Sách Dẫn luận về Do Thái giáo – cuốn sách cô đọng của Norman Solomon là một dẫn nhập lý tưởng vào đạo Do Thái như một thực thể tôn giáo và như một lối sống. Trong nỗ lực khảo sát bản chất và sự phát triển của Do Thái giáo, cuốn sách phác hoạ những nền tảng thực hành của tôn giáo cổ xưa này, những lễ hội, lời nguyện cầu, phong tục tập quán và các giáo phái… Những mối quan tâm và tranh cãi trong lịch sử và hôm nay của người Do Thái cũng được đề cập một cách sâu sắc, như ảnh hưởng nặng nề của thảm hoạ Holocaust sau Thế chiến 2, sự thành lập quốc gia Israel, tình trạng người phụ nữ Do Thái trong xã hội hiện đại cũng như các vấn đề đạo lý y học và thương mại
***
Đây là một quyển sách được viết bằng Anh ngữ. Anh ngữ vốn không trung dung. Thứ tiếng này tiến hóa trong lòng nền văn minh Kitô giáo; bản thân nó chứa đầy những khái niệm và giả định thuộc về Kitô giáo.⦾ Bởi Kitô giáo được sinh ra từ sự xung đột với Do Thái giáo của thế kỷ 1, và tự nhận bản thân chống lại Do Thái giáo, nên thật khó có thể ở bên trong nền văn hóa cũng như ngôn ngữ của một Kitô giáo vốn đầy định kiến ấy mà có được cái nhìn vô tư đối với Do Thái giáo như thể bạn đang nói đến Thần đạo [Shinto] hay Phật giáo vậy. Chỉ cần nghĩ đến một trong số những hàm ý miệt thị được chuyển tải trong Anh ngữ bởi một từ đơn giản “Jew” [Bọn Do Thái].⦾
Nếu nhận thấy mình đang bật ra câu hỏi kiểu, “Người Do Thái thì tin gì vào Jesus?”, hay “Cái gì là quan trọng hơn trong Do Thái giáo, đức tin hay công đức?”, thì bạn đã chọn nhầm điểm xuất phát, bạn đang tiếp cận với Do Thái giáo bằng hành trang văn hóa được du nhập từ Kitô giáo. Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho một vài vấn đề dạng này trong sách, nhưng nó sẽ không ích gì cho bạn trong việc nắm bắt Do Thái giáo như cách Do Thái giáo tự hiểu về mình, một cái nhìn từ bên trong; Do Thái giáo không xây dựng xung quanh Jesus, cũng không cho rằng đức tin và công đức là những khái niệm đối nghịch.
Vậy ta hãy khởi sự lại từ đầu và cố gắng khám phá: là một người Do Thái sẽ như thế nào; Do Thái giáo nhìn từ bên trong sẽ như thế nào. Và sau đây là một danh sách những thuật ngữ chính yếu được thảo nên bởi một nhóm Kitô hữu, những người đã cố định dạng những thuật ngữ có thể hữu dụng trong việc giảng giải cho người khác hiểu là một Kitô hữu sẽ như thế nào:
- Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần
- Sống lại
- Sự cứu độ
- [Bí tích] Thánh tẩy
- Sự tha thứ
- Đóng đinh câu rút
- Hoán cải
- [Bí tích] Thêm sức
- Thăng thiên
- sự công chính hóa
- Sách thánh
- đức tin
- tình yêu thương
- Sự giáng sinh của Chúa Jesus
- Hiệp thông với Chúa qua bí tích thánh thể
- cầu nguyện
- tin cậy
- tình bằng hữu
- “tái sinh”
- vâng phục
- đời sống vĩnh hằng
- Các thánh tông đồ
Danh sách tiếp theo được thảo ra bởi một người Do Thái giáo muốn giảng giải đức tin của mình cho một nhóm Kitô hữu:
- Chúa Trời (mối quan hệ cá nhân, kế thừa lịch sử và có thể thay đổi)
- Torah (cách thức, chỉ dẫn, giảng dạy, không phải luật)
- mitzva (“điều răn” – đơn vị thực tiễn của Torah = việc tốt)
- averah (phạm giới, tội lỗi)
- Ý chí tự do
- teshuva (sự thống hối, “trở về” với Chúa Trời)
- tefilla (cầu nguyện)
- tsedaka (“công bình”, “đúng đắn” = đức công chính)
- hesed (tình yêu, lòng trắc ẩn, lòng tốt)
- yetser tov (“thôi thúc hướng thiện”; khuynh hướng bẩm sinh và tâm lý chuộng làm điều thiện), trái ngược với yetser hara (thôi thúc làm điều ác; [là] nguyên do và phương thuốc chữa trị cho sự bất trung, sẵn có bên trong mỗi cá nhân, với Chúa Trời)
- Israel (dân tộc, vùng đất, giao ước)
Một vài thuật ngữ (Chúa Trời, Torah, Israel) tương đối quen thuộc với Kitô hữu sử dụng Anh ngữ; nhưng người soạn ra danh sách trên hẳn cũng tin rằng chúng cần được chú giải, bởi vì, dù thân thuộc, chúng vẫn có thể bị hiểu sai. Nhiều từ ngữ trên đây là những từ thường ngày trong tiếng Hebrew;⦾ nhưng để chuyển dịch nghĩa của chúng qua tiếng Anh cũng rất khó khăn.
Thực tế, hầu hết các từ trong danh sách của Kitô hữu, ngoại trừ nhóm từ thuộc Kitô học “Chúa Con”, “Đóng đinh câu rút”, “Thăng thiên” và “Sự giáng sinh của Chúa Jesus”, đều có thể đã được người Do Thái dùng, song chúng sẽ mang những sắc thái khác và mang “sức nặng” cũng khác trong hệ thống của họ. Có những từ như “hiệp thông”, “sự cứu độ” và “sách thánh”, được sử dụng rộng rãi trong thực hành đức tin ở cả hai tôn giáo, điều này gây ra những nhầm lẫn sâu xa; ngôn từ họ dùng giống nhau, nhưng không hoàn toàn trùng khớp. Đôi khi, hai tôn giáo bị chia rẽ thay vì hợp nhất bởi chính những ngôn từ dùng chung này.
Nhiều người nghĩ rằng tiếng Hebrew khó nhớ hay khó hiểu. Chúng sẽ được giải thích bất cứ khi nào cần thiết, song cách tốt nhất để hiểu chúng đã nằm ngay trong văn cảnh, khi bạn đọc quyển sách này hay những quyển khác, hay khi nói chuyện với người Do Thái – những người sử dụng chúng một cách tự nhiên. Nó giống như học thêm một ngôn ngữ, mà sự thực là bạn đang học thêm một ngôn ngữ, ngôn ngữ “tự nhiên” của Do Thái giáo.
Tôn giáo không phải là một khái niệm trừu tượng. Những người theo đạo có thể khẳng định rằng đã được Chúa Trời linh ứng, hay thậm chí Ngài chỉnh sửa đến từng câu chữ và hiệu lực đó là vĩnh cửu. Nhưng các bản văn ấy buộc phải được diễn dịch bởi con người trước khi tạo được tác động nào trong cuộc đời của họ, và câu chuyện đang chờ được mở ra trong những trang tới đây, là câu chuyện người Do Thái đã làm cách nào để tồn tại được cùng với kinh sách của mình trong suốt hai ngàn năm qua.
Câu chuyện của chúng ta sẽ gồm bốn vai chính: Chúa Trời, Torah, dân tộc Israel, và thế giới xung quanh. Đây là câu chuyện mà những mối quan hệ trong đó có ý nghĩa quan trọng, và “cái riêng” (người Israel) luôn trong mối tương tác vững bền với “cái chung” (nhân loại như một toàn thể, trong hình thức các nền văn hóa xung quanh); sẽ bao hàm cả thách thức và đáp ứng, căng thẳng và giải pháp, cả bi kịch lẫn niềm hân hoan.
“Do Thái giáo” là tôn giáo của người Do Thái. Hiển nhiên. Nhưng ai là người Do Thái? Đây sẽ là đề tài của Chương 1. Vào lúc này, chúng ta xem người Do Thái là tất cả thành viên của các hội nhóm tự nhận là người Do Thái, trong mối quan hệ tích cực với những truyền thống được kiến lập nên bởi các rabbi⦾ của Sách Talmud (bạn có thể đọc về Sách Talmud ở Chương 3). Định nghĩa này loại trừ quan niệm “tôn giáo của Cựu ước”, đang được giới thiệu là “Do Thái giáo” trong các trường thần học cực đoan. Thế giới của các rabbi cắm rễ vào thế giới của các kinh sách tiếng Hebrew, mà dựa trên đó họ tạo dựng thẩm quyền, song chúng ta sẽ sớm nhận thấy, điều đó có nhiều ý nghĩa hơn chỉ là đọc một bản văn theo nghĩa đen.
Cũng vậy, định nghĩa về Do Thái này sẽ loại trừ “những nhánh Do Thái” khác, đã đâm chồi nảy lộc vào thế kỷ 1, ví dụ như, Essenes, Sadducees, Samarita và “Kitô hữu gốc Do Thái”, dù chúng ta sẽ gặp gỡ vài nhánh ở Chương 2, khi kể lại câu chuyện vì sao Do Thái giáo và Kitô giáo, ban đầu vốn là một, lại tách đôi.
Tôn giáo không thể tách rời khỏi xã hội, lịch sử hay những trải nghiệm xúc cảm và trí tuệ của người theo đạo. Bởi vậy, một vài thông tin về xã hội và lịch sử của người Do Thái sẽ được trình bày.
Và bạn đọc sẽ tự chọn lựa việc tin vào lời kể nào trong những trường phái khác nhau về lịch sử Do Thái, người này kể cùng một câu chuyện theo cách thức rất khác so với người kia. Ví dụ, trường phái “sụt sùi”, là nói đến những ai mà với họ lịch sử Do Thái là khổ ải trầm luân, là đớn đau và tử đạo như thể hết người này đến người khác phải chịu ngược đãi; quan niệm này đã xuất hiện kể từ khi Ephraim xứ Bonn, vào thế kỷ thứ 12, chép lại danh sách tử đạo trứ danh, khi nạn thảm sát người Do Thái bị kéo theo cuộc Thập tự chinh thứ hai, ở Rhineland, nước Anh, và Pháp. Sau đó là trường phái “Jerusalem” (Ben Zion Dinur), những người thấy toàn bộ lịch sử Do Thái gắn liền với Xứ Israel [Land of Israel], và ở thái cực trái ngược là sử gia vĩ đại Simon Dubnow, nhấn mạnh vào những thành tựu tích cực của Tổ chức “Do Thái giáo Lưu vong” [Diaspora Judaism]. Và có cả các nhà thần học truyền thống, tuân theo cung cách Kinh Thánh chuẩn mực, xem lịch sử như lời thuật lại những tội lỗi và sám hối của loài người cũng như ân thưởng và hình phạt của Chúa Trời, chia lịch sử thành những chu kỳ “tiền chế định” lớn, mà đỉnh điểm là sự xuất hiện của Đấng Cứu thế. Sherira Gaon, vào thế kỷ thứ 10 ở Đế quốc Babylon cổ, đã dựng lên khuôn mẫu cho những ai cho rằng lịch sử nghĩa là tìm về truyền thống đích thực có từ thời Moses; Franz Rosenzweig, vào thế kỷ 20, dường như từ chối kiểu lịch sử hệ trọng đó: “Chúng ta hướng về Chúa Trời trong mỗi hành vi đạo đức, nhưng không phải là một tổng thể đã hoàn chỉnh trong quá khứ; nếu không vì sao chúng ta còn cần một Chúa Trời nào nữa, nếu lịch sử vốn đã linh thiêng?”
Với chúng ta, dẫu sao, điều cần chú tâm thực sự là lịch sử sinh thành của Do Thái giáo. Những đớn đau và áp bức cùng những thời kỳ tha hương là không thể chối cãi, song điều thú vị là xuyên suốt nhiều thế kỷ, tinh thần ấy vẫn đâm chồi nảy lộc cùng với đám rước chưa có hồi kết của thơ ca và các vị thánh, của triết gia và những nhà bình giảng Thánh Kinh, của những nhà cổ ngữ học và những người tạo ra sách Talmud, của những học giả và cả những người không ai biết đến – trong cùng một đức tin khiêm nhường.
***
Mời các bạn đón đọc Dẫn Luận Về Do Thái Giáo của tác giả Norman Solomon.
Chia sẻ ý kiến của bạn