CÁ VOI ĐỈNH NÚI do tác giả Lee Soon-won viết đã tự hỏi: “Cá-voi-nằm-trên-đỉnh-núi muốn xuống biển thì sẽ mất bao lâu?”.

Đá Cá Voi là một tảng đá to lớn, nặng nề, nằm tít trên đỉnh núi cao, trông giống hệt cá voi, nhưng quan trọng hơn hết thảy: Đá Cá Voi tin rằng nó đích thực là cá voi!

Vậy là hành trình trở về biển cả của cá-voi-nằm-trên-đỉnh-núi bắt đầu, và chưa dừng lại dẫu từ trên cao lăn xuống nó chẳng còn vẹn nguyên hình dáng ban đầu, chừng nào nó còn nhớ cái thuở mình còn là Đá Cá Voi trên đỉnh núi ước ao được ra biển.




Đi từ núi cao tới biển sâu, CÁ VOI ĐỈNH NÚI mở ra một chuyến phiêu lưu trở về với thiên nhiên, mỗi chặng đường đều hứa hẹn nhiều điều mới mẻ, nhưng muốn góp nhặt cái mới thì phải dần buông bỏ hành trang mang nặng thuở ban đầu, như Đá Cá Voi phải bao lần rạn vỡ, phải dần nhớ lại mới có thể tiến gần hơn tới nơi nó thực sự thuộc về.

***
Hồi còn nhỏ, trên ngọn núi cao hướng ra biển ở làng tôi, có một tảng đá to thật là to, hình thù giống hệt cá voi. Chúng tôi gọi tảng đá đó là “Đá Cá Voi”, ngay cả ngọn núi nơi tảng đá ngự trị, cũng được gọi là Đá Cá Voi.

Tảng đá ấy nằm tít trên đỉnh núi xa xôi ngút ngàn, tuy ở ngay trong làng mà như thuộc một ngôi làng khác, thế nên mãi đến năm mười tuổi tôi mới tận mắt nhìn thấy nó. Mỗi lần tan học, sau khi đi bắt tôm hùm đất về, tôi lại cùng chúng bạn trèo lên lưng Đá Cá Voi ngồi và mơ ước được xuống biển. Dường như khi chúng tôi ngồi trên lưng, đá cũng quẫy đuôi, cựa mình hướng về biển như một chú cá voi bằng xương bằng thịt.




Bẵng đi rất lâu, tôi thành người lớn, rồi có dịp tìm lại Đá Cá Voi. Đá vẫn nằm đó hướng ra biển ở dưới tít xa. Một chú cá voi nằm trên đỉnh núi muốn xuống biển thì sẽ mất bao lâu? Hồi nhỏ, tôi đã nghĩ thời gian là quan trọng nhất, nhưng lớn rồi, ngẫm lại mới thấy có lẽ vấn đề duy nhất không chỉ là thời gian.

Trên đỉnh núi còn có nhiều tảng đá to như Đá Cá Voi, đường dẫn vào thung lũng cũng rãi rác nhiều mẩu đá nhỏ vỡ ra từ những tảng đá to từ trên cao lăn xuống. Theo dòng nước xuôi xuống dưới, từ những tảng đá to, chúng trở thành những tảng đá nhỏ hơn, thành đá đặt chân, đá giặc, đá cỡ quả bí đỏ dùng để đắp tường, đá cỡ nắm tay; rồi còn nhỏ hơn nữa thành đá cuội, hòn sỏi, rồi lại vỡ, lại mòn thành hạt cát to, hạt cát nhỏ; và cuối cùng, phải đến khi trở thành mụn cát li ti tựa chấm bụi, mới có thể ôm trọn cả đại dương vào lòng.

Đó tuy là hành trình của Đá Cá Voi trên đỉnh núi đi gặp cá voi dưới biển, nhưng có khi nào, cũng chính là con đường đời của chúng ta? Phải chăng trên chặn đường ấy, chúng ta phải dần buông bỏ từng chút một bên vệ đường những ham muốn mang nặng trong lòng từ thuở ban đầu, thì cuối cùng mới có thể đón gặp một thế giới rộng lớn hơn, để hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn?

Qua dòng sông chảy trôi trong lòng tôi, xin gửi tới các bạn một chú cá voi xanh nằm trên đỉnh núi quê hương mãi hướng về biển cả. Mong sau một hành trình dài thật dài, cá voi có thể đến với đại dương lòng bạn một cách bình an và hạnh phúc.

Mùa thu năm 2012

Lee Soon-won
***
Lee Soon-won sinh năm 1958 tại Gangneung, Hàn Quốc. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu năm 1988 với tác phẩm Trăng ngày đạt giải Nhà văn mới, đăng trên tập san Munhak Sasang. Từ đây, với bút lực dồi dào, Lee Soon-won nhanh chóng trở thành một trong những trụ cột của văn học Hàn Quốc và gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá, tiêu biểu là Giải thưởng Văn học Dong-in (Sắc màu của nước chảy trong lòng mẹ, 1996), Giải thưởng Văn học hiện đại (Eunbiryeong, 1997), Giải thưởng Văn học Lee Hyo-seok (Giấc ngủ của cha, 2000)… 
 

Mời các bạn đón đọc Cá Voi Đỉnh Núi của tác giả Lee Soon-won.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *