậu của nào của việc áp dụng những chính sách của họ.

• Sau cuộc nổi dậy của công nhân

Sau cuộc nổi dậy bất thành của công nhân vào tháng 7, Lenin bỏ trốn tới Phần Lan. Ngày 24 tháng 10 theo lịch cũ Nga, tức ngày 6 tháng 11 năm 1917, ông viết: “Chính phủ sắp sụp đổ. Chúng ta phải giáng cho nó đòn chí mạng bằng mọi giá. Trì hoãn hành động là chết”. Cùng tháng, ông rời Phần Lan và trở lại nước Nga, phát động một cuộc cách mạng vũ trang với khẩu hiệu “Tất cả quyền lực về tay Xô Viết!” chống lại Chính phủ Lâm thời của Kerensky. Các ý tưởng về chính phủ của ông đã được thể hiện trong bài tiểu luận “Quốc gia và Cách mạng”, kêu gọi thành lập một hình thức chính phủ mới dựa trên các hội đồng công nhân hay các Xô viết. Trong tác phẩm này, ông cũng cho rằng, trên nguyên tắc, những người công nhân bình thường có thể điều hành một nhà máy hay một chính phủ. Dù ông nhấn mạnh rằng, để điều hành một quốc gia, người công nhân phải “học chủ nghĩa cộng sản.” Ông còn nhấn mạnh thêm rằng một thành viên chính phủ phải nhận đồng lương không được cao hơn lương một người công nhân tầm trung bình.

• Chủ tịch chính phủ

Ngày 8 tháng 11, Lenin được Đại hội Xô viết Nga bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân ủy. Lenin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa điện tới mọi vùng nước Nga và hiện đại hóa công, nông nghiệp. Ông rất quan tâm tới việc tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí và toàn diện cho mọi người dân, giải phóng phụ nữ và dạy cho những người dân mù chữ Nga biết đọc, viết. Nhưng trước hết, chính phủ Bolshevik mới cần đưa nước Nga ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Đối mặt với mối đe dọa xâm lăng từ nước Đức, Lenin cho rằng Nga cần ngay lập tức ký kết một hiệp ước hòa bình. Những lãnh tụ Bolshevik khác, như Bukharin, ủng hộ tiếp tục tham chiến, coi đó là một biện pháp mang cách mạng tới nước Đức. Lev Davidovich Trotsky, người chỉ đạo các cuộc đàm phán, ủng hộ một lập trường trung gian, “Không Chiến tranh, Không Hòa bình”, kêu gọi chỉ ký hiệp ước hòa bình với điều kiện không một phần đất chiếm thêm được của bất kỳ bên nào được hợp nhất với lãnh thổ nước đó. Sau khi những cuộc đàm phán thất bại, Đức tấn công chiếm giữ nhiều vùng rộng lớn phía tây nước Nga. Sau các sự kiện mang tính bước ngoặt này, lập trường của Lenin được đa số ban lãnh đạo Bolshevik ủng hộ. Ngày 3 tháng 3 năm 1918, Lenin rút Nga ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất khi đồng ý ký kết Hiệp ước Brest-Litovsk, theo đó nước Nga mất một phần lớn lãnh thổ tại châu Âu. Đây được xem là thời điểm tệ nhất của lịch sử Nga trong vòng 200 năm, song với một đất nước bị tàn phá thì Lênin không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận những điều khoản ô nhục.

Sau khi những người Bolshevik thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến Nga, cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đại đa số công nhân ở hai thành phố lớn là Petrograd và Moskva, họ đã sử dụng lực lượng Hồng vệ binh buộc cuộc họp lần thứ nhất của Quốc hội phải ngừng lại ngày 19 tháng 1. Sau đó, những người Bolshevik đã tổ chức ra một tổ chức Phản-Quốc hội, Đại hội Xô viết thứ ba, cho phép họ và các đồng minh có được hơn 90% số ghế, cho rằng “chuyên chính vô sản” trước tiên là một đạo luật của chính giai cấp vô sản: “Tất nhiên, những người cho rằng có thể lấp đầy hố sâu ngăn cách giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hay những người tưởng tượng rằng điều đó có thể thuyết phục đa số nhân dân rằng nó có thể xảy ra thông qua trung gian của Quốc hội Lập hiến – những người tin vào câu chuyện ngụ ngôn của tầng lớp tư sản dân chủ, có thể vô tình tin tưởng điều đó, nhưng hãy đừng để họ phàn nàn nếu cuộc sống lật tẩy câu chuyện ngụ ngôn này,” và nói thêm rằng “lý do lớn nhất tại sao những người xã hội chủ nghĩa” (như, những người dân chủ tiểu tư sản) của Quốc tế Thứ hai không hiểu được sự chuyên chính vô sản là bởi họ không hiểu được rằng quyền lực nhà nước nằm trong tay một tầng lớp, tầng lớp vô sản, có thể và phải trở thành một phương tiện cho phe chiến thắng của tầng lớp vô sản của đông đảo nhân dân vô sản, một phương tiện để giành chiến thắng của tầng lớp đó trước giai cấp tư sản và những đảng tiểu tư sản.”

Những người Bolshevik đã thành lập một chính phủ liên minh với Đảng Xã hội Cách mạng Nga cánh tả. Tuy nhiên, liên minh của họ đã tan vỡ sau khi Cách mạng Xã hội chủ nghĩa phản đối hiệp ước Brest-Litovsk, và họ gia nhập cùng với các đảng khác tìm cách lật đổ chính phủ Xô viết. Tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu, các đảng không Bolshevik (gồm một số phái xã hội chủ nghĩa) tích cực tìm cách lật đổ chính phủ Bolshevik. Lenin phản ứng lại cách hành động đó bằng cách ngăn chặn các hoạt động của họ và bỏ tù một số thành viên các đảng đối lập.

• Ủng hộ và phản đối

Dù Lenin đã ủng hộ và giúp đỡ thành lập một chế độ “Dân chủ Xô viết,” những người phản đối Lenin thuộc cánh hữu, như Kautsky, và thuộc cánh tả như Kollontai, vẫn cho rằng ông thủ tiêu sự giải phóng giai cấp vô sản và nền dân chủ (quyền kiểm soát của công nhân thông qua các Xô Viết hay các hội đồng công nhân). Có người cho rằng đây là hành động mở đường cho chủ nghĩa Stalin sau này. Dù nhiều cơ quan và chính sách do Stalin lập ra và sử dụng như cảnh sát mật, trại lao động, và việc hành quyết các đối thủ chính trị vốn bị chỉ trích nặng nề cũng đã được sử dụng dưới tới cầm quyền của Lenin, các kỹ thuật đó cũng thường được chế độ Nga hoàng sử dụng từ lâu trước thời Lenin, và cũng từ lâu đã là các phương tiện tiêu chuẩn để đối phó với bất đồng chính trị ở nước Nga. Tuy nhiên, theo Stephane Courtois mức độ sử dụng có khác nhau; số tù nhân chính trị bị hành quyết trong vài tháng đầu cầm quyền của phái Bolshevik lớn gấp ba lần con số đó trong 90 năm cầm quyền của chế độ Nga hoàng. Tuy nhiên, “thực tế” này, hiện vẫn đang bị tranh cãi. Cũng cần nhớ rằng tỷ lệ các hoàn cảnh dẫn tới những phản ứng của người Bolshevik cũng khác rất xa: một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi một cuộc chiến tranh thế giới, một quần chúng thất học sau giai đoạn quân chủ chuyên chế, một lực lượng đối lập sẵn sàng hy sinh để lật đổ chính quyền Bolshevik,… Hơn nữa, Trotsky tuyên bố rằng một “con sông máu” chia tách Lenin khỏi những hành động của Stalin bởi vì Stalin đã hành quyết nhiều đồng chí cũ của Lenin cũng như những người ủng hộ họ, trong nhóm Đối lập cánh Tả. Trong số này có cả chính Trotsky.

Quan điểm của những người theo chủ nghĩa Lenin về cách mạng đòi hỏi một bộ máy cán bộ cách mạng chuyên nghiệp vừa có nhiệm vụ chỉ huy đại chúng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực và tập trung hóa kinh tế cũng như quyền lực hành chính vào tay một đất nước của công nhân. Từ mùa xuân năm 1918, Lenin đã vận động đặt những cá nhân có trách nhiệm vào cương vị đứng đầu mỗi nhà máy, trái ngược lại hầu hết các quan điểm về sự tự quản của công nhân, nhưng hoàn toàn cần thiết cho hiệu quả sản xuất và về mặt chuyên môn. Như S.A. Smith đã viết: “Tới cuối cuộc nội chiến, không có nhiều nhà máy hoạt động theo những hình thức dân chủ trong quản lý công nghiệp như kiểu các hội đồng nhà máy từng được cổ động trong năm 1917, nhưng chính phủ cho rằng điều này không phải là vấn đề bởi vì nền công nghiệp đã dựa trên sự sở hữu của một quốc gia công nhân.” Trong cuộc nội chiến, dân chủ không phải được tập trung bên trong đảng Bolshevik và sau này là Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Liên Xô.

Để bảo vệ chính phủ Bolshevik mới thành lập trước những kẻ phản cách mạng, chính quyền của Lenin đã tạo ra lực lượng cảnh sát mật, Cheka, ngay sau cuộc cách mạng. Những người Bolshevik đã lập kế hoạch tổ chức một phiên tòa xét xử Hoàng đế Nikolai II vì những tội ác chống lại nhân dân Nga, nhưng vào tháng 8 năm 1918 khi Bạch vệ tiến về Yekaterinburg (nơi gia đình Nikolai II đang bị cầm giữ), Sverdlov đã nhanh chóng ra quyết định hành quyết Nikolai II và cả gia đình để quân Bạch vệ không thể giải thoát cho họ. Sau này Sverdlov đã thông báo với Lenin về vụ hành quyết, Lenin đồng ý rằng đó là một quyết định đúng đắn, bởi vì những người Bolshevik không muốn để Hoàng gia trở thành một biểu tượng của Bạch vệ. Tuy nhiên, có những nhà sử học người Nga đã cho biết, ông không tán thành với việc những người Bolshevik hành hình Nikolai II, vì ông cho rằng sau khi chế độ quân chủ không còn nữa, Nga hoàng nên được đưa ra tòa án để xét xử. Cháu gái Lenin – Olga Ulianova cũng nói: “Bác Volodya làm cách mạng Bolshevic không phải để giết vua Nga. Lenin chỉ muốn thay thế hệ thống tư bản chủ nghĩa ở nước Nga bằng chế độ xã hội chủ nghĩa”.

• Vụ ám sát và phản ứng của chính phủ

Ngày 30 tháng 8 năm 1918, Fanya Kaplan, một thành viên của Đảng Xã hội Cách mạng Nga, tiếp cận Vladimir Ilyich Lenin sau khi ông tham dự một buổi mít-tinh và đang quay ra xe hơi. Kaplan gọi tên Lenin, ông quay lại trả lời. Bà ngay lập tức bắn ba phát, hai phát trúng Lenin ở khuỷu tay và lưng. Lenin được đưa về căn hộ tại Kremli, từ chối tới bệnh viện bởi ông tin rằng những kẻ ám sát khác đang rình rập ở đó. Các bác sĩ được triệu tới, nhưng cho rằng sẽ là quá nguy hiểm nếu lấy viên đạn ra. Sau này Lenin đã hồi phục dù sức khỏe của ông bắt đầu giảm sút từ thời điểm đó. Mọi người cho rằng vụ ám sát có liên quan tới những cơn đột quỵ sau này của ông.

Chính phủ Bolshevik phản ứng lại vụ ám sát, và những sự tập hợp nỗ lực chống cộng từ các đối thủ của họ bằng cái họ gọi là Khủng bố Đỏ. Hàng chục nghìn người bị coi là kẻ thù của cách mạng, nhiều người bị hành quyết hay tống vào các trại lao động vì có âm mưu chống lại chính phủ Bolshevik.

Theo Orlando Figes, Lenin luôn ủng hộ “sự khủng bố số đông chống lại những kẻ thù cách mạng” và luôn bày tỏ quan điểm rằng nhà nước vô sản là một hệ thống bạo lực được tổ chức chống lại những tổ chức của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên theo Figes, trong khi được những người Bolsheviks khuyến khích, sự khủng bố có gốc rễ trong sự giận dữ của nhân dân chống lại tầng lớp ưu thế. (A Peoples Tragedy, trang 524-525) Vào cuối năm 1918 khi Kamenev và Bukharin tìm cách kìm chế những “sự thái quá” của Cheka, chính Lenin là người đã đứng ra bảo vệ tổ chức này. (Figes trang 649) Tuy nhiên, mức độ của cái gọi là “những sự thái quá,” cũng như những lý do của Lenin ẩn giấu sau sự bảo vệ đó không hề được nêu tên.

Tháng 3 năm 1919, Lenin và các lãnh đạo Bolshevik khác gặp gỡ với các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa từ khắp nơi trên thế giới và lập ra Quốc tế Cộng sản. Các thành viên của Quốc tế Cộng sản, gồm Lenin và cả những người Bolshevik ngừng quan hệ với phong trào xã hội chủ nghĩa ở tầm vóc rộng lớn hơn. Từ đó trở về sau, họ sẽ được gọi là những người cộng sản. Tại Nga, Đảng Bolshevik được đổi tên thành “Đảng Cộng sản Nga (bolshevik)”, (sau này thành Đảng Cộng sản Liên Xô).

Trong lúc ấy cuộc nội chiến lan tràn khắp nước Nga. Nhiều phong trào chính trị và những người ủng hộ họ đứng lên cầm vũ khí nhằm lật đổ chính phủ Xô viết. Dù có nhiều phe cánh tham gia cuộc nội chiến, hai lực lượng chính là Hồng quân (bolshevik) và Bạch vệ (phe ủng hộ chế độ quân chủ). Các cường quốc bên ngoài như Pháp, Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng can thiệp vào cuộc chiến tranh này (đứng bên phía Bạch vệ). Cuối cùng, đội quân được tổ chức tốt và có hiệu quả hơn là Hồng quân, do Trotsky chỉ huy, đã giành chiến thắng, đánh bại các lực lượng Bạch vệ và đồng minh của họ năm 1920. Tuy nhiên, những cuộc chiến ở tầm nhỏ hơn vẫn tiếp tục trong nhiều năm nữa.

Những tháng cuối năm 1919, các chiến thắng giành được trước Bạch vệ khiến Lenin tin rằng đã tới thời điểm mở rộng cách mạng sang phía tây, bằng vũ lực nếu cần thiết. Khi nền Cộng hòa Ba Lan thứ hai mới được thành lập bắt đầu đòi lại những vùng lãnh thổ đã bị nước Nga sáp nhập trong vụ phân chia Ba Lan vào cuối thế kỷ 18, họ đã xung đột với các lực lượng Bolshevik để giành quyền kiểm soát các vùng này, dẫn tới sự bùng nổ Chiến tranh Ba Lan-Xô viết năm 1919. Với sự phát triển của cách mạng tại Đức và Liên đoàn Spartacus, Lenin coi đó là thời điểm và địa điểm chín muồi nhất để “thăm dò châu Âu bằng những lưỡi lê Hồng quân.” Lenin coi Ba Lan là cây cầu nối mà Hồng quân có thể dùng để kết nối cách mạng Nga với những người ủng hộ Cách mạng Đức, và hỗ trợ các phong trào cộng sản ở Tây Âu. Tuy nhiên sự thất bại của nước Nga Xô viết trong cuộc chiến tranh Ba Lan-Xô viết khiến các kế hoạch đó bị hủy bỏ.

Lenin là người chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc . Năm 1917 ông tuyên bố quyền tự quyết và phân chia các dân tộc quốc gia và đàn áp các quốc gia vô điều kiện, thường được coi là các quốc gia trước kia thuộc quyền kiểm soát của chủ nghĩa tư bản đế quốc. Tuy nhiên, khi cuộc Nội chiến Nga chấm dứt, ông đã dùng các lực lượng quân sự để đồng hóa các quốc gia mới giành độc lập là Armenia, Gruzia và Azerbaijan, cho rằng sự sáp nhập các quốc gia đó vào đất nước Xô viết sẽ che chở họ khỏi những tham vọng của chủ nghĩa đế quốc. Điều này cho phép các quốc gia đó được chấp nhận thành một phần của Liên bang Xô viết hơn là đơn giản buộc họ trở thành một phần lãnh thổ Nga, hành động này sẽ bị coi là hành động đế quốc.

Sau nhiều năm chiến tranh kéo dài, chính sách cộng sản thời chiến của Bolshevik, cộng với Nạn đói năm 1921 tại Nga và sự bao vây từ các chính phủ tư bản thù địch làm đa phần đất nước bị tàn phá. Đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân, vụ lớn nhất là cuộc Nổi dậy Tambov. Sau một cuộc khởi nghĩa của những thủy thủ tại Kronstadt vào tháng 3 năm 1921, Lenin đã thay thế chính sách Cộng sản thời chiến bằng Chính sách kinh tế mới (NEP) hay còn gợi là cộng sản thời bình, trong một nỗ lực thắng lợi nhằm tái xây dựng công nghiệp và đặc biệt là nông nghiệp .

• Đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái

Sau cuộc cách mạng, V. I. Lenin rất chú tâm đấu tranh chống Chủ nghĩa bài Do Thái , khi ấy vẫn đang tồn tại ở nước Nga như một di sản từ thời Nga hoàng. Trong một bài phát biểu trên radio năm 1919, ông nói:

“Cảnh sát của chế độ Nga hoàng, cùng với những tên địa chủ và bọn tư bản, đã tổ chức các cuộc tàn sát người Do Thái. Cái lũ địa chủ và tư bản đã tìm cách hướng sự căm thù của công nhân và người nông dân, những tầng lớp nghèo khổ, về phía người Do Thái…. Chỉ những người dốt nát nhất và những người bị áp bức mới có thể tin vào những lời nói dối và những câu báng bổ do chúng tuyên truyền về người Do Thái…. Người Do Thái không phải là kẻ thù của nhân dân lao động. Những kẻ thù của công nhân là bọn tư bản trên thế giới. Trong số những người Do Thái có những người dân lao động, và họ là đa số. Họ là những người anh em của chúng ta, giống như chúng ta, họ cũng bị bọn tư bản bóc lột; họ là những đồng chí của chúng ta trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội…. Thật đáng hổ thẹn cho hành động hành hạ người Do Thái của chế độ Nga hoàng. Thật đáng hổ thẹn cho những kẻ gây lòng hận thù với người Do Thái, những kẻ gây sự chia rẽ giữa các quốc gia.”

• Qua đời:

Sức khỏe Lênin đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những căng thẳng trong cuộc cách mạng và nội chiến. Vụ ám sát ông càng làm tình trạng thêm tồi tệ. Viên đạn vẫn nằm trong cổ ông, quá gần xương sống để có thể lấy ra trong tình trạng kỹ thuật y tế thời ấy. Tháng 5 năm 1922, Lenin bị đột quỵ lần đầu tiên. Ông bị tê liệt nửa người bên phải và dần giảm bớt ảnh hưởng trong chính phủ. Sau vụ đột quỵ thứ hai vào tháng 12 năm ấy, ông hầu như từ bỏ các hoạt động chính trị. Tháng 3 năm 1923, ông bị đột quỵ lần thứ ba và phải nằm liệt giường trong cả phần đời còn lại, thậm chí không thể nói được.

Sau lần đột quỵ đầu tiên, Lenin đã đọc cho thư ký ghi lại một số tài liệu về Chính phủ và vợ ông. Nổi tiếng nhất trong số đó là bản Di chúc của Lenin, trong đó cùng với nhiều sự kiện khác ông đã chỉ trích những nhà lãnh đạo cộng sản hàng đầu, đặc biệt là Joseph Stalin. Về Stalin, người từng là tổng thư ký Đảng cộng sản từ tháng 4 năm 1922, Lenin nói rằng Stlain có “quyền lực vô hạn tập trung trong tay” và đề xuất rằng “các đồng chí nghĩ cách lật đổ Stalin ra khỏi vị trí ấy.” Ngay khi Lenin qua đời, vợ ông đã gửi bản Di chúc tới ủy ban trung ương, nó được đọc trước Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản vào tháng 5 năm 1924. Tuy nhiên, vì di chúc chỉ trích tất cả những nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất trong ủy bản trung ương: Zinoviev, Kamenev, Bukharin và Stalin, ủy ban đã quyết định không công bố nó ra đại chúng. Ủy ban trung ương cho rằng di chúc là hậu quả của tình trạng tâm thần bất ổn của Lenin trong những năm cuối đời, và vì thế, những lời phán xét cuối cùng của ông không đáng tin cậy. Việc không đếm xỉa tới những ý kiến của Lenin sau này thường được cho là một sai lầm nghiêm trọng.

Lãnh tụ Vladimir Ilich Lenin qua đời ngày 21 tháng 1, 1924 ở tuổi 53. Lý do chính thức dẫn tới cái chết của Lenin là do chứng xơ cứng động mạch não, đã gây ra cơn đột quỵ lần thứ tư.

Vào năm 2004 một nhóm bác sĩ Do Thái đã công bố một bài báo, dựa theo các triệu chứng ghi trong hồ sơ bệnh án của Liên Xô, họ đưa ra giả thuyết rằng Lenin đã mắc bệnh hơn 10 năm trước khi qua đời, nguyên nhân bởi bệnh giang mai. Nhà sử học Helen Rappaport sau khi khảo sát các tài liệu và hồ sơ bệnh án của Lênin cũng đặt ra giả thuyết rằng ông đã chết vì bệnh giang mai, lây truyền từ một cô gái giang hồ ở Paris. Giả thiết này vẫn tiếp tục tồn tại cho tới nay, nhưng không ai từ các nước phương Tây có thể chứng minh nó vì chỉ có các bác sĩ chuyên trách của Nga được phép khám nghiệm thi hài Lenin. Giả thuyết này rất có thể là không đúng, vì nếu Lenin bị giang mai thì vợ của ông là Nadezhda Krupskaya cũng sẽ bị lây giang mai, nhưng thực tế Nadezhda Krupskaya không bị giang mai. Năm 2012, Tiến sĩ Harry Vinters, giáo sư thần kinh học tại UCLA, căn cứ vào hồ sơ khám nghiệm tử thi và phẫu thuật não của Lenin, đã tuyên bố phủ nhận việc Lenin bị giang mai.

Thành phố Petrograd đã được đổi tên thành Leningrad ba ngày sau khi Lenin qua đời để vinh danh ông; cái tên này giữ nguyên cho tới khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, khi nó lấy lại tên cũ là Sankt-Peterburg. Tuy nhiên tỉnh Leningrad vẫn được giữ nguyên, là một tỉnh hành chính trực thuộc Liên Bang Nga.

Thời gian đầu thập kỷ 1920 phong trào vũ trụ luận ở Nga khá sôi động và đã có ý tưởng bảo quản lạnh xác Lenin nhằm tái sinh trong tương lai. Những phương tiện cần thiết đã được mua về từ nước ngoài, nhưng vì một số lý do kế hoạch này không được thực hiện. Thay vào đó xác ông được ướp và đặt trong Lăng Lenin tại Moskva ngày 27 tháng 1, 1924.

• Sau khi mất

Thi hài Vladimir Lenin được bảo quản trong Lăng Lenin ở Moskva. Vì vai trò duy nhất của Lenin trong việc tạo lập nhà nước cộng sản đầu tiên, và dù ông đã bày tỏ ý muốn chỉ một thời gian ngắn trước khi qua đời rằng không nên xây dựng một đài tưởng niệm nào dành cho mình, chế độ Xô viết đã tôn vinh ông như một vị thánh tôn giáo. Đôi khi các ngôi nhà Xô Viết treo hình hoặc đặt tượng Lenin. Tới thập kỷ 1980 hầu như mọi thành phố lớn ở Liên bang Xô viết đều có tượng Lenin ở quảng trường trung tâm, hoặc một phố Lenin hay một quảng trường Lenin gần trung tâm, và thường là 20 hay nhiều hơn nữa các bức tượng nhỏ hay tượng bán thân ông trên toàn lãnh thổ. Trẻ em được kể các câu chuyện về “ông Lenin” từ khi chúng còn ở nhà trẻ. Ngoài ra, không ít đường phố, công trình xây dựng, xí nghiệp, nông trại ở Liên Xô được đặt tên là Lenin, chưa kể một tàu phá băng Liên Xô còn được đặt cho cái tên này.

Cứ mỗi năm có hàng trăm bài viết và sách viết về ông được xuất bản và thu hút cả người trẻ lẫn già. Rất nhiều vở kịch và phim ảnh nói về cuộc đời Lenin. Từ khi Liên bang Xô viết tan rã, mức độ tôn sùng Lenin tại các nước cộng hòa hậu Xô viết đã giảm sút đáng kể, nhưng ông vẫn được nhiều thế hệ lớn lên trong giai đoạn hậu Xô viết coi là một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng. Nhiều bức tượng Lenin đã bị dỡ bỏ ở Đông Âu, nhưng nhiều bức khác vẫn tại vị. Thành phố lớn nhất của nước Nga, Leningrad đã trở về với cái tên nguyên thủy của mình, Sankt-Peterburg, nhưng vùng xung quanh vẫn mang tên ông (tỉnh Leningrad). Các công dân Ulyanovsk, nơi sinh của Lenin, vẫn bác bỏ mọi ý định quay trở về cái tên cũ là Simbirsk. Tại Moskva, tượng Lenin vẫn đứng ở các cổng của hệ thống tàu điện ngầm, cũng như quảng trường Lenin vẫn giữ nguyên tên gọi. Trong cuộc bình chọn Những nhân vật vĩ đại nhất trong Lịch sử Nga với hơn 40 triệu người Nga tham gia năm 2008, Lênin đứng ở vị trí thứ 6.

Việc mai táng thi hài Lenin vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong 16 năm qua ở nước Nga. Ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam, tượng ông được đặt tại một công viên cùng tên.

Mời các bạn đón đọc Cuộc Đời Của Lenin của tác giả Maria Prilezhayeva.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.