Nền Kinh Tế Cảm Ơn đưa ra bằng chứng thuyết phục, có cơ sở dữ liệu hẳn hòi cho thấy chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên kinh doanh hoàn toàn mới, một kỷ nguyên mà các công ty thu lợi nhiều nhất không phải là những công ty quăng tiền ra quảng cáo nhiều nhất, mà là những công ty có thể chứng tỏ rằng họ quan tâm đến khách hàng của mình hơn bất cứ ai.

Doanh nghiệp và thương hiệu nào khai thác được sức mạnh truyền miệng từ truyền thông xã hội, những ai có thể thay đổi văn hóa của mình trở nên quan tâm đến khách hàng hơn và thân thiện với người hâm mộ hơn, sẽ rút được túi tiền lợi nhuận ở các thị trường ngày nay.

NỀN KINH TẾ CẢM ƠN rất lớn, và vĩ đại hơn bất kỳ nền tảng có tính cách mạng nào. Nó không phải là một khái niệm trừu tượng hay chiến lược kinh doanh lập dị – nó có thật, và mỗi người chúng ta đều đang hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế này hàng ngày, bất kể có nhận ra nó hay không. Đó là cách chúng ta liên lạc, cách chúng ta mua bán, cách các doanh nghiệp và người tiêu dùng tương tác trên mạng và ngoài mạng. Internet, nơi sản sinh ra Nền Kinh tế Cảm ơn, đã trả lại tiếng nói cho người tiêu dùng, và quyền lực vô biên của ý kiến đánh giá của họ thông qua truyền thông xã hội nghĩa là các công ty và thương hiệu phải cạnh tranh ở cấp độ hoàn toàn khác so với trước đây.




Đã qua rồi những ngày tung tiền ra làm tiếp thị để lên sóng tràn ngập, chặn đổi thủ cạnh tranh, và tóm lấy nhận thức của khách hàng. Giờ đây đòi hỏi về tính xác thực, độc đáo, sáng tạo, chân thành, và thiện ý của khách hàng buộc các công ty và thương hiệu phải khôi phục dịch vụ khách hàng về lại cấp độ thời cha ông chúng ta, thuở các chủ doanh nghiệp hiểu rành rẽ khách hàng của mình, và quan tâm từng cá nhân.

Trong quyển sách này doanh nhân nổi tiếng Gary Vaynerchuk tiết lộ cách các công ty lớn nhỏ quy mô hóa kiểu quan tâm thân tình, từng cá nhân đó ra toàn bộ cơ sở khách hàng, dù lớn đến mức nào, bằng cách sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội chuyển tải tiếp thị truyền miệng của người tiêu dùng. Nền Kinh tế Cảm ơn đưa ra bằng chứng thuyết phục, có cơ sở dữ liệu hẳn hòi cho thấy chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên kinh doanh hoàn toàn mới, một kỷ nguyên mà các công ty thu lợi nhiều nhất không phải là những công ty quăng tiền ra quảng cáo nhiều nhất, mà là những công ty có thể chứng tỏ rằng họ quan tâm đến khách hàng của mình hơn bất cứ ai. Doanh nghiệp và thương hiệu nào khai thác được sức mạnh truyền miệng từ truyền thông xã hội, những ai có thể thay đổi văn hóa của mình trở nên quan tâm đến khách hàng hơn và thân thiện với người hâm mộ hơn, sẽ rút được lợi nhuận ở các thị trường ngày nay.

Đầy ắp trí tuệ bộc trực không thể kìm nén của Vaynerchuk, cùng những ví dụ người thật việc thật về các công ty đang kiếm lời nhờ áp dụng các nguyên lý của Nền Kinh tế Cảm ơn, cuốn Nền Kinh tế Cảm ơn tiết lộ cách các doanh nghiệp khai thác tất cả những thay đổi và thách thức cố hữu trong truyền thông xã hội rồi biến chúng thành những cơ hội kiếm lời và tăng trưởng dữ dội.




***

Những lời khen tặng dành cho Nền Kinh Tế Cảm Ơn:

“Gary Vaynerchuk đã thấy tương lai của tiếp thị. Cuốn sách này cho thấy Nền Kinh tế Cảm ơn được tạo dựng dựa trên những kỹ năng lắng nghe đã được chứng thực và tôn vinh qua thời gian và sự cảm kích khách hàng cùng những dịch vụ mới hơn, như Twitter chẳng hạn, cho phép bạn tương tác trực tiếp với khách hàng với quy mô và tốc độ chưa từng có. Cũng như Gary, cuốn sách rất thú vị và đầy ắp đam mê.” – Dick Costolo, Giám đốc điều hành, Twitter

“Gary Vaynerchuk là một trong số doanh nhân đã khám phá ra bí quyết để kết hợp đam mê với kinh doanh. Anh luôn truyền cảm hứng và luôn thú vị. Bạn nhất định phải đọc cuốn sách này đấy!” – Tony Hsieh, Giám đốc điều hành, Zappos.com




“Chúng ta dễ bị mắc lừa bởi phương thức tiếp cận mạnh mẽ của Gary mà tin rằng tiếp thị theo kiểu mới chỉ dành cho các ông chủ đội bóng siêu phàm, siêu năng lực, sáng suốt, đầy sức thuyết phục, tham vọng. Sai rồi. Nó dành cho tất cả những ai quan tâm. Một lần nữa, Gary lại hào phóng chỉ ra phương pháp, hướng dẫn bằng ví dụ, và làm sáng tỏ sự thật. Hãy mua cuốn sách này cho người sếp đang mất phương hướng của bạn.” – Seth Godin, tác giả Lichpin

“Sự cảm kích chính là bí quyết tạo nên các doanh nghiệp bền vững, và Gary đã kết tinh lý do tại sao sự cảm kích lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thế giới thương mại và truyền thông đa phương tiện. Nếu bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp tuyệt vời, bạn nên đọc cuốn sách này.” – Fred Wilson, đồng sáng lập Union Square Ventures

***

Về tác giả:




Gary Vaynerchuk là một doanh nhân đầy ắp ý tưởng mới, là người đã cách mạng hóa cách người ta nhìn nhận về việc tương tác với cộng đồng của họ. Trong khi đang gây dựng cửa hàng rượu của gia đình trở thành thương hiệu đầu ngành toàn quốc, anh đã thấy được tiềm năng đặc biệt của nền kinh tế mà anh đã đặt tên là Nền Kinh tế Cảm ơn (Thank You Economy). Là một nhà tư vấn, anh đã giới thiệu những nguyên lý đó cho giới kinh doanh nói chung, và đã ứng dụng thành công trong thể thao, các mặt hàng tiêu dùng đóng gói, và trong ngành bán lẻ. Askmen.com đã vinh danh Gary trong danh sách 49 Người có sức ảnh hưởng nhất năm 2009, và anh đã được nhắc đến trong Top 20 doanh nhân nên noi theo của BusinessWeek.

***
Tôi bắt đầu sống trong Nền Kinh tế Cảm ơn từ một ngày nọ vào khoảng năm 1995 khi một khách hàng bước vào tiệm rượu của cha tôi và nói, “Tôi vừa mua một chai Lindemans Chardonnay giá 5,99 đôla, nhưng tôi có coupon 4,99 đô của cửa hàng anh gửi qua thư. Anh có chấp nhận thanh toán không? Tôi có đem theo hóa đơn đây.” Người quản lý cửa hàng đang trực lúc đó đã trả lời, “Không.” Tôi ngước lên giữa lúc đang quỳ gối phủi bụi tủ kệ và thấy ông khách trợn mắt nói, “Anh nói nghiêm túc chứ?” Người quản lý nói, “Không, không. Anh phải mua thêm để được bớt 4,99 đôla.” Lúc ông khách rời đi, tôi đã chạy lại chỗ người quản lý và nói, “Ông ấy sẽ không bao giờ quay trở lại đâu.” Và tôi đã lầm; người khách đó đã trở lại. Ông ta trở lại vài tháng sau đó – để nói cho chúng tôi biết rằng sẽ không bao giờ mua hàng của chúng tôi nữa.

Hiện giờ, tôi cũng chẳng tử tế gì hơn người quản lý này, và cũng chẳng phải là người ủy mị khi đụng đến chuyện kinh doanh. Tuy nhiên, dù tôi còn trẻ và vẫn còn nhiều thứ cần phải học hỏi, nhưng tôi chắc mẩm người quản lý đó đã sai lầm. Anh ta tin mình đang bảo vệ cửa tiệm không để khách hàng tìm cách lợi dụng; nhưng tôi lại thấy chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội làm cho khách hàng vui vẻ.




Không phạm sai lầm: Tôi luôn xem kinh doanh là cách để tạo dựng di sản, và là cách để khiến mọi người vui vẻ, nhưng tôi cũng kinh doanh để kiếm tiền, chứ không phải chỉ rải nắng ấm và cầu vồng. Động cơ làm khách hàng vui vẻ của tôi không hẳn là vì lòng vị tha; mà vì khách hàng vui vẻ sẽ đáng giá hơn khách hàng bình thường rất nhiều. Hồi đó tôi đã tin chắc như đinh đóng cột rằng doanh nghiệp chỉ vững mạnh khi quan hệ giữa doanh nghiệp với các khách hàng thân thiết nhất cũng vững mạnh, và điều những khách hàng đó nói về doanh nghiệp của chúng ta bên ngoài bốn bức tường công ty của chúng ta sẽ định hình tương lai của chúng ta.

Tôi không viết Nền Kinh tế Cảm ơn để khuyến khích các doanh nghiệp và thương hiệu tử tế với khách hàng của mình hơn. Tôi viết cuốn sách này vì tôi tin rằng chuyện hồi xưa đã đúng thì bây giờ sẽ còn đúng hơn nữa. Trực giác của tôi mách bảo như thế. Đó là lý do tôi biết mình nên bán hết tất cả thẻ bóng chày và lao vào sưu tầm đồ chơi; là lý do tôi mở trang WineLibrary.com vào năm 1997 khi chưa ai nghĩ đến chuyện lập trang web cho cửa hàng rượu địa phương; là lý do tôi quyết định bán toàn rượu Úc và Tây Ban Nha năm 1999 trong lúc tất cả những người khác vẫn bị ám ảnh bởi rượu Pháp, California, và Ý. Nhờ thế mà tôi biết phải dùng Twitter ngay từ đầu, và biết blog video sẽ có tác dụng ra trò. Và đó là lý do tôi biết rằng giờ mình đã đúng.

Tôi muốn những người yêu thích điều hành kinh doanh và xây dựng doanh nghiệp như tôi – dù họ là doanh nhân, buôn bán nhỏ, hay làm việc cho công ty nằm trong danh sách Fortune 100 – hiểu điều mà những người chấp nhận đầu tiên như tôi đã thấy được – rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, trong đó việc phát triển quan hệ khách hàng vững mạnh là vấn đề sống còn đối với sự thành công của một thương hiệu hay công ty. Chúng ta đã đẩy thông điệp của mình ra biết bao thập kỷ qua. Sáng kiến tiếp thị theo kiểu nhồi nhét thông điệp của một thương hiệu cho người tiêu dùng đã không còn đủ mạnh. Sáng kiến phải kích thích được tương tác cảm xúc thì mới có tác dụng.

Giao tiếp cởi mở, chân thành không chỉ là chìa khóa dẫn đến những mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân với nhau, mà còn là bản chất mối quan hệ giữa một thương hiệu hoặc doanh nghiệp với khách hàng. Người ta nắm lấy truyền thông xã hội vì giao tiếp làm họ hạnh phúc; và đó là điều chúng ta phải làm. Đó là lý do chúng ta khắc hình lên vách đá. Đó là lý đo chúng ta sử dụng ám hiệu bằng khói. Đó là lý do mực in chiến thắng. Và nếu có ai phát triển được công cụ cho phép chúng ta giao tiếp ngoại cảm, tất cả chúng ta cũng sẽ xài tuốt. Các doanh nghiệp sẽ thay đổi để phù hợp với kiểu đổi mới đó như thế nào tôi không rõ. Nhưng tôi dám chắc là họ sẽ làm. Ít ra những người tôi quen cũng sẽ làm.

Từ giờ đến lúc đó, các công ty đủ kiểu đủ loại buộc phải bắt đầu nỗ lực nối kết với các khách hàng của mình và làm cho họ hạnh phúc, không phải vì sự thay đổi sắp đến, mà là vì sự thay đổi đã ở ngay đây rồi. Hãy tưởng tượng sẽ có thêm bao nhiêu người nghe về việc chúng ta làm khách hàng không vui và đánh mất người khách đó nếu người không được đổi coupon ở Wine Library nhiều năm về trước kia có được điện thoại di động cài ứng dụng Twitter và Facebook. Hơn thế nữa, những thay đổi chúng ta trông thấy chỉ là những bọt nước nhỏ đầu tiên nổi lên mặt nước. Web tiêu dùng hãy còn là một đứa trẻ – nhiều người đang đọc cuốn sách này hẳn còn nhớ rõ thế giới trước khi có Internet. Truyền thông xã hội đã đưa đến những thay đổi về văn hóa có tầm ảnh hưởng lớn đến các chiến lược tiếp thị, nhưng dần dà, các công ty muốn cạnh tranh sẽ phải thay đổi cách thức tiếp cận đối với mọi thứ, từ chính sách tuyển dụng đến dịch vụ khách hàng và đến cả ngân sách của mình nữa. Bạn đừng lo vì chúng sẽ không diễn ra hết một lúc đâu. Nhưng rồi cũng sẽ diễn ra, vì công nghệ đang đẩy chúng ta vào Nền Kinh tế Cảm ơn với tốc độ phóng ngư lôi và không hề giảm tốc. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là điều tốt. Và tôi mong là bạn cũng sẽ đồng ý sau khi đọc xong cuốn sách này.
 

Mời các bạn đón đọc Nền Kinh Tế Cám Ơn của tác giả Gary Vaynerchuk.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *