Làm thế nào để tạo lập, giành được, và thống lĩnh thị trường

“Cuốn sách này nói về GIÀNHHẮNG LỢI về lợi nhuận; tạo ra và quản lý tối ưu sức cầu từ những nhu cầu tiêu điểm của nhiều loại khách hàng.”

– ROBERT W. GALVIN, CHỦ TỊCH BAN ĐIỀU HÀNH TẬP ĐOÀN MOTOROLA

Cái tên của Philip Kotler đã trở nên đồng nghĩa với tiếp thị. Các sách giáo khoa của ông đã được bán trên ba triệu bản bằng 20 thứ tiếng tại 58 nước trên thế giới. Giờ đây cuốn Kotler bàn về tiếp thị trình bày những chỉ dẫn cơ bản, đã được mong đợi từ lâu của ông về tiếp thị dành cho các nhà quản lý, vừa mới được viết trên cơ sở những bài giảng thành công phi thường của ông trên khắp thế giới về tiếp thị trong thiên niên kỷ mới.




Thông qua những tầm suy nghĩ sâu sắc của Kotler bạn đọc sẽ nhanh chóng cập nhật các kỹ năng và kiến thức của mình về những thách thức và cơ hội mới được đặt ra do sự cạnh tranh khốc liệt, toàn cầu hóa, và Internet. Ở đây bạn đọc sẽ khám phá những tư duy mới nhất, được thể hiện một cách súc tích bằng lời văn mạch lạc dễ đọc, về những lĩnh vực mới mẻ nóng bỏng như là tiếp thị cơ sở dữ liệu, tiếp thị quan hệ, tiếp thị công nghệ cao, tiếp thị toàn cầu, và tiếp thị trên Internet. Cũng ở đây, bạn đọc sẽ tìm thấy những lời khuyên thiết thực của Kotler, đã từng rất hữu ích cho những thân chủ công ty lớn như AT&T, General Electric, Ford, IBM, Michelin, Merck, Dupont, và Bank of America. Có lẽ điều quan trọng nhất là cuốn Kotler bàn về tiếp thị có thể được đọc như một bài giảng xuyên suốt chiều dài một cuốn sách về 14 câu hỏi thường được các nhà quản lý thắc mắc nhất trong thời gian 20 năm giảng bài trên khắp thế giới của Kotler. Bạn đọc sẽ có được sự hiểu biết mới về những câu hỏi hóc búa lâu nay như là làm thế nào để chọn đúng các phân khúc thị trường hay làm thế nào để cạnh tranh được với các đối thủ có giá bán thấp hơn. Bạn đọc sẽ tìm thấy một kho tàng các chiến lược và chiến thuật tiên tiến nhất có thể đem áp dụng ngay cho những thách thức của thế kỷ XXI như là cắt giảm chi phí lớn trong việc tìm kiếm khách hàng và giữ được sự trung thành của khách hàng hiện có.

Nếu chiến lược tiếp thị của bạn hiện không có kết quả, thì kho báu các phát kiến của Kotler sẽ cho bạn hàng trăm ý tưởng để đem đến cho nó sức sống mới. Hãy bỏ ra vài giờ hôm nay với nhà tiếp thị nổi tiếng nhất thế giới để nâng cao hiệu quả tiếp thị ngày mai của bạn.
Thay lời giới thiệu

Ngày 17/8/2007, lần đầu tiên Philip Kotler đến Việt Nam, theo l mời của Tổ Hợp Giáo dục PACE, để chủ trì một cuộc hội thảo quốc tế về kinh doanh và marketing tại đây.




Cùng vào ngày 17/08/2007, nhà Xuất Bản Trẻ và Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã chính thức cho ấn hành tập sách “Kotler bàn về Tiếp thị” này.

Trước đó, một cuộc hội thảo quốc gia về “văn hóa kinh doanh” với chủ đề “Bàn về Đạo Kinh Doanh của người Việt” đã được tổ chức thành công; đồng thời còn có sự xuất hiện rộng rãi của bộ sách “Đạo Kinh doanh – Việt Nam và Thế giới”.

Song song đó, các cơ quan Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã và đang triển khai rất nhiều hoạt động diễn đàn,… để bàn về tư tưởng kinh doanh, triết lý kinh doanh, đạo kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gương doanh nhân…




Cùng hàng loạt những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội khác có liên quan đến kinh doanh đã diễn ra trên cả nước trong suốt thời gian qua…
Tất cả đều nói lên một điều rằng, cả xã hội chúng ta đang cùng nhau chung tay, góp sức để định hình và phát triển những tư tưởng và triết lý kinh doanh tiến bộ nhất của thời đại tại Việt Nam.

Hy vọng, thông qua những con người như Philip Kotler và các tác phẩm của họ, trong đó có tập sách “Kotler bàn về Tiếp thị” mà bạn đọc đang cầm trên tay, sẽ góp phần vào sự nghiệp chung này, sự nghiệp vì một thế hệ doanh nhân mới, một nền kinh tế thịnh vượng và một xã hội văn minh!

***

Philip Kotler sinh ngày 27 tháng 5 năm 1931 tại Chicago, Hoa Kỳ.




Philip Kotler được xem là cha đẻ của marketing hiện đại. Ông là người tiên phong phổ biến khái niệm “marketing xã hội” và “trách nhiệm xã hội của marketing”. Những khái niệm này đã ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới kinh doanh nhiều thập niên nay. Hiện tại, ông đang giảng dạy về marketing tại trường đại học Northwestern (Hoa Kỳ).

Philip Kotler được hàng triệu người trên thế giới biết đến như một chuyên gia cừ khôi trong lĩnh vực marketing, một thuyết trình viên cao cấp, tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 100 cuốn sách và bài báo chuyên về marketing và quản trị kinh doanh. Các tựa sách của ông đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và đạt hàng top trên 58 quốc gia. Trong đó, cuốn Marketing Management (Quản trị marketing) ra mắt năm 1967 được xem là cuốn sách kinh điển về marketing.

Ngoài ra, một số tác phẩm tiêu biểu khác của ông có thể kể đến như:




  • Quản Trị Marketing (1967),
  • Những Nguyên Lý Tiếp Thị (2008),
  • Bàn Về Tiếp Thị (1999),
  • Bước Chuyển Marketing (2001),
  • Mười Sai Lầm Chết Người Trong Tiếp Thị
  • Đối Mặt Tư Bản
  • Thấu Hiểu Tiếp Thị Từ A Đến Z
  • Marketing 3.0
  • Tiếp Thị 4.0 – Dịch Chuyển Từ Truyền Thống Sang Công Nghệ Số
  • Tiếp Thị Mở Đường Tăng Trưởng
  • Cách Tân Để Thắng
***
TRONG NHIỀU NĂM QUA, Robert Wallace, biên tập viên cao cấp đáng kính của The Free Press, đã yêu cầu tôi viết một cuốn sách về tiếp thị dành cho các nhà quản lý, trình bày tư duy tiếp thị mới nhất mà không phải là cuốn sách quá dày, như loại 700 trang! Ông không muốn tôi chỉ đơn giản là viết rút gọn lại cuốn sách giáo khoa dành cho sinh viên cao học của tôi, Marketing Management (Quản trị tiếp thị), mà là viết một cuốn sách mới hoàn toàn. Bob biết rằng tôi đã và đang tham gia thuyết trình tại các cuộc hội thảo kéo dài một hai ngày được tổ chức khắp nơi trên thế giới trong suốt 20 năm qua và ông cũng đã xem các tập tài liệu hội thảo của tôi. Ông nói rằng chỉ riêng nội dung trong các tập tài liệu này cũng đủ để làm thành một cuốn sách mới.

Tôi đã trì hoãn nhiều lần đề nghị của ông do bận rộn với việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và các hoạt động tư vấn. Tôi đã học được nhiều điều mới mẻ trong khi tư vấn cho các công ty như AT&T, IBM, Michelin, Shell, Merck, và nhiều ngân hàng khác. Tôi cũng đã cố gắng suy nghĩ về tác động có tính cách mạng của các công nghệ mới – Internet, e-mail, máy fax, các phần mềm tự động hóa bán hàng – và phương tiện truyền thông mới – truyền hình cáp, hội nghị qua video, CD, các báo điện tử – đến thị trường và cách làm tiếp thị. Với tình hình thị trường đang thay đổi rất nhanh chóng thì có vẻ như chưa phải lúc để viết.

Nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục diễn ra sự thay đổi triệt để. Và do đó, lý do để trì hoãn viết cuốn sách này của tôi không còn đứng vững nữa.




Tôi đã có 38 năm gắn bó với ngành tiếp thị mà vẫn tiếp tục bị nó quyến rũ. Khi chúng ta nghĩ rằng, rốt cuộc chúng ta cũng hiểu được tiếp thị, thì nó lại bắt đầu một điệu nhảy mới và chúng ta lại phải cố hết sức để nhảy theo nó.

Lần đầu tiên khi đến với tiếp thị vào đầu những năm 1960, các sách báo nói về tiếp thị cơ bản nghiêng về mô tả. Vào lúc đó có ba cách tiếp cận khác nhau. Cách tiếp cận hàng hóa mô tả tính khác nhau của các loại hàng hóa và hành vi của người mua các hàng hóa đó. Cách tiếp cận định chế mô tả cách thức hoạt động của các tổ chức làm tiếp thị, như là cách bán buôn và cách bán lẻ như thế nào. Cách tiếp cận chức năng mô tả các hoạt động khác nhau về tiếp thị – quảng cáo, đội ngũ bán hàng, cách định giá – được thực hiện như thế nào trên thị trường.

Do được đào tạo chính về kinh tế học và các khoa học quyết định, nên cách tiếp cận của tôi về tiếp thị là xuất phát từ góc độ quản lý. Các nhà quản lý tiếp thị ở khắp mọi nơi đều phải đương đầu với số lượng các quyết định khó khăn; họ phải lựa chọn các thị trường mục tiêu một cách thận trọng, phát triển các đặc tính tối ưu của sản phẩm và các lợi thế, thiết lập giá cả hợp lý, và có quyết định đúng về quy mô và phân bổ đội ngũ bán hàng cũng như ngân sách dành cho tiếp thị. Và họ phải đưa ra các quyết định trên trong tình trạng thiếu thông tin và các động lực của thị trường thay đổi chưa từng có.




Tôi cho rằng để đưa ra các quyết định tốt hơn, các nhà tiếp thị cần phải phân tích thị trường và sự cạnh tranh theo quan điểm hệ thống, giải thích tỉ mỉ các lực lượng chi phối và mối tương quan giữa chúng. Điều này đã kích thích sự quan tâm của tôi trong việc xây dựng các mô hình thị trường và hành vi tiếp thị, và đến năm 1971 tôi đã tập hợp các ý tưởng này lại rồi viết thành cuốn Marketing Decision-Making: A Model-building Approach (Ra quyết định tiếp thị: Cách tiếp cận xây dựng mô hình). Cuốn sách dày 700 trang, mở đầu bằng một bức tranh về một thị trường đơn giản nhất bao gồm một công ty hoạt động trong một thị trường bán một sản phẩm và sử dụng một công cụ tiếp thị nhằm tối đa hóa lợi nhuận của mình. Các chương tiếp theo giới thiệu những vấn đề phức tạp hơn, chẳng hạn có hai đối thủ cạnh tranh hoặc nhiều hơn, hai công cụ tiếp thị hoặc nhiều hơn, hai lãnh thổ hoặc nhiều hơn, hai sản phẩm hoặc nhiều hơn, các phản ứng bị trì hoãn, đa mục tiêu, và các mức độ cao hơn về sự rủi ro và không chắc chắn. Thách thức được lấy làm mẫu ở đây là nắm bắt các hiệu ứng của tiếp thị mà thường là phi tuyến tính, ngẫu nhiên, tác động qua lại, và cực kỳ khó khăn.

Ý định của tôi là muốn đặt việc ra quyết định về tiếp thị trên một cơ sở khoa học hơn. Những năm sau đó điều may mắn là được chứng kiến những tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực sách báo khoa học nói về tiếp thị – cả về khía cạnh giải thích lẫn sự chuẩn hóa – do một thế hệ các học giả tiếp thị tài năng đóng góp nhằm nâng cao sự hiểu biết về cách vận hành của các thị trường.

Hầu hết các lý thuyết về tiếp thị có trước năm 1970 đều nói về việc các công ty vì lợi nhuận tìm cách bán cho được các sản phẩm hay dịch vụ của mình để kiếm lời. Nhưng các tổ chức khác – phi lợi nhuận và thuộc chính phủ – cũng gặp phải các vấn đề về tiếp thị, như tôi đã mô tả trong cuốn Strategic Marketing for Nonprofit Organization (Tiếp thị chiến lược cho các tổ chức phi lợi nhuận). Các trường đại học cạnh tranh nhau để tuyển sinh; các viện bảo tàng tìm cách thu hút khách đến tham quan; các tổ chức biểu diễn nghệ thuật muốn tăng số lượng khán giả; các nhà thờ tìm kiếm những con chiên ngoan đạo; và tất cả các tổ chức này đều tìm kiếm nguồn tài trợ. Đối với các cá nhân cũng vậy, họ cũng tiến hành các hoạt động tiếp thị: các nhà chính trị tìm kiếm lá phiếu bầu; các bác sĩ tìm kiếm bệnh nhân; và các nghệ sĩ tìm kiếm sự nổi tiếng. Tất cả các trường hợp này đều có chung một điểm là đều xuất phát từ ý muốn của ai đó muốn tạo ra sự hưởng ứng hay thu hút nguồn lực của người khác: sự chú ý, mối quan tâm, ý muốn, việc mua sắm, lời nói tốt đẹp. Nhưng để có được sự hưởng ứng này, người ta phải đưa ra các gì đó mời chào mà người được mời chào cảm thấy có giá trị, đáng để họ tự nguyện đáp lại bằng sự hưởng ứng hay bằng nguồn lực của mình. Như vậy, ở đây xuất hiện sự trao đổi và đó chính là khái niệm cốt lõi chi hoạt động tiếp thị.




Tôi cũng cho rằng các đối tượng có thể tiếp thị được không phải chỉ bao gồm sản phẩm và dịch vụ; người ta còn có thể tiếp thị về con người, địa điểm, ý tưởng, kinh nghiệm và các tổ chức. Mong muốn của tôi muốn hiểu rõ những ứng dụng tiếp thị ít thông thường này đã dẫn tôi đến việc nghiên cứu và xuất bản các cuốn sách: High Visibility (Tầm nhìn cao) (tiếp thị cá nhân), Marketing Places (Tiếp thị địa điểm) và Marketing of Nations (Tiếp thị quốc gia) (Tiếp thị ý tưởng), cùng với một số bài báo khác đã được xuất bản về tiếp thị kinh nghiệm và tiếp thị tổ chức.

Hơn nữa, tiếp thị đòi hỏi phải có cách nhìn rộng hơn, không chỉ coi nhiệm vụ duy nhất của tiếp thị là làm sao tăng cầu đối với sản phẩm hay dịch vụ mà thôi. Nếu giả sử nhu cầu hiện thời đối với một sản phẩm nào đó là quá lớn thì sao? Chẳng lẽ nhà tiếp thị không được nâng giá, cắt giảm quảng cáo và chi phí khuyến mại, hay áp dụng các biện pháp khác để làm cho cầu phù hợp hơn với cung? Các biện pháp này được gọi bằng cái tên phản tiếp thị (demarketing), một khái niệm được áp dụng trong nhiều tình huống. Nếu có nhóm người cải cách muốn xóa bỏ nhu cầu đối với những sản phẩm được coi là có hại cho sức khỏe hay không an toàn, chẳng hạn các độc dược, thuốc lá, thức ăn có nhiều chất béo, súng đạn, và các sản phẩm đáng nghi vấn khác thì sao? Nhiệm vụ của tiếp thị trong trường hợp này được gọi là phi khuyến mại (unselling). Những nhiệm vụ khác của tiếp thị bao gồm nỗ lực nhằm làm thay đổi hình ảnh bất lợi của sản phẩm và cố gắng làm tăng nhu cầu bất thường. Tất cả những hiện tượng này đem đến cho tôi một nhận thức rằng mục đích trung tâm của tiếp thị là quản trị nhu cầu (demand management), những kỹ năng cần thiết để điều tiết mức độ, thời điểm, và thành phần của nhu cầu.

Sự mở rộng phạm vi của tiếp thị không phải là trận chiến dễ dàng. Nó lôi cuốn các nhà phê phán tiếp thị chỉ bám vào một việc là tìm cách làm thế nào để bán được nhiều sản phẩm hơn như là kem đánh răng, tủ lạnh và máy vi tính. Nhưng tôi nghĩ rằng đã xuất hiện những tầm nhìn mới trong các ý tưởng thị trường, và cũng như đối với mọi thị trường, những tầm nhìn nào có giá trị sử dụng thì sẽ tồn tại. Tôi rất hài lòng khi thấy đa số các học giả và những nhà thực hành đều thừa nhận tính chất xác thực của khái niệm tiếp thị mở rộng này.




Một trong những đóng góp chính của tiếp thị hiện đại là giúp cho các công ty nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi tổ chức của họ, từ chỗ tập trung vào sản phẩm sang tập trung vào thị trường và khách hàng. Bài viết kinh điển của Ted Levitt “Cách nhìn thiển cận v” (Marketing Myopia), cùng với năm câu hỏi nổi tiếng của Peter Drucker mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải tự đặt ra cho mình, đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tư duy mới. Nhưng phải mất thêm nhiều năm sau đó trước khi có nhiều công ty thực sự bắt đầu tiến hành sự chuyển đổi từ lối tư duy “từ trong ra ngoài” sang tư duy “từ ngoài vào trong”. Thậm chí hiện nay vẫn còn quá nhiều công ty hoạt động tập trung và việc bán sản phẩm thay vì tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Mặc dù cho đến nay sự thay đổi về tư duy tiếp thị đã là rất lớn, nhưng trong tương lai sự thay đổi về tư duy và thực hành tiếp thị sẽ còn lớn hơn nữa. Các học giả ngày nay vẫn còn đang tranh luận với nhau liệu khái niệm tiếp thị cốt lõi nào sẽ chi phối: sự trao đổi hay là các mối quan hệ hay là các mạng lưới. Đã có nhiều thay đổi trong tư duy của chúng ta về tiếp thị dịch vụ và tiếp thị kinh doanh. Và tác động lớn nhất của công nghệ và toàn cầu hóa đến tiếp thị vẫn chưa diễn ra, khi mà các lực lượng này đang chuyển động rất nhanh. Máy vi tính và Internet sẽ đem đến sự thay đổi to lớn về hành vi mua và bán. Tôi đã cố gắng mô tả và đưa ra dự đoán những thay đổi có tính cách mạng này ở chương cuối của cuốn sách.

Tôi mong rằng cuốn sách này sẽ làm phong phú thêm tư duy về tiếp thị cho các nhà quản lý đang phải đối mặt với các vấn đề tiếp thị diễn ra hàng ngày. Tôi cũng đưa thêm “các câu hỏi để suy nghĩ” vào phần cuối của mỗi chương để các nhà quản lý có thể suy ngẫm về nội dung của từng chương và áp dụng chúng vào tình hình cụ thể của công ty. Các nhóm nhà quản lý trong cùng công ty có thể định kỳ gặp nhau để thảo luận từng chương và rút ra các bài học tiếp thị cho công việc kinh doanh của mình.

Mời các bạn đón đọc Kotler của tác giả Bàn Về Tiếp Thị – Philip Kotler.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.