Những sự kiện nóng bỏng xảy ra trong những năm gần đây ở Trung Đông đã lôi cuốn sự quan tâm của rất nhiều người trên thế giới, kể cả ở Việt Nam chúng ta. Sự quan tâm ấy thể hiện qua việc tích cực tìm hiểu những nhân tố cấu thành của lịch sử và văn minh các dân tộc sinh sống trong vùng Trung Đông và đặc biệt là những thông tin về mối liên kết chặt chẽ giữa các dân tộc ấy: đạo Hồi. Cuốn sách “Đạo Hồi và Thế giới A-rập – Văn minh – Lịch sử”1, xuất bản năm 2004 đã nhận được sự chú ý của độc giả gần xa mặc dù nó chỉ trình bày một cách ngắn gọn lịch sử vùng Trung Đông nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung. Để đi sâu hơn nữa vào lịch sử và nền văn minh của vùng đất ấy nhằm giải thích và phân tích những sự kiện hiện đang xảy ra, không gì bằng tham khảo một tài liệu hàng đầu của thế giới viết về vấn đề này: đó là cuốn sách mà chúng tôi hân hạnh giới thiệu ở đây. Tác giả của sách là Giáo sư Bernard Lewis, nhà Đông phương học nổi tiếng của thế giới phương Tây, hay như tờ Thời báo New York đã gọi, “vị niên trưởng của ngành nghiên cứu về Trung Đông” ở Mỹ. Sách được xuất bản ở New York năm 1995 và nhanh chóng trở thành một trong những ấn bản bán chạy nhất trong các nước nói tiếng Anh, nhất là sau sự kiện ngày 11 tháng Chín năm 2001 Ở New York. Đây là một công trình nghiên cứu công phu về lịch sử Trung Đông, được trình bày một cách đơn giản, không chỉ dành riêng cho các nhà chuyên môn. Dù cố gắng hết sức, nhà sử học cũng không thể nào che giấu được quan điểm của mình toát ra từ các phân tích chủ quan về các sự kiện lịch sử và ảnh hưởng của chúng lên các vấn đề hiện tại. Đó cũng là nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về Trung Đông ở các nước phương Tây sau khi cuốn sách này ra đời. Quan điểm của Bernard Lewis về Trung Đông có một tầm quan trọng rất lớn vì nó đang là kim chỉ nam cho một số nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong giới chính trị gia theo xu hướng Tân Bảo thủ đang nắm quyền ở Mỹ. Năm 2002, Paul Wolfowitz, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ trong giai đoạn mà màn cuộc chiến tranh Iraq, sau đó là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, có nói: “Bernard Lewis đã dạy cho (chúng tôi) phải hiểu như thế nào về lịch sử phức tạp và quan trọng của vùng Trung Đông và dùng nó để dẫn dắt chúng tôi trên con đường xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho cấc thế hệ mai sau”. Michael Hirsh, biên tập viên kỳ cựu của tạp chí Newsweek đã viết tháng Mười một năm 2004: “các điều bất hạnh của chúng ta (Mỹ) hiện nay ở Iraq có lẽ đã thật sự bắt đầu vào năm 1950khi một nghiên cứu sinh trẻ tuổi của trường Đại học London tên là Bernard Lewis đến Trung Đông” để tìm tài liệu cho luận văn Tiến sĩ của mình về đề tài Lịch sử Hồi giáo. Trong hơn một nửa thế kỷ giảng dạy môn Lịch sử Trung Đông tại các trường Đại học London và Princeton (Mỹ), Bernard Lewis đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu về đạo Hồi và Thế giới A-rập, những tài liệu kinh điển của ngành Trung Đông học ở Anh và Mỹ. Ta có thể kể: The Arabs in History, London 1950; The Political Language of Islam, Chicago 1988; Islam and the West, New York 1993; Islam in History, Chicago 1993; Cultures in Conflict, New York 1994 và nhiều tác phẩm khác. Trong những năm đầu thế kỷ 21, Bernard Lewis đã viết nhiều tác phẩm mang tính thời sự và chính trị hơn, trong đó ông không ngần ngại sử dụng uy tín khoa học của mình để thuyết phục độc giả về sự đúng đắn của những luận điểm đề ra. Các tài liệu ấy như From Babel to Dragomans: Interpreting the Middle East (2004), The Crisis of Islam (2003), What went wrong? The Clash between Islam and Modernity in the Middle East (2003) hay bài báo của ông Nguồn gốc cơn thịnh nộ của người Hồi giáo (The Roots of Muslim Rage) trên tờ The Atlantic năm 1990 mà tạp chí The New Yorker đăng lại vào năm 2002 dưới tiêu đề Cuộc nổi dậy của Hồi giáo (The Revolt of Islam), sau khi sự kiện 11/9/2001 xảy ra. Trong bài báo này, Bernard Lewis lần đầu tiên sử dụng cụm từ “sự đụng đầu của các nền văn minh” (The clash of civilizations) để mô tả cuộc xung đột, theo ông vẫn còn tiếp diễn, giữa Hồi giáo và phương Tây. Năm 1995, Samuel P. Huntington đã đưa cụm từ này vào tiêu đề cho bài báo nổi tiếng và gây nhiều tranh luận của mình trên tờ Foreign Affairs, Chính do lời tiên đoán về sự bùng nổ của các căm thù ấp ủ trong lòng người Hồi giáo đối với phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng mà sau sự kiện ngày 11 tháng Chín ở New York, Bernard Lewis được đông đảo quần chúng biết đến. Tiếng tăm nổi lên như cồn của Bernard Lewis làm im hơi trong một thời gian những học giả đã từng chỉ trích các luận điểm của ông, đặc biệt là các nhà nghiên cứu gốc A-rập như cố giáo sư Edward Said của Đại học Columbia hay Shahid Alam của Đại học Northwestern, những người này thường dựa trên nguồn gốc Do Thái của Bernard Lewis để nói rằng ông là người chống Hồi giáo một cách quyết liệt.

Ngay trong cuốn sách về lịch sử Trung Đông này, Bernard Lewis cũng đã cho ta thấy cách nhìn của ông đối với đạo Hồi và thế giới A-rập. Theo ông, từ khi quân Hồi giáo của đế quốc Ottoman bị thất bại trong việc bao vây thành Vienna và phải rút về nước năm 1683 rồi ký hiệp định Carlowitz năm 1699 thì trên tất cả các mặt, Hồi giáo bị thụt lùi nghiêm trọng. Trong cuộc xung đột kéo dài hàng nghìn năm giữa Hồi giáo và phương Tây (mà Bernard Lewis gọi là Thế giới Cơ đốc giáo — Christendom) thì nay là lúc mà phương Tây nắm được thế thượng phong tuyệt đối, có thể loại trừ hiểm họa xuất phát từ sự căm phẫn của người Hồi giáo, nguồn gốc của những hành động liều lĩnh có hại cho phương Tây. Theo Bernard Lewis, giải pháp thuận lợi nhất là phương Tây nên dùng vũ lực tấn công vào thế giới Hồi giáo rồi xây dựng một nền dân chủ ở đây đồng thời mang đến những cải cách thật sự trong nền văn minh Hồi giáo của họ. Cách nhìn này của Bernard Lewis không nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà nghiên cứu Âu châu, nhất là ở các nước Pháp và Đức. Nhiều nhà Trung Đông học như giáo sư Alain Ducellier của trường Đại học Toulouse ở Pháp không đồng quan điểm với Bernard Lewis về việc bản thân đạo Hồi là nguyên nhân của sự trì trệ trong các nước vùng Trung Đông và trong thế giới A-rập và về sự căm phẫn của người Hồi giáo chỉ có nguồn gốc từ các đối kháng trong thời Trung cổ mà không để ý đến những chính sách của các cường quốc thực dân Anh, Pháp và của Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh Iraq, Mỹ đã và đang thử nghiệm học thuyết Bernard Lewis mà sự đúng đắn của nó phải chờ thời gian phán xét.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Bernard Lewis đã nhìn Hồi giáo dưới một góc khá hẹp, các công trình của ông tập trung vào đạo Hồi của thời Trung cổ và thế giới Hồi giáo qua đế quốc Ottoman của người Thổ. Năm 1950, anh sinh viên Bernard Lewis gốc Do Thái đã không được phép vào các nước A-rập Hồi giáo mà chỉ đến được Istanbul để khai thác các tài liệu lưu trữ của đế quốc Ottoman. Tại đây, Bernard Lewis đã hết sức khâm phục Kemal Ataturk, người sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đã áp đặt những cải cách và những cấm đoán tích cực đối với đạo Hồi, tách Hồi giáo ra khỏi đời sống chính trị của đất nước. Theo Bernard Lewis thì những gì Kemal Ataturk đã làm được ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ cũng có thể thực hiện ở Iraq để tiến tới mục tiêu là loại bỏ sự chống đối của người-Hồi giáo đối với phương Tây. Mặc dù những nhân vật được Bernard Lewis đề cử để nắm quyền lãnh đạo ở Iraq như Ahmad Chalabi, một người đã sống lưu vong nhiều năm trên đất Mỹ, hay hoàng thân Hassan mà ông tích cực giới thiệu trong một bài báo viết chung với cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương là R. James Woolsey, đều không đáp ứng được yêu cầu để trở thành những Kemal Ataturk của thời đại mới, nhưng tân hiến pháp của Iraq thảo ra giữa năm 2005 đang là những bước đầu tiến đến việc thế tục hoá nền chính trị của đất nước này. Cũng nên biết rằng, sự ngưỡng mộ của Bernard Lewis đối với nước Thổ Nhĩ Kỳ của Kemal Ataturk đã làm cho ông, trong một bài phỏng vấn của báo Le Monde (Pháp), phủ nhận cuộc thảm sát có tính diệt chủng đối với dân Armenia sinh sống trên đất Thổ năm 1915, vì lý do này, ông bị kiện trước toà án và phải trả một franc đền bù danh dự.




Trong cuốn Lịch sử Trung Đông này, tác giả Bernard Lewis không đi theo thứ tự thời gian mà giới thiệu nền văn minh và lịch sử theo từng đề tài, thí dụ như có một chương nói về nhà nước, một chương nói về kinh tế v.v… hay những chương nói về những thay đổi, những thách thức, những cuộc chiến mà vùng Trung Đông đã chứng kiến. Do đó, thật không vô ích nếu người đọc đã có được một bản tổng hợp có hệ thống về lịch sử và văn minh Hồi giáo. Các dẫn chứng hay các giai thoại mà tác giả rút ra từ các tài liệu cổ thật vô cùng sinh động. Tác giả cũng mô tả một cách tỉ mỉ sự thâm nhập của nền văn minh Tây phương vào xã hội Hồi giáo trong tất cả mọi lĩnh vực, từ cách ăn mặc cho đến cách suy nghĩ hay các phương tiện thông tin đại chúng. Khác với các dân tộc vùng Đông Á đã tiếp thu cấc thành quả khoa học kỹ thuật của phương Tây để tiến lên hiện đại hóa, các dân tộc theo Hồi giáo, do lòng nghi kỵ đối với tất cả những gì đến từ thế giới Cơ đốc, đã loại bỏ phần lớn các tiến bộ kỹ thuật và các tư tưởng được du nhập, do đó khó lòng cải cách xã hội của họ. Càng bị thụt lùi, họ càng căm giận thế giới phương Tây, cho đó là nguyên nhân của mọi thất bại của mình. Lịch sử cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành các tư tưởng. Người Hồi giáo, trong giai đoạn hiện tại, rất quan tâm đến lịch sử vì muốn tìm nguồn cảm hứng để trở lại thời đại huy hoàng của họ ở thời Trung cổ, trong khi ấy thì người phương Tây lại không quan tâm nhiều đến quá khứ; trong tiếng Anh, thành ngữ “that’s history” (đấy là chuyện cũ) lại tương đương với một việc gì cần phải quên đi. Do đó, theo Bernard Lewis, tìm hiểu lịch sử vùng Trung Đông chính là tìm cách giải mã những sư kiện xảy ra ở đó hiện nay. Tuỳ theo quan điểm của người đọc mà ta có thể đi đến những giải thích khác nhau. Cũng không nên quên rằng tài liêu này ra đời năm 1995, khi sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào Trung Đông, nhất là ở Iraq, chưa sâu rộng như ngày nay.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9-2005

TS NGUYỄN THỌ NHÂN




***

Hiện nay có rất nhiều sách (một tập) viết về lịch sử vùng Trung Đồng. Phần lớn các sách ấy hoặc dừng lại ở thời điểm xuất hiện đạo Cơ Đốc hoặc bắt đầu ở thời điểm đạo Hồi ra đời. Khi lấy xuất phát điểm của cuốn lịch sử này vào giai đoạn mở màn của kỷ nguyên Cơ Đốc, tôi nhằm vào hai mục tiêu. Một là để đưa hai đế quốc hùng mạnh của Ba Tư và By-dăng thoát khỏi vị trí khiêm tốn mà người ta thường đặt chúng vào, cùng với vùng A- rập Tiền Hồi giáo, vì chỉ cốt làm tấm màn phông cho việc kể lại sự nghiệp của Đấng Tiên tri Mu-ha-mát hay việc ra đời của Quốc gia Hồi giáo. Hai đế quốc đối nghịch nhau ấy đã cùng nhau thống trị hay chia cắt vùng Trung Đông trong nhiều thế kỷ, xứng đáng được nói đến nhiều hơn là vài lời giới thiệu hời hợt.

Mục tiêu thứ hai của tôi là xây dựng được một mối liên hệ nào đó giữa vùng Trung Đông như ta biết đến hiện nay và những nền văn minh cổ xưa đã có mặt ở đấy mà nay ta biết được qua các văn bản hay các đền đài miếu mạo còn để lại. Trong những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Cơ Đốc, nghĩa là trong khoảng thời gian giữa Jesus và Mu-ha-mát, vùng đất nằm phía Tây đế quốc Ba Tư đã liên tục trải qua nhiều quá trình Hy Lạp hoá, Latin hoá và Cơ Đốc hoá cho nên các ký ức (chứ không phải là toàn bộ các dấu vết) của các nền văn minh cổ xưa ấy đã bị xoá nhoà. Chỉ trong giai đoạn gần đây, các ký ức ấy mới được khôi phục lại nhờ công sức của các nhà khảo cổ và các nhà Đông phương học. Dù sao thì người ta cũng nên quan tâm đến mối liên hệ trực tiếp và liên tục giữa vùng Trung Đông xưa kia và ngày nay qua các thời kỳ Cận Cổ đại và Trung cổ.

Các lịch sử đầu tiên viết trong thời nay về vùng Trung Đông bắt buộc phải tập trung vào các sự kiện chính trị và quân sự nếu không thì thật khó lòng, hay có thể nói là sẽ bất lực khi muốn tìm hiểu những biến động sâu xa của lịch sử. Nhờ có các công trình của những người đi trước, tôi đươc tư do hơn họ để giảm đến mức tối đa trong việc đề cập đến các vấn đề chính trị mà chú ý nhiều hơn về những đổi thay trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và nhất là văn hoá. Trên tinh thần ấy, tôi đã thường xuyên dẫn chứng trực tiếp từ các nguồn tư liệu đương thời như các sách sử biên niên, các chuyện kể về những chuyến đi, các tư liệu và bản ghi trên bia đá, đôi khi tôi còn dẫn chứng cả thơ ca và giai thoại. Khi có được những bản dịch sang tiếng Anh, tôi không ngần ngại sử dụng và trích dẫn chúng. Khi không có, tôi phải tự dịch lấy. Các hình ảnh cũng phục vụ cho cùng mục đích. Qua hình ảnh, người ta có thể hy vọng là đi sâu vào vấn đề mà chuyện kể hay ngay cả phân tích cũng khó lòng đạt đến.




Cố gắng trình bày hai nghìn năm lịch sử của một vùng đất giàu có, muôn màu muôn vẻ và sống động như thế trong khuôn khổ một cuốn sách thì bắt buộc phải bỏ qua nhiều khía cạnh quan trọng. Những ai quan tâm đến vùng đất này phải có một sự lựa chọn, về phần mình, tôi đã lựa và lẽ tất nhiên là sự lựa chọn ấy có tính cá nhân của tôi. Tôi đã cố gắng dành ưu tiên cho những nhân vật, sự kiện, xu hướng và thành tựu mang tính đặc thù và có nhiều thông tin nhất. Độc giả sẽ đánh giá là tôi đã thành công đến chừng mực nào.

Cuối cùng, tôi phải gửi lời cám ơn đến bốn nhà nghiên cứu trẻ của trường Đại học Princeton là David Mariner, Michael Doran, Kate Elliott và Jane Baun. Họ đã bằng cách này hay cách khác giúp tôi biên soạn và in ấn cuốn sách này. Đặc biệt là tôi mang ơn Jane Baun rất nhiều vì qua kiến thức sâu rộng và các lời nhận xét xác đáng của mình, cô đã luôn luôn có những đóng góp quý giá. Tôi cũng phải ngỏ lời cám ơn Annamarie Cerminaro, phụ tá của tôi, đã rất cẩn thận và kiên nhẫn xử lý các bản thảo của cuốn sách, từ bản đầu tiên cho đến bản cuối, về việc in ấn, trang trí và xuất bản sách, tôi đã dựa nhiều trên tài nghệ và lòng kiên nhẫn của Benjamin Buchan, Tom Graves và người phụ trách phần danh mục là Douglas Matthews. Nhờ họ mà quá trình xuất bản được đẩy nhanh và chất lượng sách được nâng cao.

Với mọi người, tôi xin cám ơn về những gợi ý mà tôi đã tiếp thu và cũng xin thứ lỗi về những đề xuất mà tôi không chịu chấp nhận. Đương nhiên là nhưng sai sót gì còn lại hoàn toàn do lỗi ở tôi.

BERNARD LEWIS

Princeton, tháng Tư, 1995

Phiên âm.

Các tên A-rập và Ba Tư được phiên âm theo hệ thống phiên âm sử dụng cho tiếng Anh. Các tên Thổ Nhĩ Kỳ thì dùng ngay chính tả thông dụng của Thổ có biên cải chút ít. Còn những tên hay được nhắc đến thì viết như trên báo chí thường dùng.

Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Trung Đông 2000 Năm Trở Lại Đây của tác giả Bernard Lewis.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *