Tên sách: Bảo Đại hay là những ngày cuối cũng của vương quốc An Nam

  • Tác giả: Daniel Grandclément
  • Khổ: 14×20,5 cm
  • Số trang: 450
  • Nhà xuất bản: Phụ nữ
  • Năm xuất bản: 2006

Chân dung Bảo Đại hiện lên dưới ngòi bút của sử gia Daniel Grandclément như những gì mọi người Việt đã biết về ông: hào hoa, lịch lãm và sành điệu, săn bắn giỏi, lái xe hơi, máy bay giỏi, khiêu vũ, đánh golf, chơi quần vợt giỏi…

Ông chỉ không biết làm vua. Từ đầu tới cuối, người đọc đến phải sốt ruột, ngạc nhiên và cay đắng khi thấy ông vua nước Nam cứ quẩn quanh, thậm chí mưu mẹo chỉ để có được từ chiếc xe hơi, máy bay cho đến khẩu súng săn, cuốn album bìa da, thỏa mãn những thú vui vật chất.

Như lời Bảo Đại thú nhận: “Người Pháp lúc nào cũng muốn tôi ngồi yên một chỗ, không cho thân mật với dân nên trong hai mươi năm trời làm vua tôi ra Bắc một lần, vào Nam kỳ một lần, cũng là đi lướt qua, không thấy rõ ràng một điều gì. Xung quanh tôi họ đặt toàn những người mật thám. Tôi rất buồn biết mình không thể làm chi có ích cho đất nước…”.




Những câu trần tình khi đã thoái vị chứng minh ông cũng ý thức rất rõ việc mất độc lập, mất tự do. Sau này, ta còn được theo dõi Bảo Đại thương thuyết với Pháp để nới rộng quyền tự trị qua từng vòng đàm phán.

Ông mơ hồ tin tưởng vào “nền độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp” đạt được dễ dàng cùng với các điều kiện vật chất. Quen sung sướng, quen được cung phụng, Bảo Đại dường như chưa bao giờ nghĩ đến việc đi tìm độc lập bằng con đường nếm mật nằm gai như các vua Hàm Nghi, Duy Tân trước ông.

Ông đã khước từ những cơ hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra, mang đến cho ông… Khước từ cơ hội đi chung đường với cả dân tộc, dù ông đã cùng chính phủ cộng hòa non trẻ ngồi họp bàn từ việc lớn đến việc nhỏ trong những ngày khai sinh nhà nước. Con đường mà Bảo Đại chọn cuối cùng đã dẫn đến kết cục, như cách nói của tác giả cuốn sách, “ông hoàng bị quét đi như quét một hạt bụi vô giá trị…”.

Hành động lớn nhất trong đời ông là thoái vị, và ông đi vào lịch sử chỉ bằng một câu nói: “Tôi muốn làm dân một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ”.