Những người sống và những người chết (tiếng Nga: Живые и мёртвые) là tác phẩm đầu tiên trong bộ ba tiểu thuyết (Những người sống và những người chết, Người ta sinh ra không phải đã là lính, Mùa hè cuối cùng) về đề tài Chiến tranh Vệ quốc (1941 – 1945) của nhà văn Konstantin Simonov. Hai phần đầu tiên của cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào các năm 1959 và 1962, phần thứ ba vào năm 1971.
Tác phẩm được sáng tác theo hơi hướng sử thi, toàn bộ cốt truyện trải dài theo trình tự từ tháng 6 năm 1941 cho đến tháng 7 năm 1944.
Theo các nhà phê bình văn học Soviet, đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về đề tài Chiến tranh Vệ quốc.
‘Tôi có cảm giác chung với tiểu thuyết Liên xô thời kỳ chống phát xít, đó là mỗi khi đọc xong một cuốn sách, bỗng chợt thấy tất cả nhân vật trong đó, những anh dép, lép, nhép, nốp, lốp, xốp… như trở thành đồng đội của mình, hoặc đúng hơn, thấy mình trở thành một người trong số họ.
Tôi đã theo anh phóng viên quân đội Xintxốp suốt những trận chiến đấu, phá vây, chia tay và gặp lại, tôi đã gặp Xerpilin, Tanhia, Dôlôtarép… Tôi cũng gặp những kẻ còn sống mà như đã chết, hèn nhát mạt hạng như gã Thượng úy Kruchikốp, sống bấu víu bằng cách tự lừa mình rằng còn có kẻ còn hèn nhát hơn mình, hoặc dối trá hơn mình, và mình sẽ vạch mặt kẻ đó. Lúc ấy mình sẽ là người hùng. Lúc ấy mình sẽ yên tâm tin rằng mình không hèn nhát.
Cỗ máy chiến tranh xay nghiền những thanh niên, trung niên, phụ nữ và trẻ em trong ánh chớp số phận. Thật trớ trêu, những ánh chớp số phận ở đây, hóa ra lại là ánh lửa lóe lên khi mỗi viên đạn bay ra khỏi nòng súng. Sau đó là những người sống và những người chết. Dù kẻ bị nhắm bắn có trúng đạn hay không, anh ta cũng đã bị chiến tranh quẳng ngoéo đi xa khỏi con đường anh vẫn đi trước đó. Nếu anh trúng đạn, chết ngay, hoặc tử thương, đã đành đi một nhẽ, thế là chấm hết một đời. Nhưng nếu viên đạn chỉ làm anh bị thương đâu đó, cho anh một vết sẹo, hoặc biến anh trở thành tàn phế, anh có thể tiếp tục chiến đấu, hoặc dưỡng thương một thời gian rồi tiếp tục chiến đấu, hoặc thậm chí không bao giờ chiến đấu được nữa. Anh phải sống và đối mặt với một cuộc đời khác hẳn. Thậm chí ngay cả khi viên đạn đó tránh khỏi anh, biết đâu đấy, anh lại trở thành một Valentin Hauder, anh chàng trong Ba người bạn của Erich Maria Remarque, ngày ngày say khướt uống mừng mình thoát chết.
Không chỉ là chiến tranh, vấn đề đặt ra còn là giữa một con người và một tờ giấy, người ta coi trọng cái nào hơn cái nào. Đến bao giờ người ta mới biết cách tin vào con người ?
Tôi không muốn dành nhiều lời xưng tụng cho một tác phẩm để dụ dỗ người khác đến với nó.
Chỉ biết rằng Simonov đã viết một cách đầy tiết chế, sự tiết chế của một người đã thực sự trải qua chiến tranh với tất cả sự khốc liệt của nó. Mỗi nhân vật thoáng qua dù chỉ một lần cũng khiến người đọc thấy được dù anh ta sẽ sống hoặc sẽ chết thế nào, anh ta cục cằn, thô lỗ, nóng nảy hay mơ mộng thế nào, và anh ta cũng là một mắt xích không thể thiếu trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chừng nào một đất nước còn những con người như Malinin, Xintxốp, Xerpilin, Masa…, đất nước đó sẽ không bao giờ chấp nhận quỳ gối trước quân xâm lược’ .
Nghĩ đoạn ông bèn hỏi Karaulốp xem Riáptrenkô đã chỉ định ai làm trung đội trưởng thay anh ta, và khi nghe anh ta trả lời đúng cái tên mà ông dự đoán:
«Xintxốp», thì ông lại bực mình sực nhớ ra rằng thế là mình vẫn chưa kịp nói với Xintxốp về lá thư mình gửi lên phòng chính trị. Bây giờ, khi lại một lần nữa nghĩ tới lá thư này, ông vẫn không biết rằng tình trạng chậm trễ ấy không phải là do lỗi của đảng ủy sư đoàn như ông đã kết luận : đảng ủy sư
đoàn chẳng liên quan gì đến việc này cả.
Số là một đồng chí trợ lý của phòng chính trị tập đoàn quân sau khi đọc đến họ tên của Xintxốp thì chợt nhớ tới một tài liệu trước đây đã đi qua tay mình.
Tài liệu đã qua tay anh đó chỉ vẻn vẹn là một tờ giấy xé từ quyển vở học sinh viết đầy một thứ chữ to tướng của con nhà lính : chiến sĩ hồng quân Dôlôtarép vượt khỏi vòng vây ở khu vực mặt trận của tập đoàn quân đã viết giấy lên phòng chính trị trình bày hoàn cảnh mà chính trị viên I. P. Xintxốp đã hy sinh và đề nghị rằng nếu có thể thì báo cho gia đình đồng chí Xintxốp biết. Đồng chí cán bộ phòng chinh trị ấy chưa có thời gian để làm một việc gì theo yêu cầu của lá thư này, nhưng anh cũng không nỡ đang tay xé nó đi, bới thế bây giờ nó đang nằm cùng trong một tập hồ sơ bên cạnh lá đơn của hạ sĩ Xintxốp xin được phục hồi đảng tịch. Mặc dầu trên tập hồ sơ ấy có ghi mấy chữ «để báo cáo», nhưng lúc đó chẳng có ai để mà báo cáo cả; trận tấn công đã bắt đầu và chính ủy trung đoàn Mácximốp, chủ nhiệm chính trị tập đoàn quân, đã ra hỏa tuyến hơn hai ngày nay rồi.
— Thế nghĩa là đã có Xintxốp thay cậu rồi đấy hả? Được ! — sau giây lát lặng thinh, Malinin nói với Karaulốp như vậy. Ông nói tựa hồ như mình vẫn còn đang trong tiểu đoàn và tựa hồ như việc đó vẫn phải có sự đồng ý của ông thì mới được. — Vậy tiểu đoàn trưởng vẫn từ chối không chịu chuyển về
hậu phương hả?
— Đời nào ông ấy chịu! — Karaulốp nói với vẻ tán thành.
— Máy bay nào thế nhỉ?—nghe có tiếng máy bay bắt đầu ầm ì trên bầu trời và cảm thấy chú bé ngồi đằng sau mình giật thót người, Malinin liền hỏi vậy.
— Máy bay ta, — Karaulốp nói.
Bốn phi dội máy bay ném bom của ta, mỗi phi đội chín chiếc nối đuôi nhau bay qua đầu đoàn thương binh, từ phía đông sang phía tây, thong thả rạch ngang bầu trời đông trắng đục. Chiếc xe trượt tuyết liền dừng lại và các chiếc đi sau cùng dừng lại, suýt nữa húc phải nhau.
Cả chú bé đánh xe lẫn Karaulốp và Malinin đều nhìn lên trời với cùng một niềm sung sướng và biết ơn.
— Sao, bay khuất rồi hả, không thấy nữa rồi hả?—Malinin hỏi, khi không còn nghe thấy ầm ì nữa và không đủ sức để chống tay nhỏm dậy dõi theo bóng máy bay.
— Không, vẫn còn thấy, nhưng bây giờ thì gần như không thấy nữa, bay khuất rồi, — Karaulốp trông theo hút những chấm đen nhỏ bẻ đến tận chân trời và đáp lại như vậy.
Tiểu đoàn Riáptrenkô đã tiến được mười cây số kể từ chiếc lán mà đêm qua Malinin đã ngất đi và cách xa cái nơi mà bây giờ đoàn xe trượt tuyết chở đầy thương binh loại nặng về hậu cứ là ba chục cây sồ, tiểu đoàn đang tiến về
phía tây trong làn tuyết dày, mừng rỡ vì cuối cùng bão tuyết đã tan.
Giờ đây sau khi chiếm được ga Vôxkrêxenxkôiê, những trung đoàn khác của Xerpilin ít bị tiêu hao trong trận đánh hôm qua, đang xông được lên phía trước và từ sáng đến giờ tiểu đoàn vẫn cứ tiến mãi mà không phải nổ một phát súng nào, chỉ thỉnh thoảng lại đụng phải những chiếc xe quân Đức bỏ
lại trong tuyết và xác những tên lính bị chết cóng hoặc bị giết. Hiện tượng tiến quân mà không phải nổ súng này cố nhiên chỉ là tạm thời, bởi vì cả bên trái lẫn bên phải họ, tiếng gầm của đại bác vẫn liên tiếp theo gió vọng lại, còn ở ngay phía chân trời thì trong nửa giờ vừa qua đã lại thấy bập bùng khói lửa của những làng mạc bị đốt cháy.
Xintxốp, Kômarốp và hai chiến sĩ tiểu liên nữa, — tất cả quân số còn lại của trung đội, — đang nối nhau đi theo sau con ngựa do Riáptrenkô cưỡi. Lẽ ra Riáptrenkô phải sang đội điều trị từ lâu để chữa vết thương, nhưng anh vẫn không chịu thua, vẫn cứ cưỡi ngựa bằng cách bỏ cái bàn chân tê cóng ra khỏi bàn đạp và buộc một chiếc gậy đầu cong do tay anh đẽo gọt lấy hôm qua vào phía sau yên để phòng khi phải xuống ngựa.
— Hạ sĩ ơi, theo cậu thì liệu đơn vị mình có sắp được bổ sung thêm quân số
không? Kômarốp tiền len ngang với Xintxốp rồi đi bên cạnh anh.
— Tớ làm sao mà biết được? — Xintxốp nhún vai, nhưng anh nghĩ thầm trong bụng rằng trong lúc mình chưa dừng lại, chưa chạm trán với quân Đức ở một nơi nào đó, thì chưa làm gì có bổ sung được đâu: tuyết dày như thế
này không thể chở quân số bổ sung bằng xe ôtô được, còn như đi bộ thì chẳng ai đuổi kịp được mình, nếu mình cứ đi liên miên không nghỉ như hôm nay.
Kômarốp buồn bã thấy trung đội mình bị thương vong nhiều đến như vậy, anh bèn đến tìm một lời an ủi ở người tiểu đội trưởng bây giờ đã trở thành trung đội trưởng của mình, nhưng Xintxốp thì lại nghĩ thầm rằng nếu đêm hôm qua Kômarốp không đến cứu mình ở cạnh lán, không quạt lia lịa thẳng vào tên Đức đang nhảy vọt ra trong giây phút cuối cùng ấy thì anh đã đi đời nhà ma, và bây giờ đã không còn gì để suy nghĩ nữa, dù là chỉ suy nghĩ rằng hôm nay có đánh nhau không và liệu mình có được lành lặn trong trận đánh này không.
Nhưng giờ đây anh không muốn dùng lời để nói về tất cả những điều đó, anh chỉ nói bằng mắt, bằng cách yên lặng nhìn vào mắt Kômarốp với lòng biết ơn.
—Thế nào, theo ý cậu thì hôm nay cánh mình có đuổi kịp được bọn Đức không? — Kômarốp hỏi.
Xintxốp bèn nhìn vào mặt anh ta và hiểu rằng bây giờ Kômarốp cũng đang có những cảm nghĩ giống hệt như mình, vừa muốn tiếp tục đuổi kịp quân Đức, lại vừa tiếc rẻ phải từ biệt giờ phút nghỉ ngơi lấy sức mới được hưởng sau trận chiến đấu hôm qua.
— Có lẽ đuổi kịp đấy,—anh cố nén cái ý nghĩ ấy trong lòng, dấn bước đi lên, rồi đáp vậy, — bởi vì ta lại trông thấy khói kia rồi!
Đằng kia, ở nơi tuyết phủ, nơi mà họ đang rảo bước tiến đến đám khói từ
một xóm làng bị cháy vẫn bốc lên mỗi lúc một cao. Tiểu đoàn trưởng Riáptrenkô cưỡi ngựa đi đằng trước Xintxốp, có lúc người anh che khuất đám khói ấy, có lúc nó lại lộ ra, mỗi khi con ngựa bước lệch đường sang bên cạnh.
— Kômarốp, Kômarốp ơi!
— Gì thế?
— Cho xin điếu thuốc!
— Đang đi sao lại hút thuốc thế?
— À thì tự nhiên thấy thèm… — Xintxốp không giải thích tại sao lại thèm.
Nhưng anh thèm thuốc, bởi vì giờ đây khi nhìn vào đám khói ở đằng xa phía trước mặt, anh cố buộc mình phải quen với ý nghĩ gay cấn: mặc dù đã trải qua biết bao nhiêu chặng đường, nhưng phía trước vẫn còn cả một cuộc chiến tranh..
…
Mời các bạn đón đọc Những Người Sống Và Những Người Chết của tác giả Konstantin Simonov.
Leave a Reply