Lời giới thiệu

Cuộc sống càng phát triển, càng sôi động bao nhiêu thì con người càng bị cuốn vào vòng xoáy của nó mạnh bấy nhiêu. Và trong vòng quay tất bật đó, chúng ta dễ dàng lãng quên hay bỏ sót những giá trị tốt đẹp bên trong để chạy theo những điều mơ tưởng bên ngoài. Chúng ta lãng quên trách nhiệm đối với gia đình, tổ chức, xã hội, thậm chí ngay cả với bản thân mình. Cũng có lúc chúng ta chợt nhận ra điều đó, nhưng rồi sợ phải đối đầu với những khó khăn, ngăn trở, sợ phải thay đổi chính mình mà chúng ta chấp nhận buông xuôi…

Chúng ta lần lữa, chần chừ và luôn tìm cách đùn đẩy cho người khác mà không dám nhận trách nhiệm về mình để tìm cách giải quyết. Chúng ta khoác lên mình chiếc áo “cầu an” và tự nhủ rằng “Phải thế thôi, bây giờ ai cũng làm vậy cả…”. Nhưng như vậy, vô tình chúng ta sẽ làm mất dần đi giá trị thực sự của mình, chúng ta thoái lui trước những cơ hội để phát triển bản thân một cách toàn diện và không phát huy được hết những khả năng tiềm ẩn của mình.

QBQ(1)! – Tư duy thông minh là một công cụ giúp bạn nhận diện giá trị thực sự của mình, dám nhìn thẳng vào trách nhiệm của bản thân từ trong suy nghĩ để vạch ra những phương hướng hành động thật thông minh. Bạn sẽ không còn phải lo âu, bối rối hay hoang mang vì những câu hỏi không lời giải đáp về những vướng mắc mà mình gặp phải trong công việc và cuộc sống. Ngược lại, bạn sẽ tìm thấy những câu trả lời ưng ý nhất từ chính những câu hỏi tích cực do tinh thần QBQ mang lại. Bằng cách thực hành theo những gì QBQ hướng dẫn, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi ngày một tốt đẹp hơn, và hiệu quả công việc của bạn sẽ ngày càng nâng cao.




Hãy trân trọng những gì bạn có và đừng quên điều này: Trách nhiệm cá nhân chính là chìa khóa tháo gỡ mọi khó khăn, rắc rối trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

– First News

***




1. TINH THẦN TRÁCH NHIỆM
Vào một ngày đẹp trời, tôi đến thị trấn Minneapolis và dừng chân tại nhà hàng Rock Bottom để dùng bữa trưa. Do đang vội nên tôi nhanh chóng chọn vài món ăn nhanh có sẵn trên quầy. Vài phút sau, một cậu phục vụ trẻ khệ nệ bê một khay đầy bát đĩa của thực khách đã dùng đi ngang qua, có lẽ cậu ấy thấy trên bàn tôi chưa có món ăn nào nên dừng lại và hỏi tôi:

_ Thưa ông, ông đã gọi được món chưa?

_ Chưa. Tôi muốn gọi món xà lách trộn và vài chiếc bánh cuộn. – Tôi đáp.




_ Tôi sẽ mang lại cho ông, thưa ông. Ông muốn uống gì ạ?

_ Cho tôi một lon Coca Cola dành cho người ăn kiêng.

_ Ồ tôi xin lỗi, chúng tôi chỉ có Pepsi. Ông dùng tạm Pepsi nhé?




_ À, không, cảm ơn. – Tôi mỉm cười đáp lại. – Cho tôi một ly nước chanh vậy.

_ Có ngay thưa ông!

Rồi cậu ta tiếp tục đi. Tôi không phải đợi chờ lâu, ít phút sau cậu ấy đã trở lại với món xà lách, bánh cuộn và ly nước chanh trên tay. Sau khi cảm ơn cậu phục vụ trẻ, tôi bắt đầu thưởng thức bữa trưa. Nhưng chỉ một thoáng sau bỗng có bàn tay đặt lên bàn tôi một lon Coca ướp lạnh. Đó là loại Coca dành cho người ăn kiêng.




_ Ồ, xin cảm ơn. – Tôi hết sức ngạc nhiên.

_ Không có chi, thưa ông. – Cậu phục vụ đáp lại với nụ cười thân thiện.

_ Tôi cứ ngỡ ở đây không có bán Coca Cola?




_ Đúng, thưa ông, chúng tôi không bán Coca Cola.

_ Vậy anh lấy lon nước này từ đâu?

_ Thưa, từ tiệm tạp hóa ở góc phố.




Quả thật, cậu phục vụ đã làm tôi hết sức ngạc nhiên vì phong cách phục vụ khách hàng tận tụy vượt xa các nhân viên khác mà tôi đã từng gặp từ trước đến giờ. Cậu ta đã tạo cho tôi một cảm giác rất hài lòng, tôi liền hỏi cậu ấy với vẻ đầy cảm kích:

_ Tôi thấy công việc của anh cũng hết sức bận rộn, vậy làm sao anh có thể đi mua nước về nhanh đến vậy?

Anh phục vụ nở một nụ cười và trả lời trước sự ngỡ ngàng của tôi:




_ Tôi không đi mua nước cho ông, tôi nhờ người quản lý của tôi mua hộ.

Thật là điều khó tưởng tượng! Làm sao một anh phục vụ lại có thể yêu cầu sếp của mình làm điều đó? Đó là sự trao quyền hay còn điều gì khác nữa? Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng thích thú khi tưởng tượng ra cảnh mình trực tiếp đến gặp sếp và nói: “Đi mua giúp tôi một lon Coca dành cho người ăn kiêng”.

Giả sử bản thân bạn ở vào hoàn cảnh đó thì bạn sẽ xử lý tình huống ấy như thế nào? Lúc ấy đang là giờ cao điểm của bữa trưa và người phục vụ đang rất bận rộn với vô số việc phải làm, nhưng anh ta vẫn cố gắng tiếp nhận các nhu cầu của từng thực khách, mặc dù thật ra trong trường hợp ấy anh cũng không nhất thiết phải để tâm vì nó nằm ngoài thực đơn của nhà hàng. Nhưng anh đã chọn cách thực hiện tất cả những điều anh có thể làm. Anh tận tình và cố gắng hết khả năng để làm thực khách hài lòng. Đó không đơn thuần chỉ là tinh thần trách nhiệm mà còn là thái độ tích cực đối với nghề nghiệp, công việc, trong khi với nhiều nhân viên có thể họ sẽ nghĩ khác, như:




_ Tại sao tôi lại phải làm tất cả mọi việc ở đây?

_ Ai chịu trách nhiệm đảm đương công việc ở khu vực này thay tôi?

_ Khi nào thì quản lý sẽ cung cấp thêm sản phẩm cho chúng tôi?




_ Khi nào mới chấm dứt tình trạng thiếu nhân lực để chúng tôi không phải làm việc quá tải?

_ Tại sao khách hàng không chịu đọc kỹ thực đơn có những gì trước khi gọi?

Cũng dễ hiểu khi phần lớn chúng ta đều dễ dàng sa vào những suy nghĩ như vậy, đặc biệt là những khi chúng ta đang chịu áp lực hay mang tâm trạng buồn bực. Nhưng đây thật sự là những câu hỏi ngớ ngẩn vì chúng chẳng giúp giải quyết được gì. Thậm chí nó còn mang tính tiêu cực rõ ràng: Âín đằng sau những câu hỏi ấy là một đòi hỏi có một ai đó hoặc điều gì đó phải chịu trách nhiệm cho các rắc rối hay những tình huống khó khăn phát sinh. Đó là hình thức thoái lui, lẩn tránh trách nhiệm bản thân được ngụy trang mà thôi.




Đáng tiếc, các câu hỏi này luôn là những ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu khi chúng ta rơi vào tâm trạng không vui hay buộc phải đối mặt với thử thách. Thường khi gặp khó khăn, khi phải chịu trách nhiệm về một điều gì đó thì phản ứng đầu tiên của chúng ta là theo hướng tự bảo vệ mình bằng những câu hỏi xem ai sẽ là người chịu lỗi vì những vấn đề mà ta đang gặp phải. Đó là một khuynh hướng tiêu cực. Vào khoảnh khắc những câu hỏi trên xuất hiện trong đầu, chúng ta có một sự chọn lựa: một là chấp nhận chúng như tấm khiên bảo vệ mình, hoặc là chọn cho mình những câu hỏi tích cực hơn – chẳng hạn như: “Tôi có thể làm gì khác nữa?” hay “Tôi có thể làm gì để hỗ trợ cho đồng nghiệp của tôi?”.

Hãy có những chọn lựa tốt hơn bằng cách đặt ra những câu hỏi tích cực.

Đó chính là những gì cậu phục vụ bàn đã làm. Cậu ấy không bỏ qua nhu cầu của khách hàng hay quy đổ trách nhiệm cho người khác, mà thay vào đó, trong khoảnh khắc đó, cậu đã cố gắng làm những gì có thể để thực khách hài lòng nhất. Có thể cậu ấy cũng đã tự đặt cho mình những câu hỏi đầy trách nhiệm: “Trong tình huống này tôi nên làm gì? Làm thế nào để làm hài lòng khách?”. Những chọn lựa cho câu trả lời ấy đã tạo nên sự khác biệt rất rõ giữa cậu và các nhân viên khác.




Hôm đó khi rời nhà hàng, tôi đã thưởng cho chàng trai trẻ ấy một khoản tiền để bày tỏ sự hài lòng vì cung cách phục vụ tận tụy của cậu. Tôi nghĩ bất kỳ ai khác cũng sẽ làm như tôi. Vài tháng sau, tôi có dịp tôi trở lại nhà hàng ấy và hỏi thăm về người phục vụ mà tôi từng có ấn tượng rất tốt, nhưng tôi không gặp cậu. Hỏi những nhân viên ở đấy thì được biết cậu đã không còn làm phục vụ ở đây nữa.

Niềm hân hoan trong tôi lập tức tan biến, tôi cảm thấy thật ngỡ ngàng. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi, người phục vụ nhìn tôi và dè dặt hỏi:

_Thưa ông, tôi có thể giúp gì cho ông?




Quả thực tôi không thể tin rằng nhà hàng đã để người nhân viên tốt nhất của mình ra đi. Tôi cũng muốn biết nguyên do của sự ra đi đột ngột đó, nên gặng hỏi cô phục vụ:

_ Sao anh ấy lại bỏ việc ở đây?

_ Ồ không thưa ông, Jacob đã được thăng chức quản lý rồi.

Thì ra là vậy. Tôi đã cảm thấy hết sức vui mừng khi nghe câu nói ấy. Cậu phục vụ trẻ tuổi hoàn toàn xứng đáng được thăng tiến. Chính cách suy nghĩ của cậu ấy về trách nhiệm cá nhân đã mang lại thành quả đó. Tuy nhiên, ngoài sự thăng tiến thì chiến thắng vẻ vang hơn cả trong thành công của cậu ấy chính là cách cậu cảm nhận về trách nhiệm bản thân để có những chọn lựa đúng đắn.

Mời các bạn đón đọc QBQ! – Tư Duy Thông Minh của tác giả John G. Miller.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.