Nhân vật chính trong Tay lái súng đa cảm là viên quân nhân về hưu Thomas Lang. Lang có một cuộc sống không mấy dư dả ở Luân Đôn với nguồn thu nhập chính từ công việc vệ sĩ, lính đánh thuê… dựa vào những kỹ năng cũng như các mối quan hệ anh ta có được trong thời gian tại ngũ.
Khi ở Amsterdam, Lang bất ngờ được một người đàn ông giấu mặt thuê để theo dõi tay doanh nhân Alexander Woolf. Trong quá trình làm nhiệm vụ, Lang phát hiện ra chính mình lại là đối tượng bị theo dõi bởi cả Bộ Quốc Phòng và Cơ quan Tình báo trung ương – những người đồng thời đang điều tra Woolf vì hành vi buôn lậu ma túy ở quy mô quốc tế. Lang đã cố gắng tìm cách tiếp cận kẻ lạ mặt đã thuê mình theo dõi Woolf để làm rõ mọi chuyện, nhưng thực không ngờ rằng người đàn ông ấy lại chính là Woolf, và hắn ta cùng với con gái hiện đang có mặt tại Luân Đôn.
Theo đó, một sự thật đáng sợ được vạch trần: tất cả mọi việc xảy đến với Lang đều nằm trong kế hoạch tinh vi của Woolf, và đằng sau đó còn cả một âm mưu khủng khiếp đang chờ Lang đối mặt…
Tác giả
Hugh Laurie (sinh 1959) là diễn viên, nhạc sĩ, nhà văn nổi tiếng người Anh, hai lần đoạt giải Quả Cầu Vàng và sáu lần được đề cử giải Emmy.
Năm 2011 ông được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là diễn viên truyền hình được trả thù lao cao nhất, 250.000 bảng Anh một tập trong bộ phim nhiều tập House. Mặc dù văn chương không phải là “nghề tay phải” của Laurie, song Tay lái súng đa cảm (The Gun Seller), tiểu thuyết đầu tay (cũng là tiểu thuyết duy nhất cho đến nay) của ông, lập tức trở nên nổi tiếng và được tái bản nhiều lần.
Nhận định
“Một tiểu thuyết thriller hạng nhất… một cỗ máy giải trí tuyệt diệu vô song” – The Plain Dealer (Cleveland)
“Một cuốn tiểu thuyết rất đỗi thông minh tinh tế… tươi mới và lôi cuốn không cưỡng được.” – Christopher Buckley, The New York Times Book Review
Thử hình dung anh phải bẻ gãy tay ai đó.
Phải hay trái không quan trọng. Quan trọng là phải bẻ, bởi vì nếu không bẻ… ờ thì thực ra cũng chẳng vấn đề gì. Cứ cho là nếu anh không bẻ thì sẽ có hậu quả xấu đi.
Vậy câu hỏi của tôi là: anh sẽ bẻ thật nhanh – rắc, ối chà, xin lỗi, để tôi giúp anh với cái xương gãy ngay tức thì kia – hay anh sẽ nhẩn nha trong vòng tám phút, thi thoảng mới mạnh tay lên một tí, cho tới khi tất cả những hoa cà hoa cải, những nóng và lạnh quyện vào nhau khó chịu đến vô cùng?
Đúng vậy. Tất nhiên rồi. Lựa chọn đúng đắn, lựa chọn duy nhất hẳn là làm cho xong đi càng nhanh càng tốt. Bẻ cái tay, nốc vài ngụm rượu, và lại trở thành công dân tốt. Chẳng thể có câu trả lời nào khác.
Trừ khi.
Trừ khi, trừ khi, trừ khi.
Nếu như anh căm ghét cái kẻ bị bẻ tay kia thì sao? Ý tôi là thực sự ghét hắn ta, vô cùng ghét hắn ta.
Đó chính là điều mà lúc này tôi phải tính tới.
Tôi nói “lúc này”, có nghĩa là khi đó, là cái khoảnh khắc mà tôi đang miêu tả; cái khoảnh khắc nhỏ, nhỏ khốn kiếp ấy, trước khi cổ tay tôi bị kéo quặt tới gáy và xương cánh tay trái tôi gãy ra ít nhất thành hai đoạn lủng lẳng, rất có khả năng là nhiều hơn.
Cái tay mà chúng ta vừa nói đến, anh thấy đó, là tay tôi. Nó không phải là một cánh tay trừu tượng, triết học. Những xương đó, da đó, những lông tay, rồi cả cái sẹo nhỏ màu trắng ở đúng cùi tay do quệt vào góc lò sưởi từ hồi ở trường tiểu học Gateshill, tất cả đều thuộc về tôi. Và giờ là lúc tôi phải cân nhắc khả năng kẻ đứng đằng sau tôi, kẻ đang bóp chặt cổ tay tôi mà bẻ ngược dọc sống lưng theo một tư thế gần như tình tứ, hắn căm ghét tôi, vô cùng căm ghét tôi.
Hắn cứ giữ cái tay thế mãi.
Họ hắn là Rayner. Tên không rõ. Dù sao tôi đã không thể biết và bởi thế tôi đoán chắc là anh cũng không nốt.
Tôi đồ rằng hẳn phải có ai đó, ở đâu đó biết tên của hắn – đã từng rửa tội cho hắn bằng cái tên đó, đã từng gọi hắn xuống ăn sáng bằng cái tên đó, đã từng dạy hắn phải đánh vần nó như thế nào – và một người nào khác ắt đã từng gọi tên hắn trong quán bar để mời hắn làm vài cốc, hay đã từng thì thào cái tên đó trong lúc làm tình, hoặc giả đã viết nó vào một ô trong tờ khai bảo hiểm thân thể. Tôi biết chắc chắn họ đã làm tất cả những điều đó. Chỉ có điều khó mà hình dung ra, thế thôi.
Tôi áng chừng Rayner hơn tôi mười tuổi. Thế tốt thôi. Chuyện đó chẳng vấn đề gì cả. Tôi có quan hệ tốt, thân mật – không liên quan tới chuyện bẻ tay – với rất nhiều người hơn tôi mười tuổi. Những người lớn hơn tôi mười tuổi nhìn chung là đáng kính trọng. Nhưng Rayner còn cao hơn tôi bảy phân, nặng hơn khoảng hai chục ký, và ít nhất hơn tôi tám đơn vị trong thang bạo lực. Hắn xấu xí hơn cả cái bãi đỗ xe, với cái sọ to trụi tóc chỗ hóp vào chỗ phình ra như một quả bóng nhét đầy que trong ruột và cái mũi chiến binh phẳng dẹt, trông như thể một dải đồng bằng quanh co khúc khuỷu do ai đó cầm bút chì bằng tay trái, hoặc tệ hơn, bằng chân trái, vẽ lên mặt hắn vậy.
Và Chúa ơi, cái trán mới đã làm sao. Bao nhiêu gạch, dao,chai lọ và những thứ vụ ẩu đả đầy đủ lý do khác, theo thời gian đã táng vào cái mặt phẳng căng đét đó mà không hề gây hư hại gì, chỉ để lại những vệt lõm mờ giữa các lỗ chân lông sâu hoắm, lưa thưa. Chúng là những lỗ chân lông sâu nhất và thưa nhất mà tôi đã từng thấy trên da người, khiến tôi nhớ đến khu lỗ gôn của sân gôn địa phương ở Dalbeattie vào cuối mùa hè khô hạn, dài dặc năm 76.
Giờ chuyển sang hai bên đầu. Tai của Rayner rõ đã bị cắn rời từ lâu và rồi lại được phết vào cái thành đầu ấy, bởi vì cái tai trái toàn toàn bị lộn ngược trên xuống dưới hay trong ra ngoài, hoặc là một kiểu gì đó khiến ta phải nhìn chăm chú vào hồi lâu rồi mới nghĩ ra “ồ, đó là cái tai”.
Và trên hết, Rayner mặc áo khoác da màu đen bên ngoài áo đen cổ lọ, nói thế cho rõ nếu anh vẫn chưa hình dung rõ.
Nhưng hẳn anh đã mường tượng rõ được hắn. Kể cả khi Rayner quấn lụa mỏng quanh người và cài hoa lan sau mỗi vành tai, người qua đường yếu bóng vía cũng vẫn sẽ nộp tiền cho hắn trước, sau đó mới băn khoăn tự hỏi liệu mình đã từng nợ hắn hay chưa.
Thực tế là tôi chẳng hề nợ tiền hắn. Rayner thuộc một nhóm riêng mà tôi chẳng nợ nần gì cả, và giá như chuyện giữa chúng tôi tốt đẹp hơn một chút thì có lẽ tôi đã gợi ý cho hắn và nhóm của mình đeo chung một loại cà vạt đặc biệt giúp nhận diện nhau. Kiểu hoa văn hình dấu thánh chẳng hạn.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, chuyện giữa chúng tôi không tốt đẹp gì.
Có lần, huấn luyện viên chiến đấu cụt một tay tên là Cliff (vâng , đúng vậy – ông ta huấn luyện đánh nhau tay không , và chỉ có một tay thôi – đời lắm khi thế đấy), đã bảo tôi rằng sự đau đớn là điều mà người ta tự gây ra cho bản thân mình. Người khác làm mọi thứ với anh – họ đánh anh, họ đâm anh, họ cố bẻ tay anh – nhưng nỗi đau là do chính anh. Bởi thế,Cliff ông huấn luyện viên đã từng ở Nhật hai tuần và luôn cảm thấy mình có bổn phận phải nhồi nhét những thứ vớ vẩn kiểu như vậy trong các giờ học, khẳng định, chúng ta luôn có sức mạnh để kiềm chế nỗi đau đớn của bản thân. Ba tháng sau, Cliff bị một mụ góa năm mươi lăm tuổi giết chết trong một vụ ẩu đả tại quán rượu, bởi thế tôi không còn cơ hội cùng ông ta kiểm chứng điều đó.
Đau đớn là một sự kiện. Nó xảy tới với anh, và anh đương đầu với nó theo mọi cách có thể.
Điều duy nhất tốt cho tôi là, cho tới giờ, tôi chưa hề rên la.
Chẳng phải là dũng cảm gì, anh hiểu không, đơn giản là tôi chưa đạt được mức đó. Cho tới lúc này, Rayner và tôi đã quần nhau giữa các bức tường và đồ đạc, trong im lặng đẫm mùi mồ hôi của giống đực, chỉ thỉnh thoảng có một tiếng gằn gừ để thấy rằng cả hai đều đang tập trung. Nhưng giờ đây, cùng lắm là năm giây nữa thôi tôi sẽ xỉu đi hoặc cuối cùng cái xương sẽ rã ra – giờ là thời khắc lý tưởng để tôi tung ra một chiêu thức mới. Và âm thanh là tất cả những gì tôi có thể nghĩ ra.
…
Mời các bạn đón đọc Tay Lái Súng Đa Cảm của tác giả Hugh Laurie.
Leave a Reply