Với một người từng được cho là IQ chỉ đạt 70 mà nói, cuộc sống là một chuỗi những may mắn không ngờ, bởi anh ta không biết rằng IQ 70 là thấp kém, là thiểu năng. Khi chẳng may lật giở những trang hồ sơ học bạ chuyển trường, anh ta còn nghĩ chí ít mình cũng có được một bài kiểm tra đạt yêu cầu 60 điểm. Tôi hy vọng rằng sự may mắn này có thể được truyền bá và lan tỏa khắp mọi nơi, khiến mỗi đứa trẻ, mỗi người đều nhận được sự ưu ái của vị thần “may mắn”, nhìn thấy thiên tài trong chính mình, hưởng thụ và tận dụng tài năng thiên phú của bản thân cũng như dùng nó để báo đáp ơn dưỡng dục của cha mẹ và xã hội!

Cuộc sống là một món quà được bọc bên ngoài bởi nhiều lớp giấy khác nhau, chỉ có một số ít người may mắn – những người luôn giữ trong đầu một thái độ tích cực và suy nghĩ đúng đắn mới có thể xé toang từng lớp giấy để tận mắt nhìn thấy món quà này. Nó không chỉ thuộc về một ai đó, mà mỗi người trong chúng ta đều có một phần, đáng tiếc là không phải ai cũng biết đến sự tồn tại của nó! Đến nay, tôi muốn dùng trái tim cảm tạ, chia sẻ lại chặng đường khi bản thân đã bóc được món quà đó, với một mong muốn duy nhất: xin bạn cũng hãy tin rằng, có một phần quà chưa được mở ra đang thuộc về bạn!

Tôi đã rơi nước mắt nhiều lần khi đọc cuốn tự truyện này. Nửa đầu cuốn sách cho tôi thật nhiều cảm xúc về tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý: tình cha con, mẹ con, tình chị em… Những dòng hồi ức đó có thể làm tan chảy cả những trái tim băng giánhất bởi một Tình Yêu thực sự được viết hoa, Tình Yêu làm con người khác động vật và Tình Yêu thực sự cứu rỗi thế giới đang ngày càng băng hoại này.




IQ chỉ có 7O?
Bài kiểm tra 1 điểm? Không sao cả! Có điểm là tốt rồi! Lần đầu tiên, đứa con trở thành thiểu năng sau một trận viêm não Nhật Bản của mình có điểm: dù chỉ là 1 điểm, người cha và mẹ đã thưởng cho con cả 1 chiếc đùi gà!

Hành trình Lư Tô Vỹ vươn lên để trở thành 1 trong 3 sinh viên xuất sắc nhất của Học Viện Cảnh Sát dù vẫn mang những tổn thương sau trận viêm não là hành trình của cả gia đình anh: của bố mẹ, của chị cả, chị hai đã đồng hành cùng anh với tình thương yêu vô bờ bến, những hy sinh cao cả đó của họ đã làm người đọc cảm động vô cùng!

Nếu như nửa đầu cuốn sách tác động đến tình cảm của người đọc thì nửa sau tác động đến lý trí của họ. Quá trình học tập của Lư Tô Vỹ khiến tôi nhớ lại kỷ niệm thời học sinh của mình. Tôi nhớ năm lớp 10, tôi học Toán không còn tốt như lớp 9, lúc đó tôi đã học “điên cuồng” để cải thiện môn này, vì tính tôi vốn hiếu thắng, không muốn thua kém bạn nào. Tôi đã viết khẩu hiệu: “Không học là tự sát” lên tập mình, thầy giáo của tôi lúc đó là thầy Ngô Xuân Long đã viết bên dưới câu khẩu hiệu đó: “Học không đúng phương pháp cũng là tự sát.

Hơn 20 năm sau, một lần nữa, tôi được nghe lại điều mà trước đây thầy tôi đã dạy: Phải học đúng phương pháp. Khám phá năng lực của bản thân mình và trau dồi năng lực đó đúng phương pháp là điều mà tôi đã lĩnh hội được qua phần sau của cuốn tự truyện này.

“Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác thường mà thôi!” Sự động viên, khích lệ bền bỉ của cha và mẹ đã nuôi lớn tâm hồn và tri thức của Lư Tô Vỹ. Tôi ước sao nhiều bậc cha mẹ sẽ đọc được cuốn sách này, để khơi dậy thiên tài trong con cái họ, như cha mẹ Lư Tô Vỹ đã làm!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *