LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Một trong những đặc trưng cơ bản của thời đại ngày nay là vai trò ngày càng cao của người lãnh đạo và nhà quản lý. Một công ty đang bị thua lỗ triền miên có thể trở thành làm ăn phát đạt; một quốc gia từ chỗ phụ thuộc, nhược tiểu có thể trở thành “con rồng”, “con hổ” sánh vai với các nước phát triển; một địa phương có thể từ vị thế kém khả năng cạnh tranh trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút đầu tư với đời sống ngày càng thịnh vượng… Những ví dụ về sự biến đổi có vẻ thần kỳ như vậy có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong điều kiện môi trường kinh tế cạnh tranh hiện nay. Trong rất nhiều ví dụ về sự thần kỳ như vậy, vai trò của người lãnh đạo gần như mang tính quyết định.

Vậy làm thế nào để trở thành người lãnh đạo tài ba, người lãnh đạo giỏi, người vừa nắm được các yếu tố khoa học của nghề vừa khéo léo vận dụng các yếu tố nghệ thuật vốn rất phong phú, đa dạng và đòi hỏi sự sáng tạo cộng với một chút tài năng thiên bẩm? Đã có hàng ngàn cuốn sách và lớp học phục vụ cho chủ đề này – từ những sách mang tính hàn lâm khái quát về các trường phái quản lý, lãnh đạo đến những sách bỏ túi viết về những lời khuyên mang tính thực tiễn giống như một cẩm nang lãnh đạo ứng dụng trong các tình huống cần thiết. Thế nhưng, cho đến nay, việc khám phá những bí quyết thành công của các nhà lãnh đạo tài ba cũng như việc truyền bá những khám phá đó để nhiều người học hỏi vẫn là một chủ đề cuốn hút nhiều học giả trên thế giới.

Chris Clarke-Epstein là một nữ học giả, một nhà tư vấn nổi tiếng người Mỹ, với cách tiếp cận độc đáo của mình, với nhiều năm trải nghiệm các vị trí quản lý, lãnh đạo, với kiến thức uyên thâm và tinh tế – đặc biệt là dưới góc độ tâm lý ứng dụng – đã cống hiến cho độc giả là những nhà lãnh đạo, dù đã có kinh nghiệm hay mới bước lên những nấc thang đầu tiên của lâu đài quyền lực, một công trình độc đáo và đặc sắc: 78 câu hỏi dành cho người lãnh đạo.




Cuốn sách của Chris Clarke-Epstein đã được Hiệp hội Quản trị Hoa Kỳ đánh giá cao và được đầu tư xuất bản. Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bình chọn là một trong những đầu sách hay và bán chạy trên thị trường. Điểm độc đáo và hấp dẫn của cuốn sách là ở chỗ, tác giả đã khéo léo sắp xếp các vấn đề mà người lãnh đạo cần học hỏi thành 78 câu hỏi, xếp thành 8 chủ đề, được trình bày với cách dẫn dắt và lập luận rất tinh tế, xen lẫn các ví dụ cụ thể với những luận chứng khoa học đầy sức thuyết phục và dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ vận dụng. Xuất phát điểm của tác giả để viết cuốn sách bắt nguồn từ quan niệm cho rằng, trong nghề làm lãnh đạo, việc biết đặt ra các câu hỏi (cho nhân viên, cho khách hàng và cho chính mình) và biết trả lời các câu hỏi của người khác có vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không nói là có thể giúp cải thiện cơ bản hiệu quả và hiệu lực lãnh đạo. Chính Albert Einstein, nhà khoa học nổi tiếng nhất của thế kỷ XX cũng đã từng nói: “Điều quan trọng là ta không ngừng đặt ra những câu hỏi về cuộc sống. Sự tò mò luôn có lý do để tồn tại”. Hoặc tiến sỹ Alan Gregerman, một nhà tư vấn kinh doanh người Mỹ cũng đã phát biểu: “Chúng ta chỉ có thể học hỏi và trưởng thành khi sẵn sàng hỏi thật nhiều và hỏi những câu phù hợp”.

Vậy thì người lãnh đạo cần phải hỏi ai, hỏi như thế nào, hỏi vào lúc nào, hỏi khó hay dễ, hỏi khải quát hay cụ thể, hỏi theo bảng câu hỏi chuẩn bị sẵn hay phải ứng phó và tinh tế? Khi trả lời cũng vậy, người lãnh đạo cần phải có hiểu biết và luyện kỹ năng gì khi nhận được các câu hỏi của nhân viên dưới quyền, của khách hàng? Cuốn sách 78 câu hỏi dành cho người lãnh đạo sẽ giúp độc giả lần lượt trả lời các câu hỏi nêu trên, và thông qua việc giải đáp các câu hỏi đó, người đọc sẽ tự học hỏi được những kiến thức và kỹ năng lãnh đạo cần thiết, góp phần làm cho công việc lãnh đạo của mình trở nên hiệu quả hơn.

Cuốn sách đặc biệt lôi cuốn người đọc ngay từ những trang đầu tiên. Đó là vì tác giả đã khéo léo trình bày những vấn đề rất tinh tế trong giao tiếp của người lãnh đạo – đặc biệt là giao tiếp giữa người lãnh đạo với nhân viên – thành các chủ đề từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ các khía cạnh thuộc về kiến thức mang tính phổ biến cần lĩnh hội đến các kỹ năng giao tiếp với các đối tượng khác nhau. Ngoài ra, việc gắn các chủ đề cần trao đổi với các ví dụ thực tế sinh động mà bản thân tác giả từng trải nghiệm cộng với cách lập luận và dẫn chuyện vừa lôgic vừa tâm lý đã giúp cho cuốn sách mang tính thuyết phục cao, hấp dẫn người đọc. Thông qua 78 câu hỏi, tác giả dẫn dắt người đọc tìm hiểu lại và khám phá những tri thức mới về các chủ đề quen thuộc của người lãnh đạo như bản chất của lãnh đạo, lãnh đạo khác với quản lý ở chỗ nào, nội dung của các công việc dự báo, tổ chức, điều phối, kiểm tra, đánh giá, bản chất của việc ra quyết định, truyền thông và giao tiếp… Hơn thế nữa, tác giả còn tạo cơ hội để người đọc tự chiêm nghiệm bản thân, luyện các kỹ năng lãnh đạo từ việc nên hỏi nhân viên với ngữ điệu nào đến việc xây dựng các yếu tố cần thiết của văn hóa tổ chức. Các câu hỏi còn được sắp xếp thành chương mục, trình bày xen kẽ với các câu châm ngôn hoặc lời nói nổi tiếng, cuối mỗi chương đều có phần tổng kết những gì căn bản nhất của chương và một loạt câu hỏi mang tính tập dượt để luyện kỹ năng.




Cuốn sách lần đầu tiên được dịch và xuất bản ra tiếng Việt theo Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa AMACOM Hoa Kỳ và Công ty Sách Alpha – đơn vị liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Lý luận chính trị. Với sự nỗ lực rất cao của các dịch giả và các biên tập viên, bản dịch tiếng Việt đã cố gắng truyền tải những ý tưởng và nội dung của tác giả với một văn phong trong sáng, tinh tế, dễ hiểu.

Hy vọng rằng cuốn sách 78 câu hỏi dành cho nhà lãnh đạo sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà lãnh đạo nói chung, đặc biệt là các nhà lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà doanh nghiệp và tất cả bạn đọc quan tâm đến chủ đề này. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến độc giả. Sự hưởng ứng cũng như những nhận xét, góp ý của độc giả đối với bản dịch của cuốn sách này sẽ là nguồn khích lệ đối với chúng tôi và góp phần để lần xuất bản sau sẽ được hoàn thiện hơn.

NHÀ XUẤT BẢN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
***
LỜI MỞ ĐẦU
THUYỀN TRƯỞNG Jean Luc-Picard nhìn vào nhật ký hải trình, kiểm tra hải kế và cho rằng, ngày hôm nay ông đã dành quá nhiều thời gian ở trong buồng chỉ huy tiện nghi này. Đã đến lúc phải đứng dậy và đi dạo xung quanh, để cảm nhận những chuyển động của con thuyền dưới từng bước chân. Thường thì khi một thuỷ thủ cảm thấy phấn chấn hoặc bực bội vì một điều gì đó và muốn tìm nguyên nhân thì cách tốt nhất là ra ngoài buồng lái và dạo quanh boong tàu. Tất nhiên là thuyền trưởng Picard nếu muốn biết suy nghĩ của các thuỷ thủ có thể chỉ cần gọi Riker hoặc Troi vào để hỏi – ʺAnh cho là các thuỷ thủ đang nghĩ gì?”. Và ông hoàn toàn có thể hình dung được một cách xác thực và rõ nét về các thuỷ thủ từ cách nhìn khác nhau của hai người trợ lý này. Thế nhưng, từ rất nhiều năm nay, Picard đã học được một điều rằng, phương pháp này đã bỏ qua một yếu tố quan trọng: Nếu ông chỉ ngồi trong căn phòng tiện nghi của mình và đợi cấp dưới báo cáo lạicác thông tin cần thiết thì các thuỷ thủ trong đoàn sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều ông đang cảm thấy, hoặc ít nhất không hiểu được những điều ông mong các thuỷ thủ tin là ông đang cảm thấy.




Jefrey Lang, ʺTàu Dây thừng vĩnh cửuʺ

Khi Tom Peter viết cuốn Kiếm tìm sự hoàn hảo vào năm 1982, ông đã giới thiệu khái niệm mới về quản lý tới những người lãnh đạo trên khắp thế giới: Quản lý là làm thế nào luôn tìm hiểu xung quanh (MBWA). Đã từng là một nhà tư vấn và người điều phối hoạt động cho một nhóm quản lý, tôi nhận thấy rằng, đối với các nhà lãnh đạo, việc rời bỏ bàn làm việc và thậm chí là tách khỏi những cuộc họp trịnh trọng để tự đặt mình vào vị trí gần gũi hơn đối với những người mà họ đang lãnh đạo khó khăn đến thế nào.

Chính câu hỏi chứ không phải câu trả lời mới là yếu tố gợi mở

EUGENE IONESCO,

nhà biên kịch Rumani

 

Mời các bạn đón đọc 78 Câu Hỏi Về Nhà Lãnh Đạo của tác giả Chris Clarke Epstein.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *