Cuốn sách này kể một câu chuyện “hai trong một” hấp dẫn hơn tất cả những truyện vụ án mà bạn đã từng đọc. Toàn là chuyện có thật, từ các nhân vật, sự kiện, cả cả các bước ngoặt ly kỳ.

Trước tiên cuốn sách kể về câu chuyện khởi nghiệp. Đó là câu chuyện về tỷ phú tự thân Steven Cohen. Ông này khởi nghiệp trong một lĩnh vực mới mẻ: quỹ đầu cơ phòng hộ. Trong vòng hai thập niên, từ một sinh viên mê “cờ bạc gạo”, Cohen đã xây dựng được công ty tài chính được ngưỡng mộ nhất Phố Wall, biến các đồng sự của mình thành triệu phú, và bản thân mình thành tỷ phú giàu thứ 72 trên thế giới và giàu thứ 30 ở Hoa Kỳ .

Sau đó là câu chuyện về cuộc điều tra kéo dài 7 năm của FBI và Ủy ban chứng khoán nhắm vào Cohen và các đồng sự.




Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, các quỹ phòng hộ lặng lẽ xâm nhập thị trường tài chính phái sinh và thay đổi sâu sắc cách thức kiếm lời của phố Wall. Những nhà đầu tư kiểu mới này không còn bỏ tiền vào những khoản đầu tư dài hạn như hạ tầng giao thông, xây dựng nhà máy hay phát triển các công nghệ mới. Họ kiếm được hàng tỉ đô la bằng các nghiệp vụ đầu cơ, bằng việc đặt cược vào sự lên xuống của cổ phiếu.

Quỹ phòng hộ SAC Capital của Steven A. Cohen là một quỹ đầu cơ thành công nhất trên Phố Wall trong suốt cuối những năm 1990 đến năm 2016. SAC Capital và tỷ phú Steve A. Cohen không chỉ trở thành huyền thoại sống của Phố Wall mà còn trở thành đích ngắm của Cục điều tra liên bang FBI. Steve Cohen đã uy tín và tiềm lực tài chính của quỹ phòng hộ do ông sáng lập để thao túng thông tin thị trường, lách qua các khe hở luật pháp và nhờ đó kiếm lợi nhuận kếch sù. Mỗi tay giao dịch viên trong quỹ của Steve Cohen là một “con cá mập mặc áo cổ cồn” có sáng láng và đầy học thức. Họ săn đuổi và tìm kiếm thông tin nội gián bằng mọi thủ đoạn tinh vi. Những thông tin nội gián ấy mang lại lợi thế đen cho quỹ của Cohen, và Cohen cực kỳ tài tính khi biến chúng thành siêu lợi nhuận.

Câu chuyện thành công của Cohen cùng câu chuyện về cuộc điều tra và đấu tranh pháp lý dai dẳng chống lại Cohen sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn nhiều bộ mặt khác nhau của nước Mỹ. Một bên là tỷ phú giàu có, ở trong biệt thự xa hoa, sở hữu những tác phẩm của những nghệ sĩ danh giá nhất trái đất: Pablo Picasso, Andy Warhol, Edward Munch… Một bên là các thanh tra FBI và công tố viên nghèo túng nhưng chính trực, không chùn bước trước bất cứ thế lực nào. Môt bên là hệ thống tư pháp công minh. Một bên là những luật sư của quỷ được trả rất nhiều tiền để giúp thân chủ giàu có của mình lách luật. Một bên là những thanh nhiên sáng láng tốt nghiệp các đại học tinh hoa. Một bên là cám dỗ của tiền tài danh vọng.

Tác giả Sheelah Kolhatkar, cựu chuyên viên phân tích làm việc cho quỹ đầu cơ phòng hộ, và là cây bút viết cho tờ New Yorker chuyên viết về Phố Wall, Thung lũng Silicon, chính trị và nhiều đề tài khác. Cô còn là diễn giả và bình luận viên vể mảng kinh doanh và kinh tế tại các hội thảo và trên các kênh truyền hình như CNBC, Bloomberg Television, , PBS NewsHour …. Cô cũng viết vài cho Bloomberg Businessweek, New York Magazine, The Atlantic, New York Times và nhiều báo khác.

***

Một tối tháng Bảy năm 2008, đặc vụ FBI B. J. Kang đang ngồi gò lưng trên bàn làm việc, đeo tai nghe, lắng nghe một cuộc điện thoại. Bên ngoài trời đã tối, còn anh vẫn chưa dùng bữa. Bao tử anh óc ách sôi.

“Raj, anh nên nghe lời em,” một phụ nữ nói giọng êm ái, nghe rõ cả hơi thở. “Làm ơn đừng có chơi em vụ này.”

“Được rồi,” một giọng đàn ông nói.

“Họ sẽ đánh xuống,” giọng phụ nữ nói tiếp. Đánh xuống[1], Kang biết, một thuật ngữ quen thuộc của Phố Wall, có nghĩa là một công ty sẽ công bố lợi nhuận của họ thấp hơn so với kỳ vọng, đây rõ ràng là tin xấu; “họ” ở đây là một công ty Internet trị giá 800 triệu đô la[2] đóng trụ sở ở Cambridge, Massachusetts, có tên gọi Akamai Technologies. “Em vừa nhận được một cuộc gọi từ người của em. Em vẫn khiển được gã này như chỉnh dây đàn mà.”

“Anh đang bán khống, em biết mà, đúng không?” người đàn ông nói.

“Em muốn anh ở trên,” người phụ nữ thỏ thẻ. “Chúng ta phải là một cặp.” Cô ta không nói về tình dục, ít ra là lần này. Đây là chuyện tiền nong. “Hãy cùng nhau chơi cú này. Cứ tiếp tục bán khống mỗi ngày đi.”

Người phụ nữ này là ai? Kang nhủ thầm. Nghe ả ta đầy vẻ âm mưu một cách hài hước. Kang lắng nghe và ghi chú. Anh đang ở trong “phòng nghe lén” của FBI, một sào huyệt không cửa sổ chứa mười bốn máy tính Dell cực xịn và một mớ đồ nội thất chẳng ăn khớp gì với nhau ở tầng hai mươi bốn của tòa nhà 26 tầng Federal Plaza thuộc khu Hạ Manhattan, nơi đóng trụ sở thực địa của Cục ở New York. Dọc theo tường là một kệ kim loại chất đầy những thanh lương khô, bánh quy Goldfish và sô cô la Kit Kat – đồ ăn của các đặc vụ ngồi lì ở đây nhiều tiếng liền mỗi ngày, theo dõi các cuộc điện thoại trực tiếp.

Nghe lén các cuộc điện thoại nhìn chung bị coi là một việc chó chết, nhưng Kang không nhìn nhận như thế. Anh hiểu vấn đề là ở sự kiên nhẫn; nếu bạn để tâm vào công việc, rốt cuộc bạn sẽ được đền đáp. Vài tháng trước, ngày 7 tháng Ba, một thẩm phán liên bang đã trao cho Kang một món quà, cho phép nghe lén điện thoại di động của một tay thứ dữ Phố Wall mang tên Raj Rajaratnam. Kang đã sống trong căn phòng nghe lén này từ đó, thu thập bằng cứ về một vụ giao dịch nội gián khổng lồ. Anh không tham gia lĩnh vực tội phạm chứng khoán chỉ để bắt những vụ lừa đảo nhỏ nhặt mà anh từng làm hai năm trước. Anh muốn hạ những nhân vật lớn như Raj, một tay chơi quan trọng trong giới tài chính.

Là người đồng sáng lập của Galleon Group, một quỹ đầu tư phòng hộ[3] trị giá 7 tỉ đô la, Rajaratnam năm nay khoảng năm mươi tuổi, và là một trong những tay giao dịch danh tiếng ở Phố Wall. Một phần cũng bởi tầm vóc của gã. Raj to béo và khoa trương, với sự thèm muốn quá khổ. Gã thích ăn, và thích tiêu tiền, sẵn sàng chi tiền cho 70 người bạn của mình bay tới Kenya để dự một tiệc sinh nhật kiểu đi săn[4], và chi 250 ngàn đô la cho một bữa tiệc xem Super Bowl[5] ở đảo Star trong vịnh Biscayne. Raj trái ngược hoàn toàn với Kang, đứa trẻ đầy kỷ luật lớn lên trong một gia đình nhập cư người Hàn Quốc, vóc dáng như một khối bê tông với mái tóc đen cắt gọn ghẽ. Trong khi Rajaratnam sống để lan truyền tin đồn, mua bán trái phiếu và khoe khoang về kỹ năng đặc biệt của gã bất cứ khi nào có cơ hội, Kang là một người lao động lặng lẽ, mẫn cán, chỉ lên tiếng khi đặc biệt cần thiết. Ngay cả những đồng nghiệp gần gũi nhất của anh ở Cục cũng hầu như không biết gì về anh.

Sáu ngày sau cuộc gọi đó, Kang chứng kiến Akamai thông báo với cả thế giới rằng báo cáo kết quả kinh doanh tiếp theo của họ sẽ là một nỗi thất vọng, cổ phiếu của hãng giảm từ 31,25 xuống 23,34 đô la sau một đêm. Raj đã bán khống 875.000 cổ phần, kiếm được hơn 5 triệu đô la trong một tuần. Người phụ nữ đã lộ tin cho gã, một tay môi giới tên là Danielle Chiesi, kiếm được 2,5 triệu đô la. Kang muốn biết ả đã tìm được ở đâu thông tin giá trị như thế về những gì Akamai sẽ làm, nên anh đã xin tòa được xem hồ sơ cuộc gọi của cô ả. Nhìn qua danh sách các cuộc gọi, anh có thể thấy rằng ả đã nói chuyện với một quản lý cấp cao ở Akamai ngay trước khi chuyển thông tin cho Raj.

“Em đã chơi đúng kiểu,” Rajaratnam nói với Chiesi sau đó, khi gã gọi cho ả để cảm ơn vì tin mật báo. “Cách mà em xử lý mối quan hệ ấy.”

Chiesi thở dài. “Đó là một cuộc chinh phục.”

Rajaratnam đã bị bắt quả tang làm chuyện phạm pháp rõ ràng: lấy thông tin mật, nội gián về Akamai, mua bán cổ phiếu dựa trên đó và kiếm lời. Không hề có mật mã hay bóng gió gì hết. Mọi mảnh ghép lộ ra một cách hoàn hảo, sẵn sàng cho một vụ khởi tố hình sự: cuộc gọi diễn ra vào tối 24 tháng Bảy; Raj đã bán khống 138.550 cổ phần vào ngày hôm sau, đặt cược cổ phiếu sẽ rớt giá, và gã ta tiếp tục bán khống nhiều nữa tới khi tin tức được công bố ngày 30 tháng Bảy. Chỉ dựa riêng vào bằng chứng này, một trong những tay giao dịch thành công nhất ở Phố Wall chắc chắn sẽ vào tù. Kang có thể cảm thấy sự phấn khích tăng lên trong anh. Nếu Raj và Chiesi mua bán dựa trên thông tin nội gián một cách thoải mái và công khai như thế, hẳn phải có những kẻ khác cũng làm như thế.

Đường dây điện thoại của Rajaratnam thường bận rộn nhất vào buổi sáng, ngay khoảng thời gian thị trường mở cửa, và Kang chủ tâm làm sớm và lắng nghe. Raj sẽ gọi cho bạn bè và người quen của gã, tìm kiếm tin tức. Một số người mà gã trao đổi tin tức là bạn học cũ ở trường Wharton[6] giờ đang điều hành các công ty công nghệ hay quỹ phòng hộ. Nhiều người trong số đó được gã trả lương. Kang đã theo dõi Raj thu thập thông tin về những báo cáo kết quả kinh doanh sắp được công bố và những đề nghị mua bán sáp nhập chưa được tiết lộ và sử dụng điều đó kiếm hàng triệu đô la khi mua bán cổ phiếu. Chỉ trong vài tháng, Kang đã nghe cả cuộc gọi của bạn bè Rajaratnam nữa.

Kang và các đặc vụ FBI khác bị sốc vì những gì họ nghe được. Những hành vi này là bình thường ở Phố Wall? Phải chăng thông tin nội gián dễ có được như thế? Họ đã quen với việc phát hiện những băng hoại trong ngành tài chính, nhưng những tương tác này quá trắng trợn, bất hợp pháp rõ ràng, và có vẻ như ở khắp nơi. Mỗi lần họ phát hiện ra một nhóm giao dịch nội gián, nhóm đó sẽ có vài người thuộc một nhóm khác, và họ có cả một danh sách những nghi can mới phải để mắt đến. Vấn đề lớn hơn cả Raj. Đó là cả một mạng lưới lớn, phức tạp.

Trong khi các tay đặc vụ lắng nghe và nghiên cứu hồ sơ cuộc gọi và những ghi chú thẩm vấn, tên một quỹ phòng hộ cứ xuất hiện liên tục: SAC Capital Advisors. Kang quyết định để mắt tới nó.

°°°

Tấm biển của khách sạn Embassy Suites ở khu Nam San Francisco phủ bóng trên đầu khi B. J. Kang bẻ lái chiếc xe đi thuê cỡ trung ra khỏi bãi đậu và lái về phía Nam, hướng Cupertino, tấp lại trước một căn nhà ba phòng ngủ trên con đường vắng lặng khoảng 40 phút sau đó. Anh và đồng đội, người đang ngồi im lặng bên cạnh, đã dành phần lớn buổi tối hôm trước diễn lại những kịch bản khác nhau có thể xảy ra khi họ tới nơi và gõ cửa. Sẽ ra sao nếu người họ đang tìm không có nhà? Sẽ ra sao nếu hắn nói họ cút đi cho khuất mắt? Nếu hắn có súng thì sao? Khả năng không cao, nhưng họ phải sẵn sàng cho mọi tình huống.

Đó là ngày 1 tháng Tư năm 2009, và mặt trời đang lặn. Kang và tay đặc vụ kia – Tom Zukauskas, được Kang gọi là “người yểm trợ” – đã ra khỏi xe và rảo bước trên lối đi dẫn vào nhà. Họ gõ cửa. Một người đàn ông tóc đen xuất hiện.

“Ali Far?” Kang nói. Người đàn ông gật đầu, vẻ bối rối. Kang móc phù hiệu trong túi áo khoác ra, giơ lên trước mặt ông ta. “Tôi là B. J. Kang. Tôi là người của FBI. Chúng tôi tới đây để trao đổi về giao dịch nội gián.”

Anh ngừng lại một chút để tạo ấn tượng.

Kang giải thích rằng Far đang ở trong tình thế khó khăn vì những điều ông ta đã làm, nhưng có thể vẫn có giải pháp. Kang và Far có thể giúp nhau. Vợ của Far, hai con gái, bà mẹ đẻ và bà mẹ vợ đang co rúm vì sợ trong sân sau nhà, cảnh giác theo dõi mọi chuyện. “Chúng tôi biết anh từng làm việc cho Raj Rajaratnam ở Galleon và anh đã giao dịch dựa trên thông tin nội gián,” Kang nói. “Chúng tôi có băng ghi âm.”

Băng ghi âm ư?

Sau đó Kang bật một đoạn ghi âm mà Far đang cung cấp thông tin nội gián cho Rajaratnam về một công ty sản xuất linh kiện bán dẫn. Khi đoạn băng chạy, Far không nói nổi lời nào.

Far đã rời Galleon năm 2008 để khởi sự quỹ đầu tư phòng hộ riêng cùng bạn mình là Richard Choo-Beng Lee, người giờ được gần như tất cả mọi người trong giới biết với tên gọi tắt “C.B.”. Lee là một chuyên gia phân tích công nghệ, trước đó đã làm việc ở SAC Capital. Kang hy vọng rằng Far và Lee sẽ đưa anh tới gần SAC hơn, vốn là một trong những quỹ đầu tư phòng hộ lớn nhất thế giới. Kang đã tìm hiểu được ngày càng nhiều hơn về quỹ này và người sáng lập bí ẩn của nó, Steven Cohen, anh nghe được từ những người môi giới khác của Phố Wall rằng Cohen “luôn quyết định đúng” trong mọi giao dịch – điều mà có vẻ, ít ra là bên ngoài, bất khả thi. Không ai trong ngành hiểu được bằng cách nào Cohen kiếm được nhiều tiền ổn định như thế; những đối thủ cạnh tranh của ông ta ghen tị và nghi ngờ. Dùng những kỹ năng họ đã phát triển ở Galleon và SAC, Far và Lee đã tiếp thị quỹ của chính họ, Spherix Capital, với các nhà đầu tư tiềm năng, một phần qua quảng cáo việc họ có thể tiếp cận các lãnh đạo cấp cao ở những công ty công nghệ, và họ có những thông tin giá trị bởi những mối quan hệ đó. Kang biết tất cả những chuyện này. Anh thích nói rằng anh hiểu sự khác biệt giữa “những quỹ đầu tư phòng hộ dơ bẩn, quan trọng”, “những quỹ đầu tư phòng hộ dơ bẩn mà ta không cần lãng phí thời gian” và “những quỹ đầu tư phòng hộ không quan trọng”. Anh đã tranh luận với các đồng sự ở FBI rằng họ phải đẩy cuộc điều tra ra ngoài phạm vi của Raj Rajaratnam và Galleon, tới những mục tiêu lớn hơn và hùng mạnh hơn như Cohen. Kang cho rằng Far và Lee, những người có quan hệ và có vẻ nhận được thông tin nội gián trực tiếp từ các nhân viên trong công ty, là nhóm thứ nhất, riêng nhóm đó đã đáng để theo đuổi. Nhưng với Kang, họ cũng là con đường dẫn tới thứ gì đó lớn hơn. Tất cả những gì Kang phải làm là thuyết phục họ lật mặt.

Kang tin rằng Far đặc biệt khớp với hồ sơ của một điểm chỉ viên cho FBI. Anh ta có vẻ là một người tử tế, muốn làm điều tốt nhất cho gia đình mình.

“Anh muốn để con cái anh nghe hết những chuyện này sao?” Kang hỏi.

Anh nói Far hãy suy nghĩ kỹ về đề nghị của anh, bởi đó là đề nghị tốt nhất mà anh ta nhận được – chắc chắn là hấp dẫn hơn việc ngồi tù. Nếu anh ta không làm điều đúng, lần tới các đặc vụ FBI xuất hiện ở nhà anh ta sẽ là để bắt người. “Đừng nói với bất kỳ ai chuyện này,” Kang nói thêm, trước khi chào tạm biệt. “Chúng tôi sẽ theo dõi, và sẽ biết nếu anh nói với người khác.” Hai tay đặc vụ quay trở lại xe của họ.

Tối hôm đó, Far thấy thật khổ sở. Anh ta không ngủ được. Bất chấp cảnh báo của Kang, Far đã gọi cho cộng sự C. B. Lee. Có giọng hộp thư thoại trả lời. “FBI vừa tới nhà tôi,” Far nói, rồi vội vàng gác máy.

Với FBI, điều tối quan trọng là những tin tức về vụ điều tra và nghe lén không bị rò rỉ tới cộng đồng quỹ phòng hộ. Kang phải nói chuyện với C. B. Lee càng sớm càng tốt để cố gắng hạn chế sự tiết lộ tin tức. Lee sống với mẹ cách chỗ Far chỉ 20 phút đi xe, và hai ngày sau Kang tới gặp anh ta. Ngay khi Lee ra mở cửa, Kang nói anh biết anh ta đang giao dịch nội gián ở Spherix.

Lúc đầu, Lee từ chối trả lời các câu hỏi của FBI. Nhưng tới cuối cuộc trò chuyện, Kang cảm thấy tự tin là anh ta sẽ hợp tác.

“Chúng ta sẽ giúp lẫn nhau,” Kang nói với anh ta. “Anh đang làm điều đúng.”

Mời các bạn đón đọc Lợi Thế Đen của tác giả Sheelah Kolhatkar & Trần Trọng Hải Minh (dịch).


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.