Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7/3/1914 (giấy tờ ghi 1915) tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai); mất ngày 7/3/1987 tại Rancho Cordova, Sacramento, California, Hoa Kỳ. Các bút hiệu khác: Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, mười đời ở đất Tân Uyên, cha là Tô Phương Sâm làm nghề buôn gỗ, mẹ là Dương Thị Mão. Thuở nhỏ học chữ nho với thầy đồ, tiểu học ở trường làng; trung học (1928-1934) Pétrus Ký, Sài Gòn. Rời trường không bằng cấp. 1934, kết hôn với cô Dương Thị Thiệt, 1935, vào làm công chức ở kho bạc Thủ Dầu Một. 1936, đổi về Sài Gòn làm kế toán viên ở Tổng Nha Ngân Khố. Tháng tám 1945, bỏ việc, tham gia kháng chiến. 1946, hồi cư về Lái Thiêu và 1949 rời Lái Thiêu về hẳn Sài Gòn viết văn làm báo.
Bình Nguyên Lộc bắt đầu viết từ 1942, cộng tác với tạp chí Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát, nhưng đến 1946, mới thực sự bước vào nghề văn, nghề báo. 1950, in tập truyện ngắn Nhốt gió. 1958, chủ trương tuần báo Vui Sống và nhà xuất bản Bến Nghé. 1985, di cư sang Hoa Kỳ, hai năm sau ông mất.
Bình Nguyên Lộc đã viết hàng trăm tác phẩm, nhưng bản thảo bị thất lạc cũng nhiều, phần in trên các báo, chưa xuất bản thành sách cũng lớn.
Tác phẩm đã in:
Thơ:Thơ tay trái, Việt sử trường ca và Thơ ba Mén (tiểu thuyết thơ).
Sưu tầm, chú giải: Thổ ngơi Ðồng Nai (ca dao miền Nam, và chú giải cổ văn, viết chung với Nguyễn Ngu Í), Chiêu hồn và Tiếc thay duyên Tấn phận Tần, Tự tình khúc và Thu dạ lữ hoài ngâm, Tỳ bà hành và Trường hận ca.
Dân tộc học và ngôn ngữ học: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), Lột trần Việt ngữ (1972)…
Truyện ngắn: Nhốt gió (Thời thế, 1950), Ký thác (Bến Nghé, 1960), Tân liêu trai (Bến Nghé, 1960), Tâm trạng hồng (Sống Mới, 1963). Mưa thu nhớ tằm (Phù Sa, 1965), Tình đất (Thời Mới, 1966), Cuống rún chưa lìa (Lá Bối,1969), Nụ cười nước mắt học trò (Trương gia, 1967)…
Tạp bút: Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (Thịnh Ký, 1966).
Truyện dài: Ðò dọc (Bến Nghé, 1959), Gieo gió gặt bão (Bến Nghé, 1960), Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương (Thế Kỷ, 63), Mối tình cuối cùng (Thế Kỷ, 1963), Bóng ai qua ngoài song cửa (Thế Kỷ, 1963), Bí mật của nàng (Thế Kỷ, 1963), Hoa hậu Bồ Ðào (Sống Mới, 1963), Xô ngã bức tường rêu (Sống Mới, 1963), Nhện chờ mối ai (Nam Cường, 1963), Nửa đêm… Trãng sụp (Nam Cường, 1963), Ðừng hỏi tại sao (Tia Sáng, 1965), Quán tai heo (Văn Xương, 67), Một nàng hai chàng (1967), Thầm lặng (1967), Trăm nhớ ngàn thương (1967), Uống lộn thuốc tiên (1967), Ðèn Cần Giờ (1968), Diễm Phương (1968), Sau đêm bố ráp (1968), Khi Từ Thức về trần (1969), Nhìn xuân người khác (1969), Tỳ vết tâm linh (?),Lữ đoàn mông đen (Xuân Thu, Hoa Kỳ, 2001)
Truyện dài chưa in: Ngụy Khôi, Ðôi giày cũ chữ Phạn, Thuyền Trưởng sông Lô, Mà vẫn chưa nguôi hình bóng cũ, Người săn ảo ảnh, Suối đổi lốt, Trử La bến cũ, Bọn xé rào, Cô sáu Nam Vang, Một chuyến ra khơi, Trọng Thủy-Mị Ðường, Sở đoản của đàn ông, Luật rừng, Trai cưới gái nào, Cuồng ca thế kỷ, Bóng ma dĩ vãng, Gái mẹ, Món nợ thiêng liêng, Khi chim lià tổ lạnh, Ngõ 25, Hột cơm Ngô chúa, Lưỡi dao cùn, Con khỉ đột trò xiếc, Con quỷ ban trưa, Quật mồ người đẹp, Nguời đẹp bến Ninh Kiều, Bưởi Biên Hoà, Giấu tận đáy lòng, Quang Trung du Bắc, Xóm Ðề bô, Hai kiếp nhả tơ, Muôn triệu năm xưa, Hổ phách thời gian,… (Theo Nguyễn Ngu Í trong Sống và viết với…( 1966), đến ngày 31/5/1966 Bình Nguyên Lộc đã viết: 820 truyện ngắn (in năm tập), 52 tiểu thuyết (in 11 quyển).
***
Có sự trùng hợp lạ lùng giữa ngày sinh và ngày mất của Bình Nguyên Lộc: cùng 7/3, cách nhau 73 năm: 7 và 3 như hai yếu tố biện chứng của định mệnh, như thể nhà văn đã quyết định chấm dứt đời mình trong vòng bẩy, ba; ba, bẩy. Một thân phận ba chìm bẩy nổi gắn bó với chữ nghiã, khổ đau vì chữ nghiã: suốt đời bị thất lạc tác phẩm. Ngay từ năm 1965, khi trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ngu Í (trong cuốn Sống và viết với…) Bình Nguyên Lộc cho biết: Tác phẩm đầu tay tựa đề Hương gió Ðồng Nai viết trong gần mười năm (1935-1942), là “tập truyện ngắn và tùy bút bát ngát hương đồng gió nội, và dẫy đầy màu sắc điạ phương này, đã được hai nhà thơ có tiếng đương thời: Xuân Diệu và Huy Cận tán thưởng” (Nguyễn Ngu Í, sđd, trang 220), bản thảo bị thất lạc trong lúc tản cư, khi Pháp trở lại chiếm Tân Uyên cuối 1945. Dấu vết Hương gió Ðồng Nai chỉ còn lại một truyện ngắn và một tuỳ bút (đăng báo khoảng năm 1943). Mấy chục năm sau, Bình Nguyên Lộc còn có lời rao trên báo, tìm người nào tình cờ giữ được trọn vẹn hay một phần bản thảo, rồi ông đã thử viết lại Hương gió Ðồng Nai, nhưng cả hai cố gắng đều vô hiệu.
Phù sa, tác phẩm thứ nhì, khởi viết năm 1942, cũng chung số phận như Hương gió Ðồng Nai, nhưng may mắn hơn, đoạn mở đầu đã đăng trên báo Thanh Niên năm 1943, với tên Di dân lập ấp (khiến độc giả biết đến ông) và về sau ông viết lại được độ 1/6 tác phẩm, cho in trên tuần báo Nhân Loại. Theo lời Bình Nguyên Lộc, Phù sa là “tác phẩm quan trọng nhất” của ông, làm sống lại cuộc “tiến vào Nam” của đồng bào Nam-Ngãi để dựng nên miền Lục Tỉnh (sđd, trang 221).
Trong những sách đã xuất bản, Bình Nguyên Lộc phân biệt: loại sách không thương mại, mà ông cho là không mấy ai đọc, in thật ít, còn ghi thêm không bao giờ tái bản, như cuốn Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966) Thịnh Ký in 658 cuốn. Thầm lặng (1967) cũng được ông liệt vào loại này; ngoài ra còn cuốn Thu hẹp thiên nhiên, mới thấy quảng cáo sẽ in 569 cuốn và cũng không bao giờ tái bản, nhưng có lẽ đã không in được, vì không thấy các tư liệu về Bình Nguyên Lộc nhắc đến cuốn sách này. Tập Nhốt gió (1950) khi ông còn sống cũng không tái bản. Số phận bộ sách biên khảo Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (đã in một phần năm 1971), sau 75, được Mai Thảo thuật lại trong bài Nhân cách Bình Nguyên Lộc. Theo lời người thân kể lại, khi rời nước năm 1985, ông bị lạc một va-li tác phẩm và bản thảo, những gì còn vớt vát lại của một đời văn.
Mặc dù với những khó khăn về văn bản như thế, ở hải ngoại đã có những cố gắng đáng kể trong việc bảo tồn những tác phẩm giá trị của Bình Nguyên Lộc:
Nhà xuất bản Văn Nghệ của Võ Thắng Tiết đã in lại hai tập truyện ngắn Ký thác (1986) và Cuống rún chưa lìa (1987). Tạp chí Văn Học, do Nguyễn Mộng Giác chủ biên, ra số đặc biệt tưởng niệm nhà văn, sau khi ông qua đời (số 18, tháng 7/1987), trong có bài nhận định đặc sắc của Hồ Trường An về Bình Nguyên Lộc và in lại bài Bình Nguyên Lộc trả lời phỏng vấn Nguyễn Nam Anh (Nguyễn Xuân Hoàng), đã in trên báo Văn trước 75 với những thông tin chính xác về tác giả. Năm 1999, nhà xuất bản An Tiêm của Thanh Tuệ đã cố gắng in tuyển tập Bình Nguyên Lộc, với lời giới thiệu của Võ Phiến. Rất tiếc, trong bài “giới thiệu” này, Võ Phiến không cho độc giả thấy cái hay của Bình Nguyên Lộc (lý do làm tuyển tập), mà ông lại kín đáo chứng minh sự “bất tài” của Bình Nguyên Lộc, với những nhận định giễu cợt mỉa mai như: “Cả tháng trời, Sơn Nam đọc từng đoạn (cuốn Nhốt gió) như thế, và ông lâng lâng. Thì ra ông có đọc truyện đâu! Tay cầm cuốn truyện, ông đọc… ca dao!
Như thế, Sơn Nam quả là tay sành sõi. Ông Cao Huy Khanh, ông Nguyễn Văn Sâm đọc truyện của Bình Nguyên Lộc, và không mấy bằng lòng…”, “Chúng ta có cảm tưởng ông Bình Nguyên Lộc có hảo ý muốn làm vui người đọc. Hảo ý không thuộc về nghệ thuật” (Sđd, trang XVII, và XIX). Việc Võ Phiến trích lại những nhận định sai lầm của Cao Huy Khanh và Nguyễn Văn Sâm trong Văn Học số 18, đưa vào tuyển tập như những nhận định chính xác về Bình Nguyên Lộc là một việc làm đáng tiếc, vô tình hay hữu ý nhân cái sai làm hai. Bởi Cao Huy Khanh không muốn, hay không thể hiểu và thông cảm cái mà ông gọi là “tâm lý bình dân” mà ông cho là “tủn mủm” và “dễ dãi” trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, và Ðò dọc cũng không phải là “sự thành công duy nhất và quá hiếm hoi so với sự nghiệp sáng tác đồ sộ của tác giả”, như Cao Huy Khanh đã nhận định.
Nhà xuất bản Trẻ ở Sài Gòn, năm 1999, cho in lại cuốn “Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc”, do Sơn Nam viết tựa. Sơn Nam biến Sài Gòn thành “vùng tạm chiếm”, và ông có ý “biện hộ” cho một Bình Nguyên Lộc “nhà văn tiểu tư sản yêu nước”. Nhưng điều đó cũng chưa đáng tiếc bằng việc họ đã bỏ lời nói đầu trong bản Thịnh Ký (1966) mà có lẽ do chính Bình Nguyên Lộc viết. Mấy lời nói đầu rất ngắn, nhưng đầy đủ thông tin về văn bản, như sau:
“Nhà văn Bình Nguyên Lộc có viết một thiên điều tra phóng sự dài, nhan là “Thám hiểm đô thành”, gồm nhiều bài ngắn và chia ra làm hai phần.
Phần thứ nhứt, cho đăng báo hằng ngày, kể những chuyện lạ của Sàigòn mà chưa báo nào nói đến, chẳng hạn như những bài “Ma máy đá”, tả cái viện cơ thể học đầy dẫy xác chết ngâm thuốc của trường Y khoa Ðại học, chẳng hạn bài “Người chuột cống”, theo dõi những người phu của ty vệ sinh đô thành họ chun xuống hệ thống cống tối thui và chằng chịt như mạng nhện để vét bùn đất cho thông cống.
Phần thứ nhứt ấy, tác giả không muốn in thành sách.
Ðây là phần thứ hai mà tác giả đã cho đang riêng ở các tạp chí. (Nhân Loại, Thời Trân, Sáng Tạo, v.v..) không có tính cách xã hội, hoặc “giựt gân” như các bài của phần thứ nhứt mà chỉ nên thơ hoặc đượm một tý triết lý vụn vặt nào đó thôi”.
Mời các bạn đón đọc Bình Nguyên Lộc, Ðất Nước Và Con Người của tác giả Thụy Khuê.
Chia sẻ ý kiến của bạn