Cách đây nửa thế kỷ, Nhà xuất bản Đại học Yale công bố ấn bản lần thứ nhấtThe Lonely Crowd (Đám đông cô đơn) của David Riesman, đồng tác giả với Nathan Glazer và Reuel Denney, một cuốn sách đã đóng góp những cụm từ mang tính khái niệm vào vốn từ vựng Mỹ. Trọn vẹn chủ đề cuốn sách nói về sự thay đổi lớn lao trong tính cách người Mỹ: khi nước Mỹ đang chuyển dịch từ một xã hội do các mệnh lệnh sản xuất điều khiển sang xã hội do các mệnh lệnh tiêu dùng điều khiển, tính cách các giai tầng trung lưu lớp trên trong xã hội đó biến đổi từ kiểu “nội tại định hướng” (“inner-directed”), những người từ thuở bé đã bản chất hóa các mục tiêu – mà về cơ bản là do người lớn “cấy cho” – thành những người do “ngoại tại định hướng” (“other-directed”), “nhạy cảm trước những kỳ vọng và ý thích của người khác”. Theo phép ẩn dụ tuyệt vời của Riesman thì đây là bước chuyển dịch từ đời sống được con quay hồi chuyển nội tại dẫn dắt sang đời sống được rađa dẫn dắt. Lớp trẻ Mỹ không còn để tâm mấy đến uy quyền của người lớn nhưng lại cực kỳ nhạy cảm với những nhóm ngang hàng và bị truyền thông đại chúng điều khiển. Người cha vẫn được tiếng là hiểu biết hơn cả, nhưng nếu đúng thế thì càng ngày càng vì lẽ là có một chương trình truyền hình đã nói như vậy.
Theo một khảo sát năm 1997 của Herbert J. Gans, Đám đông cô đơn tiếp tục là cuốn sách của một nhà xã hội học ăn khách nhất trong lịch sử nước Mỹ: nó bán được 1,4 triệu bản, phần lớn là ấn phẩm bìa mềm. (Loại sách bìa mềm bỏ túi có nội dung rút gọn đầu tiên là một trong những thứ đầu tiên hưởng lợi nhờ trào lưu ấn bản sách bìa mềm cho thị trường đại chúng.) Suốt nhiều năm, cuốn sách đã làm cho cụm từ “nội tại định hướng” (“inner direction”) và “ngoại tại định hướng” (“other direction”) trở thành thuật ngữ dùng trong gia đình, là thứ bánh vừa nhâm nhi vừa trò chuyện ở tiệc cocktail. Cuốn sách được các sinh viên cấp tiến đang tiến thân đọc, những người này suy diễn thái quá về việc tìm kiếm tính độc lập (autonomy) trong cuốn sách, họ cho rằng tác giả muốn giáng một đòn mạnh vào sự tuân thủ quy tắc xã hội, trong khi thực ra Riesman chỉ đang cố vạch rõ rằng xã hội nào cũng bảo đảm “một mức độ tuân thủ nào đó từ những cá nhân hợp thành xã hội ấy”, vấn đề là nó bảo đảm sự tuân thủ không thể tránh được đó như thế nào. Trong những năm 1960, Đám đông cô đơn được xem là một cảnh báo về cảm giác lạc lõng mà rồi sẽ dẫn đến nổi loạn vì sự quá sung túc. Cụm từ nhan đề thậm chí còn xuất hiện trong một bài hát của Bob Dylan năm 1967: “Tôi sẽ được tự do”. Đến khi viết lời tựa cho ấn bản năm 1969, Riesman đã lấy làm tiếc rằng “Đám đông cô đơn đã góp phần sinh ra sự khinh khi trịch thượng đối với các ngành nghề kinh doanh”.
Những tán thưởng, sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng, ấy là chưa nói đến ngộ nhận, thảy đều khác xa những kỳ vọng ban đầu. Trong lần xuất bản năm 1950, cuốn sách được chào đón bằng những bài phê bình trân trọng nhưng thường đăng trên các tạp chí chuyên môn. Khi sách được phát hành ở dạng bìa mềm với nội dung được giản lược ba năm sau đó, Riesman và Nhà xuất bản Đại học Yale những tưởng sách sẽ chỉ bán được “vài nghìn bản dưới dạng tài liệu đọc trong các khóa khoa học xã hội”. Vậy mà sách lại nổi tiếng. Tại sao? Nhìn nhận lại một cách chính xác, ta có thể thấy cuốn sách đã đồng cảm phơi bày những khắc khoải của một tầng lớp trung lưu đang nổi lên cùng với sự phát triển tăng vọt thời hậu chiến, họ mở rộng ngoại ô, mải lo thu vén sao cho nhà cửa, máy móc, địa vị của mình ngày một tốt hơn, họ nhẹ nhõm vì qua được cuộc Đại Suy thoái và chiến tranh nhưng lại hoang mang trước những biến động văn hóa và tâm lý bên dưới bề mặt đời sống thường nhật.
Điều không kém phần quan trọng là Đám đông cô đơn không hề có các biệt ngữ (trong khi vô tình lại đóng góp kiểu văn phong đố vui, có hai lựa chọn thế-này-hoặc-thế-kia vào vốn từ của một nền văn hóa vốn ưa thích những phạm trù lưỡng cực, ví dụ như hướng nội/hướng ngoại, tân thời/cổ lỗ, thứ yếu/chủ yếu). Ngày nay, sách báo xã hội học có cả sức hút công chúng của sinh học phân tử, sau khi về cơ bản đã có tiếng là món chuyên biệt dành cho các chuyên gia tính toán và những kẻ màu mè giả hiệu khoa học khác.Đám đông cô đơnthì khác xa, được viết sáng sủa, thêm cái tài dùng những cụm từ hóm hỉnh như: “người dự đoán nội tình” (inside-dopester), “ngọn roi ngôn từ”, “từ bàn tay vô hình đến bàn tay niềm nở”, “từ tài khoản ngân hàng đến tài khoản chi phí”, “những con bệnh có thể đi lại được trong khu văn hóa hiện đại”, “thị trường tình bạn”, “thăm dò lĩnh vực tình dục”, “nệm êm sung túc”, “mỗi cuộc đời là một ca cấp cứu”. Cuốn sách mang giọng điệu khiêm nhường, cởi mở, tò mò muốn tìm hiểu mọi thứ, và nhạy cảm về các kiểu có thể nhận diện. Mặc dù đòi hỏi đối tượng độc giả nghiêm túc, và ít khi viết bằng những lời lẽ châm biếm kêu tai, cuốn sách âm vang một giọng người dễ chịu, lúc huyên thuyên lúc thô vụng dễ gần, vừa thanh nhã vừa nồng ấm, vừa đậm sắc thái vừa thông tục, vừa nghiêm trang vừa thân tình, nhưng luôn luôn dung dị và hóm hỉnh. Khác với hầu hết các khảo luận hàn lâm, cuốn sách không sa lầy trong định nghĩa dài dòng văn tự. Đó là cuốn sách của một công dân biết cảm thông chia sẻ, muốn khuyên nhủ xã hội chứ không phải dạy đời. Cuốn sách nói trực tiếp với người dân – chủ yếu là dân Mỹ, nhưng không chỉ với họ – những người được cuốn sách quan tâm và bàn đến. Cuốn sách vừa trừng phạt lại vừa xót xa cho người Mỹ, nhưng ngay cả khi trừng phạt thì nó cũng trấn an người đọc rằng người ta không quá đơn độc trong những khắc khoải của mình như họ vẫn tưởng. Người ta đọc cuốn sách mà có thể an lòng là mình đã được nhận diện. Lối nói với [ai đó] thay cho về [ai đó] trong nửa thế kỷ qua đã thoái hóa thành lối tự lực (self-help), phải trả giá bằng tính nghiêm túc trí tuệ, nhưngĐám đông cô đơnlà bằng chứng cho thấy có thể hướng sự phân tích thông minh đến độc giả thông minh mà không khắt khe xem họ như những người tự hoàn thiện vị kỷ.
Chia sẻ ý kiến của bạn