Đàn ông sinh ra là dành cho đàn bà, sự thật ấy ai dám chối cãi. Thế mà Hector lại không như thế. Gã sinh ra là để… dành cho đồ vật. Bởi gã ấy, từ thuở cha sinh mẹ đẻ, phàm là đồ vật, cái gì gã cũng sưu tầm, từ tem thư, huy hiệu, giấy gói sô cô la đến giấy khai sinh, xiên hoa quả, hộp đựng xà phòng, ngạn ngữ Croatia, vỏ sò Ấn Độ Dương, những thanh âm lúc 5 giờ sáng…

Người ta cũng nói thế này: “cố quá thành quá cố”. Gã suýt “quá cố” vì cái thú sưu tầm quái gở ấy. Và gã quyết chí: LẤY VỢ! Cái quyết định được kỳ vọng sẽ hướng cuộc đời gã về bến bờ bình yên của hạnh phúc lứa đôi ai ngờ lại đẩy gã vào những tình huống tai quái mới, tất cả đều cùng một nguyên nhân: “CHỈ TẠI VỢ TÔI GỢI TÌNH!”

Nhận định




Chỉ tại vợ tôi gợi tình! là một bộ sưu tầm những trang sách buồn cười, nơi cái điên và cái hài tranh chấp nhau từng dòng một. Thậm chí, có lúc còn tằng tịu với nhau!” – (La Libération)

“Vẫn luôn hài hước, chưa bao giờ lạc điệu, David Foenkinos nổi bật lên trong làng văn chương theo một cách thật thú vị.”- (Livres Hebdo)

“David Foenkinos đã có một bộ sưu tầm những từ đắt và những phản ứng kỳ cục.” – (Télérama)




***

Không khí hài hước ngập tràn trong tác phẩm “Chỉ tại vợ tôi gợi tình!”, không chừa một nhân vật chính phụ nào, một cái hài rất “dị” nhưng đã được tiết chế một cách logic hơn so với 2 tiểu thuyết đầu tay của David Foenkinos.

Chọc cười độc giả không bao giờ là đơn giản đối với một tiểu thuyết, vốn bị tước mất những hiệu ứng sinh động từ điệu bộ hay sự trầm bổng của giọng nói. Một tiểu thuyết đã được coi là “hài hước” khi có thể khiến người đọc mỉm cười hoặc cảm thấy “âm ỉ sướng” chứ chưa cần bắt được người bật cười ha hả. Thế nhưng “Chỉ tại vợ tôi gợi tình!” lại vượt qua được thách thức đó và độc đáo hơn, chỉ bằng lối trần thuật đơn giản. Bởi không việc gì phải cố hiểu ra đầu ra đũa, ta quá thường xuyên lãng phí hạnh phúc khi cố phân tích nó.




Trái ngược với hai tiểu thuyết đầu tay, ở “Chỉ tại vợ tôi gợi tình!”, David Foenkinos đã chế ngự thành công chất “dị” trong cách viết của mình với một cốt truyện logic, tránh được những lúc dông dài và “mất tự chủ”.

Mọi chuyện bắt đầu từ một điều khó tin: nhân vật chính, Hector, quyết định tự kết liễu đời mình! May thay, anh thoát chết và thế là độc giả được tận mắt chứng kiến cái chứng bệnh quái gở của anh: hội chứng cuồng sưu tầm. Để “cai nghiện”, anh quyết định lấy vợ. Bởi người ta không thể sống cả đời với một cái xiên hoa quả. Nhưng sự đời đâu có giản đơn như thế. Hector, một con người vốn quen với nỗi cô đơn, xa lánh người đời, giờ phải sống chung với một người phụ nữ có thể nói là “xa lạ” (họ đã trúng tiếng sét ái tình), phải tập quen với những chuyến viếng thăm định kỳ gia đình đôi bên. Tất nhiên, chuyện rồi sẽ kết thúc tốt đẹp, nhưng theo cách như thế nào thì có thể dám chắc rằng không ai ở đây có thể tưởng tượng nổi những diễn biến quái gở ấy.

Cái tài của Foenkinos có lẽ chính là việc tạo dựng được không khí hài hước cho toàn bộ câu chuyện, không chỉ với nhân vật chính Hector, mà còn với dàn nhân vật phụ hùng hậu và “cực chất”. Đầu tiên phải kể đến bố mẹ Hector, một người cha sống chết với bộ ria của mình (để ria là có ý cả, kiểu như một hành động tuyên truyền) còn bà mẹ dành cả đời chỉ tâm huyết với việc nấu sao cho món xúp thật ngon, nhưng đến cuối lại rơi vào một cơn trầm cảm không thể có lối thoát chừng nào chưa trút hơi thở cuối cùng bởi bà nhận ra rằng xã hội hiện đại đã cung cấp những món xúp ăn liền ngon tuyệt. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến Ernest, anh trai của Hector, nhà vô địch về hạnh phúc và người anh cao cả với tinh thần anh em như thể tay chân. Đặc biệt là Gérard, ông anh rể khù khờ, cua rơ huyền thoại của giải đua xe đạp Ouarzazate-Casablanca (xin độc giả đừng thắc mắc vội, bởi cái giải này từ trước tới nay chỉ có duy nhất một nhà vô địch là anh ta, người đã bịa ra nó.)




Có thể nói “Chỉ tại vợ tôi gợi tình!” là độc đắc trong thể loại của nó, như tiếng chuông lanh lảnh, hoang dại, điên khùng rung lên theo phần nhạc đệm êm đềm nhưng nhí nhố, đôi khi lại vống lên những nhịp cao trào cuồng nhiệt. Đây cũng là tác phẩm mang lại cho David Foenkinos thành công lớn với Giải Roger-Nimier năm 2004.

***

Hector rất có tướng người hùng. Nhìn gã, người ta tưởng đâu hừng hực khí phách “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, bất chấp mọi hiểm nguy của cõi nhân tình thế thái chúng ta, tưởng đâu phải hớp hồn hết thảy đám đàn bà con gái, phải sẵn sàng tổ chức những kỳ nghỉ gia đình, phải xởi lởi bắt chuyện với bà con chòm xóm đi chung thang máy, hay, cao cấp hơn, phải cảm được phim của David Lynch. Gã ắt hẳn sẽ thuộc hạng người hùng của thời đại chúng ta, nếu có thêm cơ bắp cuồn cuộn. Thế mà bỗng đâu gã quyết định tự tử. Tạ ơn trời, có thế người ta mới nhìn nhận tốt hơn về người hùng. Hẳn là có chút tâm đắc nào đó với những cảnh phim, gã chọn ga tàu điện ngầm. Tất cả mọi người đều sẽ biết đến cái chết của gã, đó sẽ giống như một buổi họp báo giới thiệu một bộ phim không bao giờ khởi quay. Hector đung đưa người khe khẽ khi lắng nghe, vì lịch sự, những lời khuyến cáo sang sảng để không vội mua vé xem phim; rủi gã chết hụt, nhớ lại điều này cũng sẽ hữu ích. Người ta chẳng biết gì về gã, vậy nên người ta ít nhiều mong sự rủi này, ít nhất cũng để biết liệu có nên trông mặt mà bắt hình dong hay không. Cái gã tướng tá người hùng này thế mà điên. Gã bắt đầu nhìn mờ dần, những viên thuốc nhằm mục đích gây ngủ đã được nốc sớm quá. Chết trong lúc ngủ thì vẫn tốt hơn. Rốt cuộc, chuyện đó thành ra may mắn, bởi vì Hector lăn ra ngất. Trong mắt gã, người ta chẳng nhìn thấy điều gì. Gã được phát hiện nằm sõng soài trên hành lang ga tàu điện ngầm, gần Châtelet-Les Halles hơn là gần cái chết.




Cơ thể gục xuống của gã trông như một thai nhi bị phá bỏ. Hai người khiêng cáng tướng tá như mấy tay vận động viên dùng đẫy thuốc kích thích (nhưng giờ không thể trông mặt mà bắt hình dong được) vừa giải cứu gã khỏi mọi cái nhìn của đám dân lao động đang âm ỉ sướng khi trông thấy cái tình cảnh còn thảm hơn của họ. Hector chỉ nghĩ độc một điều: vì tự tử hụt, gã vừa bị ép phải sống. Gã được chuyển đến một bệnh viện mới vừa được sơn sửa lại; nên dễ hiểu là người ta có thể thấy khắp nơi dòng chữ “sơn mới”. Vài tháng tới, gã sẽ tha hồ buồn chán trong cái khoa dành cho người hồi sức này. Chẳng mấy chốc, cái thú duy nhất của gã đã định hình: vừa ngắm cô y tá vừa tơ tưởng được vuốt ve bầu ngực nàng. Gã cứ đắm đuối với cái thú này, cho đến khi thừa nhận cô ả quá xấu. Gã lay lắt sống trong cái tình cảnh sự xấu phải nói là huyền thoại. Nói thế có phần nghiệt ngã quá; vì cô ả có thể rất gợi tình giữa hai mũi moóc phin. Và còn có tay bác sĩ, chốc chốc lại lướt qua như thể đi vũ hội. Những cuộc gặp gỡ hiếm khi quá một phút, và nhất định phải ra cái vẻ vội vội vàng vàng để chăm chút cho tiếng tăm của hắn (tiếng tăm, đó đúng là thứ duy nhất hắn chăm chút). Cái tay có nước da rám nắng đáng ngạc nhiên này bắt gã thè lưỡi ra chỉ để kết luận rằng gã có một cái lưỡi đẹp. Kể cũng tốt nếu có một cái lưỡi đẹp, ta cảm thấy thoải mái với một cái lưỡi đẹp, với Hector, thế chẳng khác gì có cặp chân đẹp. Gã không biết chính xác mình đang chờ đợi gì, đó là cơn trầm uất rền rĩ từ sâu thẳm lòng gã. Người ta đề nghị gã liên hệ với gia đình hoặc bạn bè nếu như may mắn còn ai đó (một cách kín đáo, người ta bóng gió về khả năng nên thuê lấy một người). Những gợi ý này đều bị từ chối bằng một sự im lặng kém lịch duyệt, cũng phải châm chước cho gã. Hector không muốn gặp bất kỳ ai. Chính xác hơn, và giống như hết thảy người ốm, gã không muốn để ai thấy gã như lúc này. Gã xấu hổ phải là thằng người mấp mé giữa chả là cái thá gì và còn không bằng cả cái thá gì. Gã đã gọi cho một người bạn và lòe anh ta rằng gã đang ở nước ngoài, khe núi Grand Canyon tuyệt vời, cái vết nứt đáng mặt vết nứt ấy; và gã gác máy, trong khi, chính gã, mới nứt toác như Grand Canyon.

Cô y tá thấy gã đáng mến, cô thậm chí đã nói với gã rằng gã là một người đàn ông đặc biệt. Liệu ta có thể ngủ với một người phụ nữ thấy ta đặc biệt? Đấy quả là một câu hỏi lớn. Trước tiên, không nên: cứ cho là phụ nữ có bao giờ ngủ đâu, thế thôi. Cô gái quan tâm đến chuyện của gã; cuối cùng, thứ cô biết về chuyện đời gã, chỉ là hồ sơ bệnh án. Khó có thể nói trong ấy ẩn chứa các chi tiết đắt giá hơn. Liệu có tồn tại cô gái ấy, người sẵn sàng hiến dâng cơ thể cho bạn bởi vì cô nàng yêu cái cách bạn không bao giờ quên đi tiêm nhắc lại một mũi vắc xin 3 trong 1? Ồ, anh làm em hưng phấn đấy, người đàn ông đích thực của vắc xin. Cô y tá gãi cằm, rất thường xuyên. Những lúc ấy, cô nàng tự cho mình là bác sĩ; phải nói là cũng có đất diễn cho vai đó. Khi ấy cô thường tiến sát lại giường Hector. Cô nàng dù gì cũng có cái cách vuốt qua vuốt lại bàn tay một cách đầy nhục cảm trên tấm ga trải giường trắng muốt, những ngón tay cô được chăm sóc cẩn thận như cặp chân trên bậc câu thang, chúng đang sải những bước dài qua sắc trắng.

Người ta thả gã ra vào đầu tháng Ba, mà xét cho cùng, ngày tháng đâu có nghĩa lý gì, mà thật ra chẳng cái thá gì có nghĩa lý. Bà gác cổng, một bà cô mà chẳng còn mấy ai có thể đoán được tuổi, làm ra vẻ lo lắng về sự vắng mặt của người khách thuê nhà. Các bạn biết đấy, cái vẻ lo lắng giả tạo, cái kiểu mơ tưởng đang ở năm 1942, với chất giọng the thé chói đến độ nếu đứng cạnh đường ray, hẳn đủ làm trật bánh cả đoàn tàu.

“Thưa ngài Balanchiiiine, rất vui lại được thấy ngài. Là tôi, tôi rất lo lắng…”

Hector không phải thằng đần; vì gã vắng mặt đã hơn sáu tháng, mụ hẳn cố vòi ít tiền quà cho Giáng sinh vừa rồi. Không muốn dùng thang máy, đặc biệt là ngại chạm mặt một ông bà hàng xóm nào đấy và phải trình bày, kể lể cuộc đời mình, gã lê thân lên thang bộ. Gã thở phì phò thành tiếng, và người ta xúm lại bên các cửa sổ. Gã đi đến đâu, người ta mở cửa chính ra đến đấy. Thậm chí hôm đó còn không phải là Chủ Nhật, tòa nhà này toàn người vô công rồi nghề đến phát sợ. Và thể nào cũng có một gã hàng xóm say khướt nào đó – giữa họ và chúng ta hẳn có nhiều điểm chung như là hai đường thẳng song song – sẽ nằng nặc đòi bạn phải tạt qua nhà. Tất cả chỉ để được hỏi ba lần “Thế nào, đằng ấy khỏe chứ?” và trả lời đủ ba lần “khỏe cả, đằng ấy thì sao?” Tình thân ái khó mà chịu nổi; khi người ta vừa hết thời kỳ dưỡng bệnh, có lẽ người ta sẽ thích sống ở Thụy Sĩ1. Hay, nếu được, tốt nhất là làm một cung phi trong lãnh cung. Gã viện cớ một cơn đau gan để cáo lui về nhà, vậy là chắc mẩm nhận được câu hỏi: “Không phải anh mang theo bệnh xơ gan về từ chuyến đi nghỉ đấy chứ?” Hector nở một nụ cười và tiếp tục đoạn đường vòng. Cuối cùng, gã mở cửa và ấn lên công tắc để bật điện. Chẳng có thứ gì thay đổi, tất nhiên. Chỉ có điều, với Hector dường như nhiều cuộc đời đã trôi qua; người ta ngửi thấy mùi thác sinh. Bụi đã toàn quyền chăm sóc căn hộ, trước khi buồn chán quá mà sinh sôi nảy nở thêm.

Đêm buông xuống, giống như mọi tối. Gã pha một tách cà phê, cốt để mang lại ít không khí bình thường cho chứng mất ngủ của mình. Ngồi trong bếp, gã lắng nghe tiếng chân mèo đi trên máng xối; gã chỉ biết làm thế. Gã nghĩ về tất cả thư tín đã không nhận được. Ánh mắt gã dừng lại trên tấm gương nhỏ mua tại một tiệm đồ cũ, gã vẫn còn nhớ như in cửa tiệm này và kỷ niệm đó nhanh chóng làm gã khiếp sợ. Cơn sốt sình sịch vào cái ngày gã mua nó lại ập về, giống như người ta cảm nhận được mùi của một con người chỉ bằng cách nhìn ngắm bức ảnh của họ. Gã nhất định không được nghĩ về nó, tất cả đã kết thúc; gã đã khỏi bệnh. Không đời nào còn chuyện gã bước chân vào một tiệm đồ cũ mua một tấm gương nữa. Gã tự ngắm mình chốc lát. Khuôn mặt gã, sau sáu tháng dưỡng bệnh, có vẻ đã khác. Tương lai, lần đầu tiên trong đời, gã hình dung nó sẽ ổn định; dĩ nhiên, gã nhầm. Nhưng chẳng ai ở nơi đây – còn – hơi đâu làm phiền lòng gã trong ảo mộng về sự phát triển này. Và trước khi tiến tới cái tương lai đó, ta có thể lùi lại nhìn về quá khứ chưa xa lắm.

Mời các bạn đón đọc Chỉ Tại Vợ Tôi Gợi Tình của tác giả David Foenkinos

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *