Game changer”, theo như định nghĩa, là những kẻ làm thay đổi cuộc chơi, có thể là những tay chơi cũ nhưng phần lớn là các tay chơi mới.

Khi họ tham gia cuộc chơi, luật lệ, giá cả và dịch vụ sẽ thay đổi… Người được lợi dự đoán là người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, Viettel từng làm vậy với ngành viễn thông và có thể ở mức độ nào đó, Thegioididong cũng đã làm điều tương tự với ngành phân phối điện thoại. Xa hơn, ở nước Mỹ và cả thế giới, Amazon đã làm thay đổi ngành bán sách trước đây và bây giờ cùng với Google, Facebook.




Amazon rồi sẽ làm thay đổi ngành xuất bản, như Google từng làm với ngành quảng cáo… khi đưa ra gói dịch vụ thuê bao đọc sách “Kindle không giới hạn” (Kindle Unlimited) cho phép người sử dụng truy cập để đọc tất cả sách điện tử trong kho của hãng với mức thuê bao hằng tháng chưa đầy 10 đô-la.

Ngành xuất bản ở Việt Nam hiện nay đang rất cần những Game-changer mới. Ai sẽ thay thế hệ thống thư viện đã bị “thất sủng”? Ai sẽ thay thế hệ thống phát hành đã bị tan vỡ? Phải chăng những nhân tố và hệ thống cũ? Nhưng không, một số doanh nghiệp ngoài ngành xuất bản mới chính là những nơi đang có những nỗ lực và đủ năng lực làm thay đổi ngành.

Đó có thể sẽ là Samsung, Viettel, FPT, thậm chí là VNG hay có thể là Amazon, Google, Facebook… Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động của các tập đoàn Amazon, Google, Samsung, Facebook chắc chắn sẽ thay đổi Việt Nam một cách mạnh mẽ.




Cuộc chơi mới và quy tắc mới sẽ được thiết lập không phải bằng sự áp đặt, không phải do mệnh lệnh hành chính, cũng chẳng do sự thân hữu và lời kêu gào tình cảm… Đó sẽ là cuộc chơi được thiết lập trên những nguyên tắc rất khác, là những đổi mới sáng tạo đi cùng với công nghệ để tạo ra những nội dung giúp con người có trí tuệ hơn, hiểu biết hơn và thành công hơn.

Những cấu trúc cũ đã và đang tan vỡ để mở đường cho một cấu trúc mới được định hình và phát triển. Dù thế nào, chúng ta cũng ngày càng phải có nhiều kiến thức hơn, ngày càng phải đọc nhiều và hiểu biết hơn.

Một nền kinh tế tri thức nhất định phải đồng hành với một đất nước phát triển, với quá trình văn minh và hiện đại hóa mà trong đó giáo dục, xuất bản là một phần thiết yếu. Hãy để các Game-changer tham gia vào cuộc chơi.




GAME – CHANGER KẺ THAY ĐỔI CUỘC CHƠI

Định nghĩa

GAME-CHANGER [ga¯m chang´er] 1. một nhà chiến lược với tầm nhìn xa, làm thay đổi cuộc chơi mà doanh nghiệp của mình đang chơi hay nghĩ ra một cuộc chơi hoàn toàn mới. 2. một người tạo lập sử dụng sự cách tân như cơ sở cho tăng trưởng lợi nhuận tự thân bền vững và liên tục cải thiện lợi nhuận biên. 3. một nhà lãnh đạo hiểu rằng người tiêu dùng hay khách hàng – không phải CEO – mới là chủ nhân. 4. một nhân vật xúc tác sử dụng sự cách tân để lôi kéo mọi nhân tố của một doanh nghiệp từ chiến lược tới tổ chức, từ hoạch định ngân sách, phân bổ nguồn lực tới lựa chọn, khen thưởng và đề bạt nhân sự. 5. một người hợp nhất nhìn nhận sự cách tân như một quy trình từ đầu tới cuối, chứ không phải một loạt các bước riêng lẻ. 6. một người phá vỡ những xiềng xích của sự tầm thường hóa sản phẩm, tạo ra những thương hiệu và doanh nghiệp khác biệt, có giá trị gia tăng thông qua sự cách tân. 7. một người nhân văn cương quyết coi sự cách tân là một quy trình xã hội và hiểu rằng tương tác của con người – cách mọi người trò chuyện và cùng làm việc – là chìa khóa cho sự cách tân, chứ không chỉ công nghệ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *