Cuốn sách “Để Con Bạn Giỏi Như Einstein” được xem là làn gió mới đối với những bậc phụ huynh và các nhà giáo dục (Steven Pinker Giáo sư Tâm lý Đại học Harvard nhận xét). Bởi cuốn sách này chia sẻ đến các bậc cha mẹ, những người đảm nhận trọng trách nuôi dạy trẻ, và những người có nhiệm vụ đề ra các chính sách giáo dục những vấn đề rất đáng chú ý trong sự phát triển của trẻ. Với rất nhiều “nội dung dễ học hỏi”, giúp bạn có thể “phát hiện khả năng tiềm ẩn” của con trẻ, đồng thời giúp bạn trang bị những kỹ năng cần thiết để nuôi dạy và đóng góp cho xã hội những công dân thông minh, khỏe mạnh, và hạnh phúc. Các tác giả với hy vọng sẽ giúp nền giáo dục của chúng ta thoát khỏi căn bệnh thành tích. Mục tiêu của quyển sách là mang lại cho các bậc phụ huynh, thầy cô và những nhà làm chính sách giáo dục một cái nhìn bao quát và những khái niệm cần thiết để có cách làm hiệu quả nhất trong việc giáo dục con em mình. Đây cũng là nỗ lực chống lại làn sóng bệnh thành tích và thói quen thúc ép con trẻ học hành. Một khi đã am hiểu sự phát triển trí tuệ của trẻ, người lớn sẽ có thể song hành một cách đồng điệu với cách thức học hỏi và tiềm năng phát triển tự nhiên của trẻ, từ đó tìm được những thời điểm thích hợp để giúp trẻ tích lũy những kiến thức thật sự chứ không chỉ là những sự kiện rời rạc phải cố nhét vào đầu.

Phụ huynh và giáo viên ngày nay thường kêu trời vì kiệt sức bởi công cuộc dạy dỗ các mầm non của tương lai. Vì sao thầy cô và cha mẹ bị đẩy vào cuộc “trường chinh” khốn khổ mang tên giáo dục, còn trẻ em thì bị tước đoạt hết ngây thơ trong một guồng quay hối hả, bận rộn? Liệu có phải xã hội đã mắc căn bệnh thành tích trầm kha, không ngừng chạy đua với yêu cầu nhanh hơn, nhiều hơn, giỏi hơn?

Các cảnh báo về tuổi thơ bị đánh cắp đã gióng lên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chắc chắn không bậc cha mẹ nào muốn con mình điểm số cao nhưng chỉ là những “đứa trẻ sống vội”.




Buộc trẻ con phải sống vội vã, bận rộn tức là bạn đang liều lĩnh tước đoạt của chúng ước muốn học hỏi tự nhiên và tệ hơn là dễ khiến trẻ rơi vào âu lo, trầm cảm, phiền muộn. Tuổi thơ là tuổi khám phá thế giới và khám phá chính những khả năng của bản thân. Hành trình thú vị ấy không thể diễn ra trong các buổi học gò bó ở lớp, trên màn hình máy vi tính hay các hộp đựng tranh ảnh trực quan.

Phân tích khả năng học tập của trẻ ở trường qua chỉ số IQ là lựa chọn thích hợp nhưng đó không phải là tất cả để tiên đoán cho một tương lai hoàn hảo của trẻ. Những yếu tố khác như xã hội, gia đình.. có ảnh hưởng đáng kể đến trẻ. Một trẻ có chỉ số IQ bình thường vẫn có thể học kém hay ngược lại, trở thành nhà khoa học và đoạt giải Nobel.

Vậy, trẻ cần gì để phát triển trí thông minh vốn có một cách tối đa? Liệu có thể thực hành được không các nguyên tắc giáo dục cơ bản từ nhà trường đến lớp học?




Hoàn toàn có thể! Với phương pháp giáo dục đúng, mỗi đứa trẻ hoàn toàn có thể trở thành một thiên tài như Einstein.

Để con bạn giỏi như Einstein” được Tiến sĩ Edward Zigler, Giám đốc Trung tâm Phát triển Trẻ em và Chính sách Xã hội – Đại học Yale nhận xét là “Một quyển sách xuất sắc!” Bởi lẽ không chỉ thấu hiểu sự khốn khổ của các bậc phụ huynh thời hiện đại mà quyển sách còn mang đến những phương pháp đầy khoa học và thực tế giúp các bậc phụ huynh thóat khỏi những lo âu về việc học của con trẻ và hơn hết giúp trẻ có thể phát huy được mọi khả năng thông qua việc học và cả trong việc vui chơi.

Cuốn sách giúp bạn nhìn nhận cuộc sống ở những góc độ hoàn toàn khác. Bạn sẽ thấy cơ hội học hỏi có ở mọi nơi, mọi lúc. Bạn sẽ nhìn thấy hình chữ nhật trong các khối nhà, hình lục giác trong những bảng hiệu giao thông trên đường phố và các con số thì xuất hiện đầy rẫy khắp nơi.

Khi bạn chia khoai tây chiên cho các con và tính toán sao cho các phần đều nhau thì đó chính là lúc bạn đang chơi trò toán học với trẻ. Hay khi bạn đặt một chiếc khăn giấy trên bàn cho mỗi người tức bạn đang thể hiện mối tương quan một – chọi – một. Hoặc khi đặt cuốn sách trở lại chỗ cũ tức là bạn đang phân loại sách. Chúng ta cần nhìn thế giới qua lăng kính trẻ thơ và nắm bắt được những cơ hội tự nhiên để giúp chúng học hỏi. Khi nhận thức được rằng thế giới luôn đầy ắp cơ hội học hỏi và giao tiếp xã hội, chúng ta sẽ có thể giúp trẻ phát triển tốt hơn…

Comments are closed.