Sinh ra để hợp tác cùng nhau

**

Hãy nhận thức điều đó. Nó sẽ giúp ích cho các mối quan hệ hợp tác của bạn.

Chúng ta lầm tưởng tất thảy chúng ta đang ở cạnh nhau, tương tác với nhau qua các phương tiện liên lạc như tivi, thư điện tử, máy nghe nhạc cá nhân, điện thoại di động, radio gắn trên xe và máy tính, song kỳ thực mỗi người vẫn là một ốc đảo riêng biệt. Ta chen chúc ở nơi làm việc, sân bay, tàu điện ngầm, chỉ cách mọi người một tầm tay với, thế nhưng ta lại thường hoạt động đơn lẻ. Chúng ta có điện thoại không? Có chứ. Chúng ta có kết nối Internet? Dĩ nhiên rồi. Thế còn việc hợp tác với nhau thì sao? Chẳng nhiều nhặn cho lắm.

Con người sinh ra là để hợp tác cùng nhau. Chúng ta thích âm nhạc bởi những bài dân ca đã giúp ông cha ta đồng lòng hăng say làm việc. Huyết áp của chúng ta tăng cao hay xuống thấp tùy thuộc vào tâm trạng người bên cạnh. Chúng ta ăn nhiều hay ít tùy thuộc vào hành động của người cùng bàn. Chúng ta cười đôi khi không phải vì một lý do gì vui vẻ, mà bởi vì nụ cười là chất keo giúp gắn kết con người lại với nhau – khi ở bên người khác, người ta có xu hướng cười nhiều gấp 30 lần so với khi ở một mình.

Khi bạn quan sát một người, các tế bào trong não bộ của bạn sẽ phản chiếu lại việc người đó đang làm, giúp bạn hiểu được cách nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của họ. Ví dụ như trong cuộc đối thoại, một người sử dụng từ xanh ngọc lam để chỉ màu sắc đồ vật thì những người khác cũng sẽ có xu hướng sử dụng tính từ đó thay vì xanh lục. Như vậy, một cách vô thức, chúng ta đang điều chỉnh từ ngữ của mình sao cho phù hợp với người kia. Điều đó ngầm phát ra thông điệp “Tôi đồng ý với bạn”. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc bắt chước này “mang tính tự động và trên thực tế, con người vốn được sinh ra là để đối thoại hơn là độc thoại”.

Việc có một cộng sự cùng chung tay gánh vác trách nhiệm sẽ làm thay đổi nhận thức của chúng ta về hiện thực. Trong một thí nghiệm, các tình nguyện viên được đề nghị ước tính trọng lượng của giỏ khoai tây trước khi nhấc nó lên. Những ai được rỉ tay rằng “sẽ có người giúp” thì ước lượng giỏ khoai nhẹ hơn so với những người được biết rằng họ phải tự nhấc lấy. “Kế hoạch hành động ta đưa ra một phần được quyết định bởi ý nghĩ ta có thể đạt được gì cùng với người khác”, – một nhà nghiên cứu tiến hành cuộc thử nghiệm trên kết luận.

Trong một thế giới luôn chú trọng và đề cao những thành tựu cá nhân – với các mĩ từ như vị giám đốc điều hành thành công, chuyên gia hàng đầu, hoặc ngôi sao – chúng ta thường có xu hướng quên rằng lý do tổ tiên ta sinh tồn được là vì họ không hành động đơn độc. Trải qua hàng ngàn năm tôi luyện bản năng con người, họ không chỉ cần đến trí khôn và sức mạnh cá nhân mà còn cần cả khả năng hợp tác để phân định, tin tưởng, hy sinh, đồng cảm và cùng chung lưng đấu cật một cách khôn ngoan. Một nhà bình luận đã viết: “Quá trình tiến hóa của loài người diễn ra phần lớn là do con người biết điều chỉnh, thích nghi với nhau”. Những người thợ săn biết đồng tâm hợp lực sẽ sớm mang được chiến lợi phẩm về. Các thành viên biết tương trợ lẫn nhau có thể cộng hưởng sức mạnh để chống lại kẻ thù chung.

Tuy vậy, qua thời gian, con người đã tạo ra nhiều tiện nghi đến nỗi giờ đây chúng ta có thể sống mà không cần đến người khác. Chúng ta ở trong nhà nhiều hơn là bước chân ra môi trường bên ngoài. Chúng ta ăn những bữa tối được hâm nóng bằng lò viba và không cùng với bạn bè, người thân đi cắm trại, bắt cá. Chúng ta không còn quây quần trò chuyện bên bếp lửa mà bật tivi xem những người xa lạ đóng phim, diễn kịch.

Văn phòng làm việc lúc trước dù chật hẹp, không lấy gì làm thoải mái, nhưng chí ít chúng ta vẫn gặp gỡ nhau ở hành lang hay tụ tập vào giờ ăn trưa. Còn giờ đây, ai nấy đều làm việc tại nhà, trao đổi qua điện thoại và báo cáo công việc qua thư điện tử. Một vị giám đốc đang tuyển nhân sự phàn nàn rằng các ứng viên “quá lạm dụng văn bản, và họ thậm chí không biết cách chuyện trò, thăm hỏi người khác”. Chúng ta là những sinh vật cộng sinh trong một thế giới tự-ai-nấy-làm.

Sự đơn độc có hại cho bạn. Theo nghiên cứu, sự đơn độc gây nguy hiểm cũng nghiêm trọng như hút thuốc, bệnh huyết áp cao, nồng độ cholesterol cao, chứng béo phì, hay thói quen thiếu luyện tập thể dục. Việc đơn độc làm việc hoặc các mối quan hệ gay gắt của những người chủ chốt trong công ty, nhất là trong những tập đoàn lớn, còn có thể gây ra nhiều hệ lụy cho toàn thể nhân viên và cổ đông công ty.

Ngược lại, càng có nhiều mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, bạn càng có thể trải nghiệm nhiều niềm vui, học được nhiều điều thú vị và luôn cười đùa vui vẻ. Đó là thước đo hạnh phúc của bạn.

Ở nơi làm việc, trong số các nhân viên có sự hợp tác thì 29% nói rằng họ sẽ tiếp tục cống hiến cho công ty vào năm tới và hơn 42% dự định gắn bó với vị sếp hiện tại trong suốt sự nghiệp của mình. Những người cảm nhận được tình đồng đội sẽ gắn bó hơn trong công việc, duy trì năng suất làm việc cao, phát huy tính sáng tạo, tạo ra lợi nhuận cho công ty, đồng thời nâng cao mức độ hạnh phúc cho chính bản thân họ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có một số người làm việc ăn ý với nhau, trong khi số khác lại bất hòa, xung đột? Tại sao một số người có rất nhiều mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, trong khi số khác lại không?

Những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp không tự nhiên mà có. Dù sứ mệnh chung của bạn là giúp xây dựng doanh nghiệp thành công, huấn luyện các thành viên trong nhóm, nâng cao hệ thống quản lý, thu hút sự chú ý trong công tác từ thiện, hay bất kỳ mục tiêu tốt đẹp nào khác, thì tất cả các mối quan hệ hợp tác thành công đều chứa đựng những thành tố quan trọng giống nhau.

Cuộc nghiên cứu của Gallup đã xác định được

8 yếu tố của một mối quan hệ hợp tác bền vững. Đó là:

1. Sức mạnh cộng hưởng: Một trong những lý do thuyết phục nhất của việc lập nhóm là bạn sẽ làm việc với những người giỏi những lĩnh vực mà bạn còn yếu kém, và ngược lại. Cả hai có thể cùng nhau vượt qua rào cản mà tự mỗi người không thể nào làm được. Một người khó mà giỏi toàn diện, nhưng một đôi thì có thể.

2. Sứ mệnh chung: Khi mối quan hệ hợp tác thất bại, nguyên nhân gốc rễ thường là do hai người theo đuổi hai vấn đề riêng biệt. Ngược lại, khi cả hai cùng có chung một mục tiêu, họ sẽ có xu hướng hy sinh nhu cầu cá nhân để thực hiện điều đó đến cùng.

3. Công bằng: Con người có nhu cầu bản năng về lẽ công bằng và không ai thích bị lợi dụng hay thua thiệt trong giao dịch. Đó cũng là một đặc tính quan trọng trong mối quan hệ cộng tác bền vững.

4. Tín nhiệm: Hợp tác với người khác đồng nghĩa với việc mạo hiểm. Bạn không thể dốc hết sức nếu cho là người cộng sự chưa làm hết mình. Cả hai cần đặt niềm tin vào nhau rằng mỗi người đều vì quyền lợi của người kia. Nếu không có sự tín nhiệm, tốt hơn là hãy làm việc một mình.

5. Chấp nhận: Mỗi người nhìn thế giới qua một lăng kính riêng. Điều bình thường với người này rất có thể lại là sai lầm nghiêm trọng đối với người khác.

Vì thế, sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn nếu cả hai không học cách chấp nhận các đặc tính của nhau.

6. Tha thứ: Con người không ai là hoàn hảo cả. Họ mắc lỗi và đôi khi làm điều sai trái. Nếu không có sự tha thứ, mối thù hằn xuất phát từ bản năng bạn-hoặc-thù của chúng ta sẽ che lấp mọi lý do để cả hai có thể tiếp tục mối quan hệ hợp tác, và không sớm thì muộn mối quan hệ ấy cũng sẽ sụp đổ.

7. Trao đổi thông tin: Biện pháp duy nhất để hai cách suy nghĩ có thể nhất quán trong cùng một nhiệm vụ phụ thuộc vào chất lượng mối giao tiếp giữa họ. Ban đầu, việc giao tiếp giúp tránh hiểu lầm và bảo đảm sự tin cậy nơi đối tác, còn về sau là giúp hai thành viên trong nhóm hòa hợp, mang lại hiệu quả cho công việc.

8. Sẵn sàng cho đi: Nhiều người bắt đầu các mối quan hệ hợp tác vì quyền lợi riêng, bởi khi cộng tác, họ sẽ hoàn thành công việc tốt hơn khi làm việc độc lập. Tuy nhiên, một khi mối lo ngại bản năng về quyền lợi biến thành sự hài lòng khi thấy người cộng sự thành công, thì điều đó trở thành mối quan hệ “tương hỗ”. Người đạt đến cấp độ này cho hay mối quan hệ hợp tác như vậy trở thành khía cạnh thỏa mãn nhất trong cuộc sống của họ. Theo họ, một người có thể hoàn thành được mục tiêu lớn lao, nhưng thành tựu cá nhân không thể đem so sánh với thành tựu to lớn mà một đội cùng nhau thực hiện.

Khi tất cả những yếu tố trên kết hợp với nhau, mối quan hệ hợp tác phát huy hiệu quả không chỉ trong việc hoàn thành nhiệm vụ chung mà còn trong các thành quả cá nhân. Rich Karlgaard, chủ bút của tờ Forbes, đã viết: “Nếu tôi vẫn còn giảng dạy về điều kiện làm chủ doanh nghiệp, tôi sẽ chỉ cho các em sinh viên thấy rằng rất nhiều doanh nghiệp lớn trong 30 năm trở lại đây đã khởi sự chỉ với hai người. Đằng sau hiện tượng này ẩn chứa một quy luật: Lấy điểm mạnh làm nền tảng. Bằng cách lấy ưu bổ khuyết từ những người cộng sự, chúng ta sẽ giảm bớt những điểm yếu mà ai trong chúng ta cũng có”.

Nếu có thể khai thác bản năng cộng sinh giúp tổ tiên xa xưa tồn tại và phát triển, bạn sẽ còn tận hưởng được niềm hạnh phúc to lớn hơn. Bạn có thể giảm nhẹ trách nhiệm, tận dụng được điểm mạnh của bản thân và đạt được thành công chưa từng có chỉ bằng cách chia sẻ sứ mệnh với một người khác. Hãy tháo bỏ tai nghe, rời mắt khỏi màn hình máy tính, bước ra khỏi phòng làm việc và giải phóng sức mạnh của một đội hai người.

***

RODD WAGNER là tác giả loạt sách bán chạy trên The New York Times, đồng thời là người đứng đầu của Gallup. Ông tư vấn cho các nhà điều hành cấp cao về những phương thức tối ưu để thắt chặt quan hệ đối tác, tăng cường sự gắn bó của nhân viên và cải thiện lợi nhuận. Ông cùng với James K. Harter là đồng tác giả của “12: The Elements of Great Managing”, cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ và Canada, đã được dịch sang 10 thứ tiếng.

 

GALE MULLER là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Gallup World Poll. Trong hơn 35 năm làm việc tại Gallup, Muller vận hành một mạng lưới hơn 300 cố vấn và các nhà nghiên cứu ở hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới.

Mời các bạn đón đọc Người Thông Minh Không Làm Việc Một Mình của tác giả Rodd Wagner & Gale Muller.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.