VIẾT VỀ MỘT KHO CẤT GIỮ NỖI ĐAU CÒN TINH KHÔI
Những nhân chứng cuối cùng (ấn bản lần đầu năm 1985) là quyển thứ hai trong loạt năm quyển sách Những giọng nói không tưởng (cùng với Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ -1983, Những cậu bé kẽm – 1991/ Lời nguyện cầu từ Chernobyl – 1997 và Thời second hand – 2013) đã mang đến cho nhà văn Belarus Svetlana Alexievich giải Nobel văn chương 2015. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Ba Lan năm 2013, nữ nhà văn cho biết ý tưởng viết quyển sách thứ hai này xuất phát từ những chuyến đi thực tế cho quyển sách đầu tiên Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ. Cuộc chiến cướp mất hàng chục triệu con người Liên Xô đã khiến nhiều ngôi làng Xô viết sau chiến tranh không còn bóng dáng đàn ông, và tại những ngôi nhà góa bụa đó, bà thường nghe được hai câu chuyện: một của người mẹ và một của đứa con. Nhờ đó, bà phát hiện: “còn một kho cất giữ nỗi đau hoàn toàn chưa được động tới, tinh khôi”: ký ức trẻ thơ. Người ta đã quen nghe nói về chiến tranh từ người lớn, nhưng chỉ những chuyện kể từ miệng trẻ em mới có thể bộc lộ hết sự điên rồ của chiến tranh, sự hung bạo phi nhân tính không gì có thể biện bạch.
Trung thành với thể loại văn xuôi tư liệu của loạt Những giọng nói không tưởng, Svetlana Alexievich kể, trong Những nhân chứng cuối cùng bà ghi lại lời những “nhân vật trẻ em” khi họ đã trưởng thành. Đây là một công việc hết sức khó khăn. “Một giáo sư sử học thì nói những điều rất khác, rất ‘người lớn’ về chiến tranh. Nên cần nhiều thời gian, bốn hay năm giờ đồng hồ để lộ ra được diện mạo một cậu bé có mẹ bị quân Đức lôi ra khỏi nhà đem bắn. Để cậu bé có thể nhìn tận mắt mình: ‘Tại sao họ bắn mẹ. Mẹ đẹp như thế…’ Cần phải đạt tới được những chi tiết chân thực, tinh khôi, trẻ thơ đó. Vấn đề là gột sạch cái người lớn từ những chuyện kể này”. Và tác giả đã làm như thế với cả trăm câu chuyện trẻ thơ, được kể lại bởi những người mà khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, họ mới từ 4, 5 đến 12 tuổi. Hơn 100 câu chuyện của những đứa bé sống ở Belarus – nằm sát Ba Lan, là nước đầu tiên trong Liên Xô bị phát xít Đức bất ngờ tấn công ngày 22-6-1941, đã đạt được mục đích mà Alexievich đặt ra: Nước mắt trẻ thơ, dẫu chỉ một giọt thôi, cũng nặng hơn vô vàn lý lẽ chiến tranh nào.
Với lời nhắc nhở đó, trong một dịp đi Saint Petersburg năm 2017, tôi đã tìm đến Con đường Sống mà một số nhân vật trẻ em trong Những nhân chứng cuối cùng dã đi qua. Đây là tuyến đường vận chuyển duy nhất kéo dài từ đường vành đai Saint Petersburg tới hồ Ladoga, con đường huyết mạch nối thành phố khi đó còn mang tên Leningrad – với phần còn lại của nước Nga trong 900 ngày đêm bị phát xít Đức bao vây.
Tuyến đường rất xanh, chạy qua những rừng bạch dương, rừng thông… nhưng mỗi ngọn cây lá cỏ đều nhắc tôi rằng hơn 70 năm trước, lá non cỏ tươi ở Leningrad từng không mọc nổi vì nạn đói, cả vỏ cây non cũng bị tước đi… Mỗi cây số ở hai bên đường đều được đánh dấu bằng cột mốc, ở cây số 12 có tượng đài nhắc nhở: “1,5 triệu tấn hàng hóa được chuyển qua cung đường này, 1,2 triệu người dân theo Con đường Sống này ra khỏi Leningard bị bao vây”. Ở cây số 40 là hiểu tượng vòng vây phong tỏa bị cắt đứt. Ở cây số 45 là bảo tàng Con đường Sống, nằm tại ngọn hải đăng Osinovets. Trong khuôn viên hảo tàng, có đặt một tảng đá to hướng ra hiển, trên đó ghi: “Tại dây sẽ xây dựng tượng đài kỷ niệm những anh hùng của Con đường Sống. Đối diện bảo tàng, bên kia đường là những cây bạch dương non được cột ruy băng đỏ, giữa khu rừng nhỏ đó cũng đặt một tảng đá có khắc hàng chữ: “Nơi đây sẽ đặt tượng đài kỷ niệm những người đã bỏ mình trong lòng hồ Ladoga”.
Người Nga không quên những năm tháng nặng nề với số phận dân tộc mình. 72 năm sau khi chiến tranh hết thúc, những tượng đài vẫn được tiếp tục lưu dấu. Bởi những người cựu binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã già lắm rồi, họ đến dự cuộc duyệt binh chiến thắng mỗi năm một thưa dần. Con cháu họ cũng đã lớn, và ký ức của các nhân chứng ngày càng ít đi này đang dần phôi phai. Ở thế giới vẫn còn chiến tranh của chúng ta, những câu chuyện của các “nhân chứng cuối cùng” này, được gia cố thêm bằng những tượng đài kia, là một nỗ lực nhắc nhớ. Sau giải Nobel văn chương 2015, loạt sách Những giọng nói không tưởng đã được tái bản, có sửa chữa. Bản dịch này dựa trên quyển sách Những nhân chứng cuối cùng được tác giả hiệu đính và nhà xuất bản Vremya phát hành năm 2016. Xin trân trọng gửi tới độc giả bản dịch cùng lời cảm ơn chân thành đến chị Irina Anatolyevna Letiagina, cựu biên tập viên Nhà xuất bản Cầu vồng và Tiến bộ (Liên Xô cũ), đã giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành bản dịch này.
- Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ,
- Những Nhân Chứng Cuối Cùng,
- Những cậu bé kẽm,
- Lời nguyện cầu Chernobyl
- Thời second hand
Svetlana Alexievich (31/5/1948) là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết báo, viết văn bằng tiếng Nga. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học vì “lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”.
Ngoài Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich còn viết nhiều sách về đề tài chiến tranh như Những nhân chứng cuối cùng (1985), Quan tài kẽm (1989), Tiếng vọng từ Chernobyl (1997)…
Ngoài Nobel Văn chương, Svetlana Alexievich nhận nhiều giải thưởng khác như giải Leninsky Komsomol ở Nga, PEN Award, Peace Prize of the German Book Trade, Giải Médicis Essai (Pháp), giải National Book Critics Circle (Mỹ)…
Tôi nhớ lúc đó mình còn nhỏ lắm, nhưng tôi vẫn nhớ hết.
Điều cuối cùng tôi nhớ từ cuộc sống hòa bình là câu chuyện cổ tích mẹ vẫn đọc hằng đêm. Câu chuyện yêu thích của tôi – Con cá vàng. Tôi luôn xin cá vàng điều gì đó: “Cá vàng ơi, cá vàng dễ thương ơi…” Và em gái tôi cũng vậy. Em nguyện cầu theo kiểu của mình: “Cá nhỏ, cá ngoan. Làm theo lời chị…” Chúng tôi xin nghỉ hè được về quê bà, với ba đi cùng. Ông vui như thế…
Buổi sáng tôi thức giấc vì sợ. Bởi những tiếng động lạ nào đó…
Mẹ và ba ngỡ chị em tôi còn say giấc, còn tôi nằm cạnh em gái và giả vờ ngủ. Tôi thấy ba hôn mẹ rất lâu, hôn lên mặt, lên tay, và tôi ngạc nhiên, trước đây ông chẳng bao giờ hôn mẹ như thế. Họ nắm tay nhau bước ra sân, tôi nhảy lại chỗ cửa sổ: Mẹ ôm lấy cổ ba, không muốn rời ông. Ông đẩy bà ra và chạy, còn bà đuổi theo và hét lên gì đó. Khi đó tôi cũng hét lên: “Ba! Ba!”
Em gái và em trai Vasya thức giấc, em gái thấy tôi khóc, nó cũng la lên: “Ba ơi!” Tất cả chúng tôi lao ra ngoài hiên. “Ba ơi!” Ba nhìn chúng tôi, và tận bây giờ tôi vẫn nhớ, ông lấy tay che đầu và bước đi, thậm chí là bỏ chạy. Ông sợ ngoái đầu nhìn lại…
Mặt trời soi chiếu gương mặt tôi. Ấm như thế. Và đến giờ tôi vẫn không tin là sáng hôm ấy ba tôi bước vào cuộc chiến. Tôi còn quá nhỏ, nhưng dường như vẫn nhận thức được đây là lần cuối tôi được nhìn thấy ông. Không bao giờ gặp lại. Tôi còn rất, rất nhỏ.
Và như thế gắn liền với ký ức của tôi, chiến tranh – đó là khi không còn ba.
Rồi về sau tôi còn nhớ: bầu trời tối om và máy bay đen sì. Cạnh con đường nhựa mẹ tôi nằm xoải tay. Chúng tôi đánh thức bà dậy, nhưng bà không buồn nhấc người lên. Những người lính quấn mẹ tôi vào tấm bạt và chôn bà trong cát, ngay chính ở chỗ đó. Chúng tôi la hét cầu xin: “Đừng chôn mẹ cháu trong cái hố đó. Mẹ cháu sẽ thức dậy và chúng cháu sẽ đi tiếp”. Những con bọ kềnh càng từ dưới cát bò lên… Tôi không thể nào tưởng tượng nổi mẹ sẽ sống cùng chúng dưới lòng đất. Sau này chị em tôi biết tìm bà thế nào, chúng tôi sẽ gặp lại nhau ra sao? Ai sẽ viết thư cho ba chúng tôi?
Ai đó trong những người lính trẻ hỏi tôi: “Bé con, em tên gì?” Nhưng tôi quên rồi. “Cô bé, vậy họ em là gì? Mẹ em tên gì?” Tôi cũng không nhớ… Chị em tôi ngồi cạnh nấm mộ nhỏ của mẹ tới tận đêm, cho đến khi người ta kéo chúng tôi lên xe ngựa. Một chiếc xe ngựa thồ toàn trẻ em. Đưa chúng tôi đi là một ông già nào đó, ông gom lũ trẻ chúng tôi khắp dọc đường. Chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng, và những người lạ mặt dẫn chúng tôi vào các nhà dân.
Rồi tôi không nói chuyện với ai một thời gian dài. Tôi chỉ nhìn thôi.
Sau đó, tôi nhớ, vào mùa hè. Mùa hè rực rỡ. Một người đàn bà lạ xoa đầu tôi. Tôi bắt đầu khóc. Và bắt đầu mở miệng. Tôi kể về mẹ và ba. Rằng ba đã chạy trốn chúng tôi, thậm chí ông còn không ngoái đầu lại. Và mẹ nằm sõng soài như thế nào. Và những con bọ cánh cứng đã bò trên cát ra sao.
Người đàn bà xoa đầu tôi. Giây phút đó tôi chợt hiểu ra: Bà giống mẹ tôi.
Mời các bạn đón đọc Những Nhân Chứng Cuối Cùng của tác giả Svetlana Alexievich.
Leave a Reply