Nỗ lực biến ước mơ thành hiện thực.
Một câu chuyện cảm động và đầy cuốn hút về tuổi trẻ dám mơ ước và nỗ lực để biến giấc mơ thành hiện thực.
Cậu bé Homer Hickam sinh ra tại Coalwood – một vùng mỏ nghèo hẻo lánh của miền Tây Virginia, Mỹ. Tương lai của đa số trẻ em Coalwood là trở thành thợ mỏ; Homer với sức học trung bình và không có một năng khiếu đặc biệt nào, cũng sẽ khó lòng thoát khỏi vùng đất ấy. Nhưng một ngày kia, khi được chứng kiến vệ tinh Sputnik của Nga bay ngang bầu trời, cậu bé 14 tuổi bỗng bùng lên niềm khao khát chế tạo tên lửa để khám phá vũ trụ. Homer tập hợp nhóm bạn thân lại để chế tạo tên lửa. Và trái hỏa tiễn đầu tiên không bay lên bầu trời đêm như các bạn trẻ mong muốn mà như một trái bom làm nổ tung hàng rào vườn hồng của mẹ, biến Homer thành một “hiện tượng” chẳng lấy gì làm hay ho trong thị trấn. Mặc dù vậy, người mẹ tuyệt vời và khác người của Homer lại ra sức ủng hộ cho ý tưởng “điên rồ” của con, bất chấp sự ngăn cản của người chồng. Bà muốn gieo vào lòng con trai một khát vọng, một niềm đam mê để cậu có thể tìm ra con đường thoát khỏi khu mỏ, vùng đất mà theo bà đang dần tàn lụi vì sự cạn kiệt tài nguyên.
Nhờ sự hỗ trợ của mẹ và cô giáo dạy hóa Riley, Homer đã thành lập Tổ chức tên lửa Big Creek. Những bạn trẻ ấy phải đối mặt với biết bao rào cản – rào cản về tri thức, những khó khăn về vật chất và cả rào cản vô hình từ bạn bè, gia đình – những người không ủng hộ dự án của họ. Tự mày mò nghiên cứu khoa học, những trái hỏa tiễn đầu tiên mang lại cho nhóm không ít rắc rối cùng những bi hài kịch cười ra nước mắt. Các bạn trẻ này đã nỗ lực bằng mọi cách, kể cả việc vô tình vi phạm pháp luật, để tìm kiếm các nguyên vật liệu chế tạo tên lửa…
Với quyết tâm và niềm mơ ước được gia nhập đội ngũ kỹ sư NASA để khám phá vũ trụ, Homer và các bạn từng bước chinh phục được bầu trời Coalwood và tình cảm của người dân vùng mỏ này. Nhóm bạn trẻ đã đạt được huy chương vàng tại Hội chợ Khoa học Toàn quốc năm 1960 với sáng chế của họ.
Đôi dòng về Những cậu bé hỏa tiễn
Dám mơ ước và biến ước mơ thành hiện thực – đó chính là một trong những thông điệp chính của cuốn sách này. “Tên lửa không bay lên nếu không được ai châm ngòi” – O’Dell, một thành viên của nhóm thường lặp đi lặp lại câu nói này. Những quả tên lửa cũng như những khát vọng của tuổi trẻ và những khát vọng ấy sẽ mãi chỉ là mơ ước nếu không có một ai “châm ngòi” cho chúng. Tuổi trẻ luôn tràn đầy hoài bão lớn, song làm sao để biến chúng thành hiện thực lại là cả một hành trình đầy gian nan mà cũng thật thú vị nếu ai dám vượt lên chính mình như những cậu bé vùng mỏ nghèo xứ Coalwood. Một lần khi ngắm nhìn mặt trăng, những cậu bé hỏa tiễn nhận ra rằng từ khi quan tâm đến vấn đề khám phá vũ trụ thì mọi khái niệm về mặt trăng đã thay đổi. “Chúng tôi phóng đi một chiếc phi thuyền nhỏ, vượt qua khỏi giới hạn vật lý của nó; vượt qua những rặng núi cheo leo, qua khỏi những sự lừa dối và nước mắt của những phản đối gay gắt ban đầu; ngưỡng mộ những miệng núi lửa, những vùng tối và những ngọn núi của mặt trăng. Vậy thì một ngày nào đó, tôi tự nhủ rằng chúng tôi sẽ đến đó.”
Chính cậu bé Homer Hickam, nhân vật chính và là tác giả của cuốn sách, sau này đã trở thành một kỹ sư NASA đúng như mơ ước thuở nhỏ. Đúng như nhận xét của tiến sĩ Mark A. Hill, Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE) tại Việt Nam, “…câu chuyện của Homer Hickam, một câu chuyện về hy vọng, kiên trì, thắng vượt nghịch cảnh không chỉ giới hạn ở nước Mỹ, mà là một câu chuyện phổ quát diễn ra ở mọi quốc gia trên địa cầu này. Những cậu bé hỏa tiễn kể về niềm tin, “một niềm tin vững chắc vào một điều gì đó không có chứng cứ,” niềm hy vọng về điều mình chưa từng thấy.” Và sự chân thực của cuốn sách đã tạo nên sức lay động lớn với trái tim độc giả.
Những cậu bé hỏa tiễn là một tác phẩm đầy sức cuốn hút với giới trẻ. Bên cạnh câu chuyện chế tạo tên lửa, tác giả đã đưa người đọc đến với một vùng đất Mỹ hẻo lánh thuộc miền Tây Virginia, khám phá cuộc sống của những người thợ mỏ những năm 1950. Tác phẩm thật gần gũi với những câu chuyện tình yêu ngọt ngào và cũng không kém phần chua xót, những trăn trở của tuổi trẻ… Tác giả đã khắc họa những chân dung nhân vật thật sống động, chân thực. Homer Hickam được ngợi ca là một người kể chuyện tài tình và rất có duyên, người đã xóa nhòa ranh giới của tiểu thuyết và hồi ký. Điều đó khiến cho Những cậu bé hỏa tiễn có sức lan tỏa lớn đến hàng triệu người đọc trên thế giới.
Cuốn sách được dịch ra 8 thứ tiếng và được sự đón nhận nồng nhiệt của rất nhiều trường phổ thông, đại học trên toàn nước Mỹ, trở thành động lực để các bạn trẻ học tập, nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học, nghệ thuật. Năm 1999, bộ phim October Sky ra đời dựa theo cốt truyện của Những cậu bé hỏa tiễn cũng thực sự tạo nên một cơn sốt trên màn bạc.
Tại Việt Nam, trong tháng 8 vừa qua, Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE) cũng đã phát động một cuộc thi “Biến giấc mơ thành hiện thực” (Turning dreams into reality), dựa trên cảm hứng của tác phẩm Những cậu bé hỏa tiễn, dành cho học sinh, sinh viên trên cả nước.
Đôi dòng về tác giả
Homer H. Hickam (19/2/1943), sinh trưởng tại Coalwood, miền Tây Virginia, Mỹ. Ông tốt nghiệp trường trung học Big Creek vào năm 1960, sau đó là Cao Đẳng Kỹ Thuật Virginia và nhận bằng cử nhân Kỹ sư Công nghiệp vào năm 1964. Ông cũng là một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Trong thời gian này, ông bắt đầu viết sách, hầu hết là về những chuyến phiêu lưu dưới biển và về sau là về những cuộc chiến của Mỹ trong Thế Chiến Thứ 2. Sau đó ông làm việc cho NASA, huấn luyện các phi hành gia về những kiến thức và kinh nghiệm khoa học khi lên đến quỹ đạo. Homer Hickam được xếp vào danh sách một trong những tác giả có sách bán chạy nhất tại Mỹ.
Homer Hickam là tác giả của hai cuốn sách được hoan nghênh thời “hậu” Những cậu bé hỏa tiễn: Con đường Coalwood (The Coalwood Way- 2000) và Bầu trời đá (Sky of Stone – 2001). Ông cũng viết Giao lộ Torpedo (Torpedo Junction – 1989), Trở lại mặt trăng (1999) và nhiều tiểu thuyết khác, tác phẩm mới nhất là Chiếc mũ bảo hộ màu đỏ (Red Helmet – 2008).
Đầu tháng 9.2009, Homer H. Hickam có chuyến viếng thăm Việt Nam để trò chuyện với sinh viên ở Hà Nội và TP.HCM xung quanh chủ đề “Biến ước mơ thành hiện thực”. Đồng thời, tác giả cũng tham gia trao giải cho cuộc thi Turning dreams into reality, do IIE tổ chức.
Nhận xét của báo chí quốc tế về Những cậu bé hỏa tiễn
“[Hickam] là một người kể chuyện tài tình (…) Chắc chắn rằng đây là câu chuyện mà tác giả kể cho chính bản thân mình. Một câu chuyện đầy thú vị và trong sự nghiệp của Homer H. Hickam, Jr., ông đã vượt qua rào cản cuộc sống để trở thành một kỹ sư NASA, huấn luyện các phi hành gia trước khi vào không gian – chính điều đó đã làm cho cuốn sách này thực sự khác biệt.” – The New York Times Book Review
“Hickam có một câu chuyện tuyệt vời để kể cho chúng ta… Những cậu bé hỏa tiễn chắc chắn sẽ gợi nên một nỗi hoài nhớ trong lòng bất kỳ ai đã từng lớn lên ở thời kỳ đầu của cuộc đua vào vũ trụ, nhưng câu chuyện này còn hơn thế nữa…” – The Philadelphia Inquirer
“Một câu chuyện sôi nổi đưa ra một vấn đề đặc sắc… thông điệp của niềm hy vọng trong một thời đại của sự hoài nghi…. Có lẽ tất cả chúng ta có một điều gì đó để học từ sáu cậu bé, những người đã dám vượt qua mọi giới hạn… và quyết tâm gửi những giấc mơ vút lên trời cao.” -The San Diego Union-Tribune
“Thật khó quên… Không giống như nhiều hồi ký khác, cuốn sách này mang đến cho đời sống không chỉ kinh nghiệm của một cá nhân. Nó còn mang đến cho đời sống một thị trấn đã mất của Coalwood, miền Tây Virginia.” – USA Today
Mời các bạn đón đọc Những Cậu Bé Hỏa Tiễn của tác giả Homer Hickam.
Chia sẻ ý kiến của bạn