7 năm sau thành công với “Người tình”, Marguerite Duras một lần nữa trở lại với câu chuyện tình yêu ám ảnh giữa cô bé người Pháp mới lớn và chàng thanh niên Trung Hoa. Tiểu thuyết “Người tình Hoa Bắc” của bà vừa được xuất bản bằng tiếng Việt.
Mở đầu cuốn Người tình Hoa Bắc, Duras viết: “Tôi được biết anh ấy đã qua đời. Đó là vào tháng 5/1990, cách đây một năm. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến sự ra đi của anh ấy. Người ta còn nói với tôi rằng anh được an táng tại Sa Đéc, rằng ngôi nhà màu xanh vẫn luôn ở chỗ đó, nơi gia đình và con cái anh cư ngụ”. Cuốn sách ra đời năm 1991 – một năm sau khi ông Huỳnh Thủy Lê – nguyên mẫu người tình của nhà văn mất. Cái chết của ông dường như đã làm sống dậy những ký ức đã trôi qua hơn nửa thế kỷ trong tâm hồn cô bé da trắng. Một lần nữa khai thác lại mối tình cũ, nhưng theo dịch giả Lê Hồng Sâm, Người tình Hoa Bắc thể hiện những cảm nhận khác biệt về nhân vật, về lối viết. Theo bà, nhân vật người tình trong cuốn tiểu thuyết thứ hai của Duras “táo bạo hơn, cường tráng hơn, tuấn tú hơn”. Nếu như trong cuốn Người tình, nhà văn trao nhiều quyền chủ động chèo lái chuyện yêu cho cô gái 15 tuổi thì ở tác phẩm mới này, người tình Trung Hoa đã bớt rụt rè, bớt mặc cảm chủng tộc hơn. Bà Lê Hồng Sâm tỏ ra ngạc nhiên khi mà Người tình Hoa Bắc – được viết 60 năm sau khi Duras rời khỏi Việt Nam – vẫn tái hiện được những ký ức đầy sống động về xứ sở Đông Dương trong vẻ đẹp của những đêm mùa khô, của những cơn mưa gió mùa, của mênh mang đồng ruộng, của xóm ghe thuyền, của bầy trẻ đánh xe trâu, của màu chiếc quần lụa đã nhợt nhạt.
Người tình Hoa Bắc khác biệt với Người tình còn ở tính chất kép của tác phẩm. Nhà văn xác định: “Đây là một cuốn sách. Đây là một bộ phim”. Chuyên gia văn học Trần Hinh cũng phát hiện ra tính chất lai tạo giữa văn học và điện ảnh trong tác phẩm của Marguerite Duras. Ông cho rằng, Duras phải chăng không hài lòng với các nhà làm phim Người tình chăng nên với Người tình Hoa Bắc, bà muốn tạo nên một cuốn tiểu thuyết có khả năng đọc như một kịch bản phim?
Marguerite Duras (1914 – 1996) tên thật là Marguerite Donnadieu. Năm 1943, bà đổi tên thành Marguerite Duras theo tên một làng vùng Lot-et-Ga-ronne, nơi có ngôi nhà của cha mẹ bà. Bà sinh tại Gia Định, Đông Dương (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Cha là giáo sư toán mở đồn điền nhưng thất bại, lâm vào cảnh nợ nần và mất năm Marguerite mới lên bốn tuổi. Mẹ bà là giáo viên tiểu học, sau được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Escole de jeunes filles ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (trường Tiểu học Trương Vương ngày nay). Mẹ bà ở vậy nuôi bà người con trong cảnh khốn khó. bà có một người anh nghiện ngập và người em thì quá yếu đuối.
Trải qua tuổi thơ và thời thiếu niên ở Việt Nam, nhưng kỷ niệm nơi đây đã gợi nhiều cảm hứng và in đậm trong các tác phẩm của bà. Năm mười tám tuổi, Duras trở về Pháp. Sau khi học toán, luận và khoa học chính trị, bà làm thư ký tại bộ Thuộc địa từ năm 1935 tới năm 1941.
Năm 1950, Duras được biết tới lần đầu tiên với cuốn tự truyện Un barrage contre le Pacifique. Những tác phẩm sau này của bà đã góp phần làm mới cho thể loại tiểu thuyết. Năm 1984, Duras đoạt giải thưởng Goncourt với người tinh (l’ Amant), cuốn tiểu thuyết viết về cuộc tình nông nàn và lãng nạm giữa bà với điền chủ gốc hao giàu có, Huỳnh Thủy Lê, tại Sa Đéc. Người tình là một thành công lớn, đã được dịch ra hơn bốn mươi thứ tiếng và được dựng thành phim năm 1992.
Tác phẩm của Duras bao gồm khoảng bốn mưới tiểu thuyết và mười vở kịch. Bà cũng đã thực hiện nhiều bộ phim, trong đó có India Song và Les- enfants. Cuộc đời của bà giống như một cuốn tiểu thuyết. Bà không ngừng viết vê những câu chuyện về nỗi đau, về bão tố, rượu và những nỗi muộn phiền, về những lời nói và cả sự im lặng…
Những tác phẩm đầu tay của Duras thường được viết theo một dạng nhất định (tính chất lãng mạn của chúng đã từng bị nhà văn Raymond Quene-au chỉ trích), nhưng kể từ Monderato Cantabile, bà đã thử những lỗi viết mới, đặc biệt là cắt bổ những đoạn văn dài nhằm làm tăng tầm quan trọng của những gì không được viết ra. bà được xếp vào phong trào tiểu thuyết mới trong văn học Pháp. Các phim của bà cũng mang tính chất thực nghiệm, thường tránh dùng âm thanh thu cùng hình ảnh mà dùng lời của người kể truyện, nhưng không phải để kể lại mà để ám chỉ những chuyện có thể xảy ra với các hình ảnh đó. Năm 1989, bà được trao Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu.
Marguerite Duras mất ngày 3 tháng 3 năm 1996 ở paris, được chôn cất tại nghĩa trang Montparnasse. Trên bia mộ của bà khắc hai đóa hoa và hai chữ viết tắt M.D. của tên tuổi Marguerite Duras cùng hai tấm chân dung, một khi còn trẻ và một khi đã già.
Mời các bạn đón đọc Người tình Hoa Bắc của tác giả Marguerite Duras.
Leave a Reply