Giới Thiệu Thăng Trầm Quyền Lực

Quyền lực là một phạm trù lịch sử, ám chỉ năng lực áp chế của một thực thể nhằm tạo ra một mối quan hệ không có lợi cho một thực thể khác. Theo nghĩa nguyên thủy, quyền lực đồng nghĩa với sức mạnh, kẻ mạnh nắm quyền lực sẽ thống trị và chi phối kẻ yếu.

Lâu nay, người ta vẫn xem quyền lực như một phạm trù tĩnh, ít biến đổi và về cơ bản, thường nghiên cứu tính động của quyền lực thông qua các chủ thể quyền lực, nói đúng hơn là thông qua sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể. Theo suy nghĩ thông thường, quyền lực (với ý nghĩa khách thể) không thay đổi, chỉ có các chủ thể quyền lực thay đổi mà thôi. Alvin Toffler đã bổ sung một cách tiếp cận mới về “quyền lực” khi xem xét sự vận động và phát triển của chính bản thân nó qua các hình thức phát triển: đi từ bạo lực, đến của cải, rồi đến tri thức.

Quyền lực – tri thức hoàn toàn khác với các hình thức quyền lực trước đó về bản chất. Bạo lực là hữu hạn vì bạo lực không thể sinh ra bạo lực và không có sức mạnh vô song; của cải có thể sinh ra của cải bằng những đầu tư khôn ngoan, nhưng của cải không phải là vô cùng. Nhưng tri thức thì vô hạn và quan trọng hơn, chất xám-tri thức còn thay thế được sức mạnh của thiên nhiên, có khả năng chinh phục không gian và tiết kiệm thời gian cho con người.

Bằng những dẫn chứng sinh động, A.Toffler đã chứng minh rằng, với tư cách là quyền lực, tri thức còn có một ưu thế hơn hẳn so với bạo lực và của cải. Là của cải tượng trưng, một thứ tài sản vô hình, tri thức mang trong nó tiềm năng dân chủ hóa mạnh mẽ. Nếu như bạo lực và của cải thường tập trung trong tay một thiểu số (gọi là kẻ mạnh) thì tri thức lại được phân bổ rộng rãi hơn nhiều. Thực tế cho chúng ta thấy rằng, trong thế giới phẳng ngày nay, khi cơ hội được chia đều cho tất cả, khi sự bình đẳng có nghĩa là bình đẳng về mặt cơ hội, thì tri thức trở thành tài sản chung, là chìa khóa dẫn đến thành công cho cả số đông.

Vạch ra đường đi tất yếu của quyền lực, A.Toffler đã khẳng định một cách thuyết phục về sự nổi lên của tri thức như một nguồn sức mạnh mới của con người trong kỷ nguyên hiện đại, đồng thời cũng buộc độc giả ít nhiều phải suy ngẫm về những vấn đề tư duy của tương lai và số phận của nhân loại.

Xuất phát từ việc phân tích vai trò của tri thức với tư cách là một quyền lực mới, A. Toffler đã khảo cứu những biến đổi của thế giới trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều khu vực khác nhau.

Tri thức là động lực cho sự phát triển của xã hội và của nhiều quốc gia. Nó là ngọn nguồn của sáng tạo và là yếu tố chủ lực cho sự thay đổi của thế giới. Chiến tranh thông tin có nguồn gốc từ tri thức là một cuộc chiến đặc biệt, mà kẻ chiến thắng cuối cùng chính là sức mạnh tri thức, những tri thức cũ mất đi để cho những tri thức mới ra đời và cứ như thế, trí tuệ của con người ngày càng được mở rộng hơn. Khi tri thức lên ngôi, mọi giá trị xã hội cũng biến đổi theo và đến lượt nó, các giá trị xã hội cũng góp phần củng cố địa vị của tri thức trong đời sống xã hội.

Khẳng định quyền lực tồn tại trong mọi hệ thống xã hội, A.Toffler muốn chứng minh rằng, sự vận động của quyền lực – tri thức đã ghi dấu ấn trong hầu hết sự biến đổi của nhiều thiết chế xã hội, trong đó rõ nét nhất là các tập đoàn kinh doanh và các tổ chức chính trị. Trong kỷ nguyên hiện đại, những biến động của quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị, mà cái lõi của nó là tri thức, đều tạo ra nhiều hệ lụy khác nhau, dù không mong muốn. Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát tri thức hay chế ước quyền lực trong một quỹ đạo đúng hướng và chuẩn xác.

Bản thân quyền lực không tốt cũng không xấu, mà tồn tại trung tính. Tốt hay xấu phụ thuộc vào chủ thể nắm quyền lực – lạm dụng để thao túng hay sử dụng để ổn định xã hội. Tri thức cũng vậy. Nó chỉ phát huy tác dụng khi được chia sẻ và được sử dụng vì lợi ích chung chính đáng. Đó cũng là thông điệp mang tính nhân văn mà người đọc có thể rút ra qua những dự báo tương lai của A. Toffler trong cuốn sách này.

Với cách nhìn của Alvin Toffler, con đường phát triển của quyền lực không đi theo đường xoáy ốc, tức là lặp lại chính mình ở những bậc thang cao hơn, mà là một sự phát triển theo đường thẳng, tiệm cận đến điểm vô cùng. Dẫn lời của triết gia Hy Lạp Zeno, A. Toffler đã biện luận cho sự vô tận của quyền lực-tri thức bằng hình ảnh: “Nếu một lữ khách mỗi ngày chỉ đi được một nửa đoạn đường theo mục tiêu của mình hướng tới thì vĩnh viễn anh ta không sao đạt được mục đích của mình. Bởi vì luôn luôn còn một nửa đoạn đường phải đi”.

“Powershift” không đơn giản chỉ là thăng trầm quyền lực, không chỉ là sự bất ổn hay sự biến thiên cơ học của quyền lực dưới tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan. Với nghĩa sự biến đổi của quyền lực (shift of power), “powershift” còn có hàm ý thể hiện quá trình vận động nội tại của quyền lực, là sự chuyển hóa bên trong của bản thân quyền lực, quyền lực chuyển đổi từ hình thức này sang hình thức khác và nội dung của nó cũng ít nhiều thay đổi.

Nhưng khi đi theo cách tiếp cận đó, tác giả cuốn sách dường như chưa đi đến tận cùng vấn đề. Xét cho cùng, tri thức chỉ là một hình thức quyền lực. Liệu rằng sẽ xuất hiện một sức mạnh mới khác thay thế cho tri thức hay không? Đây vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ mà trong phạm vi cuốn sách này, những dự báo của A.Toffler vẫn chưa đề cập tới.

“Thăng trầm quyền lực” không hẳn dễ tiếp cận với người đọc, nếu không muốn nói là một cuốn sách phức tạp và có phần khó hiểu do vốn kiến thức quá phong phú của tác giả, trong khi cách sắp xếp thông tin lại hơi dàn trải và các chủ đề đôi khi thiếu nhất quán; ở đôi chỗ, tác giả có khuynh hướng “lạm dụng” các thuật ngữ chuyên môn để “đánh bóng” cho những luận điểm của mình, hơn là kích thích sự suy nghĩ của độc giả.

Tuy vậy, là một công trình được hoàn thành sau 20 năm, kết quả của quá trình tích lũy tri thức đáng trân trọng của A. Toffler, cuốn sách này có thể được xem như một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị, phần nào giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về thời đại ngày nay, từ đó cùng nhau suy ngẫm về một tương lai đang hiện hình trong thế giới đầy biến động này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *