Bs. Nguyễn Văn Hưởng để lại một khối giấy, không biết bao nhiêu là tờ giấy nhỏ ghi lại những bài thuốc trị bệnh mà Người đã sưu tập từ sáu mươi năm qua.

Em trai của BS. Nguyễn Văn Hưởng là Ông Nguyễn Thừa Nghiệp đã sắp xếp những bài thuốc ấy theo vần ABC. Hễ có tờ nào thì đánh máy tờ ấy; có khi thì toa thuốc, có khi thì bàn sâu về bệnh lý, có khi thì tài liệu hội nghị, có khi thì bài giảng, có trang đọc được đầy đủ, có trang thiếu chữ hay chữ không rõ. Tóm lại đó chỉ là một khối tư liệu như một khối quặng. Người biên soạn lấy khối quặng ấy mà đãi lọc bằng cái rổ kiến thức nhỏ của mình nên chưa chắc đãi hết tinh hoa.

Phương pháp chọn lọc khi xem tài liệu này là:




1. Sắp xếp các toa thuốc theo chứng bệnh của các hệ thống cơ quan.

2. Chỉ ghi lại những toa thuốc rõ ràng và để lại những toa thuốc không rõ.

3. Công bố một phần tư liệu trên là những toa thuốc Đông y cổ truyền Việt Nam, còn lại để người sau tiếp tục tìm kiếm cho đầy đủ rõ ràng.




Trong khi biên soạn, người biên soạn học được nhiều điều hay:

1. Kinh nghiệm trị bệnh dân gian là một kho tang lớn. BS. Nguyễn Văn Hưởng đã chắt chiu từng kinh nghiệm, từ đó đã thu thập vô số toa thuốc.

2. Động lực thúc đẩy làm việc trên là tình thương và trách nhiệm; người nhận trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân: Người vì thương nước thương dân mà khiêm tốn lắng nghe, khiêm tốn học tập nhân dân để tìm cách trị bệnh cho dân. Người tin tưởng vào văn hóa ngàn năm của dân tộc nên yêu y học cổ truyền, y học dân gian.




3. Nơi đâu người tới dù là thành thị hay thôn quê, dù đồng bằng hay rừng núi, dù người Việt hay người của các dân tộc khác, tới đâu người cũng lắng nghe, lắng hỏi, lắng chép không thành kiến, không vội đánh giá hư thực, đúng sai.

4. BS. Nguyễn Văn Hưởng rất giỏi về y học bác học Tây và Đông y; người có trình độ và từng trải khoa học; nhưng người lại chú trọng đến kinh nghiệm thực tế, nhu cầu và khả năng thực tế của Nam y.

5. BS. Nguyễn Văn Hưởng đưa về một khối quặng trong đó có vàng, bạc, kim cương. Đời sau có nhiệm vụ chắt lọc để phát hiện ra vốn quí của nền Đông y cổ truyền.

Ban biên soạn chúng tôi đã nỗ lực trong sáu tháng để chắt chiu công trình sáu mươi năm của BS. Nguyễn Văn Hưởng. Quyển sách “Toa thuốc Đông y cổ truyền Việt Nam” được công bố sẽ gây một sự rung cảm, xúc động đầy thương yêu, đầy kính trọng về đức độ bình dị mà lớn lao của một nhà Y học Việt Nam. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *