Review ebook Cây Chuối Non Đi Giày Xanh
Những năm gần đây, Nguyễn Nhật Ánh và những tác phẩm của ông luôn khiến độc giả ở mọi lứa tuổi, ở khắp cộng đồng yêu văn học không khỏi thổn thức và bồi hồi mỗi khi thưởng thức chúng. Rõ ràng những câu chuyện với chất liệu khá đời thường, lời văn dung dị, cách xây dựng nhân vật và tình tiết hướng đến đối tượng là tuổi thanh thiếu niên nhưng ẩn sâu bên trong nó là những lời tâm tình và hoài niệm đầy ngọt ngào và sâu lắng. Trở lại với “Cây chuối non đi giày xanh”, lại một lần nữa, cả một bầu trời tuổi thơ lại ùa về trong tâm trí mỗi chúng ta, và lần này, đó là nỗi nhớ thương nơi nhân vật gửi về miền Hà Lam “xanh non”.
Ở thời điểm hiện tại, hiếm có một nhà văn nào lại có thể tìm thấy những chất liệu đời thường như thế để đưa vào một tác phẩm văn học thế kỉ 21.
Người ta hay nói không nên đánh giá cuốn sách ngay từ trang bìa, nhưng rõ ràng ta có thể thấy ở bất kì tác phẩm nào của Nguyễn Nhật Ánh, tên tác phẩm và hình minh họa trên bìa sách chính là một điểm khá đặc biệt, thu hút trí tò mò của người đọc. Tại sao tôi lại đề cập đến trang bìa ở ngay đầu bài viết? Bởi lẽ để cảm hết cái hồn của một cuốn sách, nhất định ta phải có cái nhìn tổng thể nó. Quay trở lại với đôi dòng suy nghĩ của tôi về trang bìa. Trước giờ, nếu ai là độc giả chân chính của ông, ắt hẳn không khó để nhận ra tên tác phẩm luôn “khiêm tốn” với một cỡ chữ vừa đủ, không quá lung linh, tôi luôn có cảm giác vì nó muốn nhường sự tỏa sáng cho nền trang bìa, bởi lẽ nếu không có sự đóng góp thêm của trang bìa, nét “ngây thơ” của tác phẩm sẽ chẳng có thể rõ nét đến thế.
Mở đầu câu chuyện vẫn lấy bối cảnh một nhân vật trong hiện tại theo dòng hồi tưởng để mặc cho những cảm xúc năm nao ùa về. Nó không hề gượng ép, tôi cảm giác như nó hẳn phải được tác giả trau chuốt kĩ càng lắm, vì nó từ từ mở ra hệt như cách chúng ta lật từng trang sách chứ không khiến người đọc bất ngờ ngay từ những câu từ đầu tiên. Việc xây dựng một cốt truyện chặt chẽ, các tình tiết, các chất liệu từ cuộc sống được đưa vào truyện đều tự nhiên.
Đăng – có lẽ hiện tại đang là một nhà văn – theo lời thỉnh cầu của hai “thằng bạn” thuở ấu thơ đã viết lại những chuyện ngày bé, hồi còn ở dưới một vùng quê tên Hà Lam để đưa vào cuốn Kỷ yếu, vì vùng quê năm nào đã được “nâng cấp thành thị trấn”. Vùng quê Hà Lam, nơi cất giữ biết bao kỉ niệm của Đăng khiến nhân vật bồi hồi biết bao khi nhớ lại. Chính vì có quá nhiều kỉ niệm nên chính Đăng cũng không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhưng chính cái không biết bắt đầu từ đâu lại khiến cho mạch cảm xúc nó chảy tự nhiên và cốt truyện mượt đến lạ. Và thế là câu chuyện mở ra từ từ như cánh cửa thần kì ở một xứ sở thần tiên nào đó.
Câu chuyện tuổi thơ được kể lại lấy bối cảnh ở một góc thôn quê tên Hà Lam, nơi có Đăng và đám bạn ấu thơ: nhỏ Thắm, chú tiểu Khôi, thằng Phan, nhỏ Ngọc hay Trí, Định và vế sau có thằng Biểu (nhân vật được Đăng ở hiện tại nhắc đến từ đầu) với chị em Lan và Phượng, tất nhiên cũng không thể thiếu những nhân vật phụ khác bên cạnh đám trẻ: chị Hoài, cô Sa, anh Thắng khùng, các bố mẹ của lũ trẻ, chú Lãm, ông Cứ, ông Hoạch,… Đó là câu chuyện được hồi tưởng lại qua lời kể của Đăng, và kéo dài trong suốt năm năm, từ khi Đăng học lớp Năm cho đến khi hết năm lớp Chín, lúc Đăng rời Hà Lam ra Tam Kì. Trong một khoảng thời gian như vậy, để vẽ ra một bức tranh về “Cây chuối non đi giày xanh” hoàn toàn không dễ dàng. Bởi đó là một khoảng thời gian mà một đứa trẻ có những bước thay đổi mạnh mẽ hay nói cách khác đó là giai đoạn có bước ngoặt từ thiếu nhi lên thành thiếu niên. Vậy đó chẳng phải là cái biệt tài của Nguyễn Nhật Ánh mà không phải ai cũng làm được hay sao? Để giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về những điều đã nói ở trên, tôi sẽ đưa bạn đi tìm hiểu cá tính những nhân vật được Nguyễn Nhật Ánh xây dựng khá thành công trong sự trở lại lần này.
Đăng – nhân vật đa sầu, đa cảm và những nỗi khắc khoải khôn nguôi.
Vì Đăng là nhân vật “tôi” – người kể lại câu chuyện “Cây chuối non đi giày xanh” nên đây chính là một nhân vật trung tâm, mọi khúc mắc, những cao trào hay những khi nút thắt được mở ra đều nhờ Đăng. Như bao đứa bé ở bất kì làng quê nào trên đất nước Việt Nam, Đăng cũng có vô vàn những kỷ niệm yêu thương, đủ để đến khi lớn lên, khi được hai người bạn nhờ viết lại cuốn kỷ yếu, đã phải thốt lên rằng: “Nhưng chính vì quá nhiều kỷ niệm ùa về cùng một lúc, tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu.” Đăng bắt đầu bằng việc gợi lên bối cảnh một làng quê ở Hà Lam với những khung cảnh yên bình. Ở đó có ông Cứ, luôn nhai trầu khiến cái miệng lúc nào cũng đỏ lòm như máu, và câu chuyện khởi nguồn từ đây. Những suy nghĩ của Đăng về người khiến cậu bé ám ảnh suốt một thời gian dài rất chân thực, nó không hề gượng gạo, đúng như ý định của tác giả khi muốn đưa người đọc trở về một mảnh ghép kí ức tuổi thơ. Thuở bé, ai mà chẳng đôi lần hốt phát khiếp vì những lời hù dọa của người lớn, hay vì một lí do vu vơ nào đó mà đôi lần đứng tim vì những gương mặt dữ tợn của một hai người trong xóm. Nhưng thời gian đó sẽ chẳng kéo dài bao lâu, vì ai rồi cũng sẽ phải lớn dần lên và khi đó, ta sẽ nhận ra rằng những điều mà khi trước khiến ta khóc thét, nay ta lại chẳng mảy may bị ảnh hưởng. Và Đăng cũng không phải ngoại lệ.
Nỗi sợ hãi thôi ám ảnh Đăng đến năm lớp Năm, và từ đây câu chuyện thực đằng sau bức màn yên bình dần dần được hé lộ. Nhân vật Thắm, chú tiếu Khôi, Phan, Trí, Định đã bắt đầu xuất hiện. Đây chính là bước ngoặt đầu tiên trong tâm lí nhân vật chính Đăng. Đương nhiên những câu chuyện qua lời kể lại của Đăng rõ ràng có sự biến chuyến rõ rệt. Từ ngây ngô khi mới có những ý thức đầu tiên về tình cảm trong cuộc đời cho đến khi rành rọt vì đã dần cảm nhận được sâu sắc hơn lúc bước sang tuổi thiếu niên. Nói về khoảng thời gian Đăng còn ở năm cuối Tiểu học, có lẽ đây chính là một trong những giai đoạn bình lặng nhất của cuộc đời Đăng. Đăng khi còn học lớp Năm dù chưa hình thành những nét tính cách của Đăng khi lớn, nhưng tôi vãn có thể cảm nhận được Đăng là nhân vật vô cùng cá tính. Cá tính, khi nhất quyết không chịu chạy vào trú mưa, lúc bị cô Sa – cô chủ nhiệm năm lớp Năm của Đăng – phạt, để mặc cho cơn mưa trút xuống ngày một nhiều và mặc cho nhỏ Thắm hết mực khuyên ngăn. Cho đến lúc lại không hề ngại ngùng khi móc ngoéo với cô Sa về chuyện học hành. Và đặc biệt, cho đến khi suýt chết đuối dưới bàu chỉ vì cứu bạn (nhỏ Thắm), ta phải cảm phục mà thốt lên rằng: “Chú bé này thật tốt bụng.” Những chuyển biến tâm lí trong lòng nhân vật Đăng có thể gạp ở bất kì một đứa trẻ ở tuổi mới lớn nào nhưng để bộc lộ rõ nét như vậy thì có lẽ chỉ có mình Đăng mới làm được.
Đây cũng là nhân vật khám phá ra những uẩn khúc nơi thôn quê yên bình và cũng chính là người dần dần gỡ rối từng nút thắt và đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khi Đăng lớn lên, những mối quan hệ tình cảm bạn bè với nhỏ Thắm hay chú tiểu Khôi vẫn chẳng hề thay đổi. Có lẽ ở đây, cá tính của Đăng càng thể hiện rõ nét ở việc trước sau như một, vẫn trọn nghĩa tình với bạn bè. Mặc dù Đăng muốn như vậy nhưng mọi thứ đều phải biến chuyển như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Bắt đầu từ việc thay đổi cách xưng hô với chú tiểu Khôi, cho đến việc định hình được rõ nét hơn những tình cảm quý mến dành cho nhỏ Thắm. Và tự bao giờ, Đăng đi tìm câu trả lời cho những khúc mắc trong lòng bằng những mẩu truyện kiếm hiệp của Kim Dung hay Cổ Long mà Đăng từng say mê đến nỗi bỏ tiết để nằm lì ở cửa hàng thuê truyện của chú Lãm, hay về sau là những câu chuyện tình được viết nên bởi nữ sĩ Quỳnh Dao, và đến khi lớn thêm chút nữa, là những cuốn sách trinh thám mượn từ nhà thầy Vỹ. Vậy là khi lớn lên, Đăng luôn thích đắm mình trong thế giới văn học hòng tìm ra những câu trả lời mà cậu chẳng thể lí giải nổi. Có đôi khi Đăng còn thủ thỉ tâm sự với chú tiểu Khôi, thằng Phan với mong ước có thể giải quyết được ti tỉ thứ chuyện trên đời bằng lời khuyên và những kế sách.
Nhỏ Thắm – Cây chuối non đi giày xanh
Đó là Thắm, một nhân vật chính thứ hai sau Đăng, và Thắm chính là “cây chuối non” mà tác giả muốn nhắc đến trong tác phẩm. Thắm xuất hiện trong cuộc đời chú bé Đăng rất ngẫu nhiên: “Năm lớp Năm cũng là năm tôi bắt đầu chơi thân với nhỏ Thắm. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao hồi đó tôi thích chơi với nhỏ Thắm.” Nhỏ Thắm qua lời kể của Đăng là một đứa chẳng mấy xinh đẹp gì cho cam, da thì “ngăm ngăm đen”, có hai bím tóc lúc nào cũng “không ngừng nhảy nhót trên vai” mỗi khi chạy nhảy hoặc khi vùng vằng và chính điểm đó lại là điểm thu hút của nhỏ Thắm, khiến Đăng thích chơi thân với nhỏ Thắm. Khi còn nhỏ, một đứa trẻ sẽ muốn làm thân với một đứa bạn đồng trang lứa nếu nó thật xinh xắn, hay đẹp trai. Chẳng lạ khi có rất nhiều đứa trẻ nói rằng: “Con thích chơi với bạn này, bạn kia vì bạn ý đẹp.” Đó là tâm lí rất đỗi bình thường của con trẻ, nhưng Đăng thì khác. Đăng thích chơi với Thắm chỉ một lí do rất đỗi bình thường, đó là hai bím tóc. Và mãi cho đến sau này, khi học đến cấp hai, Đăng mới nhận ra rằng chính tính cách của nhỏ Thắm lại thu hút hơn cả.
Nhỏ Thắm đích thị là một cây chuối non ngây thơ…
Nhỏ Thắm thích chơi với Đăng, và luôn thể hiện tính cách của một cô bé đang chuẩn bị lột xác thành thiếu nữ. Thắm luôn thích đặt ra những câu hỏi cho Đăng, khiến chú bé luôn bị á khẩu vì chẳng thể tìm ra câu trả lời vừa lòng Thắm. Câu chuyện về việc Đăng móc ngoéo với cô Sa, về sau là chuyện ngã xuống bàu, hai đứa cùng lén đám bạn đi tập bơi và chuyện anh Thắng khùng giả khùng để được yêu và sống bên cô Sa, tất cả đều có sự xuất hiện của nhân vật nhỏ Thắm. Chính vì được chia sẻ với Đăng ti tỉ chuyện trên đời, có người bạn chí cốt như Đăng nên từ trong sâu thắm Thắm, nhỏ đã dành cho Đăng tình cảm quý mến rất đỗi lạ thường. Nó thể hiện ở việc, Đăng chỉ buột miệng trả lời rằng Đăng thích màu xanh lá cây mà từ khi đó, Thắm đã dăm dắp khoác lên mình từ chiếc áo xanh đến đôi giày xanh và về sau cả cái nón xanh nữa. Ô thế là “cây chuối non đi giày xanh” đây rồi. Đến phần giữa của tác phẩm tôi đã tìm thấy trái tim của tác phẩm, thứ mà Nguyễn Nhật Ánh đã dày công thổi hồn để hun đúc lên. Và dường như từ khi ấy, tôi chợt nhận ra rằng, hình tượng “cây chuối non” đã trở thành hình tượng trung tâm suốt tác phẩm.
Trở lại với nhân vật nhỏ Thắm. Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu một ngày kia, nhỏ Thắm không về bà ngoại tận Chiên Đàn – một nơi mà cách Hà Lam xa lắm. Ở đó, Đăng sẽ chẳng còn được gặp và chơi đùa cùng nhỏ Thắm nữa. Những chuyển biến trong tâm lí nhân vật cũng bắt đầu dần từ đây. Sau một mùa hè, nhỏ Thắm đã đích thị trở thành một thiếu nữ! Thiếu nữ ấy trưởng thành hơn và lớn hơn rất nhiều, và vì một lí do nào đó lại trở nên xa cách với Đăng. Mãi cho đến gần cuối truyện, tác giả mới dần vén bức màn đằng sau sự thay đổi đến đáng sợ của Thắm. Sự thay đổi này nó ảnh hưởng đến tuyến nhân vật chính và các mối quan hệ xoay quanh nó rất nhiều. Đó là một nhỏ Thắm bất lực trước một cuộc hôn nhân sắp đặt từ đâu ập xuống, mà đến chính nó cũng chẳng biết người chồng tương lai đó là ai. Đó là một nhỏ Thắm vì giữ danh tiếng cho gia đình mà chẳng dám chơi cùng cậu bạn thân Đăng năm nào nữa. Đó là một nhỏ Thắm muốn vùng lên chống lại cái hôn ước chẳng mấy tốt đẹp gì. Và đó là một nhỏ Thắm với chút tương tư, rung động đầu đời. Rõ ràng, cây chuối non này đang dần phô diễn hết vẻ đẹp tiềm ẩn bấy lâu nay của mình, và nó dần trưởng thành theo thời gian.
Chú tiểu Khôi – người bạn bí ẩn trong nhóm trẻ xứ Hà Lam
Đây là nhân vật mà ngay từ khi xuất hiện tôi đã cực kì thích. Vì đây là nhân vật cho đến khúc cuối cùng của “Cây chuối non đi giày xanh” mới được tác giả cho một danh phận. Chẳng giống như người ta, chú tiểu Khôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, và được sư thầy trên chùa Giác Nguyên nhận nuôi., từ bấy giờ, chú thành con nơi cửa Phật. Nhưng về tâm hồn thì chú tiểu Khôi vẫn chỉ là một đứa trẻ, chú vẫn hồn nhiên nhập bọn cùng Đăng, nhỏ Thắm, thằng Phan. Và đương nhiên dù là một chú tiểu nhưng với bạn bè, chú tiểu Khôi vẫn luôn nghĩa khí và hết mình. Khi Đăng và Thắm suýt chết đuối dưới bàu, vì chính chú cũng không biết bơi, nên chú đã rất nhanh trí đi cầu cứu sự giúp đỡ của người lớn, và đương nhiên về sau, Đăng cũng chẳng hề ghét chú nữa. Hay khi Đăng và nhỏ Thắm không được gặp nhau vì nhỏ Thắm ở Chiên Đàn, chú tiểu Khôi đã vẽ tặng bức tranh hình nhỏ Thắm cho Đăng. Về sau cũng đóng góp công không hề nhỏ trong việc giúp nhỏ Thắm thoát khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt bởi ba nó và người bạn.
Như đã nói ở trên, vì vẫn mang trong mình tâm hồn của một đứa trẻ, nên suốt những năm tháng tiểu học cho đến năm lớp Tám, chú tiểu Khôi vẫn hồn nhiên xưng hô “mày-tao” với Đăng. Chính điều này vô tình xóa nhòa đi khoảng cách giữa một đứa trẻ bình thường như Đăng và một chú tiểu Khôi ở chùa Giác Nguyên. Nhưng sau này, cũng chính sự lớn lên dần trong suy nghĩ, nó đã khiến cho chú tiểu Khôi ngây thơ ngày nào đã trở nên chín chắn và trưởng thành hơn. Nó thể hiện ngay ở việc chú có một quyết định đó là thay đổi cách xưng hô với Đăng. Nhưng cho dù cách xưng hô có thay đổi thì trái tim trượng nghĩa, luôn hết mình vì mọi người của chú vẫn hề thay đổi. Vẫn luôn bên cạnh cậu bạn Đăng, giúp nối liền tình bạn giữa Đăng và nhỏ Thắm sau những hiểu lầm, vân vân và vân vân.
Và bạn biết gì không, đến gần cuối chuyện, thân thế của chú tiểu Khôi đã dần được hé lộ. Đọc đến gần giữa cuốn sách, đoạn hôn ước của nhỏ Thắm, tôi đã dần đoán được chú rể tương lai của nhỏ, không ai khác chính là chú tiểu Khôi – người luôn bên cạnh Đăng và Thắm. Quả thực đúng là như vậy! Phân đoạn bối rối của chú tiểu Khôi khi biết được mình là con ông Hoạch, và ông Hoạch chính là bạn của bố nhỏ Thắm, nó hay đến lạ. Chú lảng tránh nhỏ Thắm, chú từ chối trở về ngôi nhà nơi chú sinh ra. Thực ra trước giờ bố mẹ chú không hề bỏ chú mà họ chỉ gửi chú lên chùa để nhờ chùa “nuôi hộ”. Nhưng cũng chính nhờ chú tiểu Khôi mà hôn ước của nhỏ Thắm bị hủy. Chú chẳng thể cởi bỏ tấm áo nhà chùa được nữa rồi. Đọc đến đây tư dưng trong lòng tôi thấy thương chú tiểu Khôi lắm. Vì lẽ chú đã vô tình bị thoát khỏi những hỉ, nộ, ái, ố nơi trần tục, tôi băn khoăn cớ làm sao mà chú tiểu Khôi lại phải cô đơn thế. Nhưng có lẽ chỉ chú tiểu Khôi mới biết mình có cô đơn hay không mà thôi!
Nguyễn Nhật Ánh – nhà văn của những chuyến tàu trở về quê hương.
Những truyện của Nguyễn Nhật Ánh mỗi lần được ra mắt, luôn khơi gợi trong tôi những sự tò mò và thích thú lạ thường. Có lẽ do từng trang viết của ông mang đậm chất trẻ thơ, nó giản dị, mộc mạc và đi sâu vào lòng người đọc. Cách lựa chọn cốt truyện, những tình tiết đều chặt chẽ và hợp lí. Bên cạnh tuyến nhân vật chính thì những câu chuyện về những nhân vật xung quanh cũng khiến nỗi nhớ thương về miền xanh non thêm lay động lòng người. Đọc đến đâu, tôi cũng đều hình dung được khung cảnh trữ tình được vẽ nên bởi ngòi bút tả thực và giọng văn vô cùng sắc sảo của ông. Và lại một lần nữa, ông lại đưa chúng ta trở về một miền kí ức xanh rờn.
Lời kết
Đọc hết tác phẩm, tôi chẳng ngừng phải cảm thán về Nguyễn Nhật Ánh và cái biệt tài để vẽ nên bức họa sắc nét về “cây chuối non đi giày xanh” miền Hà Lam, Quảng Nam. Tôi hi vọng rằng, một đạo diễn nào đó sẽ cầm trên tay cuốn sách và sẽ dựng thành bộ phim điện ảnh đậm chất thơ như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm được trước đó.