Cuốn tiểu thuyết của Shin Kyung-Sook là lời đáp mang nhiều trăn trở nhưng kiên định cho những tự vấn day dứt của chính nhà văn.

Tiểu thuyết khắc họa vô cùng rõ nét và chân thực bức tranh sinh hoạt của người lao động Hàn Quốc nghèo tại các khu công nghiệp vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 với nhiều biến động về chính trị và xã hội như Tổng thống Park Chung Hee bị ám sát, các cuộc chính biến, phong trào Dân chủ Gwangju, đồng thời giãi bày lý do nhà văn cầm bút.

Nhân vật chính của Cô gái viết nỗi cô đơn là một thiếu nữ 16 tuổi, sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo. Vì không đủ điều kiện để học tiếp trung học, cô phải lên Seoul lao động kiếm sống. Cuộc sống trên thành phố của cô gói gọn trong bức tranh sinh hoạt một khu công nghiệp đầu thập niên 1980, nơi cô sống trong một căn phòng trọ chật hẹp, hiu quạnh với anh cả và chị họ. Đó cũng là nơi sáng cô làm việc bên dây chuyền nhà máy, tối đến trường học theo chương trình đặc biệt dành cho nữ công nhân; nơi cô đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời và không ít biến động của thời cuộc; nơi cô gặp gỡ nhiều người, nếm trải nhiều mất mát, dần trưởng thành hơn, nhưng có những vết thương vẫn mãi không thể nào nguôi ngoai. Cũng chính từ những ngày sống trong bức tranh sinh hoạt u ám ấy, cô đã ấp ủ và cố gắng từng bước thực hiện mơ ước trở thành nhà văn.

Tác phẩm đan xen, biến chuyển liên tục giữa hiện tại và quá khứ; xoay quanh cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo giữa những biến động lịch sử của xã hội Hàn Quốc thập niên 1980, với trung tâm là tình cảm gia đình, mối liên hệ giữa người với người và đặc biệt là nỗi cô đơn cùng nỗi đau không dễ gì khỏa lấp của những năm tháng trưởng thành.




New York Times nhận xét: “Shin Kyung-Sook viết về những quãng thời gian và khoảng không gian có thể là xa lạ, nhưng bằng nhiều cách, các chi tiết trong tác phẩm của cô lại rất phổ quát; mỗi chúng ta ai cũng có một con quái vật vô diện mà bản thân luôn muốn trốn tránh. Shin Kyung-Sook đã vẽ cho chúng ta thấy con quái vật của chính cô.”

Shin Kyung-Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện học tiếp trung học, 16 tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống và nuôi mơ ước viết văn. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Seoul, cô khởi nghiệp sáng tác và giành giải Văn học mới của tạp chí Văn nghệ trung ương với tác phẩm Ngụ ngôn mùa đông. Tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ ra mắt năm 2008 của cô đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giúp cô gây được tiếng vang lớn trên thế giới.

Với những tác phẩm ấp ủ niềm hy vọng “nói ra những điều không thể nói, chạm đến những thứ không thể đến gần” trong những câu văn buồn và đẹp rất đặc trưng, Shin Kyung-Sook đã không chỉ trở thành gương mặt tiêu biểu cho văn học Hàn Quốc hiện đại mà còn là nhà văn được đông đảo độc giả khu vực và quốc tế quan tâm, đón nhận nồng nhiệt.




Các tác phẩm của Shin Kyung-Sook đã được xuất bản tại Việt Nam: Hãy chăm sóc mẹ, Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi, Cô gái viết nỗi cô đơn,…
 

Lam Anh – Zing.vn

***

Shin Kyung-sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống. Shin Kyung-sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng độc giả lớn và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước cũng như trong khu vực. Với Hãy chăm sóc mẹ Shin Kyung-sook trở thành nhà văn châu Á nổi bật nhất năm 2009.




Tác phẩm:

  • Hãy chăm sóc mẹ
  • Ở Đâu Đó Có Điện Thoại Gọi Tôi
  • Chuyện kể trăng nghe
  • Cô gái viết nỗi cô đơn
***

Chính niềm thương mến với giọng văn của Shin Kyung Sook qua hai tác phẩm: Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi và Hãy chăm sóc mẹ đã đưa tôi đến với quyển tiểu thuyết pha lẫn tự truyện mang tên Cô gái viết nỗi cô đơn khi nó vừa được cho ra mắt. Vẫn là giọng văn trầm buồn, vẫn là những con chữ tưởng chừng không thể chân thật hơn nữa, vẫn là nỗi cô đơn đậm đặc, lại một lần Shin Kyung Sook khiến người đọc không thể dứt khỏi chuyện kể của mình.

Thật lòng mà nói toàn bộ câu chuyện không nhiều niềm vui, bởi sự cô đơn cùng với day dứt, dằn vặt đã khắc sâu vào lòng người viết nên chúng. Người ta thường nói những người diễn ra trong giai đoạn trưởng thành sẽ đi theo con người ta hết cả cuộc đời, hình thành nên nhân cách của họ. Mà quá trình trưởng thành của người viết cũng là người kể nên câu chuyện, gắn liền với hoàn cảnh nghèo khó và tâm trạng bất an cùng nỗi cô đơn của cô gái quê lên tỉnh.




Cô rời gia đình nhỏ, lên thành phố sống dựa vào người anh hai, cùng người chị họ làm công nhân trong một nhà máy. Tất cả diễn ra trong một bối cảnh xã hội không lấy gì làm êm đềm và dễ chịu, công nhân không được coi trọng, và đôi khi vì mưu sinh người ta phải chấp nhận những điều cay đắng và làm trái lòng mình.

Nếu những ai đã từng đọc Hãy chăm sóc mẹ, có thể nhận ra sự quen thuộc của bối cảnh làng quê Hàn Quốc hoặc hình ảnh người anh trai lên thành phố vừa học vừa làm nuôi thêm đứa em gái, cô gái đi làm công nhân vừa nuôi mơ ước có thể trở thành nhà văn đã từng xuất hiện. Thì nay, chúng tiếp tục được khắc họa rõ nét hơn qua những dòng chữ viết như chỉ để trải lòng. Câu chuyện được kể khá chậm, đôi lúc như xen lẫn trong đó những tiếng thở dài vô hình, khiến người ta chua xót.

Cũng chính trong truyện xuất hiện một chi tiết khiến tôi nhớ mãi, người thầy của nhân vật đã khuyên cô, đại ý rằng hãy viết ít thôi, bởi vì với em, viết như rút ruột mà viết.

Có lẽ thực sự Shin Kyung Sook đã rút ruột mình ra mà viết thật, cho nên Cô gái viết nỗi đơn trở nên khó đọc hơn so với hai tác phẩm trước của cô đã ra mắt độc giả, bởi một câu chuyện không có cốt truyện rõ ràng, không được diễn tả nhanh chóng mạch lạc. Nhưng thay vào đó, điểm sáng chói trong truyện, là ta hiểu ra quá trình hình thành nên sinh mệnh của một người viết. Có người viết dựa vào kỹ năng, có người tuân theo cảm xúc, cũng có người như Shin Kyung Sook, cứ rút ruột mà viết.

Và những gì xuất phát chân thật từ cõi lòng thì rất dễ lay động những cõi lòng khác.

Hoàng Khôi

Mời các bạn đón đọc Cô Gái Viết Nỗi Cô Đơn của tác giả Shin Kyung-Sook.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *