Cùng với Đại Việt sử kí toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử kí tiền biên (ĐVSKTB) là một trong ba bộ quốc sử lớn của nước ta còn lại đến ngày nay.

Sau Đại Việt sử kí toàn thư khắc in và công bố vào năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hi Tông (1697), ĐVSKTB là bộ quốc sử thứ hai được khắc in trong ba năm Mậu Ngọ, Kỉ Mùi, Canh Thân, hoàn thành vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ tám (1800) triều Tây Sơn.

Bộ sử 17 tập này được Sử quán triều Tây Sơn cho khắc in trên cơ sở công trình biên soạn của sử gia Ngô Thì Sĩ, được con ông là Ngô Thì Nhậm tu đính, thực sự là một thành tựu quan trọng về sử học của vương triều tiến bộ nhưng quá ngắn ngủi ấy.

Tác giả Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà văn hoá lớn của nước ta ở thế kỉ XVIII, mà các tác phẩm cũng như công trình biên khảo đều toát lên một tinh thần yêu nước nồng nàn, đồng thời cũng thể hiện một trình độ học vấn uyên bác, một thái độ trị học nghiêm túc, giàu tinh thần phê phán. Trên phương diện sử học, ĐVSKTB cũng như  Việt sử tiêu án của ông đều là những công trình như vậy.

Con ông, Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) – người biên tập và tu đính văn bản – là một tri thức lớn, sáng suốt và nhạy bén, đã sớm tham gia phong trào Tây Sơn, cộng tác đắc lực và trung thành với Quang Trung Nguyễn Huệ, đồng thời đã cống hiến cho văn hoá nước nhà nhiều công trình sáng giá: Hàn các anh hoa, Hi Doãn thi văn tập, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh…

ĐVSKTB, về phương diện sử liệu, căn bản dựa theo Đại Việt sử kí toàn thư, nhưng giá trị chủ yếu là ở những bình luận sắc sảo và những vấn đề tác giả nêu lên để đính chính hoặc đánh giá lại.

Từ cách xếp Triệu Đà thành “Kỉ ngoại thuộc Triệu Vũ đế” đến việc không đặt Sĩ Nhiếp thành một kỉ riêng, không gọi Sĩ Nhiếp là Sĩ vương v.v.., tác giả đều  tỏ rõ quan điểm độc lập của mình.

Tính chất sử  luận đậm nét trong ngót năm trăm “lời bàn” của các sử gia nổi tiếng đời trước như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Lê Tung, Ngô Sĩ Liên và của chính tác giả, ở đó toát lên lòng tự hào dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc.

Ngày nay đọc lại, chẳng hạn, đoạn bình luận về Hai Bà Trưng, lập luận chặt chẽ mà sắc bén, văn phong súc tích giàu chất trữ tình còn khiến ta xúc động và cảm phục:

“Không gì khó thu phục bằng nhân tâm, không gì khó nắm vững hơn thế nước. Nhưng điều khó hơn nữa là đàn bà mà tập hợp được cả dân chúng trai tráng làm đồng chí. Nước ta bị nội thuộc đã lâu, sự phục tòng pháp chế của ta đã quen, người Trung Hoa cho là yên, rất coi thường cách cai trị của các quan tướng họ. Những điều oán hận chất thành gò, họ gạt đi cho là tâm địa trẻ con, thường khi nghĩ đến chuyện nổi dậy thì họ cho là phương Nam không phải đất dụng võ mà người thì nhút nhát. Lại chính lúc nhà Hán vừa trung hưng, đông đảo người chí dũng, ai dám đưa chút thân hèn mọn chạm vào cơn tức giận của hùm beo.

Thế mà Bà Trưng là đàn bà goá búi cao mớ tóc, trai tráng trong nước đều cúi đầu nghe bà chỉ huy, những người lớn ở năm mươi mấy thành cũng phải nín hơi không dám trái lệnh. Lưu Văn từng diệt được quần hùng, chống nổi đại địch, lại được quyền họp binh sai tướng, cấp đủ xe thuyền lương thực, thế mà phải ăn trưa ngủ muộn, dốc cả vào việc cơ mưu. Mã Phục Ba từng làm cỏ nước Tiên Linh, phá tan đất Tam Lang một cách dễ dàng, thế mà khi sang đóng đồn ở Lãng Bạc phải náu quân gò ngựa đi chậm, giấu xe dưới  chằm, bụng lo rầu ngay ngáy, miệng nói năng dè dặt. Tiếng tăm của Hai Bà chấn động cả Di Hạ; cơ nghiệp của Hai Bà dọc ngang khắp trời. Ôi, anh hùng quá!…”

***
Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780), tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, đạo hiệu Nhị Thanh cư sĩ; là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ 18 tại Việt Nam; được Phan Huy Chú đánh giá là người có “học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia, là một đại gia ở Nam Châu”.

Ông sinh ra trong một dòng họ lớn [3] ở làng, có nhiều người nổi tiếng hay chữ…

Ông nội ông là Ngô Trân, hiệu Đan Nhạc, là một người nổi tiếng về sức học uyên bác và tài văn chương, được người đương thời liệt là một trong “bảy con hổ của kinh thành Thăng Long” (Trường An thất hổ).

Ông là con trưởng Ngô Thì Ức, cũng nổi tiếng hay chữ. Năm 14 tuổi, ông Ức đỗ thứ hai kỳ thi Hương nhưng sau đó hỏng liền hai khoa thi Hội, nên không để chí vào khoa cử nữa. Khi Ngô Thì Sĩ lên 10 tuổi, thì ông Ức mất.

***
gô Thì Nhậm (còn gọi là Ngô Thời Nhiệm; 25/10/1746–1803), tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê–Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Ngô Thì Nhậm xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, ngày nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội.

Ngô Thì Nhậm thông minh, học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử. Ông thi đỗ giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ tam giáp năm 1775. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Lê–Trịnh, được chúa Trịnh Sâm rất quý mến. Năm 1778 làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Khi đó cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.

Sau Vụ án năm Canh Tý (1780), ông bị nghi ngờ là người tố giác Trịnh Khải nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Bách Tính Nam Định (Nay là Bách Tính, Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định) lánh nạn.

Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai, xuống lệnh “cầu hiền” tìm kiếm quan lại của triều cũ. Danh sĩ Bắc Hà đã đầu quân cho nhà Tây Sơn từ trước đó mới chỉ có Trần Văn Kỉ, Ngô Văn Sở và Đặng Tiến Đông. Tuy vậy, tới thời điểm này thì cả vua Lê lẫn chúa Trịnh đều đã đổ. Ngô Thì Nhậm và một số thân sĩ Bắc Hà khác như Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch; các tiến sĩ Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan; Đoàn Nguyễn Tuấn (anh rể Nguyễn Du); Vũ Huy Tấn; Nguyễn Huy Lượng (tác giả “Tụng Tây Hồ phú”)…lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn.[6] Sử cũ viết khi được Thì Nhậm, Nguyễn Huệ mừng mà rằng: “Thật là trời để dành ông cho ta vậy”, và phong cho ông chức Tả thị lang bộ Lại, sau lại thăng làm thượng thư bộ Lại-chức vụ cao cấp nhất trong Lục bộ.

Cuối năm Mậu Thân (1788) do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn.

Năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư. Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.

Sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học.

Sau khi Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Tây Sơn thì bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803. Nhưng do trước đó có mâu thuẫn với Đặng Trần Thường nên cho người tẩm thuốc vào roi. Sau trận đánh đòn, về nhà, Ngô Thì Nhậm chết.
 

Mời các bạn đón đọc Đại Việt Sử Ký Tiền Biên của tác giả Ngô Thì Nhậm & Ngô Thì Sĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *