Độc giả có thể tìm thấy cách tiếp cận độc đáo về nghệ thuật bán hàng – nghệ thuật khiến người bán hàng trở thành người giúp đỡ người mua mua được hàng theo ý muốn của họ, chứ không phải là bán được hàng theo ý muốn của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách nhận được nhiều lời khen tặng của các giám đốc, học giả ngay sau khi nó được xuất bản và được thừa nhận như một cuốn sách được coi là dành riêng cho những ai thật sự muốn thành công trong bán hàng, bởi nó chỉ cho họ chính xác từng bước, từng bước một để đi đến thành công.

Jerry Acuff và Wally Wood không đưa ra hàng lô những lời khuyên làm thế nào để khắc phục mối ác cảm của khách hàng, và lái các khách hàng tiềm năng vào việc mua hàng cũng như dịch vụ của bạn. Thay vào việc đưa ra một mô hình bán hàng khác, cuốn sách đã đề cập một mô hình mua hàng. Các tác giả cho rằng, người ta nói chung thích mua hàng, thích có những sản phẩm tốt, những món hời, tuy vậy, ai cũng có cảm giác mình đang bị nài ép, hay bị lừa vào một thương vụ, ngay cả khi họ đang rất muốn món hàng mà bạn đang bán cho họ. Đó là lí do vì sao bán hàng lại khó đến thế, và vì sao bạn phải thay đổi cách làm việc nếu muốn bán được nhiều hơn và giữ được chân khách hàng.




***

Nền kinh tế Hoa Kỳ đạt giá trị 10.000 tỷ đô-la chính là nhờ người dân thích mua sắm. Thế nhưng, càng thích mua sắm bao nhiêu, người ta lại càng không thích bị dụ mua bấy nhiêu. Về vấn đề này, sâu sắc hơn ai hết, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bán hàng, Jeffrey Gitomer, đã viết trong cuốn sách, Little Red Book of Selling (Cuốn sách đỏ nhỏ về bán hàng)(1) của mình như sau: “Con người ghét bị dụ mua, nhưng lại thích mua.” Khi bạn mua một chiếc xe hơi, một cái tivi, hay một cái máy tính, bạn thường không kể với đồng nghiệp, bạn bè hay người thân rằng, “Xem người ta đã bán cho tôi cái gì này!” mà bạn thường khoe rằng, “Xem tôi đã mua được cái gì này!” Như hầu hết mọi người, chúng ta đều thích mua sắm. Chúng ta thích đi siêu thị, thích mua xe mới, thích mua nhà mới, hay tivi mới. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi mua được thứ mình muốn.

Tuy nhiên, trong khi mọi người thích mua sắm, thì mua hàng từ một người bán hàng thường là một tình huống có tính chất đối kháng, và ít khi vui vẻ. Thêm nữa, nhiều nhân viên bán hàng đã xử sự như những người bán hàng đơn thuần hơn là đặt mình vào tư thế của một người đi mua. Khách hàng muốn mua thứ này, người bán hàng muốn bán thứ khác. Khách hàng muốn kiểu xe hơi này, nhưng nhân viên bán hàng lại mong bán được kiểu xe mà đại lý đang cần bán trong tháng đó. Khách hàng muốn mua một chiếc tivi 28 inch vừa túi tiền, nhân viên bán hàng lại muốn bán một chiếc tivi 45 inch màn hình phẳng, bởi vì nó có mức hoa hồng cao hơn. Thái độ này không giúp cho khách hàng mua hàng, cũng không phải là một thái độ xem khách hàng là trung tâm – và đó là lý do vì sao hầu hết chúng ta đều ghét bị dụ mua.

Cho dù một số người bán hàng có thể ý thức được, ở một mức độ nào đó, các kỹ năng để bán hàng thành công, nhưng hầu hết họ không bao giờ đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật bán hàng, bởi vì họ không bán hàng theo cách có thể làm cho khách hàng cảm thấy phấn chấn. Trừ phi có được một cách suy nghĩ và kỹ năng xây dựng quan hệ từ một quy trình bán hàng đúng đắn, còn không bạn sẽ gần như chẳng bao giờ có thể đạt đến nghệ thuật trong lĩnh vực bán hàng, và đấy chính là những gì cuốn sách này muốn đề cập – làm thế nào để đạt đến được nghệ thuật bán hàng giỏi.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.