Sự thật về những nền tảng thành công
Chúng ta luôn tự đặt ra câu hỏi, làm thế nào để tránh được rủi ro, thất bại và làm thế nào để thành công cũng như giành chiến thắng cuối cùng? Có rất nhiều nền tảng cần thiết cho thành công nhưng chắc chắn bên cạnh những yếu tố cần thiết như tố chất, trí tuệ, tinh thần dám mạo hiểm thì kiến thức, kỹ năng là những điều không thể bỏ qua.
Được lựa chọn từ bộ sách Những Sự thật về kiến thức, kỹ năng cần thiết hỗ trợ thành công của các cá nhân, chúng tôi xuất bản 5 cuốn sách được đánh giá là phù hợp cũng như hữu ích nhất với độc giả Việt Nam hiện nay: Sự thật về nghệ thuật đàm phán, Sự thật về ra quyết định thông minh, Sự thật về làm giàu từ mạng xã hội, Sự thật về marketing qua email và Sự thật về những kỳ vọng của khách hàng. Mục tiêu của bộ sách là mang đến cho bạn những Sự thật cơ bản về nền tảng thành công, giúp bạn hiểu biết hơn những xu hướng trong tương lai, và khuyến khích bạn suy nghĩ có chiến lược về cách thức tốt nhất mà bạn có thể củng cố cũng như nâng cao động cơ và mục tiêu trong công việc và cuộc sống.
Mỗi cuốn sách bao gồm khoảng 50 Sự thật điển hình, hữu ích, thực tế, dễ đọc và dễ áp dụng sẽ là cẩm nang không thể thiếu đối với bất kỳ ai đang muốn phát triển các kỹ năng này. Bạn sẽ tìm thấy những hướng dẫn cụ thể, những ví dụ tiêu biểu về từng tình huống đàm phán, ra quyết định, về những nền tảng cơ bản của Internet, những biến đổi và các công cụ, tính năng tuyệt vời nhất của nó… để từ đó tận dụng và mang lại thành công cho bản thân. Và đặc biệt, nếu bạn là nhà kinh doanh, bạn ở vào vị trí nhà quản lý, hay bạn là nhân viên bán hàng… bạn sẽ tìm thấy câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi “Khách hàng thật sự muốn gì” từ cuốn cẩm nang Sự thật về những điều khách hàng mong muốn. Những Sự thật đơn giản trong bộ sách chắc chắn sẽ là những điều mà các bạn đang tìm kiếm.
Một điều đặc biệt nữa, bộ sách Sự thật được các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, với sự trợ giúp, tham khảo từ rất nhiều nhà lãnh đạo, cố vấn, huấn luyện viên… chắp bút, vì thế sẽ là công cụ hữu ích hỗ trợ bạn, dù bạn là “thực tập viên” mới bắt đầu những bước đi đầu tiên hay đã có nhiều năm kinh nghiệm. Chúng sẽ nâng bước, giúp bạn tiến xa hơn nữa trên con đường thành công trong cả cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp kinh doanh.
Hy vọng rằng với bộ sách này, bạn sẽ tìm được cho mình con đường đi đúng đắn, đạt được thành công và tránh xa “trạng thái lờ nhờ của buổi chiều chạng vạng”.
Chúng ta đều xem trọng việc lái xe: Chúng ta học, luyện tập và tham gia kỳ thi sát hạch lấy bằng lái xe. Chúng ta có bằng lái, bảo hiểm, một chiếc xe, và một hệ thống dẫn đường tuyệt vời; chúng ta biết các luật lệ trên đường, và chúng ta tin rằng người phạm luật sẽ phải tấp vào lề đường và nhận vé phạt. Những khoản đầu tư này đồng nghĩa với việc chúng ta không phải thức trắng đêm lo lắng về việc mình sẽ lái xe đi làm như thế nào. Chúng ta có phương tiện, chúng ta biết mình đang làm gì và chúng ta đến được nơi cần đến. Chúng ta đã chuẩn bị và cảm thấy sẵn sàng.
Chúng ta cũng nên chuẩn bị cho việc đàm phán mỗi ngày giống như thế. Đúng vậy, nếu bạn cũng như hầu hết mọi người, luôn phải đau đầu trăn trở với những cuộc đàm phán sắp tới. “Tôi nên nói gì?” “Tôi có nên mở lời trước hay không?”; “Tôi sẽ làm gì nếu đối tác không chấp nhận lời đề nghị?”…
Cuốn sách này sẽ hướng dẫn bạn cách chuẩn bị và sẵn sàng cho các chặng đường đàm phán với những tình huống khó khăn nhất.
Nhu cầu đàm phán luôn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào – có khi là một lần trong ngày, có khi là nhiều lần trong ngày. Bất cứ khi nào bạn muốn đạt được mục đích của mình mà không sự cộng tác của ai đó, bạn sẽ bị đẩy vào những hành động đàm phán thiếu suy nghĩ. Bạn có thể không bị đẩy vào những cuộc đàm phán “hiến tế” hay những thỏa thuận để đạt được một dịch vụ hoặc một sản phẩm đáng giá hàng triệu đô-la cho một công ty, nhưng tầm quan trọng của việc đạt được mục đích để bạn và đối tác đều cảm thấy có lợi là điều tất yếu nhằm đảm bảo hòa khí, quan điểm, và quyền lợi của cả hai bên. Ví dụ, nếu mục đích của bạn là thư thái thưởng thức bữa tối, trong khi đứa con nhỏ của bạn lại đòi bạn sửa đồ chơi cho nó hoặc chơi cùng nó, bạn phải “đàm phán”.
Nếu mục đích của bạn là bán căn hộ hiện tại để mua một căn hộ mới đẹp hơn với khoản tiền đặt cọc lớn hơn, bạn phải “đàm phán” với người bạn đời có thói quen chắt chiu từng đồng, người rất có thể sẽ từ chối chuyển nhà. Đôi khi, bạn sẽ rơi vào những tình huống đàm phán không mong muốn nhất, ví dụ, khi một ai đó phớt lờ những điều bạn nói. Hãy tưởng tượng khi một đồng nghiệp tuyên bố cô ta/anh ta muốn “cân nhắc lại” trách nhiệm công việc mà bạn cho rằng hai bạn đã đồng thuận từ trước. Hoặc người hàng xóm tuyên bố rằng bạn có nghĩa vụ sửa lại hàng rào ngăn giữa hai nhà bị đổ sau trận bão.
Trong cuốn sách này, tôi đưa ra một câu hỏi đơn giản: “Bạn sẵn sàng đàm phán không chút do dự chứ?” Nếu câu trả lời của bạn không phải là “Vâng, chắc chắn rồi” thì hãy tiếp tục đọc những phần tiếp theo. Một bước sai lầm trong các cuộc đàm phán về những vấn đề quan trọng, như việc thỏa thuận tiền lương, mua nhà, mua ô tô… có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến kinh tế của bạn tới tận nhiều năm sau. Điều đó có nghĩa là khả năng kiếm tiền và tiêu tiền có ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của bạn, hay nói cách khác cách bạn đàm phán ở ngoài xã hội hoặc trong gia đình có khả năng quyết định một cuộc sống dư giả về vật chất và thoải mái về tinh thần của mỗi người.
Cuốn sách mang đến cho độc giả ba điều sau: Thứ nhất, cung cấp cho độc giả một kế hoạch hành động hữu hiệu trong mọi tình huống đàm phán. Tôi cũng xóa tan những quan niệm sai lầm rằng đàm phán trong phòng họp hoặc các thỏa thuận bất động sản hoàn toàn khác so với đàm phán về vấn đề tiền lương, trường học, cộng đồng… và đương nhiên bao gồm cả việc tranh luận với vợ chồng hoặc con cái. Vậy, nếu bạn luôn thành công trong những hợp đồng bất động sản thì đương nhiên bạn chắc chắn sẽ “lôi kéo” được nhà đầu tư ủng hộ cho quỹ từ thiện tại địa phương bạn.
Thứ hai, cuốn sách này tập trung vào hai nhiệm vụ chính trong bất cứ cuộc đàm phán nào: cách tạo ra những thỏa thuận có lợi cho đôi bên bằng cách tận dụng các thông tin mà bạn đã cẩn thận thu thập được từ đối tác, và tuyên bố quan điểm của mình một cách hiệu quả trong một cuộc đàm phán “đôi bên cùng có lợi”.
Cuối cùng, cuốn sách nói về cách giải quyết những tình huống gần như hoàn hảo, ví dụ khi bạn (giả vờ) đe dọa, cách bạn gây dựng niềm tin với ai đó mà bạn không tin tưởng, cách bạn rút lui đúng lúc, đàm phán với những người mà bạn không có cảm tình cũng như những người mà bạn yêu quý.
Đàm phán có vẻ khó khăn, nhưng nếu bạn biết trước các tình huống có thể xảy ra, luyện tập và được chuẩn bị, bạn sẽ đạt được thành công. Đó là sự thật.
Chia sẻ ý kiến của bạn