Đến một thời điểm trong tương lai, trong mớ ký ức bạn có thể lưu giữ được bằng bộ não nhỏ bé của mình, một cách vô tình hay hữu ý, một chi tiết nào đó đóng vai trò rất quan trọng.
Tin là, trong một phút bất chợt hứng khởi nào đó, ai trong chúng ta cũng nảy ra ý viết nhật ký. Nhất là ở thời đại thông tin mạng ngày nay, việc chia sẻ qua blog cá nhân lại trở thành nhu cầu thiết yếu, mà đôi khi thiếu đi lại thấy ngứa ngáy, khó chịu.
Nhưng bạn có chỉn chu viết lại từng ngày sống của mình theo đúng trình tự sự việc và cảm xúc có được hay chưa? Và điều đó có thật cần thiết không?
TRƯỚC LÚC NGỦ SAY là câu chuyện kể về Christine Lucas, một bệnh nhân mất trí nhớ dạng hiếm – chỉ nhớ được những chuyện xảy ra với mình trong vòng một ngày trước khi trôi vào giấc ngủ say.
Sáng mai thức dậy, khi ngày hôm nay đã trở thành một mảnh quá khứ mất hút, cuộc sống với Christine bị co cụm lại thành cuộc sống của một sinh vật ngơ ngác, mỗi ngày thức dậy đều cần được bảo cho biết mình là ai, tại sao mình lại bị mất trí nhớ – mất đi hoàn toàn cả mấy chục năm quá khứ, tại sao tất cả những người chung quanh đều hiểu rõ về mình hơn chính bản thân mình…
Bi kịch làm sao nếu mỗi ngày thức dậy đều ngỡ mình chỉ mới hai mươi tuổi, nhưng tấm gương trong phòng tắm lại cho thấy hình ảnh của ai đó như là mẹ, là bà của chính mình…
Bi kịch làm sao khi biết rằng trong cuộc đời mình có cái gọi là hồi đó, trước đây, dẫu rằng trước cái gì thì chẳng nói được, có cái gọi là bây giờ, và chẳng có gì nối giữa hai điều đó trừ một khoảng rỗng lê thê,quạnh quẽ với những phiên bản quá khứ như những mảnh nhọn lởm chởm của ký ức, mà bất cứ lúc nào một trong những mảnh nhọn ấy cũng có thể xuyên toạc ra, ép kẻ mang nó chạy thốc qua nỗi đau…
Bi kịch hơn nữa khi nhận ra rằng: nhiều năm trước, ở thời điểm cần chồng mình nhiều nhất nhưng lại hiểu anh ấy ít nhất, chính bản thân mình đã tự khởi lên nguồn bi kịch…
Mời các bạn đón đọc Trước Lúc Ngủ Say của tác giả S. J. Watson.
Chia sẻ ý kiến của bạn