Việt Nam là nước có truyền thống văn học. Bộ sách Tổng tập văn học Việt Nam do GS. Đinh Gia Khánh làm Chủ tịch Hội đồng biên tập, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản năm 2000 (gồm 42 tập) là minh chứng cho truyền thống đó. Đây là bộ Tổng tập văn học viết của cả người Việt và các dân tộc thiểu số Việt Nam từ thế kỷ X cho đến ngày 02 tháng 9 năm 1945.
Về văn học dân gian, từ năm 2002 đến năm 2006, viện Nghiên cứu Văn hóa và Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã hợp tác biên soạn và xuất bản trọn bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt (19 tập, gồm 20 quyển). Hiện nay, hai đơn vị đang hợp tác biên soạn và theo kế hoạch đến năm 2010 sẽ hoàn thành việc công bố bộ sách Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam gồm 23 tập. Bộ sách giới thiệu diện mạo văn học dân tộc thiểu số nước ta theo từng thể loại và được xuất bản với hình thức song ngữ (ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ dân tộc thiểu số).
Bộ sách Tổng tập văn học dân gian người Việt (19 tập, 20 quyển) là bộ sách lần đầu tiên được biên soạn tương đối thống nhất về phương pháp, giới thiệu diện mạo văn học dân gian người Việt theo thể loại. Trong Tổng tập, mỗi một thể loại được giới thiệu như sau: Bài Khải luận (trong bài trình bày, giới thiệu thể loại, lịch sử sưu tầm, nghiên cứu, giá trị nội dung và hình thức); phần biên soạn các tác phẩm; thư mục. Các thể loại tục ngữ, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, vè, ca dao được dành hai tập cho một thể loại. Còn các thể loại sau được thể hiện với dung lượng mỗi tập một thể loại: câu đố, truyện ngụ ngôn, giai thoại văn học, truyện Nôm bình dân, kịch bản chèo sân đình, kịch bản tuồng dân gian. Người Việt cổ có thần thoại và có thể có sử thi, nhưng vì lý do lịch sử, sử thi bị mai một, thần thoại chỉ còn những mảnh vụn, không còn hệ thống.
Bộ sách Tổng tập văn học dân gian người Việt trước hết và chủ yếu được biên soạn dành cho giới nghiên cứu. Để đáp ứng nhu cầu rộng rãi của bạn đọc, được sự cho phép của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, sự đồng ý của các soạn giả, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nhà xuất bản Khoa học xã hội chủ trương trên cơ sở đảm bảo nội dung cơ bản, lược bỏ phần dị bản của các tác phẩm, in thành những quyển sách có khuôn khổ và độ dày phù hợp nhằm phục vụ độc giả cả nước. Những quyển này nằm trong bộ sách Tinh hoa văn học dân gian người Việt.
Xin giới thiệu cuốn “Truyện Trạng, Quyển 2” trong bộ sách Tinh hoa văn học dân gian người Việt cùng bạn.
Leave a Reply