“Mạnh Bà truyền” là câu chuyện kể về một người con gái tên Mạnh Bà, ngày ngày đưa nước Vong Xuyên, tiễn đưa vô số linh hồn qua cầu Nại Hà đầu thai luân hồi. Không ai biết Mạnh Bà là ai, từ đâu đến, có quá khứ ra sao, chỉ biết người con gái ấy, trải qua hàng vạn năm vẫn luôn cần mẫn đưa nước cho vong hồn uống, trầm mặc, lặng lẽ hoàn thành công việc của mình….
“ngày qua ngày, năm lại năm, mấy ngàn năm bất quá cũng chỉ trôi qua trong nháy mắt…
Nàng đã quên đi chính mình cũng quên đi Bạch Hoa…
…sau đó thì sao… sau lại thế nào…
…có mấy ai biết”
Thật ra, người mà ngày ngày tháng tháng đều chứng kiến câu chuyện của kẻ khác như Mạnh Bà, sau lưng cũng mang theo một kí ức, một bí mật đã phai dần theo thời gian… Nó xa xôi, mơ hồ đến nỗi chính Mạnh Bà cũng đã quên mất mình đang chờ điều gì, ngóng trông về ai. Nhưng, sâu thẳm trong tâm can, nàng vẫn canh cánh, vẫn mong chờ đến ngày ấy, ngày mà người mà nàng luôn nhất nhất ngóng đợi quay về dẫu cho đó là một bóng hình mờ ảo nhạt nhòa…
… vì một lời hứa hay vì điều gì khác?
Thật ra, điều mà Mạnh Bà chờ đợi, đó là tình yêu, tình thân, là chiếc lá cuối cùng trong cuộc đời dài đằng đẳng của một vị thần. Xưa kia khi còn là tiểu cô nương phàm trần, nàng đã yêu một tiên nhân. Chết đi, nàng một mực đợi chờ vị tiên ấy nơi Hoàng Tuyền lạnh lẽo, trăm năm… nghìn năm… vạn năm… Lũ quỷ sai ba lần bốn lượt đưa nàng đi đầu thai, nhưng, vì người con trai ấy, nàng vẫn nhất quyết chờ đợi, chỉ cần là lời hứa của hắn, nàng sẽ tin, sẽ dùng hết những gì mình có để tin vào lời hứa ấy…
Sự mong mỏi của Mạnh Bà nơi Hoàng Tuyền đã làm cảm động đến Địa Tạng Bồ Tát. Người đã để cho Mạnh Bà được ở lại nơi U Minh lạnh lẽo, tiếp tục chờ vào lời hứa ấy, chờ vào nam tử ấy. Nhưng, trên đỉnh Côn Luân xa vạn trượng kia, một nam tử bạch y trắng xóa với những vệt máu đỏ loan nhuộm thẫm từng đóa hồng liên rực rỡ, phủ khắp Côn Luân sơn lạnh lẽo… lời hứa ngày ấy, dường như đã được thực hiện, nhưng người mà nàng nhớ thương đã mãi mãi chẳng thể nào trở lại… hồn phi phách tán, đau đớn xiết bao…
Duyên phận không dứt… sợi chỉ đỏ giữa Mạnh Bà và chàng trai ấy lại dây dưa mãi chẳng rời. Nàng luân hồi, đầu thai, rồi lại luân hồi, trải qua một đời người dài đằng đẵng, nhưng câu hỏi mà nàng nhận được sau mỗi kiếp đầu thai, vẫn luôn chỉ có một câu trả lời, kiên định và̀ đầy bi thương…
Quỷ sai hỏi nàng: “ ngươi muốn đi đâu?”
“Trời chưa diệt, hồn chưa tiêu tan. Một ngày nào đó ta và chàng có thể ở bên nhau. Thành thần tiên, tự nhiên sẽ tìm thấy chàng”
Mạnh Bà không biết đã trở thành thần tiên bao lâu, không biết đã nấu bao nhiêu bát canh từ nước sông Hoàng Tuyền… đời người như mộng nhớ rồi để quên, kí ức về chàng cứ tưởng đã bị chôn sâu dưới biển hoa Bỉ Ngạn. Nhưng không, chàng đã trở về, trở về dưới hình dáng là một thần thú kiêu ngạo, bất phục bị thiên binh thiên tướng thuần hóa đến máu me be bét, đến chết đi sống lại. Nàng cứu chàng, lại bắt đầu thêm một lần nữa… thêm một lần vạn kiếp bất phục…
“…đã quên chính là đã quên, nhớ lại cũng chỉ là kí ức…”
Kết thúc, chàng trở lại làm thần thú kiêu dũng, nàng trở về làm Mạnh Bà lặng lẽ. Tình yêu của họ, từng đẹp đẽ đến mức đau đớn nhưng cuối cùng cũng chỉ trở thành một cái nhìn xa lạ. Một người mất hết kí ức, còn một người lại chọn cách im lặng, đôi khi cũng chỉ còn có thế…
Tôi đã quên mất mình đọc “Mạnh Bà truyền” từ khi nào, chỉ nhớ rằng kết thúc của câu chuyện đã làm tôi phải bật khóc. Lối văn của Lý Triều Cẩn rất nhẹ nhàng thậm chí có phần hơi mơ hồ, nhưng mạch truyện lại hết sức logic, có thắt có mở, tình yêu, tình thân, quy luật nhân quả… đều được tác giả thể hiện hết sức rõ ràng.
Thật ra, mới đầu đọc “Mạnh Bà truyền” đã mấy lần tôi có ý định drop vì nó quá “nhạt” , nam chính nam phụ mờ ảo không phân biệt được. Nhưng không hiểu sao tôi lại đọc hết, và tôi đã cảm thấy rất tự hào vì quyết định đó của mình. Cái “nhạt” của câu chuyện đã làm tôi phải khóc, phải buồn mất mấy tháng liên tiếp. Tôi rất khâm phục Lý Triều Cẩn, cô đã vẽ ra một câu chuyện rất thực, rất buồn nhưng cũng rất hay. Tôi nghĩ, nếu bạn CÓ THỂ đọc “Mạnh Bà truyền” đó sẽ là một câu chuyện khiến bạn nhớ mãi.
Mời các bạn đón đọc Mạnh Bà Truyền của tác giả Lý Triều Cẩn.