Kinh tế học là kiến thức không thể thiếu đối với các doanh nhân vì nó bàn đến những vấn đề mà họ phải đối mặt hàng ngày: sản xuất cái gì, bằng cách nào, với chi phí bao nhiêu, làm sao để tận dụng tốt nhất nguồn lực (thời gian, vốn, lao động) và mang đến giá trị gì cho thị trường. Vậy thì tại sao các doanh nhân lại cho rằng lý thuyết kinh tế chỉ bóng bẩy mà không thực tiễn? Có lẽ lý do là phần lớn sách kinh tế thường bí ẩn, khó hiểu và không được viết từ góc nhìn của một nhà quản lý kinh doanh.

Trong “Kinh tế học dành cho doanh nhân, Giáo sư Sholomo Maital sẽ nói về kinh tế học một cách vô cùng giản dị. Ông cho rằng mọi quyết định chỉ xoay quanh hai câu hỏi: Nó đáng giá bao nhiêu? và Tôi phải từ bỏ gì để có nó? Nhưng để trả lời được, chúng ta sẽ phải tìm ra và duy trì thế cân bằng của “tam giác lợi nhuận”, chi phí, giá cả và giá trị.

Đây là cuốn sách “Phải Học” đối với mọi nhà điều hành, những người cần bộ công cụ ra quyết định đơn giản, hiệu quả, đem lại cho họ lợi thế trong nền kinh tế toàn cầu đầy cạnh tranh ngày nay.




Vài trích dẫn sách :

ĐÔI LỜI CHIA SẺ CỦA GS. SHLOMO MAITAL VỚI ĐỘC GIẢ VIỆT NAM

Nhiều năm trước đây, với cương vị giáo sư thỉnh giảng mùa hè tại Trường Quản lý Kinh doanh Sloan (Sloan School of Management), trực thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, tôi có vinh dự được gặp Trần Lương Sơn, một trong những sinh viên của tôi. Từ năm 1967, tôi đã dạy cho hàng ngàn sinh viên ở nhiều nước. Một trong số họ đã để lại ấn tượng khó quên với tôi và Sơn là một trong những sinh viên đó. Cậu ấy đã nỗ lực phấn đấu để cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình trong khi phải xử lý khối lượng kiến thức khổng lồ của khóa học mùa hè, với một danh mục tài liệu rất dài, bao gồm cả bài giảng của tôi. Tôi đã cố gắng an ủi cậu ấy khi chúng tôi nói về điểm số giữa kỳ không tốt về môn kinh tế học của cậu ấy. Tuy nhiên, Sơn đã nói với tôi, “Thưa Giáo sư, tôi đã hiểu 50% tài liệu khóa học và nhận được 50% điểm số. Đến khi khóa học kết thúc, tôi sẽ tiếp thu được toàn bộ kiến thức.” Và cậu ấy đã làm được điều đó. Sơn đã hy sinh những giấc ngủ của mình trong mùa hè năm đó cho việc học tập. Quyết tâm mãnh liệt đó đã nói với tôi rất nhiều về con người Việt Nam, hơn tất cả các dữ liệu GDP trên thế giới.




Tôi nhớ về Sơn một phần vì đất nước Israel của tôi cũng có những con người sáng tạo và kiên định, luôn phải đấu tranh chống lại bao gian truân lâu dài để tồn tại. Đây là lý do chính khiến tôi rất vui mừng khi Sơn đã nhiệt tình thu xếp để cuốn Kinh tế học dành cho doanh nhân của tôi được xuất bản tại Việt Nam.

Cả Israel và Việt Nam đều có lịch sử và văn hóa lâu đời, đồng thời cũng là hai quốc gia năng động mới hồi sinh với tinh thần kinh doanh mạnh mẽ. Trong 20 năm giảng dạy tại MIT vào mùa hè, tôi phát hiện được từ các sinh viên của mình, trong đó có Sơn, rằng kinh tế học thực sự là một bộ công cụ hữu hiệu cho những người muốn xây dựng doanh nghiệp toàn cầu thành công. Và hơn hết, những công cụ mạnh mẽ nhất của chuyên ngành kinh tế học đồng thời cũng là những công cụ đơn giản nhất. Phần khó nhất không phải là sự hiểu biết về các công cụ, mà là việc sử dụng chúng thành công.

Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều nhà điều hành và doanh nhân Việt Nam đọc, tìm hiểu và thực hiện 10 công cụ của tôi để tạo ra giá trị cho người dân Việt Nam nói riêng và mọi người trên toàn thế giới nói chung và bằng cách đó, khiến Việt Nam và thế giới trở nên ngày càng tốt đẹp hơn. Tôi hy vọng họ sẽ khởi sự những doanh nghiệp mới và mở rộng những doanh nghiệp hiện có, tạo thêm nhiều việc làm, tăng cường xuất khẩu, mang lại thu nhập và sự giàu có cho bản thân và cho mọi người. Và tôi có kế hoạch sẽ đến thăm Việt Nam để chứng kiến sự phát triển và thịnh vượng của đất nước này, cũng như Israel đã làm được, thông qua nguồn năng lượng vô hạn của các doanh nhân và các nhà điều hành với kỹ năng sử dụng kinh tế học để thay đổi thế giới này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *