Có thể nói rằng, Phi lý trí của Dan Ariely là một cuốn sách đặc biệt hấp dẫn và đầy cảm hứng. Nó buộc người đọc phải suy nghĩ kỹ hơn về tất cả những hành vi, những ai lầm của mình để sống hợp lý và tốt đẹp hơn. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi cuốn sách vẫn nằm trong danh sách Best-seller dù đã được xuất bản cách đây một năm.
Trong hàng loạt các thực nghiệm nhằm làm sáng tỏ vấn đề, Dan Ariely, đã phản bác lại quan điểm chung cho rằng về cơ bản con người luôn hành động dựa trên lý trí. Bằng sự kết hợp giữa nghiên cứu chuyên sâu với những trải nghiệm thực tế, Ariely đã cho chúng ta một câu trả lời bất ngờ: chúng ta đôi khi phi lý trí hơn chúng ta tưởng. Thậm chí là thường xuyên phi lý trí và phi lý trí một cách có hệ thống.
Ariely khám phá ra rằng chúng ta không chỉ phạm các lỗi đơn giản hàng ngày, mà còn lặp lại chúng. Chúng ta không hiểu được tác động của xúc cảm đối với những gì mình muốn và thường đánh giá quá cao những gì mình có. Nhưng những hành vi sai lầm này không hề ngẫu nhiên hay vô nghĩa. Chúng có thể được dự đoán.
Mỗi chúng ta cần xem lại những mỏ neo của cuộc đời mình để thấy chúng ta đã phi lý như thế nào trong vô số quyết định từ nhỏ nhặt nhất tới trọng đại nhất trên con đường đã qua.”Phi lý trí” của Ariely gợi mở, khuyến khích chúng ta nhìn nhận lại tất cả những quyết định đó, rút ra bài học từ những sai lầm trong hành vi của chính mình và những người khác.
Một tai nạn đã dẫn tôi tới tư duy phi lý trí cùng những nghiên cứu được miêu tả trong cuốn sach này.
Nhiều người nói rằng tôi có thế giới quan thật lạ lùng. 20 năm nghiên cứu đã tạo ra cho tôi nhiều hứng thú để khám phá những điều trực tiếp gây ảnh hưởng tới các quyết định chúng ta đưa ra trong cuộc sống hàng ngày (trái với những thứ chúng ta vẫn thường tin chắc là ảnh hưởng tới các quyết định).
Tại sao chúng ta luôn tự hứa sẽ ăn kiêng để rồi ý nghĩ ấy vụt biến ngay khi chiếc xe chở đồ tráng miệng đi qua?
Tại sao đôi khi chúng ta hào hứng mua sắm những thứ không cần thiết?
Tại sao chúng ta vẫn thấy đau đầu sau khi dùng loại aspirin giá 1 xu, nhưng cơn đau đầu ấy lại biến mất nếu thuốc đó có giá 50 xu?
Tại sao những tín đồ được yêu cầu nhớ lại 10 Lời răn của Chúa có xu hướng thành thật (ít nhất là ngay sau đó) hơn những người không được yêu cầu làm như vậy? Hoặc tại sao các Quy tắc Danh dự (1) làm giảm mức độ gian lận nơi công sở?
Khi đọc tới những trang cuối của cuốn sách này, bạn sẽ có câu trả lời cho các câu hỏi trên và nhiều câu hỏi khác – những câu hỏi có ý nghĩa đối với cuộc sống, công việc kinh doanh và thế giới quan của bạn. Ví dụ, hiểu rõ câu trả lời về thuốc đau đầu không chỉ giúp bạn trong việc lựa chọn thuốc mà còn có ý nghĩa với vấn đề lớn nhất mà xã hội đang phải đối mặt : chi phí và hiệu quả của bảo hiểm y tế. Hiểu rõ ảnh hưởng về 10 Lời răn của Chúa trong việc hạn chế hành động không trung thực có thể giúp chúng ta ngăn chặn các vụ lừa đảo kiểu Enron (2). Hiểu các động lực thôi thúc chứng thèm ăn có ý nghĩa với những quyết định ngẫu hứng trong cuộc sống – bao gồm cả việc tại sao tiết kiệm tiền lại khó khăn đến vậy.
Với hàng loạt các thí nghiệm khoa học, khám phá và câu chuyện thú vị, cuốn sách sẽ giúp bạn suy nghĩ về những điều khiến bạn và những người xung quanh đưa ra lựa chọn. Và khi nhận ra tính hệ thống của các lỗi – chúng ta thường lặp đi lặp lại các sai lầm đó như thế nào – bạn sẽ học được cách phòng tránh.
Nhưng trước khi trình bày về các nghiên cứu cụ thể, thực tế và thú vị về thói quen trong ăn uống, mua sắm, tình yêu, tiền bạc, tính trì hoãn, sự trung thực và các lĩnh vực khác của đời sống, tôi sẽ kể cho các bạn về nguồn gốc thế giới quan có phần phi chính thống của mình – và cũng là của cuốn sách này. Mọi chuyện bắt đầu khi một tai nạn xảy ra với tôi nhiều năm trước đây.
Vào một buổi chiều thứ Sáu, mọi thứ đã thay đổi trong cuộc đời chàng trai Israel 18 tuổi. Một quả pháo sáng cỡ lớn, loại dùng để chiểu sáng chiến trường vào ban đêm, đã phát nổ khiến 70% cơ thể tôi bị bỏng độ 3.
3 năm tiếp đó, tôi luôn phải băng bó và ở suốt trong bệnh viện. Trong bộ quần áo làm từ sợi tổng hợp bó chật và chiếc mặt nạ, trông tôi giống như một dị bản của Siêu nhân. Không thể tham gia các hoạt động thường nhật như bạn bè và gia đình, tôi cảm thấy mình bị tách khỏi xã hội. Hệ quả tất yếu là tôi bắt đầu quan sát những hoạt động trước đây mình vẫn làm như một người ngoài cuộc. Tôi bắt đầu suy nghĩ về mục tiêu của các hành vi khác nhau, của tôi và của mọi người. Ví dụ, sao tôi lại đem lòng yêu cô gái này chứ không phải một cô gái khác; tại sao những hành động hàng ngày của tôi chỉ để thuận tiện cho các bác sỹ chứ không phải cho tôi; tại sao tôi thích leo núi mà không phải là học lịch sử; tại sao tôi lại quan tâm đến việc người khác nghĩ về tôi như thế nào,…
Trong suốt thời gian nằm viện, tôi đã trải qua nhiều cơn đau đớn. Khoảng thời gian giữa những lần điều trị và phẫu thuật giúp tôi suy nghĩ về điều này. Ban đầu, sự đau đớn hàng ngày diễn ra chủ yếu vào lúc “tắm”, khi tôi được ngâm vào dung dịch khử trùng, tháo băng và lấy tế bào đã chết. Nếu da lành lặn, chất khử trùng chỉ gây cảm giác tê tê và việc tháo băng diễn ra dễ dàng. Nhưng khi chỉ có một ít hoặc không có chút da nào như trường hợp của tôi, chất khử trùng khiến tôi vô cùng đau đớn. Những tấm băng dính chặt vào da thịt và khi chúng được gỡ ra (thường là phải xé), khiến tôi không thể chịu đựng nổi.
Tôi bắt đầu nói chuyện với các y tá phụ trách việc tắm rửa hàng ngày để tìm hiểu phương pháp điều trị của họ. Các y tá thường giữ miếng băng và kéo ra càng nhanh càng tốt khiến bệnh nhân đau đớn đến tột cùng. Họ lặp lại quá trình này trong khoảng 1h, cho tới khi gỡ bỏ được tất cả các miếng băng. Khi hoàn tất, tôi được bôi thuốc mỡ và quấn băng mới, để rồi mọi chuyện sẽ lặp lại vào ngày tiếp theo.
Tôi nhận ra rằng các y tá hành động dựa trên lý thuyết : 1 cú giật mạnh tốt hơn việc gỡ ra từ từ, nó có thể không gây ra sự đau đớn khủng khiếp cho bệnh nhân, nhưng nếu kéo dài và xét về tổng thể, thì sẽ gây ra nhiều đau đớn hơn. Các y tá cho rằng không có sự khác biệt giữa 2 phương pháp : bắt đầu từ vùng đau đớn nhất của cơ thể và tiến dần tới vùng ít đau nhất; hoặc bắt đầu ở vùng ít đau nhất và tiến dần tới vùng đau đớn nhất.
Là người đã trải qua những cơn đau đớn khi tháo băng, tôi không đồng ý với niềm tin (chưa bao giờ được khoa học kiểm nghiệm) này. Lý thuyết của họ không tính đến tâm lý sợ hãi mà bệnh nhân phải đối mặt, khó có thể phán đoán chính xác khi nào cơn đau sẽ bắt đầu và giảm dần, hoặc không nghĩ tới việc an ủi sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt sự đau đớn.
…
Mời các bạn đón đọc Phi Lý Trí của tác giả Dan Ariely.
Leave a Reply