Người xưa có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”; các nhà tâm lý hiện đại cũng cho rằng “Nếu con sinh ra đến ngày thứ ba cha mẹ mới dạy là đã muộn mất hai ngày”. Thực vậy, ngay khi rời khỏi bụng mẹ là em bé đã hòa nhịp cuộc sống cùng xã hội. Nếu các loài thú chỉ cần thức ăn thì con người còn cần ở cha mẹ cả tình yêu thương với sự hiểu biết và trách nhiệm. Trách nhiệm và tình cảm với con thì cha mẹ nào cũng có, nhưng thể hiện thế nào là vấn đề cần được nghiên cứu, làm sáng tỏ, chuẩn hóa và phổ biến.
Việc đứa trẻ ngoan, hư, tự tin, nhút nhát… trong tính cách, đẹp xấu trong hình thể không phải do trời định mà do sự tác động và dạy dỗ ngay từ khi bắt đầu phôi thai hình thành nên đứa trẻ.
Làm cha mẹ là một thiên chức thiêng liêng; trang bị kiến thức để nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái nên người luôn là sự trăn trở của các bậc cha mẹ, vì thế, cuốn sách này góp phần trang bị một số kỹ năng thiết yếu trên bước đường làm cha mẹ, giúp cha mẹ thực hiện tốt nhất vai trò của mình.
Một bác sĩ chuyên khoa nhi nổi tiếng mát tay, nhận được lá thư của một bà mẹ trẻ, hỏi rất thật lòng: “Bác sĩ ơi, tôi được biết sữa mẹ rất tốt cho trẻ nhỏ. Con tôi lười ăn, khó uống sữa, chỉ thích bú ti mẹ. Cháu bú mẹ nay đã 2 tuổi, tôi muốn cho cháu bú mẹ lên đến 3 tuổi, như vậy có phù hợp không? Tôi nên theo chế độ dinh dưỡng nào để có sữa đủ cho cháu bú?”.
Vị bác sĩ trả lời cũng rõ ràng, dễ hiểu: “Sữa mẹ chỉ thực sự tốt nhất từ 0 đến 6 tháng, nhiều nhất là một năm đầu đời. Sau đó, các chất dinh dưỡng không còn đủ cho bé. Ngược lại, nếu nuôi bé bằng sữa mẹ đến năm 3 tuổi, bé không những không cải thiện được hành vi ăn uống, mà tệ hơn nữa, sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Trong trường hợp này, mẹ cần cố gắng tập thói quen ăn dặm cho trẻ, tìm cách cho trẻ hào hứng với bữa ăn, chứ không thể thay thế sữa mẹ cho đến năm bé 3 tuổi! Vì như thế, chắc chắn mẹ và bé sẽ ‘ghiền nhau’, mẹ đi làm không đặng, con đi học không đừng!”.
Qua một chuyện bú mớm, chợt nghĩ, hình như các bà mẹ bây giờ đang chuyển từ thái cực này sang thái cực khác! Cách đây vài năm, rộ lên chuyện chị em cấm tiệt con bú mớm, rủ nhau sinh mổ để khỏi đau đẻ, cho con bú bình tuyệt đối để khỏi xệ ngực, thì nay lại chuyển sang mê đẻ, mê cho con bú, mê tự tay chăm sóc con và mê mẩn vai làm mẹ của mình.
Một mẹ trẻ 25 tuổi, sinh con lần đầu tiên, trong một tuần sau khi đẻ đã thay lần lượt ba người giúp việc! Đến bà ngoại đứa bé dù rất thương con, thương cháu cũng ngậm ngùi ra về, vì chịu không nổi tính khí kỹ lưỡng quá sức của cô con gái. Bà mẹ này đã ẵm tám đứa con, nhưng không thể ẵm đứa cháu ngoại cho vừa ý cô con gái út. Nào là ẵm cháu phải ẵm theo góc nghiêng 30 độ, cho bú sữa bình cũng phải canh cho góc nghiêng 45 độ, thay tã phải vuông góc các bề mặt với nhau, quần áo bé phải giặt tay bằng xà bông cục, không giặt bằng xà bông giặt, dị ứng da của bé… Bà mẹ trẻ này, có thể đã đọc hàng chục cuốn sách về kỹ năng chăm sóc em bé của hàng chục nhà xuất bản khác nhau, nhưng có lẽ chưa biết được kiến thức này: muốn làm cho con hạnh phúc, hãy làm cho mình hạnh phúc! Vì niềm hạnh phúc và tươi vui của mẹ sẽ lan tỏa đến đứa nhỏ, sẽ khiến đứa nhỏ cảm nhận được tinh thần trong trẻo, hài hòa, thoải mái của từng tế bào đang nâng niu nó! Điều đó khác biệt với một bà mẹ chăm chăm tìm bới những lỗi to lỗi nhỏ trong quá trình chăm sóc con mình, làm cho không khí gia đình căng thẳng, ngột ngạt, và hậu quả cuối cùng là chỉ còn hai mẹ con tự chăm sóc lẫn nhau!
Câu cửa miệng dễ dàng nghe ở nhiều cuộc vui: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. “Đời bố”, cũng có thể hiểu là đời mẹ, đời cha mẹ. Nhiều người mẹ chấp nhận một cuộc sống mình không mong muốn, chỉ để con mình có đủ cha đủ mẹ, dù những đứa trẻ trong gia đình thì ước gì cha mẹ nó… chia tay! Bởi tiếng bấc tiếng chì, những lần dằn mâm ném chén, những ngày tháng chiến tranh lạnh lẽo trong thứ tiếng súng đạn câm lặng, biến những đứa trẻ thành những viên đá khô cứng, tự giãy giụa với bóng mình hằng đêm với khao khát được “làm trẻ thơ” trong thân hình bé thơ còm cõi. Nhiều người cha ra ngoài với những nhân tình ướt át thú vị để chạy trốn người vợ đã chai lì cảm giác yêu đương, những buổi tối trở về nhà đóng vai “cha” gượng gạo, dù gì, có còn hơn không!
Những người mẹ, trong thời đại nam nữ mất lòng tin lẫn nhau quá nhiều, bởi các trang báo mạng hàng ngày tố chồng ăn chả vợ ăn nem, liền chuyển tình yêu và mối quan tâm của mình sang con cái. Uống thứ sữa tốt nhất, học ở trường “đỉnh nhất”, chơi đồ chơi xịn nhất. Trẻ chưa tới 4 tuổi, mẹ đã bắt đầu tìm thầy cho học chữ, tay trẻ còn non nớt cũng cố gò cho tròn nét, rồi trầy trật con khóc mẹ rầu, liền lên facebook than thở: “Dạy con học chữ, sao khổ quá đi!”. Thay vì sợ con thua thiệt bạn bè khi chưa biết chữ ở tuổi lên 4, mẹ có thể cùng con chơi thả diều, đọc sách cho con nghe, chơi tô màu, chơi đố chữ. Mẹ cũng không nhất thiết phải bằng mọi giá chạy vạy cho con được học trường tốt nhất để “giải quyết khâu oai”, chỉ cần tìm trường đủ gần nhà để con đi học không phải hít khói bụi, không bị nhiễm lạnh vì phơi sương sớm. Mẹ cũng không cần gồng mình lên để mua những đồ chơi tính bằng tiền triệu, trong thời buổi vật giá leo thang, để chứng minh con cái là số một của mình.
Có câu chuyện, một bà mẹ hiện đại có một cậu con trai hiện đại, năm nay chàng ta tròn 18 tuổi. Một hôm, chàng ta hẹn với một người phụ nữ ngoài ba mươi trong một quán cà phê dễ thương để bàn chuyện công việc. Cuộc trò chuyện đang hồi gay cấn, thì điện thoại của cậu vang lên, và màn hình nhấp nháy dòng chữ “sư tử nhà”! Cậu lặng lẽ bấm điện thoại nghe với giọng nói cực kỳ từ tốn: “Dạ con nghe mẹ!”. Không rõ từ trong điện thoại phát ra những thứ tiếng gì, chỉ thấy chàng ta nhăn mặt, đưa điện thoại ra xa. Sau cùng, chàng nói: “Mẹ muốn con về nhà, mang bỉm và đi loanh quanh trong sân thôi sao?”, nói rồi, chàng cúp máy. Một phút sau, điện thoại của chàng tiếp tục kêu lên. Lần này, người mẹ muốn gặp người phụ nữ đi với chàng. Bà nói: “Em ơi, chị cảm ơn em trước, chị nhờ em giúp chuyện này: từ giờ về sau, em để yên cho thằng con chị học hành, năm nay nó thi cuối cấp, nó không rảnh để làm mấy chuyện tào lao đâu em!”. Người phụ nữ cũng im lặng nghe, rồi dạ. Khi cuộc điện thoại chấm dứt, chàng trai 18 tuổi ngại ngùng nói với người phụ nữ đi cùng: “Con xin lỗi cô, mẹ con là người biết làm mọi thứ, chỉ có hai thứ không làm được, đó là làm thinh và làm biếng!”.
Làm cha mẹ là công việc dài nhất của một đời người, một công việc mà bạn không thể xin nghỉ việc, không thể mua bảo hiểm, không thể từ chối, càng không thể bị sa thải. Chúng gắn chặt vào bạn, nhiều khó khăn, đầy thử thách, nhiều vinh dự, đầy hạnh phúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sống cả đời chỉ với vai trò làm cha, hay làm mẹ. Bạn có nhiều vai trò khác và đừng từ chối sống tử tế với bản thân mình. Và nếu có thể, hãy cho phép mình thêm một vai trò: là bạn của con. Vì từ tình bạn, sẽ có một mối quan hệ cộng sinh đầy bình đẳng: mẹ chăm sóc con, và con chăm sóc mẹ; mẹ yêu thương con, và con yêu thương mẹ. Mẹ rửa chén, con quét nhà, dù cây chổi của con bé tí xíu chẳng quét được bao nhiêu, nhưng hãy cho con được bình đẳng trong mối quan hệ cộng sinh với cha mẹ mình. Bạn là người sinh ra con, nhưng cũng có thể tìm được tình bạn đích thực nơi ấy. Vì sao ư? Đơn giản vì chia sẻ với người bạn, dù sao, cũng dễ dàng hơn!
“Nếu nói vận mệnh của một quốc gia nằm trong tay những nhà cầm quyền, chi bằng hãy nói rằng, nó nằm trong tay của những người mẹ. Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực, khuyến khích các bà mẹ – những nhà giáo dục của nhân loại.”
– Nhà triết học Friedrich Engels