Đằng sau mỗi vụ án mạng luôn có một câu chuyện đau lòng và đầy nước mắt. Nhưng liệu rằng tử hình có phải là hình phạt thích đáng cuối cùng cho mọi tội ác? Công lý có thực sự được thực thi? Liệu rằng khi lời tuyên bố án tử được vang lên trước tòa, thân nhân của người bị hại có thực sự thấy yên lòng, nỗi đau có phần nào được bù đắp và kẻ gây nên tội ác có chút nào ăn năn, hối cải?

Nếu bạn cũng băn khoăn và chưa tìm được lời giải cho những câu hỏi này, hãy tự đi tìm câu trả lời trong cuốn tiểu thuyếtThánh giá rỗng của nhà văn bậc thầy trinh thám hàng đầu Nhật Bản – Higashino Keigo.

Thánh giá rỗng là câu chuyện xoay quanh hai vụ án mạng tàn khốc trong cùng một gia đình. Ngày 21 tháng 9 của mười một năm về trước, cô bé Manami ngây thơ, vô tội đã bị sát hại tại nhà riêng. Đúng mười một năm sau, mẹ cô bé – Sayoko, cũng bị giết hại dã man trên con đường thuộc quận Koto. Nakahara – một người chồng, một người cha bất hạnh đã hai lần phải cảm nhận nỗi đau mất người thân. Cái chết đầy uẩn khúc của Sayoko đã khiến anh tạm gác lại niềm riêng để bước vào cuộc hành trình tìm kiếm sự thật.




Trên con đường tìm lời giải đáp cho mọi thắc mắc của mình, Nakahara vô tình tìm ra mối liên hệ giữa vụ án mạng của vợ anh và một bí mật động trời khác đã được chôn giấu suốt hai mươi mốt năm trời.

Bằng giọng văn giản dị nhưng không kém phần sắc bén Higashino Keigo lại một lần nữa dẫn dắt người đọc đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, lần tìm về quá khứ để từng bước, từng bước gỡ những nút thắt chưa được giải.

Không có những pha rượt đổi gay cấn đến nghẹt thở, không có những màn phá án li kì đến xuất thần, nhưng Thánh giá rỗng – cuốn sách có mặt trong top 5 các tiểu thuyết trinh thám hay nhất do Shukan Bunshun bình chọn, bằng một cách rất riêng vẫn ám ảnh và lôi cuốn người đọc vào những câu chuyện cảm động, đầy nước mắt của tình bạn, tình yêu, và tình phụ tử thiêng liêng…




***

Higashino Keigo sinh ngày 4/2/1958 tại Osaka. Ông được biết đến như một trong những tác giả nổi tiếng nhất Nhật Bản ở thể loại trinh thám – li kì. Sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của ông với các độc giả Nhật Bản có thể được ví như James Patterson hay Dean Koontz với nhiều thế hệ độc giả Mĩ.

Năm 1985, Higashino Keigo giành giải Edogawa Rampo lần thứ 31 cho tác phẩm trinh thám hay nhất với tiểu thuyết Houkago (tạm dịch: Sau giờ học). Năm 1999, ông đoạt giải Mystery Writers of Japan với tiểu thuyết Bí mật của Naoko. Năm 2006, ông tiếp tục nhận giải Naoki lần thứ 134 cho Phía sau nghi can X. Trong năm 2006, Phía sau nghi can X cũng mang về cho Higashino Keigo giải Honkaku Mystery Award. Năm 2012, ông tiếp tục nhận giải thưởng văn nghệ Chuokoron lần thứ 7 cho tiểu thuyết Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya.




Các tác phẩm của Higashino Keigo có lối tiếp cận rất độc đáo, cuốn hút độc giả dõi theo từng chi tiết, từng nét chuyển biến dù là mong manh nhất trong tâm lí và tình cảm của các nhân vật. Không chỉ là những câu chuyện độc nhất vô nhị đầy ám ảnh, các tác phẩm của ông còn khiến độc giả suy nghĩ về những vấn đề phức tạp của xã hội và mối quan hệ giữa người với người. Rất nhiều trong số các tác phẩm của Higashino Keigo đã được chuyển thể thành phim và mang về cho nhà sản xuất những thành công rực rỡ về cả mặt thương mại cũng như tính nghệ thuật.

Cuốn Thánh giá rỗng (tên gốc: Utsuro na Jujika) bạn đang cầm trên tay là một trong những tác phẩm mới nhất của Higashino Keigo. Cuốn sách được ra mắt lần đầu tiên tại Nhật năm 2014 và nhanh chóng có mặt trong top 5 các tiểu thuyết trinh thám hay nhất do Shukan Bunshun bình chọn.

Sẽ thế nào nếu một người thân yêu của chúng ta ra đi vì “bị giết?” Liệu án tử hình là cần thiết hay không hề hiệu quả? Phạt tù là sự trừng phạt hay giải thoát những nỗi đau? Sinh mệnh của đứa trẻ còn chưa lọt lòng thuộc về ai? Ngay cả khi hiểu được động cơ của kẻ gây án, ngay cả khi hắn đã phải chịu án phạt tử hình, thì liệu ngày mà tất cả thực sự được cứu rỗi có đến? Có lẽ không chỉ những người thân xung quanh người bị hại, mà gia đình thủ phạm cũng chỉ là nạn nhân. Sau khi gấp lại những trang cuối cùng và ta buộc phải suy nghĩ về những chủ đề nặng nề như một con đường hầm không thấy ánh sáng như vậy, bạn chỉ có thể thốt lên rằng: Thật đúng là Higashino!




Skynovel

Iguchi Saori hầu như không nhớ gì về mẹ mình, khi cô bé bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh, bà đã không còn trên đời. Saori vẫn nhớ hồi mẫu giáo cô bé đã ghen tị với đám bạn như thế nào vì chúng có mẹ đến đón mà mình thì không. Đến lúc học tiểu học, cô bé mới hay mẹ đã mất năm mình 3 tuổi, và mãi lên lớp 5 cô bé mới biết bà mất vì bệnh u não khi chỉ vừa 31 xuân xanh. “Mẹ con nấu ăn rất ngon, lại vô cùng dịu dàng. Bà ấy vốn là người rất khỏe mạnh, lúc đó ba cũng không dám nghĩ mẹ con lại mắc bệnh đó”, Yosuke – ba của cô bé vẫn luôn nói về mẹ cô như vậy.Yosuke là kỹ sư làm việc tại một công ty chuyên về sản phẩm công nghiệp hóa chất. Trụ sở chính của công ty đặt ở Osaka, nhưng công xưởng Fuji, nơi anh làm việc lại nằm ngay ở thành phố Fuji gần đó, vì thế hàng ngày anh đi ô tô đến công xưởng.

Đến năm lớp 4, anh vẫn gửi Saori ở trường giáo dục trẻ em¹. Giờ trả học sinh của trường là 6 giờ 30 phút, nhưng ngày nào Yosuke cũng đến đón cô bé sát giờ trường đóng cửa. Mỗi ngày nhìn thấy mặt ba là cô bé lại an tâm phần nào.




____________________________

(1) Là một dạng trường dành cho trẻ em cấp 1 sau khi tan học nếu về nhà không có người bảo hộ thì sẽ tới đây cho đến khi có người nhà tới đónKhi Saori lên lớp 5, cô bé không đến trường giáo dục trẻ em nữa mà đi thẳng từ trường tiểu học về nhà. Cô bé không chán ghét việc ở nhà một mình, chỉ cần đọc sách, xem đĩa phim là thời gian sẽ mau trôi qua. Ở trường cô bé cũng có bạn, nhưng Saori vốn thích được ở một mình như vậy.

Cũng từ lúc đó, Yosuke về nhà muộn hơn. Trước đây, anh vẫn làm bữa sáng và bữa tối đều đặn, nhưng vì công việc càng ngày càng bận rộn, nên có những lúc anh mua cơm hộp ở cửa hàng tiện lợi để hai ba con ăn tối, cũng có những khi Saori một mình gọi pizza vừa ăn vừa đợi ba về.




Được một thời gian, Saori nhận ra mình nên tự nấu cơm. Một ngày nọ, Saori đi siêu thị mua thức ăn, rồi ghé qua thư viện mượn một quyển sách dạy nấu ăn. Bữa tối hôm đó cô bé đã làm món thịt hầm khoai tây, canh miso và cơm trắng. Hôm ấy, Yosuke hiếm hoi có một ngày về sớm, mắt anh ánh lên tia lấp lánh, miệng liên tục khen con gái “Saori giỏi quá!”. Và dù món thịt hầm thực ra hơi nhạt, canh miso cũng không thể nói là ngon, nhưng chỉ cần nghĩ mình đã giúp được ba cũng khiến cô bé cảm thấy vui vẻ.

Từ đó trở đi, Saori trở thành người chăm lo chuyện cơm nước trong gia đình. Không phải ngày nào cô bé cũng có thể nấu, vì thế có những lúc, trước khi Yosuke đi làm cô bé sẽ dặn ba rằng, “Ba, hôm nay ba ăn tối ở ngoài nhé. Con sẽ mua bánh kẹp ở cửa hàng tiện lợi ăn tối”.

Ngoài nấu cơm, Saori cũng dần dần làm cả việc dọn dẹp hay giặt giũ trong nhà. Cô bé không cảm thấy có gì khổ cực, ngược lại làm việc nhà còn khiến cô bé cảm thấy vui vẻ. Có lẽ Saori hợp với công việc nội trợ gia đình. Yosuke vẫn thường khen con mình đầy tự hào rằng, “Saori sau này sẽ trở thành cô con dâu tốt đây, ba cũng rất yên tâm”. Thế nhưng, sau câu khen đó, anh không quên nói thêm, “Nhưng ngoài việc nhà ra, Saori còn phải làm rất nhiều việc khác. Bây giờ điều quan trọng nhất là con phải học tập thật chăm chỉ, như thế sau này con mới được hạnh phúc. Việc nhà hay chuyện của ba, con xếp thứ hai cũng được”.

Nói như vậy, nhưng Yosuke cũng yên tâm khi con gái quán xuyến việc trong gia đình. Anh về nhà muộn hơn trước, có lẽ vì công việc trở nên bận bịu hơn. Thậm chí khi đã về đến nhà, anh vẫn nhận được những cuộc gọi liên quan đến công việc, số ngày lễ phải đi làm cũng tăng dần, các chuyến công tác qua đêm cũng trở nên thường xuyên.

Khi Saori lên cấp hai, cuộc sống ở nhà của Yosuke chỉ là về nhà để ngủ. Cũng vì thế, hai ba con hiếm khi có thể nhàn nhã ngồi nói chuyện với nhau.

Mời các bạn đón đọc Thánh Giá Rỗng của tác giả Higashino Keigo.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.