Vì thiếu một chiếc đinh, không đóng được móng sắt

Vì thiếu chiếc móng sắt, ngựa chiến không sẵn sàng

Vì thiếu một ngựa chiến, hiệp sĩ đã không đến




Vì hiệp sĩ không đến, cuộc chiến đã thất bại

Vì cuộc chiến thất bại, vương quốc đã sụp đổ

Và tất cả chỉ vì, thiếu chiếc đinh móng ngựa




– ĐỒNG DAO CỔ NƯỚC ANH

 

VÀO THÁNG 6 NĂM 1812, quân đội của hoàng đế Napoleon bao gồm 600.000 binh sĩ mạnh mẽ. Chỉ đến đầu tháng 12, đội quân Grande Armée bất khả chiến bại một thời chỉ còn lại chưa tới 10.000 người. Đoàn bại binh tơi tả của Napoleon đang vượt sông Berezina, gần thành phố Borisov phía tây nước Nga, trên đường rút lui từ Moscow. Những người lính còn sống sót đối mặt với trình trạng thiếu lương thực trầm trọng, bệnh tật và giá rét: những kẻ thù vô hình đã cùng với quân đội nước Nga đánh bại họ. Rất nhiều trong số họ ở trong tình trạng chờ chết, không đủ áo ấm, và cũng không được trang bị đủ để chống lại cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông nước Nga.




Việc quân đội của Napoleon rút khỏi Moscow đã ảnh hưởng rất lớn đến bản đồ châu Âu. Vào năm 1812, tầng lớp nông nô chiếm đến 90% dân số của nước Nga. Họ là tài sản của các địa chủ, bị mua bán hoặc trao đổi tùy theo ý thích của chủ. Tình trạng này giống chế độ nô lệ hơn là chế độ nông nô ở Tây Âu vào thời kỳ đó. Những nguyên tắc và tư tưởng chủ đạo của cuộc Cách mạng Pháp thời kỳ 1789-1799 đã luôn đồng hành cùng Binh đoàn vĩ đại của Napoleon, phá vỡ những thể chế xã hội lạc hậu thời trung cổ, thay đổi các khuôn thước chính trị, và khơi gợi những khái niệm của chủ nghĩa dân tộc tại nơi nó đến. Di sản Napoleon để lại rất thiết thực: các bộ luật và những quy tắc hành chính dân sự công cộng đã thay thế hoàn toàn hệ thống luật lệ địa phương vùng miền đầy rắc rối, và những khái niệm mới về cá nhân, gia đình và quyền sở hữu tài sản đã được đưa vào thực hành. Hệ thống đo lường thập phân cũng được sử dụng và dần trở thành tiêu chuẩn, thay thế cho một mớ hỗn độn của hàng trăm cách thức đo đếm tại địa phương.

Điều gì đã khiến đoàn quân vĩ đại nhất của Napoleon thất bại đau đớn như vậy? Tại sao đội quân bất khả chiến bại của Napoleon lại thua cuộc thảm hại trong chiến dịch tại nước Nga? Một trong những lời giải thích kỳ lạ nhất, biến tấu lại từ bài đồng dao cổ của nước Anh, là “vì thiếu một chiếc nút áo”. Dường như kỳ lạ đến mức khó tin, sự tan tác của đội quân Napoleon có thể xuất phát từ sự phân rã của một vật quá nhỏ bé là chiếc nút áo, một chiếc nút áo bằng thiếc, chính xác là loại nút nhỏ được dùng để cài kín tất cả các loại áo quần: từ áo choàng của sĩ quan đến những chiếc quần và áo khoác của bộ binh. Khi nhiệt độ giảm xuống thấp, kim loại thiếc sáng loáng bắt đầu chuyển hóa thành loại bột vụn phi kim màu xám; bột này vẫn là thiếc nhưng có cấu trúc khác với thiếc kim loại. Phải chăng đây chính là điều đã xảy ra với những chiếc nút áo bằng thiếc được đính trên quân phục của đội quân Napoleon. Một nhân chứng tại Borisov đã mô tả đoàn quân của Napoleon như “một đám những con ma khoác các tấm chăn cũ, áo choàng phụ nữ cũ, thảm hoặc áo khoác cũ thủng lỗ chỗ”. Phải chăng, khi các chiếc nút thiếc bị rã ra thành bột tại nhiệt độ thấp, binh lính của Napoleon đã trở nên quá yếu ớt bởi cái lạnh kinh khiếp của mùa đông nước Nga, đến mức họ không thể hoàn thành được các nhiệm vụ chiến đấu? Phải chăng do những chiếc nút bị rụng mất mà người lính phải dùng tay để giữ chặt áo, thay vì cầm vũ khí?

Tất nhiên, có rất nhiều vấn đề trong việc xác minh tính đúng đắn của giả thuyết trên. “Bệnh của thiếc”, cái tên được đặt cho sự biến đổi dạng thù hình của kim loại thiếc khi nhiệt độ giảm thấp, đã được biết đến từ nhiều thế kỷ trước tại vùng Bắc Âu. Tại sao Napoleon, vị danh tướng luôn tin vào việc trạng thái thể chất sung mãn của binh sĩ sẽ quyết định kết quả của trận chiến, lại cho phép sử dụng những chiếc nút bằng thiếc cho trang phục của binh sĩ? Một vấn đề nữa là quá trình vỡ vụn của các chiếc nút thiếc này là một quá trình xảy ra rất chậm, ngay cả tại nhiệt độ rất thấp của mùa đông vô cùng nghiệt ngã ở nước Nga năm 1812. Dù sao đi nữa, giả thuyết này tạo nên một câu chuyện hết sức thú vị, và các nhà hóa học vẫn thường trích dẫn nó một cách thích thú như là một nguyên nhân mang tính hóa học gây ra sự thất bại trong cuộc chiến của Napoleon. Và nếu như giả thuyết nêu trên là đúng, thì chúng ta sẽ phải tự hỏi liệu quân đội Pháp có thể tiếp tục tiến quân về hướng Đông hay không nếu thiếc không thay đổi cấu trúc và biến thành bột dưới điều kiện nhiệt độ thấp. Khi đó, người dân Nga có thể thoát khỏi chế độ nông nô sớm hơn khoảng một nửa thế kỷ(1)? Và như vậy, liệu rằng sự khác biệt giữa Đông Âu và Tây Âu – sự khác biệt đã luôn song hành với sự mở rộng của đế chế Napoleon, và đồng thời cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho những ảnh hưởng to lớn ông để lại cho lịch sử nhân loại – sẽ vẫn rõ ràng cho đến tận thời đại ngày nay?




Trong suốt chiều dài lịch sử, kim loại là yếu tố then chốt trong việc định hình những sự kiện quan trọng của con người. Ngoài vai trò để lại nhiều nghi vấn trong câu chuyện về những chiếc nút áo của Napoleon, thiếc từ những mỏ quặng vùng Cornish phía nam nước Anh được người La Mã đánh giá rất cao và săn lùng, đó cũng là nguyên nhân sự bành trướng của Đế quốc La Mã đến đảo quốc Anh. Đến năm 1650, ước tính khoảng 16.000 tấn bạc từ những mỏ quặng của Tân Thế Giới đã được nhập vào kho tàng của các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và phần lớn số bạc này được sử dụng để hỗ trợ cho các cuộc chiến tranh ở châu Âu. Công cuộc tìm kiếm vàng và bạc có những ảnh hưởng to lớn đến các cuộc khám phá, các đợt định cư, và môi trường của rất nhiều vùng đất; ví dụ như những cơn sốt vàng vào thế kỷ 19 ở California (Mỹ), Australia, Nam Phi, New Zealand và Klondike (Canada) đã giúp những đất nước này mở mang và phát triển rất nhiều. Đồng thời, trong ngôn ngữ của chúng ta cũng có nhiều từ ngữ liên quan đến kim loại này: viên gạch vàng, tiêu chuẩn vàng, quý như vàng, thời hoàng kim,… Tên gọi của nhiều kỷ nguyên trong lịch sử được đặt để nhấn mạnh tầm quan trọng của kim loại trong thời kỳ đó. Thời đại đồ đồng, khi đồng đỏ – một hợp kim của đồng và thiếc – được dùng để chế tạo vũ khí và công cụ lao động, được tiếp nối bởi Thời đại đồ sắt, thời kỳ đặc trưng bởi việc rèn sắt và sử dụng các dụng cụ làm từ sắt.

Nhưng phải chăng chỉ có các kim loại như thiếc, sắt hay vàng có vai trò định hình lịch sử? Kim loại là các nguyên tố – các chất không thể phân hủy thành các chất đơn giản hơn bằng các phản ứng hóa học. Có tổng cộng chín mươi nguyên tố có thể tìm thấy trong tự nhiên, và chỉ khoảng mười chín nguyên tố khác được con người tạo ra. Thế nhưng có đến bảy triệu hợp chất tạo thành từ hai nguyên tố trở lên theo một tỷ lệ nhất định, và kết hợp với nhau bằng những liên kết hóa học. Như vậy, chắc chắn phải có những hợp chất đóng vai trò quan trọng trong lịch sử loài người, những hợp chất mà nếu không có chúng, văn minh nhân loại đã phải phát triển theo một hướng hoàn toàn khác, chúng đóng vai trò thiết yếu trong việc thay đổi kết quả của những sự kiện mang tầm vóc toàn cầu. Đây là một ý tưởng rất hấp dẫn và cũng chính là chủ đề nhất quán cho tất cả các chương của quyển sách này.

Khi nhìn vào những hợp chất phổ biến và cả những hợp chất không quá phổ biến dưới lăng kính này, nhiều câu chuyện hấp dẫn đã được kết nối và phát hiện. Ví dụ như trong Hiệp ước Breda năm 1667, người Hà Lan đã đổi vùng đất duy nhất họ có tại lục địa Bắc Mỹ để lấy hòn đảo Run nhỏ bé thuộc quần đảo Banda, một nhóm nhỏ các đảo tại vùng Moluccas (thường được gọi là quần đảo Gia Vị) nằm ở phía đông của đảo Java, Indonesia. Bên còn lại trong Hiệp ước này, nước Anh, đã từ bỏ chủ quyền của mình tại đảo Run, hòn đảo có tài sản duy nhất là rừng cây nhục đậu khấu, để đổi lấy quyền làm chủ một mảnh đất nhỏ khác ở cách xa nửa vòng trái đất: đảo Manhattan.




Người Hà Lan tuyên bố chủ quyền đối với Manhattan chỉ ít lâu sau khi Henry Hudson, trong chuyến thám hiểm để tìm một ngã biển theo hướng tây Bắc dẫn đến phía đông của Ấn Độ và quần đảo Gia Vị nổi tiếng trong truyền thuyết, đến được nơi này. Năm 1664, thống đốc Hà Lan tại New Amsterdam(2), Peter Stuyvesant, đã buộc phải đầu hàng và giao vùng đất này lại cho người Anh. Sự phản đối của Hà Lan đối với cuộc xâm chiếm đó và những tranh chấp về chủ quyền các vùng đất khác khiến cuộc chiến giữa hai quốc gia kéo dài trong suốt gần ba năm. Việc người Anh tuyên bố chủ quyền trên đảo Run đã làm người Hà Lan nổi giận, bởi lẽ chỉ cần thôn tính thêm đảo Run thì người Hà Lan sẽ có thể hoàn toàn độc quyền thương mại các sản phẩm từ nhục đậu khấu. Hà Lan, một quốc gia có lịch sử xâm chiếm thuộc địa vô cùng tàn bạo với vô số các cuộc tàn sát và đàn áp, bắt dân bản địa làm nô lệ tại các vùng đất họ chiếm đóng, không hề muốn người Anh được dự phần vào lĩnh vực thương mại gia vị béo bở này. Sau bốn năm vây hãm với những cuộc đụng độ đẫm máu, người Hà Lan cuối cùng cũng tràn vào xâm chiếm đảo Run. Người Anh trả đũa bằng cách tấn công các chuyến tàu chất đầy hàng hóa giá trị của công ty East India (Tây Ấn Độ) của Hà Lan.

Người Hà Lan muốn người Anh phải đền bù cho những hành động cướp bóc trên biển và muốn lấy lại New Amsterdam; trong khi đó người Anh yêu cầu người Hà Lan phải bồi thường cho những hành động phá hoại của họ tại Tây Ấn và muốn lấy lại đảo Run. Không bên nào chịu nhượng bộ, và cuộc hải chiến cũng bất phân thắng bại, trong tình hình đó, Hiệp ước Breda được ký kết như một cứu cánh cho thể diện của cả hai bên. Người Anh có thể giữ Manhattan và phải tuyên bố từ bỏ chủ quyền trên đảo Run; và người Hà Lan có được đảo Run nhưng cũng phải quên đi mọi đòi hỏi của họ đối với New Amsterdam. Khi cờ nước Anh được kéo lên phấp phới tại New York, tên mới của New Amsterdam, dường như bên chiếm được phần lợi nhiều hơn trong Hiệp ước này là người Hà Lan. Lúc đó không ai cho rằng giá trị của một mảnh đất nhỏ với chỉ vài ngàn dân ở Tân Thế Giới lại có thể so sánh với lợi nhuận khổng lồ của việc kinh doanh nhục đậu khấu.

Vì sao nhục đậu khấu có giá trị như vậy? Cũng như các loại gia vị khác như đinh hương, hồ tiêu hay quế chi, nhục đậu khấu được dùng nhiều tại châu Âu để bảo quản thực phẩm, tạo hương vị cho thực phẩm và làm thuốc. Nhưng nó còn có một vai trò khác rất quan trọng: người ta đã cho rằng nhục đậu khấu có thể bảo vệ con người khỏi bệnh dịch hạch, được mệnh danh “Cái Chết Đen”, căn bệnh đã hoành hành trên toàn bộ châu Âu trong suốt gần 400 năm từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18.

Hiện giờ chúng ta biết rằng Cái Chết Đen là một bệnh do vi khuẩn lây lan thông qua các vết đốt của những con bọ chét ký sinh trên chuột bị nhiễm bệnh. Như vậy, đeo một túi nhỏ nhục đậu khấu quanh cổ để ngăn ngừa bệnh dịch hạch dường như chỉ là một hành động mê tín thời trung cổ. Thế nhưng, nếu xét đến các hợp chất hóa học của nhục đậu khấu, thì vấn đề lại trở nên khác biệt. Mùi hương đặc trưng của nhục đậu khấu là do hợp chất isoeugenol có trong loại hạt này tạo ra. Cơ chế bảo vệ tự nhiên của các loài thực vật đã sản sinh ra isoeugenol và các hợp chất tương tự giúp chúng chống lại các loài thú ăn cỏ, các loài sâu bọ và nấm mốc. Rất có khả năng isoeugenol trong nhục đậu khấu chính là một chất trừ sâu bọ tự nhiên ngăn cản được loại bọ chét nguy hiểm gây ra bệnh dịch hạch. (Tất nhiên, khi bạn đủ giàu để có được nhục đậu khấu trong thời kỳ đó, bạn ắt hẳn đã sống trong một môi trường sạch sẽ, ít đông đúc, ít chuột và bọ hơn. Điều này cũng giúp bạn tiếp xúc ít hơn với nguồn gây bệnh dịch hạch).


Mời các bạn đón đọc Chiếc Nút Áo Của Napoleon – 17 Phân Tử Thay Đổi Lịch Sử của tác giả Penny Le Couteur & Jay Burreson.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.